altĐêm đã khuya, tôi mơ màng sắp chìm vào giấc ngủ chợt nghe tiếng Bíp Bip tín hiệu báo điện thoại di động có tin nhắn. Tôi hết sức ngạc nhiên, ai mà nhắn tin gì vào giờ nầy, chẳng lẽ lại là những tin quảng cáo vớ vẩn. Tôi choàng dậy, không thèm lấy cặp kính lão, cứ thế mở máy ra xem, trên màn hình hiện lờ mờ dòng chữ: “Số điện thoại của Lý Tư Khổng là 050…”.  Thoạt tiên tôi chẳng hiểu gì cả, rồi bỗng chợt nhớ đến bài viết Nghĩa Tình NLS mới đăng trên Trang Nhà tối nay, trong đó tôi có nhắc đến tên Lý Tư Khổng là bạn cùng lớp MS71 từ lâu không biết tin. Chẳng lẽ…có lý nào? Hay là có tên NLS nào trêu mình đây. Dù sao thì cũng khuya rồi, cứ ngủ mai dậy sẽ hay.

Buổi sáng như thường lệ tôi dậy sớm đi chơi đánh cầu lông nên quên mất cái tin nhắn tối qua. Trưa về, đang loay hoay nấu cơm thì điện thoại di động reo. Tiếng của Ngọc Lan (NLS Bình Dương) vui vẻ hỏi tôi đã nhận được số đt của anh Lý Tư Khổng chưa? Thì ra là tối qua Ngọc Lan nhắn tin cho tôi. Tôi xin lỗi vì khuya quá không tiện hồi đáp  cám ơn. Tôi hỏi sao Ngọc Lan biết tôi muốn tìm bạn Lý Tư Khổng.  Ngọc Lan nói có người bạn học NLS Bình Dương, tình cờ đọc bài viết của tôi trên trang nhà nlsbaloc.net mà anh ấy biết số đt của anh Khổng nên nhờ Ngọc Lan nhắn tin cho tôi. Tôi hỏi: Ai vậy? Ngọc Lan cười không nói. Tôi thật muốn biết người bạn NLS Bình Dương mà là khách của nlsbaoloc.net lại quan tâm đến bài viết của tôi và hơn hết còn là bạn của bạn tôi. Dù anh là ai cũng xin nhận lời cám ơn chân thành của tôi. Ngọc Lan cúp máy là tôi gọi ngay số được cho. Tiếng cô tổng đài viên thánh thót: “số máy nầy không có thực, xin vui lòng…”.  Không nản lòng tôi gọi lại cho Ngọc Lan.  Ngọc Lan sốt sắn bảo tôi chờ một chút, và chỉ một chút sau Ngọc Lan gọi lại cho tôi một con số cũng gần giống con số trước. Một lần nửa cám ơn Ngọc Lan nhiều nha, có như vầy mới thấy được tình đoàn kết gắn bó giữa NLS Bình Dương và Bảo Lộc thật đáng trân trọng. Tôi lại bấm máy gọi. Tiếng chuông bên kia đầu dây làm tôi yên tâm, có tiếng phụ nử: Alo! xin lổi có phải số máy của anh Lý Tư Khổng? – Dạ phải, xin cho gặp anh Khổng. Tôi là bạn học NLS Bảo Lộc.

 
Tôi chờ máy trong tâm trạng hồi hộp. Ngày xưa học cùng lớp, làm thực hành nông trại cùng một toán nhưng tôi không thân với Khổng. Cả nhóm con gái bọn tôi cũng không có ai thích cái tính gàn gàn bướng bướng của Khổng. Học trong lớp thì không bao giờ nói chuyện với con gái; đi thực hành nông trại cũng không chịu nhận làm chung đề tài với con gái. Có lần Khổng phát biểu quan niệm “Nam nử thọ thọ bất thân”. Vì vậy mỗi lần thoáng thấy bóng Khổng ở chuồng heo, chuồng gà, hay chuồng thỏ là tụi tôi lớn tiếng ngâm nga 2 câu thơ Lục Vân Tiên: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra, nàng là phận gái ta là phận trai”. Chẳng biết hồi đó Khổng nghĩ gì? Lúc nào cũng thấy bạn lầm lũi một mình.  Khổng học trung bình, được cái tính cần cù siêng năng chăm chỉ nên điểm môn thực hành nông trại luôn rất cao. Đặc biệt hơn, Khổng là cầu thủ xuất sắc của lớp tụi tôi , có thể nói là ngang ngửa với Thành Mát bên lớp Thủy Lâm. Mổi lần có trận đấu giao hữu trong sân banh nhà trường nhóm con gái tụi tôi luôn ủng hộ, khi thì sô đá chanh mát lạnh, khi thì nồi chè đậu xanh bốc khói, những lúc đó Khổng cũng vẫn lầm lủi ngồi riêng một góc. Khổng là vậy đó!
 
