Khoảng 6 giờ sáng Chủ nhật, 28 tháng 8, đang ngủ bị đánh thức bởi tiếng reo của chiếc điện thoại để đầu giường, tôi với tay cầm chiếc phone ép sát vào tai:
-A lô.
Đầu dây bên kia có tiếng trả lời có vẻ hốt hoảng:
- Em Bé đây anh Sáu. Anh Phát mất rồi. Thằng Bi (con trai đầu của Phát) vừa gọi báo cho em biết. Nó khóc quá trời!
- Bi có cho em biết Phát mất vì gì không? Tôi hỏi Bé.
- Dạ có. Ba nó bị stroke rất nặng. Bé trả lời tôi.
Tuy rằng những năm gần đây sức khoẻ của Phát sa sút trầm trọng vì biến chứng của bệnh tiểu đường, mọi người trong gia đình rất ái ngại, nhưng việc Phát đột ngột ra đi cũng gây nhiều sửng sốt cho gia đình.
Trước khi rời Illinois để bay xuống Cali, vợ chồng tôi có một cuộc nói chuyện dài qua phone với Mỹ Nga (vợ Phát). Nga cho biết là sau chuyến đi chơi vừa rồi ở New York, sức khoẻ của Phát không giảm mà còn khá lên, vì vậy, các cháu lại sắp xếp để đưa bố mẹ đi Hy lạp chơi tháng tới. Thế mà giờ nầy, bất ngờ, nhận được tin sét đánh.
Trong nhà, ai cũng quí mến Phát, riêng tôi với Phát lại có một liên hệ khá đặc biệt. Những gì đã xảy ra hơn 40 năm về trước hiện lại trong đầu tôi như một cuốn phim thời sự dài.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Đến khoảng 10 giớ sáng ngày 28, tin tức được bổ túc rõ ràng hơn bởi Mỹ Nga- vợ Phát- như sau: Chiều Thứ bảy, 27 tháng 8, Phát tham dự tiệc cưới ở nhà bạn, về nhà với sức khoẻ bình thường và rất vui vẻ. Đến tối đột nhiên Phát bị một cơn ho dử dội, được vợ con đưa vào phòng năm nghỉ, nhưng chỉ mấy phút sau bị hôn mê, và được xe cấp cứu đưa ngay vào bệnh viện. Việc Phát đi cấp cứu đã mấy lần rồi, nên mọi việc cần thiếc đã được vợ con thực hiện rất nhanh lẹ và chính xác. Không may, dù với phản ứng nhanh chóng của gia đình và sự tận tâm của bác sĩ, Phát đã không cưỡng lại được số trời: Qua khám nghiệm, bác sĩ cho biết não bộ đã bị hư hại nặng nề, không thể cứu chữa được và sẽ ra đi trong thời gian rất ngắn. Tuy thế, bịnh viện cũng đã làm hết mình mong duy trì chút hơi ấm cho thân thể Phát bằng cách gắn life support và chuyền oxygen, hy vọng cháu gái đang làm việc ở New York về kịp (vùng East Coast đang bị bảo) để nhìn mặt cha lần cuối!
Điều hy vọng cuối cùng của bác sĩ cũng không đạt được, Phát đã từ giả vợ con, cha mẹ, anh em, và bạn bè lúc 1 giờ sáng (giờ Paris) ngày 30 tháng 8 năm 2011, hưởng thọ 61 tuổi, trước khi người con ở New York về đến nhà, 6 tiếng đồng hồ.
Phát với tôi vừa là thầy trò vừa là anh em bạn rể, vợ của Phát là em kế nhà tôi.
Khi tôi về trường Nông Lâm Sức Bảo lộc, năm 1967, Phát mớí vào lớp 10 ban Mục Súc. Không biết cơ duyên nào mà Phát đã xin vào ở nhà tôi. Phát hiền từ, lễ độ, và học hành tương đối chăm chỉ nên vợ chồng tôi thương Phát như một người em. Phát khéo tay đã giúp tôi chuyển những hình vẽ từ bài giảng thu gọn viết tay qua giấy Stencile để quây Roneo. Thường ở phần cuối của bài, Phát luôn vẽ một hình minh hoạ thật ngộ nghĩnh. Phát giúp nhà tôi làm những trợ huấn cụ cho môn sinh vật.
