Nhạn có hai cuốn đặc san, xuất bản năm 2007 và 2010 ấn hành trên đất Mỹ của hội cựu hoc sinh trường Trung Học Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Hội qui tụ những người xa xứ từng theo học dưới mái trường này, con số phải đến mấy trăm. Đó là những người “can đảm” chấp nhận từ bỏ quê hương vượt biên sau năm 1975, hoặc ra đi theo diện tỵ nạn chính trị, đoàn tụ gia đình… Mấy mươi năm trôi qua, nay tuổi sắp về chiều! “Trẻ sống tương lai, già sống quá khứ”. Trong cảnh đời lưu lạc, nỗi nhớ quá khứ càng quay quắt, và cái ngày xưa thơ mộng ở nơi cao nguyên Blao cứ réo gọi lòng về. Họ tìm liên lạc, kết nối bạn bè, thành lập hội, tổ chức đại hội hàng năm – Không chỉ ở hải ngoại mà ngay tại quê nhà vào những năm gần đây, nơi các tỉnh ngày trước có trường Trung Học Nông Lâm Súc, các cựu học sinh cũng thường có ngày họp mặt hằng năm.
Qua nội dung hai cuốn đặc san, các tác giả đều nhắc đến khung cảnh ngôi trường với bao cảm xúc dâng trào về những kỷ niệm, về tình bè bạn, thầy trò. Đọc các bài viết, dân ngoại cuộc cũng nghe xúc động, cảm phục tình bạn đậm sâu bền chặt huống chi Nhạn lại là “thần dân” ở ngôi trường đó. Chính thế mà tâm tình, nỗi nhớ của họ cũng là vọng hướng từ lòng anh. Những bạn thân thiết của Nhạn còn giữ vẹn đến hôm nay đều là những người học chung thưở ấy.
Đã có người tự hỏi: “Tại sao từ một ngôi trường, các đồng môn có được sự thương yêu gắn bó nhau như thế?”. Một câu trả lời mang tư duy cảm tính hơn là lý giải: “Đó là do thứ vaccine Nông Lâm Súc ngấm sâu trong máu”- Bồi hồi nhớ lại chuyện đời mình, Nhạn cay đắng nhận ra, thứ vaccine kia có khi không tác dụng với vài cá nhân biến chất, lòng dạ tráo trở đê hèn đánh bật tình bè bạn. Thế nên trong nồi canh thơm ngát còn ngoe nguẩy ít con sâu gớm ghiếc. Dẫu biết rằng, không thể cầu toàn, không thể có cái “mười phân vẹn mười” nơi cuộc đời này, ngay tạo vật thiên nhiên còn khiếm khuyết, nhưng Nhạn vẫn thấy lòng hụt hẫng niềm tin, nghi ngờ giá trị của loại vaccine nọ.
Đã bao lần Nhạn muốn viết lên câu chuyện của mình. Viết không phải để lưu giữ ôm mối “hận”. Đã 35 năm rồi, đời người biết bao biến chuyển, chuyện đã thành quá khứ, đâu thể nào đổi thay làm lại, nhưng nỗi đau kia vẫn khoét sâu âm ỉ. Thôi thì viết như con chim mang vết thương lòng, thấy quá bơ vơ lúc bóng chiều buông rủ, thảng thốt kêu lên, như lời tụng niệm để trong cõi mù mịt hư vô, hồn người thiếu phụ cảm được lòng anh mà siêu thoát!
oOo
Người thiếu phụ ấy sinh ra trong gia đình có sáu người con mà nàng là chị lớn, ở một xã ngoại ô thành phố. Thu đẹp như một hoa khôi. Có phải sắc đẹp thường gắn liền với số phận đa truân và thời cuộc góp xô đẩy nàng vào khổ lụy. Trong một lần ngu dại lỡ lầm, Thu có đứa con khi còn rất trẻ. Đứa bé gái không mong muốn này được người bà con nhận nuôi. Sau đó nàng gặp Vĩnh, một Trung úy chế độ cũ đến đóng quân gần nhà. Lại nhẹ da, cả tin những lời hứa hẹn ngọt ngào, Thu ngã vào tay Vĩnh, thêm một đứa bé gái ra đời. Gia đình Vĩnh thuộc thành phần tư sản giầu có ở Cần Thơ và họ không chấp nhận đứa con gái nhà nghèo, chẳng còn trinh trắng. Đó là lý do để Vĩnh phủi tay trách nhiệm với bé Trinh, giọt máu của mình. Anh ta trốn chạy bỏ Thu…
Mang vết thương lòng sau hai lần vấp ngã, đổ vỡ. Thu đi học Anh Văn mong tìm việc làm nuôi mình, nuôi con. Hẳn nhờ vào sắc đẹp hơn do trình độ ngoại ngữ, nàng xin được chân bán canteen trong câu lạc bộ sĩ quan Mỹ. Dưới cái nhìn dư luận xã hội, Thu là gái bất chính, không chồng mà có hai con lại làm cho “sở Mỹ”.
