alt
      Thiên tai lũ lụt ụp xuống miền Trung trong mùa bão vừa qua đã tạm lắng, nhưng hệ quả của nó vẫn còn đeo đẳng. Hàng vạn nạn nhân chịu cảnh màn trời chiếu đất đang cố gượng để vượt  qua, dựng lại, và nếu  "...trời hành cơn lụt mỗi năm!"  thì tai ương vẫn chực chờ mùa bão tới.
      Mời các bạn cùng thương về miền đất cam chịu nhiều bất hạnh  -  quê hương ta, quê hương của Thầy Phan Bá Sáu, qua hồi ức "Lụt Lội Quê Tôi".  Xin cám ơn Thầy đã chia sẻ tâm tình thương khó - chuyện quê nhà hiện nay và của hơn nửa thế kỷ trước. (Trang Nhà)
 
Lụt Lội Quê Tôi
(Dùng nút điều khiển để nghe bản nhạc "Tiếng Sông Hương-Phạm Đình Chương" qua tiếng hát Ngọc Hạ)
 
Quê em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn
...
Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm!
Khiến đau thương thấm tràn,
Lấp Thuận An để làm biển khơi…
Ai qua thôn vắng, nghe sầu như mùa mưa nắng
cùng em xót dân lều tranh, chiếu manh…”
( Phạm Đình Chương)  

 Nói đến Miền Trung là nghĩ đến ngay những cơn lụt hằng năm. Năm nào mưa thuận gió hòa, với những cơn lụt vừa phải, dân quê đỡ khổ rất nhiều. Những năm “bị trời hành” với cuồng phong từ biển đông ập vào và lũ dữ từ Trường Sơn đổ xuống, sự thống khổ của dân nghèo không kể sao cho hết.

alt alt

Dòng nước dữ vô tình cuốn đi hoa màu, nhà cửa, và cả sinh mạng người dân quê tôi. Chịu đựng bởi trời hành chưa đủ, quê tôi còn bị những kẻ ngu dốt, tham lam và độc ác tiếp tay, nên sự thống khổ bởi lụt lội càng ngày càng gay gắt hơn do nạn phá rừng và đắp đập tùy tiện!

Những ngày vừa qua, hai cơn lụt lớn liên tiếp đổ xuống vùng bắc miền trung. Cả trăm mạng người đã bị dòng nước cướp đi. Bao nhiêu nhà cửa, hoa màu đã trôi theo dòng nước bạc. Sự việc cứ lập đi lập lại hàng năm, làm sao quê tôi không nghèo cho được.

Nhớ lại lúc tôi khoảng 10 tuổi, tức vào những năm cuối của thập niên 40, lụt lội hàng năm hình như không hung dữ như bây giờ. Ở quê ngoại, mùa lụt nước cũng tràn ngập ruộng vườn nhưng không gây nhiều tác hại, và lụt cũng cần thiết cho những cánh đồng lúa, được bồi đắp chất bổ dưỡng do nước lụt mang đến. Đặc biệt, những trận lụt đầu mùa, đưa cá ở thượng nguồn theo nước bạc về khắp sông hồ. Tôi nhớ Cậu tôi giăng lưới ngang các dòng chảy ngoài ruộng, bắt được cả trăm cá gáy (cá chép), cá dầy, mỗi con nặng khoảng từ một đến hai ki-lô.

Khi sống ở thành phố, mùa lụt không cơ cầu như ở miền quê. Nhà tôi ở bên nầy Đập Đá, bên kia là Vĩ Dạ. Đập đá ngăn sông Hương với sông đào Vân Dương. Đập Đá là một con đường đá hẹp tráng xi-măng, ở giữa đập có một đường cống rộng chưa đến hai mét để nước hai sông lưu thông với nhau.

alt alt
Nước lụt
 tràn Đập Đá

Đập cao khoảng mét rưỡi ở hai đầu, phần giữa đập thấp hơn, chỉ chừng một mét thôi, vì vậy, lụt lớn, lụt nhỏ gì Đập Đá cũng bị nước tràn. Số người, ở bên kia Đập Đá, hằng ngày phải lên phố để làm việc ở các công sở hay buôn bán, và đặc biệt là một số lượng học sinh rất đông thuộc các trường Đồng Khánh, Quốc Học, Thiên Hựu, Pellerin… khi nước lụt tràn Đập Đá, phải dùng đò băng ngang sông Văn Dương, để qua bên nầy Đập Đá. Các nữ sinh áo dài trắng, guốc cao gót, nón bài thơ, chen chúc nhau trên con đò nhỏ chòng chành vượt ngang dòng nước lũ, cũng là những kỷ niệm khó quên của các cựu nữ sinh bên kia Đập Đá.

