Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về  
Bao nhiêu năm thời gian xóa bao lời thề  
Người đi ngoài vạn lý quan san 
Người mong chồng còn đứng ôm con

(Hòn vọng phu 2)

Từ ngày đi Cali tham dự Đại Hội 7 về, hắn vẫn cứ bị choáng, đầu óc của hắn cứ luẩn quẩn mãi với những hình ảnh của bạn bè. Rồi hắn lại thấy tiếc sao thời gian gần nhau trôi qua nhanh quá. Có lần đang lau cái sàn nhà bếp, hắn cứ vô tình hát nhái theo lời của bài nhạc Hòn Vọng Phu: Lâu lâu lâu người ta mới họp một lần, họp một lần ta phải họp lâu lâu… Làm cho vợ hắn, đang ngồi trên bàn uống trà thưởng thức bánh trung thu, điên tiết lên: “Ông hát cái gì vậy? Bộ điên rồi hả?” Hắn giật mình, chối bay chối biến: “Anh đâu có hát gì đâu”. Xong hắn im, không dám hát nữa, nhưng vừa làm quần quật hắn vẫn vừa âm thầm nhớ nhung và tiếc nuối những ngày họp mặt bạn bè đã điếu vừa qua.
 
Mà đã thiệt chứ! Trong cuộc sống thường nhật của hắn tại cái thành phố Raleigh tỉnh lẻ đêm buồn này, thỉnh thoảng hắn cũng phải chường mặt ra tham dự các mối giao lưu xã hội khác, tỷ như các đám cưới hay buổi họp mặt các bạn lính tráng ngày xưa, có khi là đêm nhạc tối thứ bẩy của ông chủ chợ Việt Nam duy nhất ở đây tổ chức. Nhưng tất cả đều chán phè, tất cả đều nhuốm màu giả tạo, không làm sao có thể so sánh được với các buổi Đại Hội của dân Nông Lâm Súc bọn hắn.
 
Họp các bạn lính tráng thì toàn đàn ông, mặt ai cũng ra vẻ quan trọng theo cái kiểu “nước mất nhà tan, thất phu hữu trách”, mặt các ông ấy chỉ tươi lên được khi có ai đó chịu khó ngồi nghe mấy ông ấy “nổ lựu đạn” về dĩ vãng vàng son tưởng tượng của mình: Trung Sĩ thì nhảy phóc lên làm khi thì Trung úy, khi thì Đại úy (đã bị chứng bịnh quên mà còn hay nói dóc nó khổ vậy đó). Có ông còn bắn đại bác: “Hồi trước 75, có chuyện gì là tui lên gặp thẳng Tổng Thống”, làm như ông Thiệu suốt ngày ở không, chỉ ngồi chờ ổng tới. Đã thế khi họp còn phân biệt chiếu trên, chiếu dưới. Ông nào giàu có, nhà to xe đẹp thì ngồi ở bộ xa lông, còn nhà bé bằng cái lỗ mũi như hắn thì chịu khó ngồi ghế nhựa on sale 99 cents một cái. Ngồi không có chỗ dựa dễ mỏi lưng , cho nên lúc đứng lên chào cờ hắn cảm thấy khoan khoái dễ chịu lắm. Cái ông cầm cờ tên là Tịnh Lé (gớm sao cái dòng giống Lé như hắn đi đâu cũng bị mang tiếng) mặc nguyên bộ đồ rằn ri bỏ trong thùng, nhưng không đội nón, vì cái nón bê-rê mua từ Washington D.C. về, hôm gây lộn với vợ, vợ nó ngứa mắt vứt thẳng vào thùng rác rồi. Ông Tịnh Lé mặc đồ nhà binh nhưng ở dây nịt ông lại đeo một bên là cái phôn tay củ rỉn, vất đi cũng không ai nhặt, một bên ông đeo cái remote control mở cửa ga-ra lụm được ở đâu không biết, bởi vì ông ở apartment làm gì có ga-ra. Tới khi ông đại diện kêu “thượng kỳ” thì mắt ông Tịnh Lé lại cứ cắm xuống đất làm cho cử toạ hơi xôn xao, nhưng chỉ riêng hắn (bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn) biết là ông đang nhìn lên lá cờ với nét mặt trang trọng nhất. Riết rồi hắn chán, không muốn đi nữa, trốn họp liên tục. Hắn chỉ đi họp khi đến kỳ đóng tiền niên liễm, kẻo lại mang tiếng hà tiện mấy chục bạc với những người đồng quân ngũ với mình ngày xưa.
 