Sau tháng 4/1975, với nhân thân như thế, Thu là đối tượng bị chính quyền địa phương nghi ngờ, để ý theo dõi. Từng chung sống với sĩ quan “ngụy”, làm cho Mỹ. dù công việc gì nhưng đã liên hệ với đế quốc xâm lược thì cũng là thành phần phản động! Khánh kiệt tiền bạc, không nơi nương tựa, không việc làm nuôi lấy bản thân và con mình, Thu sống âm thầm lặng lẽ trong căn nhà nhỏ nàng đã mua trước kia. Nhà lúc nào cũng khép kín cửa, vì thế càng làm cho sự dòm ngó, nghi vấn từ chính quyền và dư luận thêm nặng nề. Có đánh gía thế nào thì mọi người phải công nhận Thu đẹp, đẹp và hấp dẫn dù đã hai con. Đôi mắt gợi cảm, sống mũi cao thẳng với làn môi lúc hé nụ cười lộ chiếc răng khểnh rất duyên, tất cả nằm trên khuôn mặt thon trắng mịn màng, phủ mái tóc đen cong cụp. Nhiều ảnh chân dung của Thu được làm mẫu chưng bày trong tiệm ảnh thị xã trước đây.
Điều càng đau khổ hơn với Thu là ngay chính gia đình cũng hất hủi. Lúc trước, còn bán canteen, Thu mang nhiều tiền về cho mẹ, bà nuôi giữ bé Trinh, sửa cất lại nhà, mua sắm đồ đạc, lo cho các em Thu ăn học. Bà coi trọng, chiều chuộng và hãnh diện về nàng. Bây giờ việc nuôi đứa cháu bà coi như gánh nợ vì Thu chẳng còn tiền cung cấp – Hãy đặt mình vào cảnh ngộ của Thu, sống cô đơn, bị mọi người dị nghị thêu dệt, ngay cả người mẹ cũng ruồng rẫy. tất cả dồn nàng vào bế tắc đường cùng, đưa đến cơn khủng hoảng tinh thần, và Thu đã tìm đến cái chết, mượn thuốc ngủ để giải thoát khỏi hiện cảnh đau buồn. Nhưng kiếp hồng nhan chưa dứt, định mệnh chưa buông tha nàng, đứa em trai đã phát hiện kịp thời, đưa nàng đi cứu cấp.
oOo
Nhạn gặp Thu trong hoàn cảnh bi đát của nàng như vậy, lúc đầu như một trò đùa lãng mạn, đúng hơn do hấp lực từ nhan sắc của nàng. Duyên do gặp gỡ khi Nhạn tới nhà Lê, một người bạn dạy chung trường ở sát vách với Thu. Mới gặp mặt Nhạn đã bông đùa:
- Nếu biết tôi “khùng”, em dám yêu tôi không?
- Người khùng và kẻ lỡ làng, ắt hai tâm hồn đều nứt rạn, thôi mình trám kết với nhau.
Rồi khi biết rõ đời Thu, anh nghĩ: “phải tuyệt vọng lắm, con người mới can đảm tìm đến cái chết”. Nhạn xúc động tìm lời an ủi, tâm tình chia xẻ. Và lạ lùng, từ nỗi cảm thương lại dẫn đến chính tâm hồn anh được nương tựa. Nhạn đã tìm thấy sự đồng cảm, tương hợp từ hai con tim chao đảo mất phương hướng.