Nhắc đến nước lụt tràn Đập Đá, tôi nhớ lại một việc, vừa ghét vừa thương, mà tôi đã được chứng kiến tận mắt lúc tôi 10 tuổi.

Hôm đó cũng lại nước lụt tràn Đập đá. Mực nước sông Hương dâng khá nhanh, nước tràn qua đập, và vì mức nước chênh lệch giữa hai dòng sông khá cao nên nước đổ từ sông Hương vào sông Văn Dương khá mạnh. Không ai dám lội bộ qua đập kể cả thanh niên khỏe mạnh, mặc dầu nước chỉ mới tới gối.

Dòng nước, như một tường thành tự nhiên, đã phân chia hai đầu đập với nhau. Phia bên kia đập (Vĩ Dạ) tạm thời ngoài sự kiểm soát của Pháp. Vài chú du kích (Việt Minh) xuất hiện đi lại thật tự nhiên. Quả là một cái gai cho quân đội Pháp, lần đầu du kich Việt Minh xuất hiện ban ngày, cách trường sĩ quan Đập Đá vài ba trăm mét (ngay bên nầy Đập Đá, về phía bờ sông là trường đào tạo sĩ quan).

Một đoàn xe cơ giới gồm một xe Jeep và hai xe GMC đổ xuống, bên nầy Đập Đá, khoảng một Trung đội lính Lê Dương. Lúc đầu chúng định cho xe vượt qua đập, nhưng xe đầu vừa chạy được khoảng vài chục mét đã gặp khó khăn, phải tháo lui. Thấy thế, bên kia mấy chú du kích lại lúc ẩn, lúc hiện làm cho toán lính Pháp hết sức bực tức. Lúc đó là buổi trưa, người lớn không ai dám ra xem, nhưng bọn con nít tụi tôi đang cùng nhau câu tôm nước lụt bên hông đập, cứ tiếp tục câu và xem Tây vượt Đập Đá.

altKhông biết tên sĩ quan chỉ huy được lệnh cấp trên phải vượt qua, hay bực tức vì bị chọc quê bởi các chú du kích, nên tìm mọi cách vượt qua cho bằng được. Chúng đưa đến thêm một xe bọc thép (hai bánh trước bằng cao su, nhưng hai bánh sau là dây xích ) có cuộn dây cáp thật lớn trước mũi xe.

Tôi thật tình không rõ ý đồ của viên sĩ quan chỉ huy toán lính Pháp. Anh ta muốn dùng xe bọc thép dẫn đường để đưa lính qua bên kia Đập đá, hay muốn chuyền dây cáp từ xe qua bên kia đập, để lính của anh ta sẽ theo dây cáp mà vượt qua đập.

Loay hay cách nầy cách khác không được gì, cuối cùng anh cho một tên lính da trắng to cao đi trước dẫn đường cho xe bọc thép từ từ lội qua đập. Được hơn phần ba con đập, xe dừng lại, và tên lính, tay cầm dây cáp, lần từng bước tiến về phía trước. Anh ta đi đến đâu dây cáp tiếp tục nhả ra đến đó.

Thật hồi hộp! Càng gần đến giữa đập nước càng chảy xiết. Nước bây giờ đã đến thắt lưng, anh ta dừng lại, cho dây súng Garant lòn qua đầu và thân súng nằm sau lưng; anh ta nịt chặt lại nón sắt. Nai nịt xong, anh ta vẫn ngần ngừ chưa bước tiếp đưa mắt nhìn ngược lại phía viên chỉ huy.

Bây giờ không phải chỉ có con nít mà một số người lớn cũng len lén nhìn. Cả hai bên đều không nổ súng.

