
Tội đã đi giữa Hà Nội.
Giữa Hà Nội những cơn mưa lất phất
Đường mùa Đông nước nhọn tựa dao găm.
(không biết tên tác giả)
Cách đây khá lâu, trong một chuyến về Việt Nam, hắn đã có dịp ra thăm Hà Nội, vốn được mang tiếng là mảnh đất của ngàn năm văn vật, vẫn thường là chủ đề của đủ các loại âm nhạc và thi ca triền miên mà cái đầu óc mụ mị của hắn không làm sao nhớ hết được.
Hắn không chọn loại hình đi tour, bởi vì nếu đi theo tour thì thế nào cũng phải ghé những chỗ mà hắn không thích, những chỗ mà hắn kỵ. Thí dụ như đi thăm lăng bác hay bảo tàng cách mạng gì đó… Cho nên hắn cùng mấy người anh em, toàn đực rựa cả, quyết định mua vé máy bay đi tự túc. Xe hơi thì đặt thuê trước, tài xế lại là người quen biết với thằng em hắn, cho nên chỉ cần cú phôn cho biết giờ giấc máy bay hạ cánh.
Người tài xế đón bọn hắn tại phi trường Nội Bài là một trung niên, tướng cao lớn dềnh dàng, khuôn mặt bặm trợn. Hắn không biết tên thật của anh ta. Thấy em hắn gọi anh ta là Lổ Trí Thâm thì hắn cũng cứ thế mà Lổ Trí Thâm. Vừa xếp hành lý vào xe, Lổ Trí Thâm vừa nói hết sức bâng quơ: “Các bác đi với em thì yên tâm, bọn đểu ở Hà Nội nhẵn mặt em cả.”
Nhưng xe chưa về Hà Nội ngay, bởi vì theo chương trình bọn hắn sẽ ghé Phúc Yên trước đã. Đó là nơi hắn được sanh đẻ ra, căn nhà thờ Tổ ở đó vẫn bao năm được duy trì bởi ông chú hắn, người chú hắn chưa biết mặt bao giờ nhưng tình cảm thì đã chứa chan rồi. Bởi trước ngày đi ông hỏi: “thích ăn gì chú làm.” Hắn bảo: “Cháu đang thèm tiết canh vịt.” Ông chú nói: “Sẽ có tiết canh vịt.”
Càng về gần đến quê, đường càng xấu. Gồ ghề và bụi bặm. Cảnh quan hai bên đường thì buồn tẻ, thê lương. Những mảnh ruộng vụn vặt chen lẫn những căn nhà lá, lâu lắm mới thấy được một mái nhà ngói đỏ. Ông anh hắn bảo: “mày nhìn những người làm ruộng xem có thấy ai là đàn ông không?” Hắn căng mắt ra nhìn. Quả thật chỉ toàn đàn bà đang làm quần quật dưới ánh nắng chói chang, xe chạy qua bao nhiêu cây số mà hắn không tìm ra được một người đàn ông nào trong những đám ruộng dọc hai bên đường. Anh hắn cười tủm tỉm: “Ở đây đàn bà là lao động chính, còn các bố thì chỉ đi ăn, đi họp, nói phét là chủ yếu.”
Chú Được cùng một số bà con ra đón tụi hắn ở đầu làng. Trẻ con bu đầy chung quanh. Rất là trịnh trọng, chú Được bước tới trước bắt tay từng người, khuôn mặt của chú trông khắc khổ nhưng vẫn không giấu được vẻ hảnh diện vì có khách từ trong miền Nam ra chơi. Chú bảo: “Vào nhà chú uống chén rượu nhạt.”