Vâng, đó là lúc mà mọi niềm tin của Nhạn sụp đổ, mọi mơ ước tương lai đóng khép. Thật lòng, vào những ngày đầu tháng 5, 1975, mọi người ai cũng vui mừng chào đón hòa bình, đất nước thoát khỏi chiến tranh, đạn bom chết chóc. Nhạn là giáo viên chế độ cũ, sau khi trình diện học cải tạo hơn một tháng, được lưu dụng cho dạy lại. Điều an tâm ấy lại bắt đầu cho cuộc sống bất an. Đồng lương trước đây không còn, anh sống vất vơ đói khát. Căn nhà có khu vườn mận cách trường 15 cây số thường xuyên đóng kín cửa. Việc đi về rất gian nan, có khi chờ đợi cả buổi mới chen lên được chiếc xe đò, xe Lam. Thế nên có nhà mà phải vô cư, có việc làm mà lại lang thang bữa đói bữa no. Nhạn tự xấu hổ vì bao lần tìm ăn chực những bữa cơm đạm bạc của học trò, đêm ngủ nơi nhà bè bạn.
Trong tình cảnh khốn đốn, Nhạn gặp Thu. Cả hai bắt gặp tình yêu và ngã nhoài vào nhau, núp trốn vào bóng mát cuộc tình. Họ như hai kẻ lữ hành trong sa mạc cháy khô, tìm ra ốc đảo đời mình. Nhạn đến chung sống với Thu và anh nhận ra rằng: Đây là tình yêu đích thực, không chỉ do bản năng ham muốn dục tình, anh đâu là trai tơ mới lớn. Tình yêu che mờ mọi lo nghĩ, những dòm ngó dị nghị của dư luận chung quanh. Cả hai sống mơ mộng, nống nàn ái ân, quên đi bao thiếu thốn và những biến động bên ngoài xã hội. Tình yêu biến họ thành ngu ngơ, không lường nghĩ đến những soi mói rình rập đang giăng ra của tên chó săn đồng nghiệp trong trường.
Nếu như xã hội trước đây, việc một thanh niên chưa vợ yêu thương thật lòng người thiếu phụ không chồng (hai cuộc tình dang dở của Thu đều không chính thức, như vậy về pháp lý nàng vẫn là độc thân) là chuyện bình thường, không có gì trái với đạo lý, pháp luật. Nhưng giờ đã khác, chính quyền cách mạng đặt nặng vấn đề lý lịch, quan hệ cá nhân. Ngay cả đảng viên nếu có thân nhân gần gũi liên hệ với chế độ cũ, hay trốn vượt biên đều bị ngưng đề bạt, cả đến sa thải. Thế nên việc chung sống cuả Nhạn và Thu dù là tình yêu thuần túy vẫn là nghi vấn, là cái gai cần nhổ bỏ, loại trừ!
oOo
Thời gian đầu mới tiếp quản, chính quyền xử dụng những tên “cách mạng 30”. Đây là thời buổi lắm kẻ tiểu nhơn đê hèn lợi dụng sức mạnh kẻ chiến thắng để thủ thân, hãm hại người khác. Tên Ban cũng xuất thân từ trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc, thuộc đàn em dưới Nhạn mấy khóa. Hắn bị động viên vào trường sĩ quan Thủ Đức, nhờ gốc sư phạm nên được biệt phái về ngành giáo dục. Lúc mới về trường, Ban thường mặc nguyên bộ quân phục, đeo lon, mang dây biểu chương vào lớp đứng dạy để lòe học trò, đồng nghiệp. Chẳng thể thân tình với người như thế, Nhạn càng dị ứng với khuôn mặt trắng xanh, mét chằng của hắn mà theo bói tướng là kẻ gian giảo. Dù vậy giữa Nhạn với hắn cũng không có điều chi hiềm khích.
Sau 30/4/1975, Ban rất lo sợ cái lý lịch quá khứ của mình, vì ở các tỉnh khác thành phần như hắn đều phải tập trung cải tạo dài hạn. Ban có ông cậu làm chủ tịch Ủy Ban Quân Quản và những người em họ đều là công an. Ban tìm dựa vào thế đó mà hắn không đi cải tạo, còn được lưu dụng cho dạy lại. Ban hồ hởi tìm mọi cơ hội lập công, chứng tỏ mình giác ngộ. Hắn thường ngân nga cố ý hai câu thơ của Tố Hữu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ - Mặt trời chân lý chói qua tim”. Ban theo dõi tư tưởng các đồng nghiệp, cả cuộc sống tình cảm riêng tư để báo cáo cho ban giám hiệu, cho tổ chức ngành. Hắn lấy thành tích bằng thủ đoạn đê hèn.
