Sau biến cố 1975, công việc đầu tiên của ban Giám Hiệu mới, từ miền bắc vào, là rào kín cổng phụ sau lưng nhà thầy Trực và chuyển tất cả những người trước đây ở khu nhà biệt lập như các thầy Lang, cô Ngọc, thầy Minh…v.v…về khu nhà song lập mà thầy Xuân, thầy Thiệp ở trước đây, hoặc về khu nhà gỗ trước trường Cộng Hòa. Khu nhà biệt lập gọi là khu A, dành hoàn toàn cho các ông chủ mới từ bắc vào. Khu song lập và nhà gỗ gọi là khu B dành cho người cũ, và một vài cán bộ miền bắc vào nhưng không thuộc cùng phe cánh.
 
Bao năm quen dùng cửa sau, nhất là những người ở khu B, đi chợ hoặc đi đến sở làm bên ngoài thật thuận tiện. Bấy giờ mỗi lần đi ra ngoài phải vòng ra cổng chính, đoạn đường trở thành xa gấp đôi, gấp ba. Cái nhỏ nhặt thế thôi, cũng thấy khó chịu, nhưng không mấy ai “bạo mồm” than thở!

Đối với lũ trẻ con thì khỏe thôi, chúng chỉ việc chui qua vòng rào kẽm gai. Lúc đầu chỉ vài ba anh hùng tý hon dám chống lại mệnh lệnh của “ủy ban quân quản” vượt rào. Chỉ một tuần sau, cứ sáng trưa chiều, là đoàn quân tý hon lại xếp hàng dài nhanh chóng “vượt Trường Sơn”! Hàng rào kẽm gai được ban bảo vệ (an ninh trường!) cho chỉnh đốn nhiều lần để ngăn chận đám con nít, nhưng chỉ được vài ngày lại trở lại tình trạng cũ, và đoàn quân xé rào nhất định cứ đường mòn của “bác” mà đi! Còn chúng tôi làm sao dám trái ý của mấy ông "Trời"!

Bà xã tôi dạy trường trung học phổ thông Bảo Lộc, nếu dùng cổng sau, chỉ mất khoảng 20 phút đi bộ là đến trường, nhưng bây giờ mỗi lần đi về phải vòng qua cổng chính, đường xa gấp ba, đi bộ mất cả tiếng đồng hồ. Khoai lang, củ mì là tiêu chuẩn dinh dưỡng của những ngày ấy, mà mỗi ngày hai vòng đi, hai vòng về như thế cũng không vui gì cho lắm!

Một hôm khoảng quá trưa, cũng như thường ngày bà xã tôi đi bộ từ trường về, vừa bước vào cổng chính gặp ngay bà vợ bác Nhất (cai trường cũ) đang đứng trước nhà (1) tay cầm vật gì đó được gói trong một mảnh giấy báo nhỏ. Bà chào nhà tôi và nói:
 
"Cô đi làm về. Đi lối này xa quá phải không cô!"
 
"Cũng không đến nỗi nào bác." Nhà tôi trả lời.
 
"Vâng! Nhưng nếu đi lối cổng sau đỡ vất vả hơn nhiều." Bà nói thêm.

Nhà tôi không nói gì, chỉ gượng cười, và bà cũng cười theo. Nhà tôi nhớm bước đi. Bác Nhất gái bước nhanh theo và nói:
 
"Có chút quà mọn xin biếu cô ăn lấy thảo."
 
Vừa nói bác chìa gói giấy cầm ở tay về phía nhà tôi.
 
Quá ngỡ ngàng, lúng túng trong khoảnh khắc, nhà tôi lấy lại bình tỉnh, vui vẻ nói:
 
"Cám ơn Bác rất nhiều, nhưng xin Bác giữ lại cho các cháu dùng."

Nhà tôi bước đi được vài bước, bác cai bước nhanh theo và nói thêm:
 
"Có đáng gì đâu cô, chút tình với nhau mà. Cô không nhận tôi buồn lắm đó!"
 
"Tôi biết lòng tốt của bác, nhưng xin bác giữ lại cho các cháu. Mình hiểu được lòng nhau như thế là quí lắm rồi." Nhà tôi nói như van lơn.