Đường vào nhà chú quanh co, mặt đường nhỏ hẹp phủ đầy rơm và các bãi phân trâu, đi mắt cứ phải nhìn xuống đất. Trong nhà, ngay trên nền xi-măng ở gian giữa (nhà xây theo kiểu ba gian hai chái) có trải hai cái chiếu cũ ơi là cũ. Trên mặt chiếu đã dọn sẳn hai mâm cỗ gồm tiết canh, thịt vịt luộc, tô nước dùng có bỏ ít cọng hành lá đập dập, chén đậu phộng rang và vài xị rượu. Thức ăn đơn sơ nhưng vịt được chặt rất khéo, một con phân làm hai đĩa, mỗi đĩa nửa con, tròn vành vạnh, nhìn vào thấy không mất đi đâu một miếng da. Ngồi vào hai mâm cỗ chỉ toàn là đàn ông. Mâm cho bọn hắn và các chú vai vế lớn, mâm kia cho cánh thanh niên. Phụ nữ lớn bé trong họ đồng loạt biến mất, kể cả bác Cả gái và vợ chú Được cũng không thấy đâu. Ấy nhưng mà trên mâm vừa hết cái gì đó như chanh, ớt, nước mắm..v.v. là có phụ nữ mang ra tiếp tế ngay, không cần phải kêu một tiếng, cứ như thể là các bà ấy ngồi đâu ở dưới bếp và đang chăm chú theo dõi bọn hắn ăn qua các máy camera thu hình, cài đặt lén dưới mái ngói hay trên nóc những cây cột kèo đã cùng nhau nghiêng hẳn về một phía dưới sức nặng vô hình của thời gian. Đã có lúc hắn phân vân: “Sao chú không mời bác Cả gái và thím ra ngồi ăn cho vui?” Chú Được phẩy tay: “Các bà ấy ăn sau.” Anh hắn lại mỉm cười: “Chuyện này không bao giờ xảy ra, mày đừng hy vọng vô ích.”
Hắn cảm thấy xót xa cho thân phận phụ nữ vùng quê. Chính quyền thì chỉ giỏi cái mồm, hết kẻ khẩu hiệu giải phóng phụ nữ, lại bày đặt ra ngày phụ nữ mùng tám tháng ba, vậy mà thảm cảnh chồng chúa vợ tôi vẫn kéo dài hoài, không biết bao giờ mới dứt. Ở Mỹ không có khẩu hiệu hay tuyên truyền gì hết nhưng anh thử bợp tai vợ anh một cái coi, cảnh sát tới còng tay anh ngay tại chỗ.
Trong lúc trò chuyện, bọn hắn lại nhận ra thiếu mất thằng Tường, con út của chú Được. Chú bảo: “Nó mù dở, ngồi đây không tiện, để chốc nó ăn dưới bếp với các bà ấy.” Hắn buột miệng: “Em Tường mù sao ạ?” Khuôn mặt chú Được nhăn nhúm lên những nét đau khổ tận cùng: “Nó bị đau mắt, đi bịnh viện mãi không khỏi, chú phải mang lên tận Hà Nội, bác sĩ bảo phải mổ nếu không thì mù, nhưng chú làm gì có tiền, đành phải mang về nhà thôi, bây giờ nó chỉ còn thấy mờ mờ.” Ông anh hắn, cán bộ biên tập cho tờ Saigon Times, đặt ly rượu xuống mâm: “Chú bảo đứa nào dẫn thằng Tường lên đây ngay cho cháu. Uống rượu xong, nếu chú cho phép, nó sẽ đi luôn với bọn cháu. Cháu sẽ mang nó vào Saigon chữa trị, chừng nào tình hình khả quan rồi, cháu đem trả lại cho chú là được chứ gì?” Chú Được cười gằn: “Nếu nó được vào trong Nam thì còn gì bằng. Chú chỉ e gấp quá các cháu có mua vé máy bay kịp cho nó không?” Thằng em hắn, cả đời làm Phó Giám Đốc tài chánh cho bao nhiêu là công ty, công ty nào rốt cuộc cũng xập tiệm, nói chắc giọng: “Chuyện này dể, cháu chỉ a-lô một tiếng.” Thím Được đưa thằng Tường lên. Thằng Tường người xanh lả lướt như tàu lá chuối, mò mẫm ngồi vào mâm. Thím Được khóc: “Chú thím đội ơn các cháu. Bao nhiêu năm nay thím có muốn sống nữa đâu.”
