Khi còn ở quê nhà, tôi không để ý đến ngày Bà Mẹ, đơn giản bởi không nghe ai nhắc đến.  Thật ra người dân mình có truyền thống rất hiếu đạo với cha mẹ. Lúc còn nhỏ thì vâng lời dạy bảo, không muốn làm điều gì để cha mẹ phiền lòng.  Tuổi già của cha mẹ hay khi yếu đau thường trông cậy vào con. Riêng tình mẫu tử thì hết sức thiên liêng  và đẹp đẻ nhất, được ẩn náu sâu kín trong tâm tư của mẹ và con.  "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình"! 

Dù còn đi học hay đã ra đời, luôn tìm cách phụ giúp những gì có thể làm để giảm gánh nặng cho cha mẹ. Đặc biệt là các cô con gái, từ những ngày còn thơ, đã giúp mẹ hết lòng trong công việc gia đình như sửa soạn bữa ăn, don dẹp nhà cửa, thêu thùa may vá và phụ trông đàn em nhỏ.

Khi cha mẹ về già thì hết lòng phụng dưỡng. Cái cảnh bỏ bê cha mẹ già, dù hoàn cảnh rất khó khăn, rất ít thấy. Ngay cả hiện nay, tôi có mấy người bạn đã quá thất tuần ngày đêm chăm chút mẹ gìa trăm tuổi, ở quê nhà cũng như đang sinh sống ở nước người.

Mặc dù thời đó tôi không thấy nói đến ngày Bà Mẹ, nhưng hình ảnh Bà mẹ Việt nam được biết ơn, và ca ngợi từ thâm sâu trong tim của mọi người, tại mọi nơi và qua mọi thời đại.

Có lẽ người mình thâm trầm, ít bộc lộ, ngay cả lòng thương kính và biết ơn đối vói cha mẹ cũng được biểu lộ một cách kín đáo.

Qua thời gian, nhiều cái, trong đó có cách thức biểu lộ tình yêu thương giữa người và người nói chung và lòng biết ơn của con đối vói cha mẹ nói riêng cũng thay đổi phần nào, bộc lộ hơn. Vì vậy, bây giờ không chỉ những người đang sống ở nước ngoài, mà cả nhiều gia đình trong nước cũng có cũng rầm rộ tổ chức ngày lễ Mẹ.

Tôi thật kém may mắn lỡ mất cơ hội báo hiếu cha mẹ! Thay vì được con cái phụng dưỡng tuổi già, cha mẹ tôi lại phải ngậm ngùi, lo lắng một cách vô vọng cho đàn con, sống chết chưa biết ra sao, nói chi đến tương lai!

Đang tả tơi bởi những chuyến vượt biên bất thành, cha tôi mất một cách đột ngột! Cảm xúc tê tái khiến tôi không khóc được nhiều. Tôi biết cha tôi chết một phần do lo lắng đến chúng tôi, một phần vì thiếu thốn, do sự sụp đổ của đại gia đình một cách đột ngột, chỉ qua một đêm là không còn gì cả, chẳng khác nào một tai nạn sóng thần.

Mất người cha kính yêu trong hoàn cảnh này chẳng khác gì một “football player” bị đối phương húc (tackle) cho chết lịm trên sân cỏ. Phải đứng dậy thôi, phải liều mình tiến về phía trước để tìm đất sống, một bầu không khí tự do cho đàn con thơ. Khi kẻ đã liều không còn sợ chết, nhiều cơ may vượt qua chướng ngại lớn lao. Chuyến vượt biên đầy nguy hiểm đã đưa gia đình tôi và bạn bè đến được bến bờ tự do, bằng sự liều lỉnh của mọi người.

Thật bất hạnh cho tôi, mẹ tôi đã vĩnh viễn ra đi khi tôi và gia đình đặt chân  đến  trại tỵ nan chưa được bao lâu. Sợ tôi không chịu nổi nhiều cái sốc liên tiếp, nên người thân đã dấu không cho tôi biết tin buồn nầy. Ngày tôi và gia đình vui mừng được đặt chân đến Mỹ cũng là ngày tôi biết được mẹ tôi đã ra người thiên cổ, và sắp làm giỗ đầu. Tiếng khóc của tôi trong nghẹn ngào. Không biết có phải vì quá lo lắng cho sự an nguy của chúng tôi mà mẹ tôi đã ngã bịnh để rồi cũng xa lìa chúng tôi một cách đột ngột! Một người mẹ suốt hơn năm mươi năm hy sinh chăm chút cho đàn con từng ngày. Làm sao Bà yên tâm được khi những đứa con thân yêu của mình đang trong cơn đại nạn.

Sau gần 30 năm sống trên đất Mỹ, các con chúng tôi quen dần với tập tục của xã hội mới nên cũng tổ chức các ngày Father Day, Mother Day để tỏ bày lòng thương yêu và biết ơn bậc sinh thành. Tuy nhiên, cách tổ chức cũng phảng phất nét Việt Nam. Đặc biệt là ngày Mother Day, các con chìu theo ý mẹ, tổ chức  mừng mẹ mà bề ngoài trông giống như “Ngày các con”. Kể cũng khác thường, nhưng mẹ muốn và mẹ vui, nên các con không có lý do để không vâng lời.

Thường các con gởi hoa đến nhà mẹ ngày hôm trước, và ý các con mong muốn chiều Chủ nhật mời bố mẹ (bố ăn ké) dùng một bữa ăn tối tại một nhà hàng địa phương. Bà xã tôi lại muốn thay đổi chương trình chút ít. Chính bà sẽ nấu một số món ăn mà các con ưa thích và tất cả gia đình các con sẽ tụ tập về nhà mẹ chiều Thứ bảy. Chỉ cần sự hiện diện của các con là mẹ vui lắm rồi, hơn nữa mẹ con sum họp tại nhà mẹ vẫn ấm cúng hơn! Và chính các con cũng hưởng được cái cảm giác êm đềm dưới đôi cánh bảo bọc che chở của mẹ như những ngày còn thơ.

Tại sao không để các con đến mừng mẹ Chủ nhật mà lại Thứ bảy? Bà xã tôi nghĩ đến những bà mẹ khác, bà mẹ của các cô dâu. Bà muốn dành thuận tiện để các con dâu của bà có điều kiện làm vui lòng mẹ ruột mình đúng ngày Chủ nhật, ngày Mother Day truyền thống.

Người mẹ Việt Nam, luôn bao dung với con của mình. Thương con, nên quí rể và thương dâu như con đẻ của mình. Hãy đi khắp cộng đồng người Việt mà xem, các bà nội, bà ngoại, sợ con mình vất vả đã trải lòng trông giữ cháu. Một công việc thật nhọc nhằn cho người có tuổi, nhưng vì lòng thương cháu vô bờ bến các bà nội, bà ngoại quên cả mệt nhọc. Một tình thương  bao la dành cho các con dù chúng đã trưởng thành. Quả tình mẹ, thật tuyệt đẹp, bao trùm và ngọt ngào biết bao như câu ca dao:

Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một như đường mía lau.

Và để đáp lại phần nào công ơn bao la của mẹ, bổn phận làm con chớ quên:

Có mẹ cha mới có mình
Ở sao cho xứng chút tình làm con.

Hay:

Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con
 

Luc Phan
Gurnee May 6, 2011


Cùng Tác Giả / Đề Tài