Liệu không thuyết phục được nên bà nhét đại gói giấy vào giỏ xách của nhà tôi, vừa nói, vừa bước vội đi như sợ bị trả lại:
 
"Lòng thành của chúng tôi đối với thầy cô."

Ngẩn ngơ với sự việc xẩy ra, nhà tôi định dí theo trả gói quà, nhưng khi bắt gặp ánh mắt và giọng nói chân tình, nhà tôi đành nhận, mỉm cười nói lời cám ơn mà nước mắt lưng tròng.

Về đến nhà, bà xã tôi thuật lại chuyện được quà của bác cai trong sự cảm xúc. Mắt đỏ ao không phải chỉ vì thân phận éo le của mình, mà vì quá xúc động bởi sự cảm thông sâu sắc của những người chung quanh trong cái hoàn cảnh ngã ngựa của gia đình mình. Thường thì “dậu đổ bìm leo”, nhưng ở đây khác hẳn, trong sự thiếu thốn chung, những tấm lòng nhân hậu, tử tế vẫn còn được biểu lộ một cách chân thành.

Cho đến ngày nay, nhà tôi thỉnh thoảng lại nhắc lại câu chuyện trên. Vừa trân quí tấm chân tình của người nhân viên cũ của chồng, vừa thắc mắc không rõ bác ấy đã nghĩ ngợi thế nào, để rồi đem biếu cho mình mấy tai nấm và hai quả trứng gà. Bao nhiêu tình huống, nhà tôi tự đặt ra làm giả thuyết để giải thích cho sự việc. Từ cái giả thuyết đơn giản nhất, tình huống được tạo nên bởi trực giác như: vì thiếu thốn về vật chất, khủng hoảng về tinh thần, lo lắng quá nhiều cho 3 con nhỏ và 7 đứa cháu không còn mẹ mà cha trong tù cải tạo, lại thêm nỗi nhọc nhằn đi bộ mỗi ngày 4 vòng nên khuôn mặt trở nên thất thần tội nghiệp, khác hẳn với hình dáng hiền hòa vui tươi của cô giáo trẻ, yêu nghề, yêu đời, quen thuộc vào ra cổng trường hàng ngày trước đây. Hình ảnh khắc khổ đó đã gây nên mối thương cảm của ông bà cai trường cũ chăng?

Cũng có thể không phải đơn giản như thế, biết bao nhiêu người đã lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn nữa khi Miền Nam đổi chủ kia mà. Có thể ông bà nghĩ cuộc sống của chúng tôi bị thay đổi đột ngột quá: Từ một cuộc sống khá cao rớt ngay xuống gần đáy của xã hội về vật chất và tinh thần, có thể do đó mà cảm thấy khó khăn hơn một số người khác cùng cảnh ngộ.

Một gói qùa khiêm tốn nhưng chính là biểu hiện cho một tình cảm cảm sâu đậm, đồng thời là niềm khích lệ hết sức trân quí mà ông bà đã dành cho chúng tôi. Trong cái xã hội nhố nhăn được dựng lên bởi kẻ chiến thắng kiêu căn vô đạo, vẫn còn tồn tại những con người thủy chung nhân hậu, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Quả thật cũng khó mà biết được chính xác những tác động tâm lý đưa đến việc đón cô giáo tại cổng trường để biếu mấy tai nấm và hai quả trứng gà. Nhưng một điều mà chúng tôi  biết chắc chắn là mối thông cảm sâu xa và chân tình ông bà đã dành cho chúng tôi.

Ngày nay, cả hai ông bà đã ra người thiên cổ, dù chúng tôi muốn gặp để lập lại một lời cám ơn thôi cũng đã muộn màng. Tin rằng những con người với tâm tính thuần hậu như vậy, chắc chắn sẽ được hưởng an bình ở bên kia thế giới.

Luc Phan
Gurnee May 8, 2011

Ghi Chú: Khoảng 1974,1975 một căn nhà nhỏ được xây ngay phía sau bên tay trái cổng chính của trường. Sau nầy, căn nhà ấy được phân cho gia đình bác Nhất ở.

Cùng Tác Giả / Đề Tài