Bộ râu mép theo tôi đã ngót 50 năm, và nó cũng mang đến cho tôi những vui buồn thật ngộ nghĩnh. Có lẽ số kiếp nó và tôi đã vô cớ gắn bó với nhau, cùng chia vui xẻ buồn đi trọn cuộc đời.
Thường người ta để râu cho ra vẻ anh chị, cho có vẻ oai vệ, cho ra dân chơi bất cần đời, hoặc cho có vẻ ngầu một chút…v.v… Đôi khi vì thất tình mà để râu cũng không biết chừng! Vì sao mà tôi để râu, chính tôi cũng không hiểu rõ lắm. Tôi không chức chưởng, không ngầu, không thể làm tay anh chị được, và cũng không thất tình, nên các lý do nêu trên đều không đúng.
Theo tôi nghĩ, lý do mà tôi để râu khởi đầu là vui chơi thôi, kèm theo chút lập dị, dần thấy cũng hay hay và cứ thế càng ngày càng kết chặt với con người và cuộc đời của tôi.
Bình thường học sinh hoàn tất Tú Tài ở tuổi 18-20, trong khi tôi 16 tuổi mới trở lại trường học lớp 4, và đỗ Tú Tài năm 23 tuổi! Cái không may và may là ý định bỏ học để xoay xở kiếm sống không mấy êm xuôi, cuối cùng lại phải làm nghề học trò. Là sinh viên đại học thời ấy cũng có giá kha khá, đặc biệt là những ai còn đính kèm theo một cái mác phụ như bô trai, con nhà giàu, một cây văn nghệ, hay tướng tá ngon lành thì được giá lắm. Khổ nỗi, tôi chả có mác phụ nào kèm theo khả dĩ ăn khách cả, thế là sẵn có tuổi già và bộ râu trời cho vội đem ra sử dụng ngay. Lúc đầu chỉ nghĩ để chơi thời gian ngắn thôi, nhưng bạn bè không ai chế diễu mà còn có ý cổ vũ, và thế là bộ râu tồn tại cho đến ngày rời trường đại học.
Làm nghề dạy học khi tuổi cũng đã trọng có thêm bộ râu có vẻ được việc, ít nhất nó làm rõ sự cách biệt về tuổi tác giữa thầy và trò. Người Việt Nam mình có truyền thống kính nể người lớn tuổi hơn mình. Có lẽ một phần nhờ thế mà việc dạy học của tôi trôi chảy hết sức nhẹ nhàng.
Cái biệt danh Sáu Râu đến hồi nào tôi cũng không để ý. Không biết do các anh chị học viên, hay đồng nghiệp và nhân viên nhà trường, và cả các bạn bè bên ngoài tỉnh nữa, ai xướng lên biệt hiệu ấy. Biệt hiệu đến với tôi có vẻ bình thường và tự nhiên. Toàn thị xã chỉ có hai người có tên gọi kèm theo chữ râu là Kỳ Râu chủ tiệm ăn Đức Thiện, và Sáu Râu là ông thầy giáo của Nông Lâm Súc. Sau này, có một người học trò cũng được kèm chữ râu là Dũng Râu. Kỳ Râu là tay anh chị nổi tiếng của Bảo Lộc, anh ta đến lập nghiệp ở Bảo Lộc từ xa xưa, vì vậy chuyện gì ở Bảo Lộc anh ta đều biết rất rõ. Dũng Râu, tuy còn là một học viên, nhưng ngầu lắm. Một mình anh ta dám chơi với cả đám nhân dân tự vệ. Vài ba tên lính địa phương quân bao vây anh ta ngoài phố, kể như không. Một lần khoảng 12 giờ khuya, Dũng Râu bị một toán vài chục tên nhân dân tự vệ bao vây ở dốc nhà máy nước của tỉnh. Nhờ có học viên khác thông báo kịp thời, và tôi đã lái xe đi giải vây cho anh ta. Khi thấy xe tôi chạy từ phía tỉnh xuống với đèn pha sáng loá, chúng tưởng là Quân Cảnh hay Cảnh sát nên chạy tán loạn. Nhờ thế, tôi đã đưa được Dũng lên xe đi bệnh viện.