Du kích có vài cây súng cũ kỹ nhưng chưa chắc đã có đạn, còn Tây có lẽ vừa xem thường du kich vừa chú tâm tìm cách đưa lính qua bên kia đập. Thấy tên lính dẫn đường dừng lại khá lâu, tên chỉ huy ra lệnh vừa bằng miệng vừa bằng tay cho tên dẫn đường tiếp tục đi.

Buộc phải tiến, anh ta cẩn thận lần từng bước. Đồng đội, và cả dân đứng xem phía bên nầy Đập Đá theo dõi từng bước của anh ta. Anh ta tiến thêm được khoảng 20 mét. Hình như đã phần nào quen với sức đẩy của dòng chảy, anh ta có vẻ tự tin hơn. Mọi người hai bên bờ, gồm cả đồng đội của anh ta, có lẽ nghĩ rằng anh ta sẽ đến được bên kia đập trong năm mười phút nữa thôi. Ngay các chú du kích cũng đã vắng mặt. Không biết vì không có đạn, hay bởi lý do nào khác, du kích đã không bắn tên dẫn đường mặc dầu nó đứng như trời trồng giữa nước lũ.

Một tay nắm chặt dây cáp một tay giữ dây súng, tiến thêm được vài thước, bỗng nhiên anh bị té ngược về phía sau và chìm ngay xuống nước. Khoảng nửa phút sau, anh ta nhô đầu lên khỏi mặt nước, cách bờ đập chừng 10 mét, quơ tay kêu cứu được vài giây là bị nước nhấn chìm trở lại. Lần thứ hai anh ta lú đầu lên mặt nước trong tích tắc, cách đập xa hơn, rồi chìm ngay, và thế là không còn biết anh ta ở đâu nữa.

Sự việc diễn biến quá nhanh làm cho cả toán lính không kịp tiếp ứng. Chúng cho người chạy dọc bờ sông Văn Dương, mong một may mắn nào, anh ta tấp vào đó. Niềm hy vọng mỏng manh cũng tan theo mây khói!

Chúng huy động hơn 10 chiếc đò của dân, dùng những cây sào thật dài, xăm hết cả khúc sông dọc theo đập. Rà đi rà lại cả vài tiềng đồng hồ, không phát hiện được gì, và trời cũng sắp tối, nên chúng đã bỏ cuộc.

Sau nầy biết được là phần mặt đường trên cống bị sụp, bất ngờ tạo một luồng nước vừa mạnh vừa xoáy, đã lôi anh ta té ngửa về phía sau và sụp ngay xuống đường cống. Hơn nữa, anh ta lại trang bị quá nặng nề: ngoài bộ áo quần nhà binh, lại còn giày đinh nón sắt và súng Garant. Thật quá khó cho anh ta chống chọi với dòng nước xoáy!

Chẳng mấy ai thương giặc Tây, nhưng cái chết bất ngờ của tên lính Lê Dương vừa rồi cũng phần nào gây bàng hoàng trong lòng người chứng kiến. Dầu sao cũng con người với nhau mà.

Nước sông Hương cao dần, tối hôm đó nước đã bò xắp xắp mặt đường. Chiều ngày hôm sau nước ngập một số vườn quanh vùng Đập Đá. Đến tối trời mưa tầm tã kéo dài cho đến sáng ngày mai. Nước từ nguồn đổ về ào ạt làm mức nước lũ dâng lên khá nhanh, đến chiều nước tràn vào hầu hết các nhà trong vùng. Sự giao thông gián đoạn, mỗi nhà sẵn sàng chuẩn bị đối phó trong trường hợp nước tiếp tục dâng cao.

May mắn, mực nước gần như dừng lại, không lên không xuống cả một ngày một đêm, và sau đó rút xuống từ từ. Tên lính Lê Dương bị nước lũ cuốn đến nay đã được 4 hôm rồi. Không còn ai nhắc đến chuyện đó nữa, một mặt vì không thích gì bọn lính đánh thuê hung ác nầy, mặt khác là lo chống lũ. Trong khi nước rút phải nhanh chóng mà đẩy bùn ra khỏi nhà theo với nước, nếu không làm kịp thời là một tai vạ chứ chẳng phải chơi.

