Ánh mắt chất chứa niềm cảm thông, bà y tá mỉm cười dịu dàng nói nhỏ bên tai tôi: “bà đừng lo lắng quá nhé, Thượng đế luôn ở cạnh bà từng giây, từng phút.  Ngài không bao giờ để bà phải vác thánh giá quá sức của bà đâu, hãy đặt niềm tin tuyệt đối nơi ngài, và bà sẽ được bình yên”.  Tôi mỉm cười gật đầu và giữ mãi câu nói ấy trong đầu cho đến khi nghe bà bác sĩ gây mê nói đùa với tôi về nhà cửa và tôi cũng vừa trả lời… thuốc đã ngấm, tôi đi vào cơn mê mà không hề biết.

Thức dậy lần đầu, ánh mắt đầu tiên tôi chạm phải là hình ảnh cây thánh giá treo trên tường, bức tường trắng nhạt và khô khan.  Không gian lắng đọng chìm trong yên lặng tuyệt đối, tôi nhắm mắt lại và chợt nhận ra là mình vừa trải qua một cơn mổ quá dài.  Đưa mắt nhìn xuống chỉ thấy những sợi giây dẫn thuốc chằng chịt trên cánh tay phải, toàn thân được đắp một lớp chăn nóng, hai bắp chân lại đang được máy bóp tự động để máu không bị nghẽn.  Vì lượng thuốc giảm đau còn quá nhiều chăng nên tôi không cảm thấy chút đau đớn nào  chỉ thấy mệt, tâm trí khá tỉnh táo nhưng cơ thể không sao cựa quậy di chuyển được.  Hình như tôi cố rên, có cố gắng gọi to lên mấy tiếng…

Mở mắt lần thứ hai, tôi thấy người y tá đang chăm chú ghi chép, tôi rên khẻ và kêu khát nước, bà ta đưa một miếng mút có chấm nước  đẩy  nhẹ trên môi tôi và nói tôi nhìn khoẻ  dấu hiệu tốt, tôi mệt mỏi nhắm mắt lại.  Người y tá vừa khép cánh cửa phòng tôi đã thấy cơn khát xô đến thật nhanh, hình như tôi cố gọi nhưng chẳng ai nghe, sau này mới biết đó có lẽ chỉ là những tiếng rên nho nhỏ.  Tôi lại rơi mình vào giấc ngủ mê, và trong cơn nửa tỉnh nửa mê của thuốc tôi chỉ thấy thấy khát nước, cơn khát  đến thật nhanh, cái khát khủng khiếp, tôi miên man gọi vẫn chẳng ai nghe… Khi người y tá trở lại, câu nói đầu tiên của tôi vẫn là nước, lần này tôi ngậm chặt miếng mút, cố gắng hút hết những giọt nước vào miệng, ôi! những giọt nước này sao ngọt ngào thế!  Người y tá nhỏ nhẹ: “bà phải nhả miếng mút ra, ráng đợi thêm chút nữa tôi sẽ cho bà uống cả ly”.  Những giọt nước ấy suốt đời tôi không thể quên, những giọt nước đã mang đến cho tôi một hạnh phúc đơn sơ nhưng tuyệt diệu biết bao!  Tôi nằm im, trong đầu chỉ mơ đến miếng mút chứa đầy nước, rồi chìm vào cơn mê ngủ mà chẳng chút do dự.

Mở mắt lần thứ ba, tôi thấy khuôn mặt người bác sĩ kề sát bên mặt tôi, tôi có hơi ngượng vì nghĩ… hơi thở mình chắc nặng mùi lắm.  Ông nhìn tôi mỉm cười: “You look good”, rồi đỡ đầu tôi lên và cầm ly nước đưa ống hút vào miệng tôi,  A! Tôi đã được uống đầy mấy ngụm nước chứ không phải chỉ là mấy giọt.  Tôi mỉm cười thì thào cảm ơn.  Ông đặt ly nước xuống bàn và nói bà có thể uống bất cứ lúc nào bà muốn, tôi cười ngu ngơ mắt không rời ly nước, tâm trí chỉ nghĩ đến những giọt nước mát tuyệt vời kia sẽ chảy đầy trong cổ họng.  Có thể do lượng thuốc mê vẫn còn quá nhiều nên tôi lại mệt mỏi rơi vào cơn mê không mong không chờ…