Cơm rượu xong bọn hắn ra xe, có cả thằng Tường ôm theo một bị cói đựng quần áo. Lổ Trí Thâm vừa thu lại mấy cái nùi giẻ từ tay bọn trẻ nhà quê vừa nói oang oang: “Đã nhậu xong rồi à, nhanh thế? Em cho bọn này lên ngồi lên xe chơi, đổi lại tụi nó phải lau xe cho em đây, mấy ông tướng thích lắm!”
Tối hôm đó bọn hắn ngủ lại tại một hotel ở thành phố Việt Trì. Lổ Trí Thâm hỏi: “Các bác có thích gái gú gì không thì bảo em.” Hắn và ông anh hắn bỏ phiếu không, còn thằng em hắn nói: “Ông coi kiếm được em nào vui tánh một tí thì mang về đây sờ đầu sờ đít thằng này cho nó biết hương vị đàn bà, nhưng đừng phá trinh nó.” Lổ Trí Thâm nhìn thằng Tường chăm chăm: “Chỉ sờ đầu sờ đít thôi à?” Em hắn bảo: “Ừ.” Thằng Tường co người lại: “Em xin các anh.”
oOo
Và Hà Nội đã hiện ra trước mắt.
Ngay khi xe vừa chạy qua cầu Thăng Long, chứng nhân lịch sử của một chính sách đối ngoại tráo trở, (khi thân Trung Quốc chống bọn xét lại Liên Xô, khi chạy theo Liên Xô chống bè lũ bành trướng Bắc Kinh) của nhà cầm quyền hiện nay, tâm hồn hắn đã choáng ngợp cảm giác như đang tìm về lối cũ đường xưa, trong khi thật ra, hắn chưa bao giờ ở Hà Nội một ngày nào cả. Từ trước tới giờ hắn chỉ biết Hà Nội qua các trang sách báo, những bài thơ, bài nhạc, cộng với trí tưởng tượng càng ngày càng mòn vẹt đi của hắn.
Dưới kia là sông Hồng. Hắn căng mắt ra nhìn. Đâu có “cuồn cuộn nước phù sa” như trong văn thơ hay nói. Nước chảy bình thường, trơ ra hai bên bờ là những doi đất, trên đó có những mái lều xơ xác, thấp thoáng có vài bóng dáng người đang ngồi chồm hổm bất động…
Xe chạy qua phố thịt chó Nhật Tân, phải nói là làng thịt chó thì đúng hơn, bao nhiêu là hàng quán, người đông ngìn ngịt, ăn độc món thịt chó. Nhìn thấy bảng quảng cáo viết tay: “15.000$ đảm bảo no và say.” Hắn nhẩm tính ra đồng đô-la: Chỉ có một đô-la, được bảo đảm no và say, kinh thật.
Bỏ hành lý tại khách sạn Hoàng Minh, số 53 phố Hàng Bún, bọn hắn thả bộ ra đường để cho hắn được thoả thích hít thở không khí Hà Nội vào tận hai buồng phổi. Thành phố Hà Nội đẹp thật. Sau bao nhiêu thăng trầm dâu bể, sau bao nhiêu oán hờn lịch sử, sau bao nhiêu tham vọng của con người, Hà Nội dù có bát nháo, lộn xộn nhưng nói chung, Hà Nội vẫn giữ được nét cổ kính và thâm trầm của nó.
Kia là Hồ Gươm với mấy câu thơ bất hủ của Nguyễn Duy:
Hồ Gươm xanh màu xanh cổ tích
Con rùa vàng gửi bóng ở trên mây
Cây si mọc chúc cành xuống nước
Thê Húc cong cong một nét lông mày
Tài tình thay, cây cầu Thê Húc một nhịp dẫn vào đền Ngọc Sơn dưới cái nhìn của con người thơ tài hoa đã biến thành một nét kẻ lông mày… Hắn đã đứng lặng người đi để nhìn cái nét kẻ lông mày nửa hư, nửa thực đó.
Buổi chiều, ngồi uống bia ven Hồ Tây, mặt nước chập chùng những rác và bao ni-lông. Nhìn mặt trời sắp lặn qua vành ly, hắn nhớ tới những nốt nhạc phân vân của nhạc sĩ Phú Quang trong bài “Em ơi, Hà Nội phố” : Chiều Hồ Tây lao xao hoài cơn sóng, chợt hoàng hôn về tự bao giờ….”