Đi đám cưới con cái mấy người quen biết lại càng chán hơn nữa. hắn đi như đi đóng hụi chết vậy. Gặp hôm nhà hàng nấu ngon thì còn an ủi tinh thần một chút, coi như gỡ lại vốn. Còn gặp hôm thức ăn dở thì coi như thua trắng tay. Hắn ngồi đó, cứng đơ và im lặng như một thằng tù con so, bên cạnh là bà cai ngục nghiêm và buồn. Hôm nay bà lại còn đeo thêm cái kính đen để dễ bề âm thầm quan sát hắn, thành ra hai vợ chồng hắn đi ăn đám cưới cũng giống như đi đám ma vậy, chẳng có gì gọi là vui, chỉ phảng phất nỗi buồn ám khí. Đã thế, đám cưới nào cũng giống đám cưới nào: cử tọa phần đông là lớp trẻ, bạn của cô dâu chú rể, không hiểu sao cứ nhất thiết phải hú réo, kích động lên khi bắt buộc được hai người phải hôn nhau, làm như một cú hôn là ghê gớm lắm vậy. Trong khi thật ra, có trường hợp, nếu nhìn kỹ thì cái bụng của cô dâu đã lùm lùm rồi, dù cô đã khéo léo lấy bó hoa che bớt đi.   Nhưng che sao được mà che khi mà chỉ hai ba tháng sau cô đã đi đẻ, có khi sinh đôi rồi, hôn với lại chả hôn.
 
Thỉnh thoảng, nể lời ông chủ chợ lắm, hắn cũng chịu khó vác xác đi dự đêm văn nghệ do chính ông và các thân hữu tổ chức, nhưng cũng chán phèo. Lôm côm lắm chứ không được như phần văn nghệ do các nàng dâu NLS tổ chức đâu. Ở mình còn có tập dượt, lên chương trình đàng hoàng, còn ở đây ai muốn lên hát thì lên, ban tổ chức chỉ chăm chăm việc bán cho thật nhiều bia và chả giò mà thôi. Có ông tên là Tấn Già, răng rụng lưa thưa, lần nào cũng lên hát, mà một khi ông đã cầm được cái micro rồi thì ông không nhả ra nữa, ông tử thủ, mãi cho đến khi cánh thanh niên chịu hết nổi, mất hết kiên nhẫn, bắt đầu xài tiếng Đan Mạch, có khi còn ném cả vỏ chai bia lên sân khấu, thì ông mới nói đôi lời cám ơn lòng ưu ái của quý vị khán thính giả và hầm hầm đi xuống quyết tâm truy tìm thủ phạm. Lâu lâu cũng có người ca được, như cái cô gì đó hắn không biết tên, mặc áo dài lụa tơ tằm, trông người thanh mảnh lắm, hát thì tạm gọi là nghe được đi. Nhưng lúc cô tạm ngừng hát giữa chừng để chờ ban nhạc đệm đàn, rảnh quá không biết làm gì, cô vừa đứng nhún nhún vừa xỉa răng bằng lưỡi. Hôm đó hắn ngồi ở cái bàn sát sân khấu, hắn thấy rõ cô xỉa ra được cục thịt chả giò, ngẫm nghĩ sao cô lại đưa vào miệng trở lại, nhai nhai và nuốt ực một cái trước khi cô vô theo nhịp: “Hôn anh một lần cuối, một lần cuối cùng thôi anh ơi”… Thú thật, hôm đó tí nữa thì hắn ói ngay tại chỗ, may sao hắn kềm lại được. 
 
Cho nên tổng kết lại hắn thấy chẳng nơi nào bằng được các cuộc họp mặt của bạn bè NLS của hắn. Bạn bè thời bây giờ phần lớn chỉ chơi qua loa được thôi, rất ít khi kiếm được bạn thân. Giống như cách Ngô Hữu Thành giải thích: “Tại vì hồi đó còn đi học, tụi mình chơi với bạn bằng trái tim, còn bây giờ, ra đời rồi, tụi mình chơi với bạn bằng lý trí”. Ngẫm ra cũng đúng. Thành con trông mặt hiền hiền vậy chứ khôn ra phết, chắc trong đầu nó có sạn. Hôm uống bia ngồi cạnh nó mới biết: mỗi lần nó quay qua quay lại, nghe rõ ràng tiếng lụp cụp, lụp cụp…
 