Vừa hé mắt tôi lại vẫn vô tình nhìn thấy cây thập giá treo trên tường.   Không gian sánh đôi cùng thời gian, vẫn lắng đọng vẫn chìm lẫn trong màu trắng nhạt lạnh lẽo.   Giờ đây tôi mới bắt đầu cảm thấy toàn thân rã rượi, sự mệt mỏi làm tôi nức lên, tưởng chừng sức tôi không thể chịu đựng nổi nữa, cơ thể hầu như muốn tan ra, cái mệt lạ kỳ khó tả mà tôi chưa hề có trong đời.  Nhắm mắt lại, và giây phút ấy tôi chợt nhớ tới Mẹ!... Nước mắt tự nhiên chảy dài trên má, tôi thì thào đọc câu kinh như một lời cầu xin và chính lúc đọc kinh tôi lại chìm vào giấc ngủ trong một thể xác mệt nhoài.

Có lẽ những lần thiếp đi và tỉnh lại cũng chỉ trong một hai khoảng khắc, vì nhìn lên đồng hồ cũng chỉ mới hơn năm giờ sáng.  Nhớ lần đầu mắt tôi chạm phải đồng hồ cũng chỉ đâu đó ba giờ.  Thì ra thời gian lúc này đi chậm thật.  Bất giác trong tiềm thức tôi lại nhớ đến Mẹ, những giọt nước mắt tủi thân lặng lẽ thi nhau thánh thót…

Cùng những giọt nước mắt lăn dài tôi chợt nghĩ đến nỗi đau đớn từ thể xác lẩn tinh thần mà Mẹ đã phải chịu mà cả hơn năm chục năm tôi không hề nhận thức ra… Nỗi nhớ Mẹ lan rộng,  bao phủ lấy tôi, lòng chùng xuống và đâu đó tôi thấy những đau đớn của mình hình như nhẹ đi, nhẹ đi rất nhiều.

Bấy lâu nay hơn năm mươi năm có lẽ, tôi vẫn thường hay nhớ đến Mẹ, nhất là trong những ngày giỗ.  Hình ảnh của Mẹ tuy còn rất ít nhưng rất đậm nét.  Tôi còn nhớ y nguyên hình ảnh Mẹ ngồi trên võng, đọc những con số điểm hàng tháng của tôi trên sổ thông tín bạ, Mẹ hỏi dăm câu và ký vào sổ nhận.  Lần ấy tôi được điểm cao Mẹ đã hứa cho tôi năm cắc để ăn quà, tôi năn nỉ và nhất định đòi cho được, Mẹ đành đưa tôi tờ giấy bạc mười đồng, tôi hí hửng chạy vội ra khu phố đầu đường mua một gói tầm ruột ngâm cam thảo ăn thật nhanh.  Khi tôi về  đưa Mẹ số tiền còn lại, Mẹ vừa giận vừa dỗi, Mẹ vừa đếm tiền va` giảng giải cho tôi số tiền tôi cầm là một số tiền lớn, tiền chợ cho cả nhà trong mấy ngày mà vì tôi ham hố quá nên Mẹ đã thử, tôi khờ khệch nên chẳng biết.  Mẹ nói nếu lỡ người bán hàng gian trá không trả đủ thì các em tôi sẽ không có cơm ăn.  Bài học ấy tôi nhớ suốt đời.

Dáng Mẹ ngồi đầu dựa lên cánh tay, tay lại đặt trên một thùng sắt tây kê cao trong giường và những cơn ho không dứt của Mẹ, chính những cơn ho liên tục mà Mẹ không thể nằm.  Suốt ngày gục đầu trên cánh tay chờ đợi những cơn ho cào cấu, xé nát thân thể…Lúc ấy nào tôi có hiểu gì? nào tôi có  nhớ đã làm gì được cho Mẹ? hay vẫn chỉ là những vòi vĩnh để được nằm ngủ trong giường của Mẹ, tuy giường ấy đã có cậu em đôi khi cả cô em gái, nhưng tôi vẫn năn nỉ và hứa sẽ nằm sát vào một góc, nằm yên ngửi mùi nước tiểu khai khai của cậu em, nhưng sao những đêm được ngủ chung trong chiếc giường đầy mùi khai nồng tôi thấy thật ấm áp và hạnh phúc.

Mẹ mất khi tôi chưa đầy mười tuổi.