Kỳ Râu và Dũng Râu đều đã nổi tiếng một thời ở Bảo Lộc, riêng cái biệt danh râu của tôi chả ra làm sao cả. Tôi xin kể lại câu chuyện vui sau đây quí vị sẽ dễ dàng xác nhận lời nói của tôi. Bà xã tôi dạy ở Trung học Bảo Lộc, mỗi khi đi bộ từ trường về nhà thường đi ngang qua Đại Thính Đường. Cột cờ và Đại Thính Đường là hai vị trí các anh chị học viên thường tập trung ở giờ ra chơi hay sau buổi chiều tan học. Một hôm bà xã tôi đang đi ngang Đại Thính Đường, thấy nhóm học viên đang đứng chơi quanh bụi tre trước cứa Đại Thính Đường và một giọng nam nói khá lớn, “Mười râu ta cũng không sợ chứ Sáu râu!”. Chiều hôm đó, trong bữa cơm gồm vợ chồng tôi và ba bốn anh học viên ở chung nhà, nhà tôi kể lại câu chuyện cho mọi người nghe. Nghe câu chuyện vợ chồng tôi và các anh học viên đều cười vui vẻ. Tôi đoán, các anh biết vị nào đã sáng tạo phát biểu trứ danh đó, nhưng không hỏi làm chi, mà dù có hỏi cũng chẳng ai chịu khai ra đâu!
Hàng năm có lớp bạn trẻ rời trường và có lớp bạn trẻ khác đến, hàm râu được sống yên vui theo cuộc đời bình lặng của ông thầy giáo miền cao nguyên đất đỏ. Tám năm trôi qua, cái tên Sáu Râu trở thành thân quen với mọi người của một thị trấn nhỏ bé.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam đã thay đổi chủ. Các ông chủ mới chỉ muốn dành bộ râu cho những vị lãnh tụ “thần thánh” của họ, nên bộ râu của tôi đã bị lỗi thời. Dù muốn hay không, mình là người của chủ cũ. Bị quan thầy bỏ rơi, chủ nhanh chân bỏ chạy, mình ở lại lãnh sẹo. Rắc rối đủ thứ chuyện, bây giờ lại rắc rối vì bộ râu! Họ bảo tôi:
"Anh không nên để râu. Người ta bảo anh để râu vì bất mãn với chế độ."
Tôi nghĩ trong bụng, “bất mãn chế độ là chuyện chắc rồi, chính các anh cũng biết điều ấy”. Thế nhưng bất mãn cũng ráng ngậm miệng mà chịu thôi. Còn chuyện bộ râu thật tình không có ăn nhậu gì với chuyện thương ghét gì chế độ cả. Tôi trình bày với các ông ấy như sau:
"Thưa các anh, tôi để râu từ lúc tôi còn là sinh viên chứ đâu phải mới để râu gần đây mà bảo tôi vì bất mãn nên để râu."
"Vẫn biết thế, nhưng anh có thấy ai trong trường để râu đâu, mặc dầu có nhiều người lớn tuổi hơn anh." Một vị trong ban lãnh đạo nói với tôi như thế.
“Dạ tôi hiểu ý các anh”, tôi trả lời, “nhưng tôi vẫn còn nhiều e ngại mà chưa dám thực hiên”. Tôi trình bày tiếp “Lúc tôi trên 20 tuổi, mẹ tôi có nhờ một ông thầy tướng số và tử vi xem cho tất cả các anh em tôi. Riêng tôi, về tướng có điểm không tốt bộc lộ ra ngoài, cần phải che bớt lại. Ông khuyên tôi để râu trên để che điểm xấu đó. Má tôi rất tin thầy tướng, bảo tôi hãy nghe lời thầy. Tôi bán tính bán nghi, nhưng từ ngày để râu đến nay thấy rất yên ổn”.
Câu chuyện tưởng đến đó là hết, vì thật sự bộ râu của một công dân loại 2, loại 3 thì có đáng gì.