Phát cùng các bạn khác trong nhà đóng chuồng để nuôi các đàn gà mà tôi mua lại của các học viên sau dự án. Tôi chi tiền mua vật liệu đóng chuồng, gà giống, và thức ăn cho gà, các em học viên (sống cùng nhà với chúng tôi) chăm sóc, và chúng tôi cùng thưởng thức thành quả bằng những bửa thịt gà thịnh soạn.
Phát học Không Thủ Đạo, với các võ sư Đại Hàn, đạt đai đen, nhất hay nhị đẳng gì đó, nhưng không hề ỷ mình có chút ít võ thuật mà hung hăng gây gổ ai. Phát thích chơi thể thao, và bóng rỗ là môn Phát thích nhất. Vị trí thích hợp nhất của Phát là small forward. Theo tôi, Phát là cầu thủ bóng rỗ xuất sác nhất của trường vào thời gian đó. Tôi và anh bạn cố vấn Philippine Ted Delli, thường đưa đội bóng của trường ra ngoài đấu với đội bóng rỗ của trường Tàu Đồng Nhân. Tôi không thấy Phát chơi bóng tròn (túc cầu), nhưng vì thấy cậu ta to mạnh và giỏi bóng rỗ nên tôi nghĩ cậu ta chắc có khả năng bắt bóng tốt, thế là tôi nhờ cậu làm thủ môn cho đội thầy giáo. Quả đúng như dự đoán, Phát đã giúp cho đội chúng tôi thắng nhiều trận nhờ tài bắt bóng, đặc biệt là những đường bóng bổng khó mà vượt khỏi tay của Phát.
Không biết có bạn nào còn nhớ Quán Café Quỳnh trước đồn Quân Cảnh không. Bảng hiệu với hình ảnh ly cà- phế nóng bốc hơi thơm phức do Phát design và vẽ. Quán lúc ấy được điều hành bởi Mỹ Nga, vợ tương lai của Phát.
Người ta thường nói vợ chồng là duyên số, tôi tin vào điều ấy. Tôi và vợ tôi gặp nhau rồi về sau trở thành vợ chồng, nghĩ lại quả là duyên số. Ngay các con của chúng tôi, việc nên vợ nên chồng của chúng cũng là do sự sắp xếp huyền bí từ đâu, không khác gì cha mẹ chúng. Trường hợp của Phát và Mỹ Nga thành vợ chồng, tôi nghĩ cũng là duyên số.
Mỹ Nga học Lê Văn Duyệt Sài gòn, năm trước thi rớt Tú tài, năm sau nẫy ra ý nghĩ đổi vùng thi, biết đâu sẽ gặp hên! Cô nộp đơn thi ở trung tâm Đà-lạt, và vợ chồng tôi có nhiệm vụ tìm nơi để gởi gắm cho cô ta tá túc 3 ngày thi.
Tại Đà lạt chúng tôi có nhiều người quen, đa số cũng là nhà giáo, và ngay Ông Bà nhạc của tôi cũng có một số bạn bè ở đó, vì trước đây ông bà cũng đã sống ở Đà lạt. Việc gởi gắm cô em vợ vài ba ngày để đi thi không phải là vấn đề khó khăn gì, tuy nhiên, Ông Bà Lâm Viên ( chủ nhà sách và in ấn Lâm Viên, bố mẹ của Phát ) ở ngay trung tâm thành phố, và Phát lại ở nhà chúng tôi đã mấy năm, ông bà cũng nhiều lần xuống thăm chúng tôi, nên tôi có ý nghĩ gởi Mỹ Nga tá túc tại nhà Ông Bà. Thế là khởi sự cho một cuộc tình, và lý do Phát không còn gọi tôi bằng thầy mà là anh.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Thật sự cuộc tình giữa Nga và Phát chớm nở hồi nào vợ chồng tôi chẳng hay. Sau 3 ngày thi, Nga trở về Sài gòn phụ mẹ trông coi nhà hàng bán món ăn Huế ở trên đường Hoàng Diệu. Phát thì sau kỳ hè trở lại trường để hoàn tất năm cuối. Thấm thoát mà đã gần hết năm học, Phát sắp ra trường và quyết định sẽ tiếp tục theo ngành Kiểm sự Thú y.