Với sự ngờ nghệch, trí nhớ kém cỏi hình ảnh đậm nét nhất vẫn là lúc đóng nắp quan tài và những tiếng khóc vây quanh.  Khuôn mặt Mẹ xám ngoét, môi tím thâm, toàn thân được quấn những lớp vải mển trắng… Khuôn mặt ấy tôi còn nhớ y nguyên, ngay cả lúc viết những hàng chữ này.

Những ngày sau khi chôn cất Mẹ tôi bắt đầu nhớ, tôi hay khóc và vẫn chưa hiểu sự ra đi vĩnh viễn của Mẹ là thế nào, vẫn thắc mắc sao Mẹ đi mãi không về.  Bao lần hỏi bao lần được nghe câu trả lời chết là mãi mãi không về, nhưng tôi vẫn ngóng mong, vẫn nghĩ mọi người đang nói dối, vẫn tin có một ngày Mẹ sẽ về.

Tôi trưởng thành theo nhịp thở của thời gian.  Tất cả những nhớ thương, giận hờn vu vơ theo năm tháng quanh quẩn bên tôi và cùng tôi lớn khôn.  Sự mơ ước ngày Mẹ về loãng dần trong tim, nhưng hình ảnh Mẹ không lúc nào nhạt phai trong lòng.  Tôi hay khóc thầm, khóc bất cứ lúc nào nghĩ mình bị oan ức, bị thua thiệt, bị bắt nạt.  Luôn luôn thèm muốn những lời nói, vòng tay ấm áp, tiếng ru ngọt ngào của Mẹ ngày nào.

Những lần nhớ Mẹ, những lần tâm sự chia vui xẻ buồn với Mẹ đã trở thành một thói quen đến nay vẫn còn tồn tại trong tôi.  Mẹ trở thành người bạn bất tử trong tâm.  Lúc thì thầm nhỏ to kể lể, lúc giọt ngắn giọt dài than thở.  Nước mắt con gái sóng đôi với giấc mơ thầm kín của tuổi ô mai, những dạt dào tình cảm ngu ngơ, những run rẩy sợ hãi trước thử thách trong cuộc sống tôi đều cộng chung, gom lại  trao hết cho Mẹ.  Đâu đó tôi luôn nhìn thấy ánh mắt bao dung, giọng nói của Mẹ vang vang trong đầu cùng lời an ủi ngọt ngào, bàn tay âu yếm vuốt tóc của Mẹ đã dẫn dắt tôi, đã là nơi tôi ngả đầu vào cánh tay mông lung của Mẹ. Tôi luôn luôn tìm thấy sự bình an trong hình bóng mong manh của Mẹ.

Người chị họ gặp lại sau bao năm đã vô tình thốt lên: Em có dáng dấp rất giống Mẹ, nhất là bàn tay đặc biệt ngón tay trỏ giống như đúc.  Tôi vui và hạnh phúc biết bao.  Từ đó gặp ai trong họ hàng hoặc những người quen biết Mẹ, câu hỏi bất di bất dịch vẫn là dáng dấp tôi có phần nào giống Mẹ? Đôi khi tôi  lại cố nhìn vào tấm hình của Mẹ để phân tích và tưởng tượng lại hình dáng của Mẹ khi xưa.  Tôi lăn mình trong hạnh phúc. A! thì ra hình hài này cũng được đôi phần của Mẹ, tôi cuống quýt dạt dào, niềm hạnh phúc tuyệt vời này tôi giữ mãi cho riêng mình. Mẹ đang nhìn tôi và mỉm cười kìa!

Mẹ tôi, người đàn bà tuổi chỉ mới hơn bốn mươi, đúng ra là bốn hai.  Với một đàn con đứa lớn cũng chỉ bắt đầu tuổi trăng tròn, đứa nhỏ chưa đầy một tuổi, chồng đi làm xa biền biệt.  Sanh xong em út vì thiếu tẩm bổ, vì nghĩ cảm cúm chỉ là đau ốm vặt nên Mẹ coi thường, ho chút không sao, nhưng những cơn ho ấy thật ra có sao.  Chẳng thể ngờ những cơn ho tăng tốc độ ấy đã rủ gia đình ho lao đến trú đóng trong buồng phổi của Mẹ thật nhanh.  Khi các Cậu tôi đến thăm mới biết Mẹ đã vào thời kỳ nặng.  Bố mới vội vã về thì nhà thương đã chê, bác sĩ bảo chỉ có thuốc tiên mới chữa khỏi.

