Một ngày vào độ cuối năm 2011, trong cái ánh nắng vàng buồn lê thê của một buổi chiều sắp tắt có một thằng zà zà ngồi thờ thẫn trên cái bục xi măng dưới chân cây cột cờ nơi trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc xưa.
 
Lá cờ giờ không còn nữa, người ta đã thay vào đó mấy cái bóng đèn thấy mà ớn nhưng nó vẫn thích ngoan cố gọi là cái cột cờ, cả trăm bạn bè của nó đều như thế. Cảnh vật bên ngoài cho dẫu đổi thay nhưng mấy ai dễ xoá cái kỷ niệm thân thương trong lòng thời tuổi dại. Điếu thuốc cháy dở trên tay, nó ngồi im lìm bất động, thẫn thờ xem lại khúc phim câm một mình.
 
Đầu tiên nó thấy đoạn cuối con đường trước mặt, nơi mà đất nối với trời tạo thành một cái vạch ngang giữa cái màu xám của con đường và màu xanh xanh pha lẫn chút tím của bầu trời. Ở đó nó nhớ lại một thằng nhỏ tuổi mười mấy mới lên trường đang ngồi suy nghĩ về chuyện đi hết con đường thì chắc là sẽ đụng phải bức tường trời màu xanh lơ kia hay là trợt chân qua làn vạch màu tím thẫm té rơi hụt hẫng vô chốn thinh không vũ trụ chơi vơi làm cho cái cảm giác rờn rợn nơi sống lưng lại trở về. Nó bỗng dưng sợ hãi muốn dừng lại, không đi tiếp nữa vì nó sắp đi đến đoạn cuối con đường.
 
Ngày xưa mỗi lần ngồi ở đó nó đã thấy nhiều chuyện, gặp nhiều người, nghe kể nhiều chuyện lắm, bây giờ cho dù đã mấy mươi mùa lá rụng nó vẫn không quên, hay là chẳng bao giờ quên. Cái thuở ngồi cột cờ đón gió chiều đi.
 
Nó dường như thấy lại những tà áo dài bay phất phơ nhè nhẹ giăng ngang đường của cái băng Thất Nương với mấy chị Kỷ Niệm, Điệp, Thư…, lúc nào họ cũng đi chung một đoàn bảy chị choán cả con đường như là lính đi diễn hành. Mấy chị đi ngang, nó mắc cở cúi gầm mặt xuống không dám ngó nên bây giờ chẳng có nhớ mặt ai.
 
Khi ngẩng lên nó nhận ra cái dáng lè phè của thầy Định, áo bỏ trong quần, chân mang dép đi lơn tơn. “Triết” là cái gì nhỉ? Bây giờ nó cũng chẳng hiểu. Không biết ở nơi chốn xa xăm kia vào cái thời buổi mà nguời ta thản nhiên đem phô trương cái cọc cằn thô lỗ dựng lên cái bảng có chữ Bảo Lộc với cái lằn gạch chéo ngang kia để thay cho cái câu thành phố Bảo Lôc xin tạm biệt quí khách thì nền Triết học đi về đâu? Phải chi thầy Định lên mạng giảng cho một bài lần cuối.
 
Đứng dậy cúi đầu chào thầy xong chưa ngồi xuống nó thấy liền ngay cái lêu nghêu của băng người đẹp Thủ Thừa. Bao nhiêu năm trời học hỏi nó vẫn chưa tìm ra câu trả lời tại sao con gái miền Tây cao giò? Hỏng phải tại họ ăn nhiều cơm cá đâu, mấy đứa con gái nhà giàu ở Sài Gòn, Chợ Lớn ngày nào cũng nhét đầy thịt cá bơ sữa vô bụng mà cái cẳng cũng đâu có dài được bao nhiêu? Chắc là họ phải tắm sông lội rạch hằng ngày từ nhỏ, sợ cá đỉa chui vô nên lúc nào cũng phải cố rướn người lên cao khỏi mặt nước vì vậy mà cái cẳng dài ra theo thuyết Darwin như lời thầy Huyền dạy? Vậy sao thằng Út Lạc lùn tỉn? Sao nó không lòng khòng như Giao Bèo? Tự dưng nó mỉm cười khi nghĩ đến phải chi hồi đó chị Bùi Lợi đi học Nông Lâm Súc Cần Thơ?
 
Nó còn thấy cái chị có gương mặt đẹp lạnh lùng cùng mái tóc ngắn ôm ấp làn da mặt trắng xóa thả bước một mình, chị Bình thì phải. Lại cũng có một chị mặt đỏ hồng như mặt trời lặn đi vội về nhà thầy Xuân.
 