Một hôm, trước khi tan trường chỉ mấy ngày, Phát với vẻ mặt căng thẳng khác thường, xin gặp tôi để thưa chuyện và xin giúp đỡ. Phát nói: “Em có một việc rất quan trọng xin thưa với thầy, và mong thầy giúp đỡ.”.
Quả thật, tôi không đoán ra là chuyện gì. Chuyện điểm số để ra trường, Phát không có trở ngại nào cả. Phát cũng không gây thù kết oán với ai, đối với các học viên khác ở chung với Phát trong nhà tôi lại không có điều gì để nói, đó là nhóm Thủ Thừa Long An, và họ đang chuẩn bị rời trường trở về nhà ngày mai.
Tôi bảo Phát ngồi xuống ở chiếc ghế đối diện và nói:
- Có việc gì em cứ nói, nếu giúp được thầy sẽ giúp.
Ngập ngừng trong giây lát, Phát bắt đầu trình bày:
- “Em xin thú thật với thầy, em và Nga đã thương nhau. Việc nầy Ba Má em đã biết, chấp nhận, và mong thầy cô giúp cho em trong việc nầy”. Giọng Phát nhỏ và hơi run.
- “Thế tụi em thương nhau từ lúc nào, và đã có cơ hội nói chuyện với nhau nhiều chưa mà đòi tiến tới”. Tôi hỏi Phát.
- “Dạ tụi em thương nhau từ hè năm trước, và cũng đã có khá nhiều lần nói chuyện với nhau. Ba má em rất vui trong việc nầy”.
- “Em đã bàn kỹ với Nga chưa?”. Tôi lại hỏi.
- “Dạ chính Nga muốn ba má em nhờ thầy cô dò hỏi giúp, xem thử ba má Nga dưới Sài gòn có thuận cho em cưới Nga không”.
Thật cũng bất ngờ cho tôi. Suy nghĩ ít phút, tôi trả lời Phát:
- Chuyện tụi em thương nhau, tụi em chịu trách nhiệm lấy, thầy không nói vào mà cũng chẳng nói ra. Việc ba má em nhờ thầy cô dò hỏi ý ba má Nga về việc nầy, thầy cô có thể giúp được, nhưng phải làm nghiêm chỉnh.
Tôi chậm rải nói cho Phát rõ ý của tôi:
-Trước hết, ba má em phải đích thân gặp thầy để nhờ thầy làm việc ấy. Thầy cô phải biết chắc là ba má em vui vẻ chấp thuận chuyện của tụi em.
Tôi nói thêm để Phát yên tâm:
-Em yên tâm, thầy biết chắc em không nói dối với thầy. Có lợi chi mà phải dối thầy, tuy nhiên việc ba má em chính thức nói chuyện với thầy là điều phải làm, nếu muốn nhờ thầy thưa chuyện nầy với ba má của Nga.
- Dạ ba má em cũng nghĩ như vậy, bảo em thưa với thầy trước. Nếu thầy vui lòng giúp, ba má em xin xuống gặp thầy ngay.
- Được, em về báo lại cho ba má em biết ý thầy. Chuyện có thành hay không thấy rõ, nhưng nếu ba má em chỉ nhờ bấy nhiêu, thầy cô có thể giúp được.
