
Háo hức với tin vui họp lớp Thủy Lâm Bảo Lộc niên khóa 1972-1975, đã có hẹn trên điện thoại, Nguyễn Thanh Phương vẫn còn nhiễm cái máu rừng rú Thủy Lâm nên dặn dò rất kỹ: “phải đến Phan Rang rồi 2 đứa cùng đi, mình đón ở ngã 5 Phú Hà, mặc áo đen, đội mũ bảo hiểm trắng!”.
Tới ngã năm chờ chẳng thấy đâu, đứng tránh nắng bên mái hiên một cửa hàng tạp hóa, vừa dáo dác nhìn quanh vừa nghĩ không biết mặt mũi Phương ra sao, không biêt lần đầu tiên gặp lại người bạn đầu tiên của lớp, mình có nhận ra không? Lớp trưởng Huỳnh Hoàng Ánh giỏi thật, không biết nhờ đâu hắn tìm được số điện thoại gọi cho mình rồi trên trang thuylambaoloc.com có ngay bài viết “Một con nhạn là đà”, không chỉ thế, 2 tháng sau lại có bài viết “Lại hai con nhạn là đà” vì hắn đã tìm được thêm Nguyễn Văn Đông ở Đăk-Nông và Lê Văn Hùng ở Quảng Ngãi, hai con nhạn này nghe nói đã đến Bảo Lộc sáng nay rồi, chắc kỳ gặp mặt này vui cực kỳ.
Bức quá, vẫy vẫy mấy bác xe ôm phía xa, một bác chậm chạp dắt xe xuống lề đường, từ từ đội lên đầu cái mũ trắng, nhìn kỹ lại thì cũng áo đen, trùng hợp hay là chính hắn ? Tôi vội chạy về phía ấy, hắn cũng nhẫn nha dắt xe! Có lẽ cả hai đều xác định đối tượng rồi. Thủy Lâm mà! 3 năm chung lớp, dù bặt tin gần 40 năm cái mùi Thủy Lâm vẫn còn để mà nhận nhau. Hai thằng chỉ hỏi mà không trả lời “Phương hả? Biên hả?”, nhưng nhìn nhau thì hơi lâu như muốn so sánh những đường kẻ thời gian trên mặt với cái nét trẻ con ngày xưa, ngay cái bắt tay và quàng vai nhau cũng lâu lắc chẳng buông, chắc mọi người xung quanh cho là hai ông già hâm ôm nhau giữa trời nắng gắt.
Nhà Phương đơn sơ nhưng ấm cúng, vợ Phương niềm nở đón bạn. Nhấp ly cà phê đá mát rượi và chuyện xưa, chuyện nay tuôn trào.
Để kịp ngày mai họp lớp, 3 giờ chiều, 2 người bạn, 1 chiếc xe máy trực chỉ đèo Sông Pha. Ra khỏi thị xã Phan Rang hơn chục cây số, trời đổ mưa. Biết trước mà! Bảo số 4 vừa dứt ở miền trung thì số 5 vào tới Quảng Ninh, Hải Phòng. Cứ ngỡ mình có dịp tà tà một tour xe máy thú vị, nhưng hai thằng trùm một chiếc áo mưa, từ gối đến chân ướt sủng, ổ gà, ổ voi, chỗ lầy lội, chỗ lõm chỏm đá hòn, đá tảng… mới tới chân đèo thì “nhông, sên” không hòa hợp, lại thêm cái “Gạc đờ sên” vẹo vọ, cà rột cà rạt suốt chặng đường. Phương có cái chân dài, vừa chơi số mạnh vừa chống chân xuống đường đẩy trợ lực, thỉnh thoảng phải dừng lại để xem thử “Xích bảo líp có nghe không”. Vái trời chiếc “Già mà ham” chịu đựng lên tới đỉnh.
Tuy vậy, cũng ráng thò mặt ra, cố nhìn trong làn mưa mờ ảo, con đường lượn vòng cung giữa những sườn núi, đồi thông, càng tôn thêm vẻ quyến rũ, lãng mạn lẫn hùng vĩ của một trong những đoạn đèo đẹp nhất Việt Nam. Qua khoảng ba, bốn đoạn cua “cánh chỏ” trời đã tối sầm, chỉ nhìn được hoa dã quỳ hai bên đường, một chút ấn tượng về vùng khí hậu lạnh, có lẽ nước mưa đã thấm, đôi môi gần như tê dại.
Ì ạch với đoạn đường dài lê thê, nhưng thỉnh thoảng điện thoại reo và tiếng hỏi thăm, thúc giục từ Bảo Lộc của Trần Văn Chung, Huỳnh Hoàng Ánh, Trần Ngọc Hồ, Lê Văn Hùng, Trần Quốc Khánh… có cảm giác như bạn bè đang trên một hành trình.
Cuối cùng cũng lên tới đỉnh, xa xa vài ánh đèn lẻ loi của vùng ngoại ô Đơn Dương, hơn 20 cây số đường đèo, bò lên độ cao 1000m so với mặt nước biển. Bốn tiếng đồng hồ dầm mưa, chiếc “Già má háp” đã ngốn trọn một bình xăng !!! Chỉ đổ xăng thôi, không nghỉ ngơi, không quan tâm đến xích líp rột rạt, thẳng tiến Đức Trọng vì Dương Văn Minh cứ điện thoại liên hồi. Hắn đã thịt gà, nấu cháo, bóp gỏi … và một thùng bia chờ đợi.
Ôm chặt lấy như chuyền nhau hơi ấm của tình bạn, Phương vẫn vững vàng tay lái tiến về phía trước để tiếp tục đón nhận những kỷ niệm đẹp của một chuyến đi về./.
Huỳnh Văn Biên (TL 7275)