Có tiếng kiếng bể loảng xoảng, tiếng con gái la rú lên hốt hoảng, à thì ra thầy Vân vừa sút một cú thần sầu với 10 thành công lực, thầy Hoành chụp hụt, trái banh lọt vô ngay cửa sổ kiếng nhà D.
 
Về chiều người qua lại trên Hoàng Hoa Lộ mỗi lúc một nhiều hơn, hình như ai cũng đi ngang đây vào giờ này. Xa xa là 2 ông thầy Minh, Quang cùng 2 cô giáo đang nắm tay nhau dạo bước đường trần. Lần cuối cùng gặp lại thầy Quang là lúc thầy đang mặc áo trận ngồi trên xe GMC ở Dakao chờ giờ đi diễn hành ngày 1 tháng 11 năm 1971. Chạy mua cho thầy góí thuốc, ly cà phê, mang ra thì lại bị mấy ông quân cảnh đuổi đi. Chiếc xe lăn bánh. Buồn năm phút.
 
Hồi đó sau khi thầy Quang đi lính, nó theo thầy Mậu đi nông trại, vô vườn Canh Nông cuốc đất trồng đậu phọng da cá. Có ai biết thầy Mậu bây giờ ở đâu không? Cái ông Thầy hiền queo ôm ốm cao cao người Huế đó! Ổng đã dẫn nó đi ciné một tối Sài Gòn. Hai thầy trò chia nhau mấy điếu thuốc lá lẻ. Nếu có đi lính thì ráng lên Tướng nha mạy! Ổng dặn. Thầy ở nơi mô?
 
Trở lại cột cờ nó he hé mắt nhìn chị em Hồng Vân, Hồng Yến. Nó thích cái má đỏ hây hây và nụ cười tươi tắn trên gương mặt tròn xinh của Hồng Vân. Hồng Vân ơi, có còn nhớ chi đến một ngày đi dạo phố Tokyo trong bão tuyết với một thằng tóc dài phủ vai hay không?  Nó còn giữ được một tấm hình của nàng má đỏ môi hồng trên xứ Phù Tang ngày đó.
 
Lại có thêm 2 chị em nhà họ Kim lừng lẫy một thời, Kim Trâm, Kim Phượng đi với thi sĩ Kiều Loan. Trong hai nàng Kim này ai là người đã viết lên bàn của nó cái chữ The Monkey? Không chị thì em mà không em thì chị mà thôi. Trần thị Lài đã nói như thế. Ờ mà Trần Thị Lài giờ ở nơi đâu? Có còn siêng học như tui hay không?
 
Phải chi đừng ngại Kiều Loan đã có chồng con mà mạnh dạn đi thăm năm nào đó thì đã gặp lại bạn hiền lần cuối. Một chút gì khắc khoải lan man trong lòng như làn khói cây nhang. Bạn vui tiên cảnh ai sầu trần gian.
 
Từ văn phòng đi ra nó thấy thầy Sáu với hàm râu quai nón xanh xanh trong cái áo len cụt tay lúc nào trên tay cũng có mấy cuốn sách. Mời thầy về lại Bà Rịa Vũng Tàu, em với thằng Trọng sẽ mướn ghe đánh cá mà đưa thầy ra cửa biển nhậu một lần nữa như thầy ước mơ trong truyện. Dễ thôi thầy ơi, bây giờ không đi biển được nhiều, ghe đánh cá lớn nhỏ đủ loại nằm không, neo đầy bến trước nhà ba má em. Mà sao giờ thầy không để râu quai nón như xưa trông ngầu hơn?
 
Ngầu thì như cái dáng của anh Dương Bá Kim trong bộ đồ trắng toát như lính Hải quân cùng cái áo len màu đỏ thường hay đứng trước quán chị Tráng mà kêu lớn lên rằng:
 
- Em gì đó ơi!……! Kim mặc áo đỏ! Mỗi khi có một chị nào đi ngang trên đường lên Kinh tế.
 
Ồ! Cái con Chào chạy bàn ở quán bà Tráng giờ ra sao? Cha me nào mà kỳ quá hổng biết, tự dưng đặt tên con gái là Chào để cho nó phải đi bán quán lúc còn thơ. Dầu sao thì cũng hên cho em đó Chào ơi, nếu là thời bây giờ thì có thể người ta sẽ bắt em đi chào… hàng. Cầu mong cho em có một cuộc đời an nhàn và hạnh-phúc với chồng con ở một nơi nào đó trên quê huơng. Cám ơn em đã lén chị Tráng mà múc cho anh mấy cục thịt thiệt là bự, cho dù anh chỉ kêu có một tô nước chấm bánh mì! Hôm sau mượn tiền của Anh Thi định ghé qua cho lại em chút đỉnh thì giữa đường gặp tên Tố thượng, hai thằng đi ra phố nhậu suốt một đêm làm quên mất hai cục thịt nho nhỏ thân thương của em Chào.
 