Sáng hôm ấy, trong xóm đã có người đi lại. Không nhớ ai đã phát hiện đâu tiên xác chết tấp ở đường luồng. Nhiều người trong xóm đổ ra xem. Trời ơi, anh Tây chết trôi đang nằm chình ình trên con đường xóm hẹp giữa nhà tôi và mấy nhà bên cạnh! Anh Tây bây giờ to gần gấp đôi lúc anh còn sống. Đặc biệt là anh đã biến thành Tây đen! Tôi nhớ không lầm, anh ta là một tên Tây trắng, thế nhưng bây giờ mặt và tay đều đen giống Tây đen.

Có người nào đó cấp báo cho Tây, và chừng một giờ sau một xe ambulance nhà binh đến. Trên xe ngoài tài xế còn có hai tên Hiến binh Pháp. Xe đậu ngoài đường cái, hai tên Hiến binh mang bốt cao đến gối lội bộ vào. Với găng tay, mỗi tên cầm một tay tên Tây chết, cứ thế kéo lê trên nước xấp xấp nửa gối, từ trong xóm ra đến đường cái quan.

Không hiểu vì tên lính Tây mập quá hay sao mà từ trong xóm cho ra đến đầu đường, đặc biệt ở con đường hẻm bên hông nhà tôi (vùng xác tấp vào), một màng mỡ lềnh bềnh trên mặt nước. Hơn cả tháng trời tôi không dám ăn cái gì béo, vì cứ nghĩ đến mỡ của tên Tây chết là muốn nôn!

Chuyện bão lụt quê tôi, dài đăng đẳng, năm nầy kế tiếp năm kia. Người dân quê tôi đã phải gánh chịu sự thống khổ từ nguồn đổ xuông, từ biển tràn vào. Trong khi đời sống chung của thế giới càng ngày càng khá lên, ngược lại quê tôi càng ngày càng xác xơ hơn.

alt alt
 Cảnh Lụt
Miền Trung

Nhớ lại, cũng vào những năm cuối của thập niên 40, khi còn là một học sinh lớp ba trường tiểu học Gia Hội, tôi đã nhiều lần đi bộ qua cầu Trường Tiền trong mưa bão.

Cầu Trường Tiền có sáu vài, nhưng khi đánh nhau với Pháp cuối năm 1946 Việt Minh đã đặt mìn dựt sập hoàn toàn ba vài bên tả ngạn (phía phố chính và chợ Đông Ba). Khi trở lại, Pháp cho làm một cầu tạm, hẹp, không có vài, thế cho ba vài cầu sập. Phần lan can cầu tạm rất thấp, cao ngang hông người lớn tức khoảng ngang nách đứa bé như tôi.

alt
 Trường Tiền với đoạn cầu tạm (bên trái)

Tôi ở Đập đá, gần am Cây Thụy, thuộc hữu ngạn sông Hương, không biết vì sao lại xin học trường tiểu học Gia Hội, không những nằm bên kia sông Hương mà còn xa tít mãi tận Ao Hồ. Từ nhà đến trường, tôi phải theo đường Lê Lợi (chạy cặp bờ sông) ngược sông Hương đi về phía cầu Trường Tiền; sau khi qua cầu, tôi lại theo đường Trần Hưng Đạo (đường phố chính của Huế) đi xuôi theo sông Hương đến cầu Gia Hội; qua cầu Gia Hội, theo đường Bạch Đằng dọc sông Đông Ba cho đến chùa Diệu Đế; bọc bên ngoài hông chùa ra sau là công viên Mê Linh, từ đó có một con đường (không nhớ tên) dẫn đến trường không xa mấy. Tổng cộng khoảng cách từ nhà đến trường khoảng 6 cây số.

Những ngày nắng ráo, việc đi về như vậy không có gì khó khăn lại còn vui nữa, nhất là đoạn đường từ cầu Gia Hội đến trường vui nhất. Ở đoạn đường nầy, nhà học sinh Gia Hội ở hai bên đường rất đông, vì vậy, chúng tôi đi cả đoàn 15-20 đứa, chọc phá nhau hết chỗ chê. Công viên Mê-Linh là nơi chúng tôi hẹn nhau đánh tay đôi, dưới sự cổ vỏ của các bạn cùng lớp.

