Thế là tôi đã trở lại thăm Toronto sau nhiều lần hứa hẹn mà không thực hiện được. Cũng như các lần trước, cách đây cũng đã hơn 10 năm, chúng tôi đi bằng xe. Lần này, vợ chồng tôi đi cùng với 2 gia đình Vũ-Jasmine, Châu-Khải, và cháu út Bé Na. Tổng cộng 11 người lớn nhỏ trên chiếc xe 12 chỗ ngồi.
Chuyến đi được sắp xếp trước cả vài tháng, thế mà 3 ngày trước chuyến đi tôi lại bị cảm nặng, tưởng là phải nằm nhà, và một lần nữa lỗi hẹn. Rất may, sau hai ngày tích cực uống thuốc, cảm cúm đã buông tha và vợ chồng tôi đã có thể lên đường với các cháu.
Khởi hành 9 giờ sáng ngày 22 tháng 5 tại Gurnee, chúng tôi theo I-94 đi bọc phía cuối biển hồ Michigan (trên đầu tiểu bang Indiana), rồi theo đường 69 ngược lên hướng đông-bắc qua các thành phố Lansing, Flint, và Port Huron (Sarnia) để vào Canada. Sau đó theo 401 đến thành phố London, thuộc bang Ontario, Canada và nghỉ lại đó qua đêm..
Sáng hôm sau, May 23, từ London theo 403 đi qua các thành phố Brantfort, Hamilton, St. Catherine rồi chuyển qua QEW (Queen Elizabeth Way) đến thẳng Niagara Fall. Sau khi nghỉ ngơi ở Great Wolf Lodge mấy tiếng đồng hồ, các cháu đưa tôi đi ngược lên Oakville đến nhà Vương Ngoại. Tại đây chúng tôi được ăn Phở Ngon và Bánh Bao Ngọt của Vương Bà. Ăn uống no say, các cháu để vợ chồng tôi lại đây, và lái trở lại Niagara Fall.
Tôi hẹn qua Canada thăm vợ chồng Đức, thế mà mỗi khi định đi lại vướng bận chuyện này chuyện kia nên đã 3 năm trôi qua mà vẫn chưa thực hiện được. Anh Nguyễn Viết Huyền khi còn sống đã ghé lại nhà vợ chồng Đức chơi cả tháng. Anh Khuy, anh Vũ, và cả anh Lê Quang Minh ở Úc cũng đã ghé chơi nhà vợ chồng Đức, chỉ có vợ chồng tôi là đã lỗi hẹn nhiều lần. Gặp nhau là cái duyên. Đôi khi không cần sắp xếp mà lại gặp được nhau thật tình cờ, có khi nó khó làm sao! Nếu vừa rồi cơn cảm cúm không bớt nhanh, không biết mấy năm nữa tôi mới thăm được vợ chồng Đức.
![]() |
![]() |
Khoảng 5 năm về trước tôi lái xe từ nhà (Illinois) đi về các thành phố phía đông như Boston, New YorK, Virginia, Philadelphia, Miami…, phía nam Dallas, Houston, San Antonio, Lousiana…, và các thành phố phía tây như Nam California, Bắc California, Seattle, Las Vegas, Wyoming…Nói cách khác là gần như khắp nước Mỹ. Bây giờ chỉ có thể lái trong vòng 3,4 trăm miles, chứ xa hơn thì hơi ngán! Vì vậy, nương theo các cháu chúng tôi qua thăm Đức. Nếu không có các cháu, chúng tôi chỉ phải đi máy bay thôi. Việc không rành rẽ đường từ phi trường về nhà cũng làm cho mình phần nào ngại ngùng. Bình thường, chỉ cần báo ngày giờ và chuyến bay, Đức có thể lên phi trường đón về. Nhưng bây giờ cậu ta đang trong thời kỳ dưỡng bệnh mà phải lái xe ào ào ngoài xa lộ e không thích hợp lắm.
![]() |
![]() |
Duyên may, mọi chuyện êm xuôi và tôi đã thực hiện được lời hứa đến thăm và ở lại với vợ chồng Đức ít hôm. Tin Đức đau đến với tôi khá trễ, khi tôi gọi hỏi thăm là lúc anh ta đã khá nhiều rồi. Điều hết sức mừng, ngày tôi đến thăm, sức khỏe của Đức đã hồi phục gần như 100%, mặc dầu vẫn trong thời gian điều dưỡng.
Với tính năng động, Đức không chịu ngồi yên nghỉ ngơi. Tôi khuyên Đức gác mọi chuyện qua một bên chỉ lo đến sức khỏe của mình. Thôi thì làm việc cho khuây khỏa trí óc cũng được, nhưng làm chút chút để vui chơi thôi.
![]() |
![]() |
Đức đưa vợ chồng tôi thăm thành phố Oakville của anh ta. Quả là một thành phố rất đẹp và hiền hòa. Một thành phố thật giàu có không xô bồ như bên Illinois của tôi. Chúng tôi kéo nhau đi Toronto vào buổi chiều. Cũng giống như thành phố Chicago, lái xe dọc theo con đường Lake Shore dưới ánh đèn thật tuyệt vời. Không may, khi đến đó mưa đổ tầm tã. Với ông già 75 lái trên con đường lạ trong cơn mưa như trút nước, đâu còn tâm trí để thấy cảnh đẹp của Lake Shore Drive về đêm, phải thế không các bạn?