Thử hỏi chứ ở nơi nào mà những người chưa từng gặp mặt nhau bao giờ, chỉ cần biết là dân NLS thôi, tình thân sẽ nẩy nở ngay. Trìu mến, thân thiện, tin tưởng, không cân nhắc, không đắn đo, dò xét. Nhà chị Kim Nguyên hôm tiền đại hội, nhà của vợ chồng Đình+Hà hôm hậu đại hội, cả năm sáu chục người tự nhiên ra vô, tự nhiên ăn uống, đùa giỡn, giẫm nát nhà, vậy mà gia chủ vẫn cứ cùi cụi lo thức ăn, vẫn cứ tươi hơn hớn, vẫn sẵn sàng lập lại cuộc chơi trong những kỳ đại hội tới.
 
Thử hỏi chứ kiếm ở đâu ra những khuôn mặt bạn bè mà nhìn vào đó ta thấy tái hiện lên cả một khung trời niên thiếu, đầy hoa mộng của đời mình. Thí dụ như cứ nhìn thấy Nguyễn Hồng Sơn là hắn nhớ ngay tới “một đêm biết chuyện chúng mình yêu nhau, người bạn chiến đấu nằm bên nói rằng…” mà Nguyễn Hồng Sơn, trưởng lớp đệ ngũ B, trong lúc say mê Diệp Thị Như Hoa vẫn thường hát ầm lên trong Lưu xá. 
 
Cho nên không trách được hắn cứ mãi mê nghĩ về những ngày vui ngắn ngủi vừa qua. Hắn nghĩ tới Thầy Cô Phan Bá Sáu khóc cười theo vận nước nổi trôi, dù gặp chuyện vui hay buồn, vẫn một lòng chia sẻ và hướng dẫn đám học trò ngày xưa của mình trong công việc Hội. Hắn nghĩ tới anh Đặng Tấn Lung, hồi trên trường đẹp trai, bây giờ đẹp lão, xuề xòa và thân mật với mọi người, không phân biệt nam nữ. Hắn nghĩ tới Nguyễn Khắc Dũng, khi viết bài còn có bút hiệu là Hoàng Duy Liệu, cùng vào đệ ngũ với hắn, khi hắn rớt tú tài anh đi trung sĩ thì Khắc Dũng lên đường du học Nhật Bản, giờ trông vẫn đầy nét hào hoa. Hắn nghĩ tới anh Đoàn Thế Đạt ăn nói chậm rãi, chững chạc, lời nói cứ lăn vào lòng người. Hắn nghĩ tới anh Đinh Văn Lê bia bọt vui vẻ nhưng sẽ nộ khí xung thiên nếu Thầy Cô mình bị xúc phạm. Hắn nghĩ tới Thái Thị Tốt gặp lại bạn bè cũ thì phá phách um sùm, vậy chứ ai ngờ được là thường ngày vẫn lên chùa, mặc áo già lam, ngồi tụng kinh gõ mõ. Hắn nghĩ tới anh Vương Đình Ánh chơi thật thà, mở lòng ra với bạn. Hắn nghĩ tới anh Trần Danh Dự, khiêm tốn, cực kỳ tự trọng, không bao giờ thấy anh đua chen đứng chụp hình với các Thầy Cô hoặc các vị chức sắc khác của Hội. Anh chỉ hay ngồi một chỗ, chai bia trên tay, nói chuyện thân mật với tất cả bạn bè chung quanh. Hắn nghĩ tới chị Hương, vợ anh Nguyễn Văn Đạo, “trên khăn tang cô phụ còn long lánh dấu ái ân”, lái nguyên một xe truck bự, chở đầy thức ăn và các dụng cụ nấu ăn tới nhà chị Kim Nguyên, bạn bè phải chạy ùa ra phụ mang đồ xuống xe, anh Thạch còi (ở Seatle, chứ không phải anh Thạch còi ở San Jose) bất giác thốt lên: “Rồi lúc ở nhà làm sao bả chất lên được? Hắn nghĩ tới chị Trần Thị Sâm điệu rơi, điệu rụng, kỳ họp mặt nào cũng bái bai ông chồng hiền lành để xiêm áo ra đi, bay hết chiều ngang nước Mỹ để cười đùa cho bằng thích với các bạn đồng môn cũ, chừng nào chán mới về. Hắn nghĩ tới anh Tuấn, ít nói, áo quần xuề xòa, đi bên cạnh chị Quỳnh Hoa nói nhiều, ăn bận rất mô-đen. Anh không ngần ngại bất cứ công việc gì, từ đệm đàn trên sân khấu tới kê bàn ghế, dựng lều, anh làm tuốt. Hắn nghĩ tới một người anh NLS mà hắn chưa kịp biết tên, biết lớp, gặp hôm Hậu Đại Hội ở nhà anh chị Đình + Hà, người anh này râu tóc bạc hết rồi, đã từng về thăm Việt Nam bằng thú xe hai bánh, chạy suốt dọc dài từ Bắc chí Nam. Hôm đó hắn đang nghe anh nói chuyện về núi Yên Tử thì người bạn chè ba màu cùng đi với hắn bị đau bụng, hắn phải lật đật đưa về, không kịp chào từ giã và lấy số phôn của anh. Vậy nếu anh có tình cờ đọc được những giòng này, xin anh hãy email cho hắn, hắn rất mong (địa chỉ email ở cuối bài). Hắn nghĩ tới anh Vương Thế Đức cả đêm cặm cụi với bài vở Trang Nhà, kỳ này bận khách không đi được. Anh Nguyễn Hưng Thái cũng biệt tăm biệt tích, gọi phôn toàn nghe máy trả lời. Hắn nghĩ tới chị Châu Thị Nga, ít nhất cũng sáu sáu, sáu bảy rồi vẫn ngùn ngụt sức sống, vẫn nhảy đầm và làm thơ mặc cho “cơm áo không đùa với khách Thơ”. Hắn nghĩ tới chị Kim Anh thủ quỹ, trẻ mãi không già, âm thầm tốt với mọi người. Hắn nghĩ tới vợ chồng anh Lê Đình Bang ngồi phía sau nhà bếp tối quá phải bật đèn pin lên chiên bánh cam và chả giò cho bè bạn thưởng thức chơi. 
 