Buổi tối, bọn hắn lang thang trên đường “Thanh niên”, hồi xưa là đường Cổ Ngư. Hoa Sứa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp, đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về… Một bên là Hồ Trúc Bạch, một bên là Hồ Tây, theo hắn, có lẽ đây là một trong những con đường đẹp nhất của Hà Nội, nếu không nói là đẹp nhất nước.
Đã đến đây rồi thì không thể không ăn món bánh tôm. Cửa hàng “Bánh Tôm Hồ Tây” bề thế, nằm ngay ở vị trí đắc địa, bây giờ không biết thế nào, nhưng thời gian bọn hắn tới thì vẫn còn là doanh nghiệp nhà nước, cho nên các nhân viện ở đó vẫn coi khách hàng như là những kẻ tới làm phiền họ. Nhân viên chạy bàn ném những chiếc đũa lên bàn như phóng phi tiêu, cô bé cửa hàng trưởng người gầy đét, nhăn mặt khó chịu khi thấy bọn hắn ăn nhiều quá và gọi bia nhiều quá.
Rồi trưa hôm sau đi ăn chả cá Lã Vọng ở phố Lã Vọng. Cái tiệm ăn nhỏ bé và thiếu ánh sáng này đã từng được ân cần nhắc tới bởi rất nhiều cây bút gạo cội của nền Văn Học Việt Nam thời đương đại. Hắn không nhớ trong số những Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Phùng Quán, Nguyên Hồng… ai là người đã viết ra cái chi tiết về các bậc thang bằng gổ của tiệm đã mòn vẹt đi vì bước chân của bao nhiêu khách hàng trải qua hết thập kỷ này tới thập kỷ khác.
Được tận mắt nhìn thấy những bậc thang mang đầy dấu ấn của thời gian này, hắn thổn thức cảm động trong lòng, nhưng dù có cảm động đến thế nào đi nữa hắn cũng vẫn nhận ra thức ăn thì quá dở. Những miếng cá nạc, cắt vuông vức, chiên ngập dầu, ăn cùng với tý bún, tý thìa là, vài hạt đậu phộng rang, chấm hết. Phải ở trong Nam thì thế nào người ta cũng ăn kèm với đủ các loại xà-lách, rau thơm cho đở ngán, còn ở đây, không có rau, ăn vài miếng đã ngán lên tới cổ. Văn học thì văn học chứ hắn cũng không thể nào ăn lại món này một lần thứ hai.
Nhưng bún chả Hà Nội thì bọn hắn ăn tới hai lần.
Lần thứ nhất ăn ở trong một hẻm nhỏ, bàn bằng nhựa và các ghế đẩu cũng bằng nhựa bày dọc theo con hẻm. Thức ăn cực ngon nhưng ngồi ăn hắn không yên tâm, chỉ sợ mấy người đi xe đạp ngang qua không khéo sẽ thúc bàn đạp vào ngay lưng mình, may quá Lổ Trí Thâm bưng tô bún đứng dậy đề nghị đổi chỗ: “Bác vào ngồi trong này! Nhìn bác cứ như thế em ăn mất cả ngon.”
Lần thứ hai thì vào một nhà hàng sang trọng do thằng em hắn sưu tầm được địa chỉ từ các “quan tham” trong Sài Gòn. Máy lạnh, khăn trải bàn trắng tinh. Người phục vụ là một cô bắc kỳ nho nhỏ, má đỏ môi hồng, mặc áo tứ thân diêm dúa, cứ chạy tung tăng quanh bàn không biết để làm gì. Chỉ đến khi bill tính tiền được cô bé tứ thân chân dài đưa ra cho thằng em hắn, hắn mới biết công dụng của cô bé: Tiền ăn và bia bọt một triệu, tiền phí phục vụ một triệu hai. Hắn thầm thì hỏi em hắn: “Phí phục vụ gì vậy?” Em hắn bảo: “Thì hồi nãy mình hỏi chuyện em bé này nọ, em mất công trả lời và phải quy thành tiền chứ sao.” Hắn bảo: “Thế thì quá ở Mỹ”, em hắn cười: “Mỹ sao bằng Việt Nam.” Lổ Trí Thâm nhìn thằng em hắn, cười khà khà: “Em phục bác.”