Nhắm mắt, tâm trí tôi chợt như thức giấc.  Sự mỏi mệt của thể xác hình như đang giảm rất nhanh, hình ành Mẹ thấp thoáng lung linh trước mặt.  Tôi nằm đây  chỉ một tiếng rên nhỏ, một cái nhăn mặt là thuốc đã được đưa đến miệng, mới nhếch môi là đã có người hỏi han ,còn Mẹ thì sao?  Phải! còn Mẹ thì sao?

Mẹ suốt ngày nằm ngồi đều khó khăn,  muốn một miếng nước, mong được sự giúp đỡ tối thiểu, nhưng! tất cả đều là điều khó khăn vô vàn.   Người con dâu đã không chăm sóc được đàn con thơ dại, lại bệnh tật nằm một chổ, hỏi sao Mẹ dám mở lời.  Cả nhà chỉ có một bà mẹ chồng ốm yếu quán xuyến, nào ôm cháu nội , nào thay con dâu làm tất cả công việc nội trợ của một gia đình với một đàn cháu tất cả còn trong tuổi chỉ biết ăn biết nghịch, phận làm dâu đã không phụng dưỡng mà còn phải để mẹ chồng một thân hai nắng lo lắng, dám hỏi Mẹ làm sao có thể mở lời nhờ vả?

Dẫu rằng tâm can héo hon, thể xác kiệt quệ và rất ước ao được hưởng một chút chăm sóc, dù chỉ một chăm sóc rất nhỏ, rất đơn giản thôi… Mẹ ơi!  

Những khổ đau Mẹ phải lãnh chịu không những về thể xác mà cả tinh thần… Tất cả Mẹ đều phải ghìm giữ lấy một mình.  Nỗi đắng cay nghiệt ngã ấy biết đâu cũng đã là một phần căn nguyên cơn bệnh của Mẹ tăng nhanh.  Nỗi niềm của Mẹ, sự đớn đau bào nát tâm can Mẹ, ai thấu ai chia xẻ… Những lúc ấy làm sao tôi hiểu?  Một đứa con mà khi bảo mang cho Mẹ một ly nước cũng đã nhăn mặt khó chịu… Mẹ ơi!

Phải!  Thật mất hơn nửa thế kỷ, thời gian do bằng cả cuộc đời một con người tôi mới thông hiểu phần nào nỗi đớn đau, thống khổ mà Mẹ đã trải qua.  Đứa con sao quá vô tình, làm sao những đau đớn này của tôi có thể so sánh được!  Cơn đau này có xá chi, có thấm vào đâu?... Mẹ ơi!

Ánh mắt nhân từ đượm đầy yêu thương của Mẹ đang nhìn, đang vỗ về an ủi tôi.  Mẹ đang giang tay ôm gọn tôi trong lòng, đang vuốt tóc, dang  đặt trên trán tôi nụ hôn nồng ngất yêu thương. Tôi mãi mãi vẫn chỉ là đứa con gái nhỏ khò khạo hay khóc vặt của Mẹ… Mẹ ơi!

Cuộc đời là một bể dâu thống khổ, nhưng ngay trong cái thống khổ ấy, hạnh phúc như đang đâm chồi nẩy nhụy… Chính nhờ những phút giây cảm thông tuyệt diệu này tôi mới nhận  ra  mình còn được hưởng quá nhiều may mắn.  Thượng đế đã bù đắp sự thiếu vắng bóng Mẹ hiền của tôi với biết bao ưu đãi, hạnh phúc tôi đang có vẫn trùng trùng vây kín.

Tâm tôi nở hoa đón nhận niềm cảm thông tuyệt vời này.  Sự cảm nhận được đôi phần niềm đau của Mẹ chính do cơn đau đớn thể xác này thật đúng là một món quà Mẹ đang trao cho tôi.  Mẹ ơi! Con cám ơn Mẹ. Vòng tay ôm của Mẹ sao vẫn nồng ấm như ngày nào. Xin hãy cho con được nằm mãi trong góc giường hạnh phúc này nha Mẹ.

Cơn đau loãng dần.

Susan Tran Nguyen (Trần thị Sâm)
Bài viết này như một nhánh hương kính dâng linh hồn Mẹ,  đặc biệt vào ngày giỗ Mẹ June 24Th .

Cùng Tác Giả / Đề Tài