Hổng biết đã trả nợ cho Anh Thi chưa ha? Nhiều năm sau nó vẫn cứ thắc mắc. Ôi, hiền lành dễ thương như cô nàng thì chắc là không bao giờ… đòi!
 
Anh Thi có nhớ gì về một chuyến xe đò Đà Lạt - Bảo Lộc trong kỳ nghỉ hè  năm đệ nhị? Tình cờ có một thằng nào leo lên ngồi kế bên.
 
Nó lại nghĩ không ai ngầu bằng cô Ngọc, giữa đêm khuya cô lái xe díp ra cột cờ đứng coi thằng Nha với Thành điên đang hì hục chém nhau bằng rựa kêu leng keng. Chắc là đêm đó cô nhỏ nhẹ khuyên bảo 2 tên học trò như vầy:
 
- Trời ơi! Sao lại đi thiến nhau bằng rựa? Đau chết!
 
Sợ quá, hai thằng vác rựa bỏ đi. Cô tui là Tổng giám canh ngầu.
 
Cả lớp mấy mươi đứa mà lần nào cô cũng kêu một mình nó lên trả bài. Phần lớn  trong tất cả tổng số những lần bị kêu lên bảng trả bài trong 5 năm học đều là giờ của cô Ngọc. Thiệt là trông mặt mà bắt hình dong! Cô đâu biết rằng nó thích Mục Súc lắm, thỉnh thoảng đêm đêm nó lần mò đi khảo sát chuồng gà với cây kềm trên tay. Bây giờ ở Mỹ, mỗi lần phải theo vợ đi chợ nhìn con gà cụt đầu cụt đít nằm tênh hênh trắng hếu nó muốn hỏi cô rằng làm sao biết gà trống mái hở cô? Hỏi vợ thì bả sừng sộ:
 
- Lúc nào cũng tầm bậy tầm bạ, nhìn thức ăn mà lại nghĩ chuyện đực cái.
 
Ơ hay cái chị này! Người ta là dân Nông Lâm Súc mờ! Có phải cả đời chỉ an phận với một loại gà cụt đầu khỏa thân như chị đâu?
 
 Đúng là dân “Gà mờ” made in USA. Thịt nhão nhoẹt trắng phêu!
 
Trong cái âm u của buổi chiều dần trôi nó thấy bóng ông "Du đãng văn phòng" tay xách cái ấm trà đang đi cà thọt từng bước sau lưng thầy Khuy ngang qua vườn Thủy Lâm trông cứ như những nhân vật trong chuyện phong thần. Cặp mắt kiếng của thầy Khuy thỉnh thoảng phản chiếu một vài ánh trắng lóe lên cái ánh lờ mờ trên lá cây làm tăng thêm vẻ gì ma quái.
 
Không biết bây giờ thầy Khuy có còn hay kể chuyện ngày xưa dẫn quân đi đánh một trận để đời ở một nơi nào đó nữa không ha?  Thầy tui cao lớn rắn chắc như thế mà chú Triều lại làm thơ ví thầy như Trịnh Công Sơn?  
 
“Không dám đâu!” Cỡ Trịnh Công Sơn thầy Khuy "để" cho một cái là bay tuốt luốt qua bên kia núi Đại Bình chết ngắc, hết du ca da… lộn xộn!
 
Mà kể chuyện chiến trận thì làm sao quên được thầy Châu Kim Lang trong giờ Sử với bao lần cả lớp đúng dậy vỗ tay. Nghe thầy giảng bài mà khoái chí tử như coi ciné tới lúc bên mình đại thắng. Còn nhớ khi xin thầy ký vô cái học bạ để nộp đơn đi du học thầy có dặn rằng:
 
- Anh đi qua bển nhớ biên thư cho tui nghe!
 
Thầy ơi, dạ thưa em nhớ nhưng mà mấy mấy năm đầu xứ lạ ham chơi chưa học được chuyện gì hay sợ viết thư bị thầy hỏi không biết trả lời ra sao nên em giả bộ quên. Đến khi có được tấm bằng cùng cái đai nhớ đến thầy thì đất trời nổi cơn gió chướng. 
 
Đang thơ thẩn thì từ phía cổng trước một chiếc xe Huê kỳ to lớn màu đen thui từ từ hiện ra, chậm rãi lướt đến êm ru theo làn sương đêm mờ mờ làm thằng Chánh già nãy giờ đến ngồi im lặng kế bên bỗng dưng níu lấy vai nó kêu lên ú ớ, mặt mày xanh lét run như cầy xấy. Bực mình vì bị làm mất hứng nó quay lại hỏi:
 
- Gì mày?
 
Tên Chánh già tay run run chỉ, miệng thì thào không ra hơi:
 
- Xe … không …..Không người lái!
 
Khắc Dũng HDL 
CN 71