Trong mấy ngày ở đây, sáng nào hắn cũng dậy thật sớm, đi bộ loanh quanh các con phố gần khách sạn, hắn cố ý tìm hiểu xem Hà Nội buổi sáng sớm như thế nào. Hắn thấy rõ ràng là trầm lặng hơn ở Sài Gòn. Ít có các quán cà phê, nhưng lại có nhiều quán bán nước chè nóng. Quán nào quán nấy đều rất giống nhau ở cái chỗ đơn sơ: Vài cái ghế đẩu tự đóng bằng gổ thông, hàng bán thì chỉ có ấm chè, mấy chai nước suối, một keo thủy tinh lớn đựng quả sấu dầm, vài phong kẹo lạc, thế thôi. Điều đáng ngạc nhiên là phần lớn những người bán hàng lại cũng giống nhau: Đều là các bà cụ đã cao tuổi lắm rồi, không biết sẽ lăn ra chết bất cứ lúc nào, giá như ở trong Nam thì đã được con cháu nuôi nấng tử tế, suốt ngày nằm trùm mền ngủ, lâu lâu thò đầu ra hỏi: “Có cơm chưa bây?” Còn ở đây, thấm nhuần tư tưởng lao động là vinh quang, các cụ được đưa ra vệ đường ngồi ngủ gà ngủ gật, quyết tâm phục kích khách vãng lai bằng cái cần câu cơm khiêm tốn của mình.
Thức ăn sáng của Hà Nội cũng đa dạng, nhưng chủ yếu vẫn là phở. Mà nói tới phở hắn lại nhớ tới lời khuyên của các bạn hắn: “Ở Hà Nội đi ăn ở các tiệm dở thì không sao, còn đi ăn ở các tiệm ngon thì sẽ bị chửi.” Thậm chí hắn còn nhớ câu chuyện đọc được trên net : Khách hàng hỏi bà chủ nên đậu xe ở đâu. Bà chủ đang thái thịt, chỉa con dao lên trời: “Đậu trên nóc nhà này này.” Hay chuyện khách hàng hỏi xin rau thơm, ông chủ đốp chát ngay: “Đây không có rau, muốn ăn thì tự giồng lấy mà ăn.” Ở nhà hắn bị vợ chửi nhiều rồi, bây giờ đi du lịch, hắn không muốn bị ai chửi nữa. Hắn đem cái phân vân này ra nói với bọn anh em hắn, Lổ Trí Thâm bảo: “Không sao hết, em bảo đảm, chửi thì tụi nó cũng phải nhìn mặt mà chửi chứ.” Thế là cả bọn kéo nhau đi thưởng thức phở chửi Hà Nội.
Cũng chẳng ngon lành gì. Thua phở Sài Gòn xa lắc. Thua cả mấy tiệm phở ở Cali hoặc ở Washington D.C. mà thỉnh thoảng hắn có dịp vào ăn. Đâu rồi cái hương vị phở trong tùy bút “Phở” của Nguyễn Tuân? Hay tại hắn đã quen với khẩu vị phở trong Nam rồi nên không còn cảm nhận được cái ngon của bát phở Hà Nội?....
Máy bay rời phi trường Nội Bài (được thiết kế và xây cất theo hình một con Hạc cách điệu), hắn giả từ Hà Nội lòng rất dửng dưng. Không một chút luyến nhớ. Hà Nội không phải là quê hương của hắn. Quê hương thực tế của hắn ở bên kia quả địa cầu cơ, ở đó không có chùm khế ngọt nào hết, nhưng có cái giường ngủ và cái cầu tiêu rất đỗi thân thiện với hắn, mà hể cứ đi xa một tý là hắn lại chạnh lòng nhớ da diết…./.
Dương Phú Lộc
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.