Ngan Ngát Yêu Thương - Nguyễn Thành Trung
Một tuần sau khi trở về nhà từ chuyến đi Cà Mau với khối lớp tôi (K10 NK 70-73 NLSBL), tôi nhận được vài tin nhắn và thư điện tử của bạn bè hỏi sao chưa thấy hình ảnh và bài viết trên trang nhà nlsbaoloc.net. Người hỏi không chỉ là của những bạn vì lý do này, lý do kia phải ở nhà không tham dự chuyến đi… mà có cả các bạn có mặt suốt cuộc hành trình nữa. Tôi ậm ừ trả lời: đang “nghiên kíu” cho các bạn an lòng. Thực sự một phần vì bận công việc, nhưng lý do chậm trễ hình ảnh bài vở là sau chuyến đi này chất chứa trong tôi vui buồn lẫn lộn. Cảm xúc lúc vỡ òa dậy sóng, lúc rời rạc vụn vỡ, xô lệch như một căn phòng vừa kết thúc một đại tiệc. Nhưng dù sao tôi cũng phải chắp nối lại để chia sẻ với anh em, bè bạn về một chuyến đi có thầy và bạn học cách đây vài chục năm dưới mái trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc ngày xưa, mà tới bây giờ vẫn còn nguyên vẹn tinh khôi, thắm đậm nghĩa tình…
Cà Mau – địa danh cuối cùng của quê hương, nơi tôi đã năm – ba lần rong ruổi trên chiếc Vespa khởi hành từ B’lao, để kiếm tìm hương vị thơm nồng của lúa, hăng hắc của bùn, của những chiếc vó cất lên có nhiều tôm cá trên những con sông chạy len lỏi trong những làng quê… Nhưng nhất là trò chuyện với những con người mang tính cách chân chất, thật thà, dân dã đơn sơ, quanh năm sống bên ruộng lúa, xuồng ghe…
Cà Mau – chuyến đi lần đầu tiên tôi không phải là kẻ độc hành, mà chung quanh có đầy ắp tiếng cười nói của bạn bè và thầy Lai Minh, thầy Hữu Minh cùng cô Ni Na (vợ thầy H. Minh). Mục đích chính của chuyến đi là dự đám cưới con trai Phan Trung Thanh (Thanh Lùn) – Một thằng bạn lớp tôi, quê chính gốc ở B’lao, nhưng thời thế - thế thời đưa đẩy về Cà Mau, miệt miền quê tận cùng đất nước để cưới vợ và lập nghiệp. Bây giờ Thanh Lùn là một anh nông dân thực thụ trăm phần trăm, không hơn không kém! An bình, thanh thản với gió nội hương đồng.
Cà Mau – Trong chuyến đi này, nhìn thầy nhìn bạn, tôi thấy ngoài những những dấu hỏi dấu ngã in thêm nhiều trên khuôn mặt, còn có những dấu mệt mỏi ẩn sâu trong cuộc chơi. Ngồi trên mũi ghe buổi trưa đi ra Hòn Đá Bạc. Nhìn mũi ghe rẽ sóng vươn tới, tôi nghĩ đến mọi người chúng tôi cũng đang phải tự rẽ sóng trong cuộc đời mình, cho dù sức lực bây giờ cũng giống như động cơ của cái máy Kohler già nua đang cố đẩy chiếc ghe này. Có điều cuộc đời đưa đẩy như thế nào, thì chúng tôi mỗi khi có dịp sống gần nhau cũng sẽ sống xúm xít yêu thương như đang ngồi trên chiếc ghe hôm nay. Phải không thầy? Chị Lợi? Phải không Vân, Huệ, Quang, Long, Thanh, Bình, Hằng, Yến, Hạnh, Liên, Tâm, Bông… và các bạn?
Cà Mau – Trong chuyến đi, thỉnh thoảng có tiếng chuông điện thoại reo vang, khi thì của Trọng, khi thì của Thạch, của Quý… những người không đi được hỏi thăm… Tình bạn sao mà đáng yêu thế. Tự dưng tôi nhớ đến bài hát Người Yêu Tôi Bệnh của cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang:
Cà Mau – Trong chuyến đi, hòa trong tiếng cười nói của bạn bè, có tiếng cười khô đặc của Tâm D, tiếng cười hụt hơi của một người đuối sức. Và để giữ cho thăng bằng cuộc chơi, trong túi xách mang theo của Tâm có đủ đồ nghề như máy đo huyết áp, thuốc lọ thuốc chai. Nhưng nói về những món ăn chơi này phải kể đến “thủ kỳ” Văn Công Bông mới là có hạng, hắn đi chơi mang theo một “y tá kiêm vợ” (nói ngược lại hình như chính xác hơn), luôn túc trực chăm sóc sức khỏe cho hắn. Hắn lên chức gì không rõ nhưng bây giờ đi đâu cũng có người nâng bi, sửa túi (hắn không bao giờ mang theo khăn). Hắn phớt lờ, lạnh lùng với thằng anh em nối khố Văn Công Lưu Linh từ hôm trước tết Tân Mão. Mà lúc đó hắn cũng “phớt lờ” với bạn bè, tắt máy biến mất. Bạn bè xôn xao, ngơ ngác – tưởng rằng sẽ mất hắn. Nhưng hôm nay hắn có mặt trong chuyến đi này (mặc dù phải đi về bằng máy bay vì lý do sức khỏe) đứa nào nhìn hắn cũng mừng vui ra mặt. Tôi lén nhìn kỹ Văn Công Bông: da tái xám, gầy, hai mắt lõm sâu, nhưng vẫn giữ nguyên nụ cười của thời còn đi học. Thằng Trang Mad ở tận Ba Tây mấy tháng rồi mỗi khi say xỉn, thương bạn lại khóc rưng rức lo sợ cho thằng “thủ kỳ đồng hương Cần Đước” ngày nào… thăng sớm! Nhưng thú thật trước khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi cũng lo lo, nên bấm máy “Alô!” cho Văn Công Bông, thấy hắn cười ha hả… Hắn nói ngày mai phải ra Bà Rịa lấy thuốc về uống tiếp… tôi cũng an lòng mà tếu táo!