Tưởng thế mà không phải thế, đúng là XHCN có nhiều cái bất thường. Khoảng nửa tháng sau, trời như gần sập trên đầu tôi. Người ta đã dựng lên một câu chuyện là ông Sáu đã phát biểu rất phản động với bạn bè: “Tôi đã bị cách mang cướp đoạt tất cẩ, chỉ còn duy nhất một hàm râu cũng đòi cướp luôn!”. Khen cho ai đã dựng ra kịch bản này. Thật ra là đúng như vậy, nhưng có đứa ngu nào mà nói ra điều ấy. Đã đến lúc phải xả láng thôi may ra còn thoát nạn. Một mặt tôi nói thẳng là tôi không thuộc loại ngu, không biết gì về chế độ mới, mà nói ra những điều nguy hiểm như vậy. Mặt khác tôi yêu cầu cho tôi được đối chất với những người đã nhận là tôi đã nói với họ như vậy. Không có người làm chứng, và có lẽ những kịch bản tương tự như thế đã được lập đi lập lại nhiều lần qua bao năm tháng của chế độ VNDCCH ở Miền Bắc, nên cũng đã lờn thuốc không hiệu quả bao nhiêu, và cuối cùng là nhờ phép lạ của bộ râu hên mà tôi đã thoát nạn.
Trong cái xui cũng có cái hên. Thật sự là bởi nhiều việc không ra gì như vậy, cộng thêm một lý lịch u ám của gia đình tôi (Cha mẹ, anh em) nên tôi đã không được tuyển làm việc chính thức, và nhờ thế tôi đã được buông tha cho về Sai Gòn. Có về được Sài Gòn, tôi mới có cơ may đưa gia đình vượt biên.
Câu chuyện đóng tầu, đánh cá giả dạng, rồi cùng nhau liều chết vượt biên trên con tàu nhỏ với động cơ 10 mã lực, đã được kể lại khá tỉ mỉ trong một số bài viết trước đây rồi. Tôi chỉ muốn nói thêm chút ít về bộ râu trong việc vượt biên.
Không hiểu sao khi xuống biển làm nghề đánh bắt tôm mà tôi lại để bộ râu mép. Thật sự lúc đó không có tính toán gì cả, bây giờ nghĩ lại sự thể đó cũng có cái hay cái dở cân phân của nó. Ông chài lưới râu ria xôm xoàm thì không phải hiếm, nhưng anh chài lưới có bộ râu mép tỉa xén tươm tất khá đặc biệt đấy. Đã trá hình, sao còn muốn cho đặc biệt để làm chi? Đó chính là điểm bất lợi!
Trong trường hợp dân an ninh phát hiện mình không phải dân “đánh cá” chuyên nghiệp, mà chắc là họ biết rõ như vậy, thì lại khác. Nếu họ có phần nào nghĩ rằng mình thuộc kẻ thất cơ lỡ vận phải làm nghề đánh bắt tôm để kiếm sống, thì việc cứ để bộ râu lại đôi khi có lợi. Biết đâu nó làm giảm bớt sự nghi ngờ của an ninh, vì cho mình thật lòng làm ăn, không có chi phải che dấu thân thế.
Trong những tuần cuối nỗ lực chuẩn bị lên đường, trong khi ngồi tâm sự với một người em kết nghĩa, cậu ấy bảo tôi: ”Anh nên cạo bỏ bộ râu đi. Trong hoàn cảnh này để nó có nhiều bất lợi cho anh lắm”. Cậu ấy thương tôi, nghĩ đến sự an nguy của tôi mà đưa ra lời khuyên chân tình. Hôm sau, trước khi ra bến xe để trở lại Bà Rịa tiếp tục chuẩn bị công việc, tôi đã định cạo bộ râu như lơi khuyên của cậu em. Nhưng một ý nghĩ thoáng qua nhanh kịp thời giữ tay tôi lại. Tôi nghĩ thầm “trước khi xuống biển không cạo bộ râu đi là một sai lầm, nhưng trong những ngày cuối trọng đại này mà lấy bộ râu đi lại là một đại sai lầm! Phải mỗi ngày như mọi ngày mới đúng.”. Thế là bộ râu được sống còn, và 48 người đã thoát chết suốt một ngày sóng to gió lớn, và đến được bến bờ tự do.
Gân đây tôi có cơ hội gặp lại cậu em trên đất Mỹ. Trong lúc anh em tâm sự, tôi hỏi: “Cậu còn nhớ cậu đã khuyên tôi cạo bộ râu không?”. Cậu ấy trầm ngâm không trả lời câu hỏi của tôi mà chỉ nói: “Thật kinh hoàng, ngày ấy em đã thấy biết bao xác chết trôi bềnh bồng trên biển (Cậu ta lúc đó làm việc trên giàn khoan dầu của nước ngoài, ngoài khơi Vũng Tàu).
Đúng đó em, cái giá của tự do là thế đấy.
Gurnee Aug 3, 2011
Lục Phan