
Tui được sinh ra và lớn lên ở Biên Hòa, dân Nam Kỳ rặt nên chưa bao giờ tui xưng là "tôi" với một ai. Trong đầu nghĩ là tui mà phải uốn éo cái miệng để cho ra tiếng tôi thì tui thấy nó lạng quạng làm sao, nên xin quí thầy cô, anh chị cùng các bạn bè niệm tình tha thứ vậy.
Thêm nữa là tui viết những bài này với cái tâm tư của một thằng học trò ngày tuổi nhỏ nên xin phép trước được gọi tất cả bạn bè là "thằng này, chị nọ" cho dễ viết lên cái tình tiết ngày qua một cách đúng sự thật. Ai mà nổi nóng chửi bới gì tui cũng được, có tìm dzộng hay bạt tai cho một quả cũng không sao. Tui lại càng mừng, càng vui. Giờ này mà còn có được hơi tàn sức cạn để chửi bới hay đấm đá thì thật là đại phước phải không? Có đau chút xíu cũng không sao. Lổ tai cũng đã nghễn ngàn rồi.
Từ nhỏ đến giờ tui chưa bao giờ có được một cái tiếng gì gọi là tốt * đẹp đàng-hoàng nên khi viết lách cũng thế, nhớ đâu viết đó, nhớ ai kêu ấy, do đó nếu có thiếu sót hay vô thứ tự thì cũng xin bỏ qua dùm, từ từ rồi tui sẻ ráng mà moi ra, viết hết lên đây cho tất cả chúng mình cùng có cái đọc cho vui qua ngày tháng xa quê. (hdl)

Suốt trên 10 năm trời đi qua đi lại, đi lên đi xuống, lúc thì đi học, lúc thì đi vòng quanh trốn học thơ thẩn cho hết giờ để mò về nhà cho đúng với cái thời khoá biểu hàng ngày nên cái thằng tui đã thả buớc lang thang trên cái quảng đường này biết bao bận mà không bao giờ ngờ rằng nơi đây có biết bao anh em bè bạn thân thương kết nối cả một cuộc đời .
Kéo dài từ xứ bưởi Biên Hòa cái con đường đó vượt đèo Blao rồi nẳm lại đó 5 năm trên một con đường khác có nhiều bông hoa vàng và cho đến tận mải cái xứ cờ hoa này nó vẫn nằm dài trong ký-ức.
Đó là con đường từ nhà ga xe lửa Biên Hòa dẩn ra rạp hát Biên Hùng rồi quẹo trái thành đường Trịnh Hoài Đức cho tới trường Tiểu học Nguyễn Du.
Hầu hết những người anh em bạn bè trai gái thân thương của cả một phần đời tuổi nhỏ của tui đều có nhà ở đó. Tất cả đều ở trên con đường này nhưng sống và gặp nhau nhiều nhất lại là trên những con đường khác, như con đường mang tên Hoàng Hoa Lộ, đường phía sau về nhà E ngang qua Câu Lạc Bộ, có quán chị Tráng, bà Tề hay là đường ra cổng sau đi ra phố Bảo Lộc có quán Ngọc Lan có chị Lan và anh An đô con cả vợ lẩn chồng hoặc là đường từ cột cờ đi ra cổng chính đến thẳng lò bánh mì.
Trước hết là nhà của anh Ân con của cô Ba chích, kêu là thế bởi vì cô Ba có nghề y tá, chích thuốc cho cả cái xóm ga này. Nhà của anh Ân cở chừng 100 thước từ cổng ga xe lửa đi ra. Anh Ân thứ sáu nên mấy tên nhóc tui kêu là anh Sáu. Gần đây qua mạng NLS này tui mới hay anh đã về miền miên-viển. Mấy mươi năm rồi không gặp lại từ ngày anh ra trường đi Thủ Đức để rồi không ngờ cái tin đầu tiên lại là một lời từ biệt. Cầu mong cho hương-hồn anh thảnh thơi nơi miền cực-lạc.
Rồi thì anh em mình cũng sẽ có ngày gặp lại nhau phải không? Chỉ sợ là tui sẽ không được đi lên như anh, mà phải đi xuống ! Thôi thì cũng như ngày xưa, mỗi lần tựu trường ai lên trước chiếm lấy cái phòng mặt tiền ngon lành trong lưu-xá có cửa sổ ngó thẳng ra đường tha hồ mà ngắm những buổi em tan trường về. Anh đi trước sẽ có nhiều phòng tốt cho anh tha hồ lựa chọn vậy.
Chị Sáu ơi!