![]() |
![]() |
Chúng tôi lưu lại nhà vợ chồng Đức từ chiều 23 cho đến chiều 26. Vợ chồng Đức đưa chúng tôi đi thăm vợ chồng thầy Nguyễn Văn Vũ ở Toronto. Anh Vũ và tôi cùng tuổi, tuổi con trâu cày, nhưng anh là đàn anh xa lắc của tôi. Khi tôi về trường, anh đã chuyển về làm việc ở Bộ Giáo Dục rồi, thành thử đây là lần gặp mặt đầu tiên. Đúng là quả đất tròn. Ở trường, tôi thường nghe các thầy nhắc đến tên anh chứ chưa thấy mặt, bây giờ lại gặp nhau tại Canada. Anh chị thật vui tính và bình dị, nên dù mới gặp nhau lần đầu nhưng thật vui và thâm tình đồng nghiệp. Mong được gặp lại trong ngày Hội Ngộ Nông Lâm Súc của những năm tới thì vui biết mấy!
Chúng tôi có đến thăm Ông Bà Cụ thân sinh của anh Đức, đây mới đúng là Vương Ông và Vương Bà, đã ngoài 90 mà rất khỏe mạnh và sáng suốt. Trên 60 mà còn cha mẹ khỏe mạnh còn gì diễm phúc bằng. Xin một lần nữa chúc mừng anh Đức. Ông bà cũng rất hạnh phúc vì được đông đúc con cháu sống vây quanh săn sóc thăm hỏi hằng ngày.
Chiều 26 tháng năm, từ Niagara Fall đi lên Toronto, các cháu đã ghé ngang đón chúng tôi. Từ giã vợ chồng Đức khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi đã đến thẳng Mariot Hotel tại downtown Toronto gần 4 giờ chiều. Nghỉ ngơi khoảng hơn một tiếng đồng, cả nhà kéo nhau đi mua trái cây ở phố Tàu. Chôm chôm, Vải, Mãng cầu, Bon Bon, Xoài, Sầu Riêng, Mít, Măng cụt … tươi ngon và rẻ hơn ở Cali. Ít khi được ăn trái cây tươi nhiệt đới, chúng tôi mua đủ mọi thứ và ăn cho bằng thích. Lũ con nít, bị Mỹ hóa, không mấy ưa thích loại trái cây này. Chúng mầy không biết thưởng thức loại trái cây ngon là một thiệt thòi lớn, ráng mà chịu!
Qua giới thiệu của anh chàng bán trái cây tốt bụng, chúng tôi đã tìm được hai tiệm ăn khá ngon, một cho dinner và một cho breakfast. Sau bữa ăn chiều, chúng tôi dạo phố vài tiếng đồng hồ. Trời trở lạnh bất ngờ, không mấy thích thú cho việc cuốc bộ trên hè phố, chúng tôi trở lại Hotel ăn trái cây và nghỉ ngơi.
![]() |
![]() |
Sáng hôm sau, May 27, sau buổi điểm tâm ở nhà hàng “điểm sấm”, người già chúng tôi trở lại Hotel nghỉ ngơi, người trẻ và con nít đi thăm thú loanh quanh thành phố và shopping. Đến buổi chiều, trước khi vào nhà hàng ăn tối, tôi lại mua thêm một ít trái cây để đem về khách sạn ăn tối nay, và ngày mai ăn trên đường trở lại Chicago.
Sáng thứ bảy, May 28, khoảng 9 giờ sáng chúng tôi trả phòng, tạt ngang phố Tàu mua 10 bánh mì thịt nguội, 10 bánh paté chaud, 6 bánh bao, 12 đòn chả nhỏ, sữa tươi cho con nít, cà phê, và nước ngọt, rồi bắt đầu chuyến trở về nhà. Nếu lái thẳng một hơi chỉ mất khoảng 8 tiếng, nhưng vì có nhiều con nít nhỏ trên xe nên lái chậm, và thời gian nghỉ ngơi dọc đường mất hơn 3 giờ đồng hồ, nên phải mất tổng cộng 12 tiếng. Buổi sáng đầu hè mà Toronto lại có nhiều sương mù, rất nên thơ. Một thành phố hiền hòa để lại nhiều cảm tình cho khách viếng thăm.
![]() |
![]() |
Vì mua trái cây nhiều quá, ăn tối hôm qua và cả sáng nay vẫn chưa hết. Đến gần biên giới Canada-US, chúng tôi dừng xe lại để ăn tiếp. Phần không ăn hết, phải liệng vào thùng rác, vì Mỹ không cho đem rau quả tươi vào nước.
Trên đường đi chúng tôi cũng thường ghé vào Mac Donald hay Rest Area để đám con nít khỏi bị tù túng trong xe nhiều giờ. Trời mưa lâm râm suốt cả đường về, cho đến khi vào địa phận tiểu bang Indiana trời mới tạnh hẳn. Chúng tôi về đến nhà là 8:30PM giờ Chicago, tức 9:30PM giò Toronto. Cả gia đình dồn vào một xe, vừa đi vừa chuyện trò, nhất là các cháu nội ngoại làm đủ các trò hề, đôi khi cũng mệt với chúng, nhưng thường thì vui, nhờ vậy mà quên cả đường xa.
Một chuyến đi chơi xa của gia đình nhiều thú vị, lại là cơ hội hiếm để thăm người quen và bạn bè. Trên xứ người và ở tuổi nửa đường đến bát tuần, được gặp người quen, không phải là điều vạn hạnh hay sao. Nhân đây, xin gởi đến hai bạn trẻ Đức-Mai lời thân thiết cám ơn, đã chứa, vỗ béo, đưa đi thăm đó đây, và truyền chút ít võ nghệ "IT". Xin gởi lời kính chúc sức khỏe Vương Ông và Vương Bà.
Gurnee May31 2011
Lục Phan