Hơn 40 năm rồi, bây giờ bạn tôi ra sao? Tiếng người đàn ông trong máy dè dặt: Alô. Tôi xưng tên, trường, lớp và hỏi Khổng có nhớ. Có lẽ quá bất ngờ nên Khổng thoáng bối rối. Tôi nghe Khổng nói nhớ nhưng không biết bạn có nhớ thật không. Khổng hỏi sao tôi biết số điện thoại của Khổng, tôi lại kể về bài viết.  Khổng nghĩ người cho tôi số đt là anh Châu NLS Bình Dương cùng học khóa sư phạm NLS với Khổng (không biết có đúng không anh Châu?). Vì Khổng rất ít giao du với bạn bè nên không có mấy người biết Khổng. Tôi nói mục đích cuộc gọi là tìm thăm bạn cũ và cho Khổng biết tin về bệnh tình của Thầy Nguyễn Khánh Kim. Khổng tỏ vẻ ray rức khi hay tin Thầy bệnh nặng mà không thể về thăm được. Khổng hiện đang ở Ban Mê Thuộc. Khổng hỏi thăm tôi tin tức của những người bạn mà Khổng nhớ: Trần Châu Hoành, Lương văn Minh, Đặng thị Hương, Nguyễn thị Nga…thì ra Khổng cũng còn nhớ nhiều đó chứ. Khổng nói lúc đi dạy ở trường T.H NLS Đắc Lắc có gặp anh Nguyễn Văn Y, TL68, anh Tống Kim Miêng MS67. Khổng cũng biết tin anh Y đã mất và anh Miêng đang định cư ở Mỹ. Khổng nói cũng có biết tin hằng năm có buổi họp truyền thống NLS Baoloc tại Saigon nhưng Khổng chưa một lần về dự và Khổng cũng không có liên lạc được với bạn bè nào, và tôi là người bạn đầu tiên tìm được Khổng. Là người giữ nhiệm vụ liên lạc với bạn bè NLS, mỗi lần tìm liên lạc được với một người bạn là một niềm vui lớn đối với tôi.
 
Tôi nhớ năm 2010, tôi cũng tìm được Trần Châu Hoành. Đúng ra là Hoành tìm tôi. Lần đó Hoành tình cờ phát hiện Trang Nhà.net và đọc thấy tên tôi.  Hoành điện thư cho tôi hỏi xem tôi có đúng là bạn của Hoành không? Lúc đó tôi đang ở Cali, tôi mail cho Hoành số đt của tôi và từ San Jose bạn xuống Santa Ana gặp tôi và Thái thị Tốt sau đó đến dự tiệc hậu Đại Hộ tại nhà Nguyễn văn Đạo rất vui. Càng nghĩ, tôi càng thấy Trang Nhà.net thật tuyệt vời. Nhờ sinh hoạt của Trang Nhà mà chúng ta đã tìm lại được biết bao cánh chim lạc đàn.
 
Hỏi bây giờ Khổng làm gì? Bạn nói làm nghề nuôi ong. Có vợ và 4 con gái, và cũng đã có cháu ngoại rồi. Khổng cũng lịch sự hỏi thăm gia cảnh tôi, nhớ ngày xưa Khổng đâu có ân cần như vậy. Thôi tìm được bạn là vui rồi, hẹn lần sau gọi lại sẽ nói chuyện nhiều hơn.
 