Trong thời kỳ quân quản, xã hội vừa mới tiếp thu. Chính quyền nhìn người cũ nào cũng đáng ngại, thấy đâu cũng ra gián điệp. Như thế qua tố cáo thêm thắt của Ban, cuộc sống chung của Nhạn và Thu ắt có vấn đề, nhất là quá khứ của Thu cần điều tra theo dõi. Ngay cả nhân thân của Nhạn, anh sống không nơi chốn ổn định.
Ngoài Ban, còn có tên Liêm, thư ký trong trường hùa theo. Tên này ở gần nhà mẹ Thu, hắn từng say mê đeo đuổi nàng nhưng không được đáp ứng nên căm tức trả thù. Hắn nói xấu, dựng cả nghi vấn chính trị!
Trong buổi họp kiểm thảo, tay Hiệu Phó mang Nhạn ra phê bình đấu tố: nào là sống vô tổ chức, tình cảm lãng mạn hư hoại theo kiểu tiểu tư sản, chung chạ với người bất chính. Nặng nề hơn là có âm mưu phản động chống phá cách mạng. Nếu cần phải loại ra khỏi ngành, đưa đi cải tạo… phải thấy lúc đó điều kết tội như vậy đè nặng, khống chế tinh thần đưa đến tâm trạng lo sợ bất an.
Không phải chỉ tổ chức nhà trường mà ngay đến gia đình Nhạn cũng chống đối mối tình này. Ba anh cho rằng chỉ là đam mê nhất thời, cuồng si mê muội không lường hậu quả, bà con họ hàng sẽ chê cười và không thể có hạnh phúc bền vững với hôn nhân như vậy! Tất cả xô đẩy họ vào ngõ cụt, vào tấm tường xây kín. Chút vụng nước nới ốc đảo tình yêu bốc hơi khô cạn. Bao áp lưc phá vỡ mối tình, oằn oại nỗi đau… Mới hôm nào, sau buổi đứng lớp, Nhạn hồ hởi về với Thu. Anh cảm thấy hạnh phúc, nhẹ nhàng lúc ở bên nàng. Giờ đây, cũng con hẻm dẫn vào nhà Thu như có điều bất an rình rập có đôi mắt cú vọ xoi mói. Nhạn bước nhanh như trốn chạy. Đến với người tình, người mình yêu thương mà phải lén lút như làm điều tội lỗi. Còn nỗi đau nào hơn thế!
Quá đau buồn, Thu ngã bệnh rồi bị xẩy thai, một bào thai ba tháng tuổi, kết quả của những tháng sống chung với Nhạn. Nàng bán căn nhà để có tiền chữa trị và phải về sống cùng người mẹ. Còn Nhạn trở lại chuỗi ngày lang thang với niềm đau điếng dại. Ngôn ngữ bất lực để có thể diễn đạt tâm trạng của Nhạn lúc này!
Một lần nữa rơi vào hố thẳm tuyệt vọng, chẳng bao lâu Thu âm thầm tìm cách vượt biên. Không tiền, vàng đóng góp để có một chỗ lên tàu ra biển, Thu dẫn bé Trinh ra đi theo đường bộ qua ngã Campuchia. Nhạn thì bán tháo mảnh vườn, xin đổi về quê nhà, dạy một trường xã xa xôi. Anh tránh mặt kẻ tiểu nhân, muốn hãm hại mình. Cũng rất khó khăn, phải viết lý lịch cam kết anh mới được chấp thuận cho đi. Còn tên Ban, qua những công lao đóng góp, cộng với vị thế của người cậu mà hắn được tin tưởng, kết nạp vào đảng, và mấy năm sau được đề bạt làm hiệu trưởng trường trung học lớn ở thành phố.
Thời gian trôi qua, đã hơn 30 năm rồi, không một chút tin tức dấu vết về mẹ con Thu. Điều ấy đủ xác định cả hai đã chết mất xác. Chưa hề có một tìm kiếm, thống kê nào về những người vượt biên đã chết trong thời gian ấy.
Bây giờ xã hội thay đổi nhiều, quan điểm chính quyền cởi mở hơn. Những cấm đoán oái oăm nghịch lý ngày xưa được xét lại. Nhưng hậu quả của quá khứ thì không thay đổi được, nó mãi là nỗi đau đeo đẳng ám ảnh lòng Nhạn./.
N.