
Tôi cố dỗ mình ngủ bằng cách nghe nhạc nhưng sao những suy tư cứ bám quanh tôi. Đêm khuya, trời lạnh và một mình với cõi riêng tư sâu thẵm chợt nhớ về tuổi ấu thơ... Ngày đầu tiên đi học, những buổi sáng chào cờ, thay vì hát câu: "này công dân ơi... thì lại khóc nức nở vì nhớ mẹ! Vậy mà thoáng chốc tuổi 60 đã đến với biết bao lần khóc. Cha mẹ mất mình khóc đó là điều rất tự nhiên.
Nhưng đêm nay tôi khóc vì thương tiếc một người, một đàn anh cùng trường mà tôi đã không có dịp tiễn chân anh, gửi một lời chào tạm biệt đến anh.
Ngày nhận được tin anh ra đi lúc đó tôi vừa xong một cuộc giải phẫu và còn nằm tịnh dưỡng ở bệnh viện. Tôi bùi ngùi cho sự ra đi bất ngờ của anh. Rồi mới đây nhận được email của chị Liên mời bạn bè Nông Lâm Súc đến dự buổi cầu siêu tại chùa cho anh Thiện, tôi cũng không đến được vì sức khoẻ chưa cho phép.
Anh Nguyễn Hữu Thiện, anh là một người có nhiều biệt tài. Ở nơi anh tôi cảm nhận được một cái gì rất chân tình cố hữu, thân thiện, khiêm nhường và nhân cách. Nhớ lần anh mời các bạn bè Nông Lâm Súc đến họp mặt tại nhà anh, dù rằng bữa đó vắng mặt vài anh chị. Tôi nhận thấy cử chỉ ngóng bạn của anh thật kín đáo, mặt anh đôi lúc kém vui nhưng anh luôn nở nụ cười rất tươi và tới hỏi hạn từng người. Nhớ lại ... mới gặp anh đây. Ngồi gần vợ chồng anh trong bàn tiệc trong đêm Countdown 2011 của hội Liên Trường Trung Học Việt Nam. Chị Liên gắp thức anh cho anh. Anh cám ơn vợ anh với giọng nói nồng nàn, ấm áp đến nỗi cô con gái tôi ngồi cạnh tôi phải nói: "Hai Bác hạnh phúc quá, hả mẹ!". Khi chia tay anh còn hẹn gặp lại nhau trong ngày Tất Niên của Liên Trường Nông Lâm Súc.
Đời người là Có và Không, là Sống và Chết. Anh đã có nhân cách và không có sự oán thù. Anh sống với sự thương yêu của gia đình và tình bạn bè. Đặc biệt với niềm hạnh phúc vô biên của vợ con anh. Anh mất đi và đã để lại bao nhiêu tiếc thương của rất nhiều người trong đó có tôi.
Một vật không thể rơi hai lần trong cùng một lúc nhưng con người cùng một lúc có thể phải chịu đựng nhiều bi thương ... Tôi tự vùng lên, tự nhìn lại chính mình và tự nhủ rằng: "mỗi một ngày đi qua là đời sống của mình ngắn lại". Vậy thì cứ bình tâm đón nhận mọi sự việc đang tới với mình và chấp nhận những gì mình đang có và kể cả những gì mà mình không muốn. Nhiều khi cảm thấy bực bội vì bịnh, vì mất ngủ, vì ăn không được ngon... Nếu mình không biết thay thế bằng sự thoải mái, bình tâm mà vất bỏ đi sự bực bội, tức là ta đã tự làm mất đi nhân cách của ta rồi.
Cái tôi của con người đã lớn hơn cả trái đất! tôi nghĩ thế vì chính tôi đã giận một người em gái của tôi 10 năm nay rồi vì cô ta đã không có sự thảo hiếu đầy đủ với bố mẹ tôi. Có những lúc tôi cảm thấy hổ thẹn với chính mình. Bố mẹ tôi không trách móc, giận hờn gì cô ta thì tại sao tôi phải tự làm mất nhân cách làm chị của tôi cả 10 năm nay. Tôi còn nhớ ông Nội của tôi khi xưa còn sống đã có lần nói với tôi rằng: "... học thành danh hay học bất cứ cái gì cũng dễ, nhưng học làm người thì rất khó". Thôi thì còn được sống, tôi vẫn phải cần học làm người. Bài học khó, tuổi lại càng nhiều, bầy đặt học hành thế nào chồng con cũng lại chả chế nhạo: "càng ngày mẹ càng mát giây nặng ! ". Ừ! mà lo gì cơ chứ, mình đã có thuốc Cymbalta ...
Mỗi người trong chúng ta đều có những khuyết điểm riêng biệt. Chúng ta cần phải chấp nhận cá tính của từng người trong cuộc sống và hãy tìm ra cái tốt ở trong họ. Câu này tôi học được từ trong câu chuyện ngắn "chiếc bình nứt". Tôi tự thẩm vấn mình và cảm thấy con người mình thật tầm thường; nói năng thì chả ra đâu vào đâu ... thế mà cũng may mắn lấy được tấm chồng... nếu không ... thì cũng là “hên” !
Thời thanh xuân đôi khi cũng ra vẻ ta đây đấy, đó là cái khiếm khuyết khó ưa nhất của phụ nữ. Nhưng đã từ lâu tôi không còn thấy tôi của thời son trẻ đâu nữa. Vật lộn với định mệnh. Anh em trong dòng họ, một số người tử trận mất xác khi tuổi mới 23-24. Mới 20 tuổi, mẹ giục giã lấy chồng, tranh đấu mãi được có 1 năm rồi tới năm 21 tuổi vẫn phải đi lấy chồng. Rồi chưa đầy 2 tháng chồng mất tích trong cuộc chiến. Giấy của quân đoàn Biệt Động Quân gửi về cho biết anh chết mất xác, coi như mất tích... Mẹ tôi khóc trước và bảo rằng: "Mẹ đã nói con trước rồi, lấy chồng lính khó lòng lắm". Lòng mẹ thương con bao giờ cũng bén nhậy, sâu sắc, và cảm nhận được những tai họa đang dành cho con cái...
"Bà ơi! con muốn bà", tiếng đứa cháu ngoại đã kéo tôi ra khỏi cái tư duy vẫn còn đang ngổn ngang. Nhìn qua cửa sổ, trời đêm trong vắt và ánh trăng hắt xéo bên cửa. Tội nghiệp đứa cháu ngoại thức giấc nửa đêm vì vắng bóng bà nằm bên cạnh. Một ngày mới lại sắp đến và vẫn mong là một ngày bình yên.
Nguyễn Thị Thường, MS 67-70