Chắc chị không nhớ vì hai chị em mình chỉ gặp nhau có một lần ở nhà cô Ba khi anh Sáu còn đang thụ huấn trong quân trường. Hẳn như chị cũng đâu còn nhớ cái câu mà chị nói với má em ngày hôm sau:
- Cái thằng mới ngó là đã biết cùng dân NLS với anh Sáu rồi, ai cũng có cái gì bụi bụi, nghêng ngang.
Chị Sáu biết không? em bây giờ đầy bụi trần gian nhưng cái nghêng ngang thì có lẽ chỉ còn đâu đó trong lòng, chỉ dậy lên trong những khi nhớ về trường xưa người cũ như đêm nay khi ngồi viết lên những dòng chữ này. Viết cho cái quãng đời đã qua nhưng không bao giờ mất.
Xin chị cho em gởi lời thăm chị Hai, anh Ba Kền, chị Tư, anh Năm cùng anh Bảy Chía. Đoán là chị đang ở San Jose phải không? Em ở San Francisco không xa chi mấy, nếu chị email cho địa-chỉ em sẻ cố gắng đến thăm và thắp nhang cho anh Sáu.
Còn nhớ hoài cái ngày đó, những tưởng xa nhà lần đầu tiên đi học xa ở nội-trú chẳng có ai quen biết làm thằng tui chẳng những thấp thỏm lo buồn mà còn lo …sợ!
Nhưng tui đã lầm to. To lắm!
Tui nhận ra anh Ân liền khi tui đi theo thằng Nghị đến quán chị Tráng lần đầu tiên.
Ông anh xóm tui ngồi đó! ngay trước cửa! không phải một ông mà đúng ra là bốn. Nguyên cả một băng Minh Dự Kế đàng-hoàng chững chạc trong bộ complet áo sơ mi trắng toát bỏ trong quần lại có cả cà vạt nút măng xết đang ngồi phì phèo cà phê thuốc lá ung dung tự tại cứ như là đang ngồi ở Givral hay Pagoda Sài Gòn.
Ngày đó tui chỉ mới xuống xe đò Minh Trung lò mò vô học lớp đệ ngũ, mấy ông đó đã là "ĐỆ NHẤT". Còn teo hơn là một tên lính quèn đứng nhìn mấy ông đại tướng! Cái cảm giác tò mò vị nể đó nằm mãi trong đầu tui cho đến khi mấy ổng ra trường năm sau.
Bây giờ già rồi, có biết bao bộ đồ veston đã mang cho Goodwill hay còn nằm trong xó tủ tui vẫn phải thành-thực mà công-nhận rằng anh Ân cùng 3 anh Minh Dự Kế rất là đẹp trai, có cái hào hoa phong nhã và rất ư là thích hợp trong những bộ đồ đó.
Ngày xưa năm cũ ấy mỗi khi nhìn mấy anh cái đầu ưa thơ thẩn của tui thường hay nghỉ về những chuyện như Vòng tay học trò, dân chơi Trần Đại hay là xa xa hơn nữa như 007. Cái vẻ gì vừa sang trọng đàng-hoàng mà lại dư phần lãng-mạn gồ ghề, đã điếu lắm.
Sau này lớn lên một chút, cũng vào lúc đệ nhị hay đệ nhất gì đó tui cũng có thời bắt chước ăn mặc như mấy anh nhưng mà "cái hỏng giống ai" làm tui ngậm-ngùi "bỏ đi tám".
Mà cũng phải thôi, ngay cả cái tên Dương Phú Lộc ngày nay trông còn ngon lành hơn tui nhiều trong bộ đồ vest. Ờ mà sao cái thằng này cứ chỉa cây viết vô bà vợ của hắn hoài vậy ta? Đọc thét đâm ra lẩn thẩn, hỏng biết vợ nó đẹp đến cở nào mà sao bị đì (như chuyện nó kể) quanh năm suốt tháng từ hồi ở VN đến giờ mà nó… vẫn còn được ở đó? Hay là nó nhìn đời bằng con mắt …lé!
Trở lại cái lần đầu gặp lại anh Ân ở quán chị Tráng đó tui xin thêm một đôi dòng tình nghĩa:
- Em cám ơn anh Dự nhiều lắm.
Là vì hôm ấy anh đã nói với thằng Nghị như thế này:
- Không được bắt địa nó nghe mày!
Hà hà, hên cho tui quá! đúng là như má tui thường hay nói, số tui hậu-vận khá, thường hay có quí-nhân phù-độ lúc lỡ thời.
Không biết mấy anh Minh Dự Kế giờ ra sao? thỉnh-thoảng mỗi khi phải đóng bộ đi đâu đó tui thường tự hỏi. Chắc là đẹp lão lắm phải không? Mà hồi đó trong trường có chị nào thương mấy ảnh không vậy? Hình như mấy ổng đều có vợ "đàng ngoài" hết thì phải?
Còn tiếp …
HDL
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.