Khoảng hai tuần sau, ông bà xuống gặp vợ chồng tôi. Và trong một dịp về thăm nhà ở Sài gòn, chúng tôi đã thực hiện lời hứa với ba má Phát. Vì chưa biết con người của Phát như thế nào, nên ông bà chưa trả lời thuận hay không. Có lẽ sau khi nói chuyện với Nga và tìm hiểu qua về gia đình Phát, ông bà đồng ý gả Nga cho Phát. Mấy tháng sau, ba má Phát đến thăm nhà gái, từ đó Phát có dịp đến nhà Nga trong những ngày cuối tuần. Rồi lễ hỏi được tổ chức tại Sài gòn trong mua Tết năm ấy. Sau khi tốt nghiệp Kiểm sự, hai gia đình đã tổ chức đám cưới cho Nga-Phát. Không nhớ là vì bận gì mà cả lễ hỏi cũng như lễ cưới đều không có mặt tôi, chỉ có sự hiện diện của nhà tôi.
Năm 1974, đôi vợ chồng trẻ có đứa con trai đầu lòng.
Phát bị động viên và được huấn luyện để trở thành sĩ quan trợ y, phục vụ trong binh chủng Thuỷ Quân Lục Chiến hay Biệt Động Quân, tôi không nhớ rõ. Nga và con trai sống ở Đà Lạt với ông bà nội của cháu Bi.
Trước khi Miền Nam rơi vào tay cộng sản, Phát bị thương nhẹ và đang năm bệnh viện. Khi Miền Nam sụp đổ, Phát đi tù cải tạo, Nga và con trai về sống với ba má ruột tại Saigon. Hai năm sau, Phát được cho ra tù, gia đình Nga-Phát lại về sinh sống tại Đà Lạt. Phát bây giờ làm việc như một nông dân, suốt ngày chỉ lo cuốc đất trồng rau để tránh bớt sự rầy rà của an ninh địa phương.
Năm 1980, sau khi được giải chế, Nga Phát lại dời về Sài Gòn. Vợ chồng lúc bấy giờ có hai con trai 6 và 3 tuổi. Ít lâu sau đi vượt biên, cùng một chuyến tàu với người bạn cùng lớp Lê Đắc Lợi. Không may, tau bị hư máy, lênh đênh trên mặt biển nhiều ngày, thiếu nước uống, đa số con nít đều bị chết khát, trong số đó có con trai nhỏ của vợ chồng Nga Phát. Cuối cùng được tàu hàng của Pháp vớt, và gia đình Phát đã định cư tại Pháp, sau một thời gian ở trại tỵ nạn Thái Lan.
Tại Pháp, Phát được tuyển làm việc cho một hảng làm nệm xe hơi. Vợ chồng chí thú làm ăn để nuôi con, nhờ thế không bao lâu đã cất được một ngôi nhà hai tầng rất khang trang ở miền bắc nước Pháp.
Tại quê hương mới, vợ chồng sinh thêm được 3 con gái xinh xắn. Cả ba cháu đều học rất giỏi, đặc biệt các cháu thông thạo không dưới 5 ngôn ngữ. Hiện các cháu đều có cơ ngơi và công ăn việc làm rất tốt.
Phát ra đi tuy có hơi sớm nhưng cũng đã làm đầy đủ bổn phận của một người cha, hết lòng trang bị cho các con đầy đủ những gì cần thiết để có một cuộc sống tốt nơi xứ lạ quê người. Phát ra đi trong sự quyến luyến của vợ hiền con ngoan, nhưng có lẽ lòng Phát rất thanh thản vì đã làm tròn bổn phần của người chồng người cha. Nếu đời sống của Phát kéo dài thêm mươi năm nữa, thật tuyệt vời, vì thời gian nầy là lúc vợ chồng Phát xứng đáng hưởng thành quả của mình. Nhưng thật ra, cho đi, tạo hạnh phúc cho người khác còn quí hơn nhận vào cho mình. Nếu nghĩ như thế, Phát rất hạnh phúc vì Phát đã dồn mọi nổ lực hỗ trợ cho các con xây dựng một cuộc sống sáng lạn như ngày nay.
Là người thầy cũ và người anh của Phát trong đại gia đình, tôi chân thành cầu chúc hương linh của người quá cố được yên vui trong cỏi Niết Bàn.
Mira Loma Aug 30, 2011
Luc Phan