Ngày hôm sau, Khổng gọi cho tôi, hình như bây giờ Khổng mới thực sự nhớ, và giọng nói cởi mở hơn. Khổng hỏi thăm tôi về sức khỏe Thầy Kim.  Khổng nói nghe quảng cáo ngoài sữa ong chúa còn có loại dược liệu quý hiếm từ con ong là Keo Ong có thể chữa được ung thư.  Khổng nhờ tôi hỏi Thầy Kim xem có cần dùng thì Khổng gởi về, nhưng tôi xem trên mạng thấy không đúng như vậy, hơn nữa bệnh của Thầy đã đến giai đoạn không trị bằng toa thuốc dân tộc được nữa rồi. Nhân nói về chuyện con ong, Khổng tâm sự cuộc đời của bạn hình như có duyên với loài vật bé nhỏ mà tạo ra mật ngọt cho đời nầy.
 
Năm 71 rời Bảo Lộc Khổng về Saigon học lớp Sư Phạm NLS. Tốt nghiệp sư phạm thì bị động viên vào Thủ Đức khóa 4/72. Sau đó được biệt phái xin về trường T.H NLS Đắc Lắc (cũng là quê hương của Khổng).  Sau năm 75 vẫn tiếp tục dạy học đến năm 82 thì được cho nghỉ. Từ đó chuyển qua nghề nuôi ong. Thực ra ngay từ những năm 1973, vừa đi dạy Khổng đã mày mò nghiên cứu nghề nuôi ong làm thu nhập thêm và cho đến bây giờ. Tôi tò mò hỏi Khổng hiện có được mấy đàn ong? Khổng cười nói:” Phải hỏi là mấy trăm đàn chứ mấy đàn thì nhầm nhò gì”.
 
Biết là tôi không hiểu gì về nghề nuôi ong nên Khổng giải thích: Mổi 1 đàn ong được nuôi trong 1 thùng. Trong 1 thùng có 10 miếng vĩ, mổi miếng vĩ có khoảng 15,000 con ong. Như vậy 1 đàn ong có khoảng 15.000 con ong, nếu 100 đàn thì có khoảng trên 15 triệu con ong. Nếu bạn của chúng ta có 1 xe tải cở 8 tấn có thể chở trên 300 đàn ong thì bạn chúng ta sở hửu 450 triệu con ong, mà công việc nuôi ong thì phải di chuyển liên tục để tìm nguồn thực phẩm mới, dồi dào cho những đàn ong.
 
Công việc thật không đơn giản phải không các bạn? tôi tỏ ý lo ngại cho Khổng vì tính chất nặng nhọc của công việc, nhưng Khổng cười tự tin khoe rằng từ 7-8 năm nay Khổng chuyên cần tập luyện theo tài liệu Phương Pháp Suối Nguồn Tươi Trẻ nên sức khỏe rất tốt. Ở tuổi 60 mà Khổng khuân các thùng ong hay vác các bao đường nhẹ nhàng như không. Tôi nhớ lâu lắm rồi anh Phan Đình Thọ CN 69 cũng có tôi tài liệu nầy, chắc tôi phải tìm lại và tập luyện, không phải để có sức khỏe vác bao đường hay khuân thùng ong nhưng là để giử gìn sắc đẹp vì theo như Khổng nói tóc của bạn vẫn chưa có một sợi nào bạc. Khổng còn kể chuyện có cô con gái lớn theo chồng vào lập nghiệp ở Huyện Thủ Đức T.P Hồ Chí Minh. Vậy mà bao lâu nay Khổng cũng chưa có dịp vào thăm con, cháu. Tôi nói nếu có khi nào Khổng vào Saigon, chỉ cần ơi một tiếng là nhóm bạn MS 71 có mặt đón mừng bạn. Điều nầy nghe đơn giản nhưng không dể dàng với Khổng vì tính phức tạp của công việc nuôi ong mà Khổng thì không có người thay thế nên bạn khó mà đi được đến đâu. Âu đó cũng là cái duyên mà cũng là cái nghiệp.
 
Thôi chỉ còn chờ có một dịp 2 tháng 9 nào đó nhóm bạn NK 68-71 tụi mình tổ chức đi Ban Mê Thuộc một chuyến thôi. Lý Tư Khổng ơi! bạn là cánh chim không còn lạc đàn nữa. Chúng tôi đã tìm được bạn và hy vọng rồi sẽ có một ngày chúng ta sẽ hôi ngộ. Chắc chắn như vậy vì tình thân NLS Baoloc vẫn luôn bất diệt mà…
 
Tháng 4 năm 2012

Bùi Thị Lợi

Cùng Tác Giả / Đề Tài