![]() |
Nếu ngày xưa hương sắc mượt mà và nét ngây thơ, duyên dáng của nàng đã làm lắm chàng say đắm, vừa rảo quanh nhà nàng, vừa ngâm nga:
"Đi ngang nhà má tay xá, chân quỳ
Lòng thương con má, sá gì thân tui "
Thì nay, sau mấy mươi năm "dòng thời gian cuốn xoay", nét dáng mượt mà ở nàng vẫn còn đó, cho dù đã trôi theo cuộc dâu bể của mệnh nước và trải qua bao thăng trầm trong dòng sống ba đào của riêng mình. Hãy lắng lòng nghe người bạn của chúng ta tâm tình qua câu hò, điệu hát mộc mạc, dễ yêu của người dân miền Nam. (Trang Nhà)
oOo
Tôi sinh ra ở thành phố, thỉnh thoảng thấy người ta về thăm "quê" tôi cũng thích lắm nhưng tiếc là mình không có quê để mà về. Lâu lâu Má tôi cũng có về thăm quê, miền quê Ngoại ở miền Tây. Lúc nhỏ, chúng tôi không được theo Má về nên không có ấn tượng gì. Tuy vậy, Má đã truyền lại cho chúng tôi cái giọng nói Nam Kỳ rặt (mà sau này nhiều người khen là rất... dễ thương) và những câu ví von cùng những lời hát ru mà đến tuổi này tự dưng mình hay nói ra lúc nào không biết.
Hồi còn trẻ mới biết yêu, đôi khi tôi chợt nghĩ đến câu "Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà Má đâu!" bỗng giật mình lo sợ và cũng hơi "ái ngại" với mấy anh chàng có quê ở xa...
Rồi thì Trời cũng thương, tôi đi lấy chồng. Chồng tôi cũng là dân thành phố như tôi, nên tôi khỏi phải chịu cái cảnh.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Trông về quê Mẹ ruột đau chín chìều
Vậy mà cũng ngộ, cái tình quê hương nó thấm sâu vào máu thịt cho nên khi cả gia đình tôi định cư ở nước ngoài, tôi có dịp vài lần sang thăm thì ở đó ít lâu đã thấy nhớ "nhà" tha thiết dù nghĩ lại "nhà" mình gồm Má, anh, chị, em, các cháu đều ở bên đó cả.
Rồi những ngày hạnh phúc của tôi bỗng ra đi khi chồng tôi bị bạo bệnh và qua đời, bỏ lại tôi với đứa con còn quá nhỏ. Tôi mất chỗ dựa bình yên và phải đối mặt với cuộc đời đầy gay góc, lắm sóng gió. Tôi đã ngậm ngùi, tủi thân khi nghe chính mình qua lời ru con:
Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẽo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời
Khi con tôi được khoảng 5, 6 tuổi gì đó, mỗi lần tôi ru:
Rồi thì Trời cũng thương, tôi đi lấy chồng. Chồng tôi cũng là dân thành phố như tôi, nên tôi khỏi phải chịu cái cảnh.
Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Trông về quê Mẹ ruột đau chín chìều
Vậy mà cũng ngộ, cái tình quê hương nó thấm sâu vào máu thịt cho nên khi cả gia đình tôi định cư ở nước ngoài, tôi có dịp vài lần sang thăm thì ở đó ít lâu đã thấy nhớ "nhà" tha thiết dù nghĩ lại "nhà" mình gồm Má, anh, chị, em, các cháu đều ở bên đó cả.
Rồi những ngày hạnh phúc của tôi bỗng ra đi khi chồng tôi bị bạo bệnh và qua đời, bỏ lại tôi với đứa con còn quá nhỏ. Tôi mất chỗ dựa bình yên và phải đối mặt với cuộc đời đầy gay góc, lắm sóng gió. Tôi đã ngậm ngùi, tủi thân khi nghe chính mình qua lời ru con:
Ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẽo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời
Khi con tôi được khoảng 5, 6 tuổi gì đó, mỗi lần tôi ru:
Trời mưa bong bóng phập phồng
Má đi lấy chồng con ở với ai....
Vậy là nó oà lên khóc nức nở, tiếng khóc của nó đã làm cho lòng tôi trở nên cứng cỏi. Tôi chỉ biết cắm đầu đi làm kiếm sống, chuyện tình cảm yêu đương tôi đã không còn nghĩ tới. Suốt hơn 18 năm ròng rã tôi không cảm thấy rung động gì với những người đàn ông đeo đuổi tôi. Tôi chỉ hướng lòng mình về người chồng đã mất và đứa con côi cút. Tôi thường lẩm bẩm một mình.
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay
Rồi thật là oái oăm, khi ở tuổi bóng ngã dài, tình cờ tôi liên lạc được người bạn thời đại học, hiện sống xa xứ. Chúng tôi bặt tin nhau rất nhiều năm, nhưng thật là lạ, khi liên lạc được, chúng tôi nói chuyện với nhau như thời gian xa cách ấy không hề gián đoạn. Tình cảm bao lâu nay nén chặt trong tôi, nay chợt bùng phát khiến cho tôi cảm thấy choáng ngợp. Thế rồi, anh bạn tôi về quê nhà và chúng tôi đã gặp nhau sau mấy mươi năm trời xa cách. Khi tiễn anh trở về bên ấy tôi đã thầm ngâm nga.
Ra về để áo lại đây
Để khuya em đắp gió tây lạnh lùng
Cách xa nhau nửa vòng trái đất, tôi và anh bạn thường nói chuyện với nhau qua mạng, anh cũng rất thích nghe những câu hò, điệu Lý của quê hương. Có lúc bắt chước những ngày còn trẻ, chúng tôi cũng bày đặt hờn dỗi, lúc ấy tôi mail cho anh:
Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài
Ai dè giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây
Câu trách hờn của ông bà mình xưa nghe nó sâu sắc làm sao ấy, nhưng ở tình huống này chắc nó không "ép phê" gì mấy nên chẳng thấy "chàng" có phản ứng gì, thật hết biết!
Rồi anh muốn rủ tôi sang bên đó để cả hai sống dựa vào nhau, chăm sóc cho nhau lúc tuổi bóng xế. Nhưng chẳng phải như lúc trẻ, yêu nhau là "mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua" hay là:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
tôi lại cảm thấy phân vân, và tặng thêm cho anh câu này:
" ...ví bằng tình có dở dang
thì cho thiếp đón dò ngang thiếp về..."
Cái nỗi lo "Chiều chiều ra đứng ngõ sau..." lại ùa về trong tâm tưởng và tình tự quê hương thấm đẫm trong tôi, nơi mà tôi sống gần cả kiếp người, chia lìa nó, đã làm cho tôi do dự. Mặc dù, nơi quê nhà hiện nay chỉ còn trơ trọi có 2 má con thôi.
Có đôi khi cái cảm giác chờ đợi ai đó khiến cho lòng mình lâng lâng khó tả, để đêm đêm tôi muốn nhắn gởi một câu hò:
Thuyền về có nhớ bến chăng?
Bến thì bến vẫn khăng khăng đợi thuyền.
Minh Tâm (MS69-72)
Mùa hè năm 2011