Hắn nhớ tới hôm đi thăm Nguyễn văn Đạo, lòng thổn thức hắn nhìn ánh nắng hắt bóng bạn bè lên bia mộ đề tên anh, hình như anh Đoàn Thế Đạt đọc một bài kinh ngắn, hình như chị Bùi Lợi và chị Loan (vợ anh Huỳnh Kim Thạch) đã đặt tay lên tấm bia đó thay cho lời giã biệt lúc ra về. Hắn nhớ tới buổi trưa đi tiễn đưa linh cữu thân mẫu chị Thanh Thảo (vợ anh Hồ Công Danh) về với lòng đất. Đó là lần đầu tiên trong đời tự tay hắn ném cành hoa vào trong huyệt mộ, còn trước đó hắn chỉ nghe nói hoặc thấy trong phim ảnh mà thôi. Hắn nhớ tới mấy bữa cơm tối chị Kim Anh, bà xã anh Ngô Hữu Thành khoản đãi. Cơm đúng nghĩa: canh chua, rau xào, tầu hủ chiên, hến xúc bánh tráng… Ai hát Ka-ra-o-ke thì hát, ai ngồi nói chuyện tiếu lâm thì ngồi, nhộn nhịp, thân tình và ấm cúng. Hắn nhớ tới bữa ăn trưa ở một nhà hàng seafood do chị Nguyễn Thị Thường mời, có Phan Tấn Phương vừa từ Úc qua, có cả anh Triều râu, một người ít nói, cười nhiều và không bỏ sót bất cứ một kỳ đại hội nào từ trước tới nay. Ăn xong hắn còn gặp được tận mắt ông xã chị Thường, cuộc gặp rất ngắn ngủi và cái việc không ngồi uống được chai bia với anh là một thất bại duy nhất trong toàn bộ chuyến đi Cali tham dự đại hội 7 của hắn.
 
Cứ thế, hắn cứ miên man suy nghĩ, từng khuôn mặt bạn bè, anh chị NLS lần lượt lướt qua trong trí hắn. Bất giác hắn lại hát lâu lâu lâu người ta mới họp một lần… Lại nghe tiếng vợ hắn quát: “Làm lẹ đi đặng ăn cơm cho người ta dọn”. Nhưng hắn đâu có muốn ăn cơm, cơm chiên Dương Châu hắn cũng không muốn ăn. Bây giờ sáu mươi mốt tuổi rồi, hắn đâm đổ đốn ra, hắn chỉ thèm ăn phở thôi…./.
 
Dương Phú Lộc
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.