Năm học bắt đầu vào đầu tháng 9. Tháng 9 tháng 10 là mùa lụt của quê tôi đó. Thật ra, lũ lụt miền trung nhiều năm tới sớm hơn và kéo dài cho đến tháng 11.
Vào mùa lụt, có nhiều buổi trưa, đi đến trường, mực nước sông chưa cao mấy, nhưng đến buổi chiều tan học nước đã nhảy lên bờ.

Hình ảnh một ngôi nhà tranh trôi bồng bềnh theo dòng nước lũ với người ngồi trên nóc đang kêu cứu không phải là quá hiếm. Chỉ mấy năm sống ở Huế, tôi cũng đã thấy hai lần như vậy.
Cái lụt đi kèm với gió mạnh hay bão thường đem nhiều đau thương cho dân miền trung hơn. Trên đầu thì gió quật đổ cây, tróc mái; dưới đất thì nước dâng ngập mái nhà, dòng nước bạc thật vô tình. Của cải nhà cửa hoa màu mất trắng, cảnh màn trời chiếu đất là không tránh khỏi.

Cũng đã mấy lần tôi suýt bị ném xuống sông khi cố vượt qua cầu Tràng Tiền, đặc biệt là đoạn cầu tạm, trong những ngày mưa lụt kèm theo gió mạnh. Với một thân hình bé bỏng, cộng thêm một tơi cá (áo tơi chằm bằng lá kè) quả không an toàn chút nào trên đoạn cầu tạm lúc trời mưa to gió lớn! Nhiều lần, tôi đã phải dùng hết sức mình níu chặt thanh sắt ngang trên cầu để khỏi bị gió hất văng xuống sông.

Tuổi trẻ thật buồn cười, trải qua tình huống hết sức nguy hiểm, mạng sống bị đe dọa nghiêm trọng, thế nhưng qua rồi lại quên rất nhanh.

Nói sao cho hết cái khổ bởi lũ lụt ở quê tôi. Thủ phạm chính là thiên nhiên: miền trung là một giải đất hẹp nằm dưới chân rặng Trường Sơn ở phía tây, thuộc vùng mưa nhiều, sông không sâu, cửa sông không lớn, là những gì khiến cho miền trung phải gánh chịu nhiều tai vạ về lũ lụt. Miền trung lại đối mặt với Phi-Luật-Tân ở hướng đông, nơi hằng năm phát xuất những cơn bão quái ác. Hể bảo đã tập trung ở Phi, thế nào cũng tìm cách lần vào phá tán Việt nam, mà nơi bão thường viếng nhất là vùng phía bắc của miền trung.

Đành rằng thủ phạm chính là thiên nhiên, nhưng cũng do con người thiếu trách nhiệm, ngu dốt và tham lam đã làm cho vấn đề trầm trọng thêm. Ngoài sự biến đổi khí hậu, đã góp phần bão lụt khốc liệt ở miền trung, việc phá rừng hằng loạt vô tội vạ, tùy tiện đắp đập thiếu nghiên cứu, cũng như đào vét lòng sông, và thiếu chăm sóc các cửa sông, góp phần không nhỏ cho những trận lụt lịch sử quái đản những năm gần đây.

alt alt  alt
   Khai thác Rừng tùy tiện  

Bị điêu đứng nhất bởi bảo lụt là nông dân nghèo. Thường ngày, họ phải làm việc thật nhiều mà hưởng không được bao nhiêu. Không nước sạch để uống, không bệnh viện, trường học cho trẻ thơ rách nát thiếu thốn. Không mấy ai quan tâm đến những người nông dân nghèo nầy đâu, họ cần làm cảnh cho bộ mặt của Hà nội, Sái gòn, Đà Nẵng, Hãi Phòng… để phĩnh lừa dư luận, những kẻ cởi ngựa xem hoa làm cái loa tuyên truyền không công cho chế độ.

Ngày thường, cuộc sống đã cơ cực rồi, nói chi đến trong hoàn cảnh thiên tai thảm khốc. Nông dân Miền Trung bảo lụt, họ là thành phần hẩm hiu nhất của xã hội Việt nam ngày nay.  Xin Thượng Đế thương xót cho quê tôi, xin những người cầm quyền bớt tham lam và có trách nhiệm phần nào với những người dân đau khổ của mình.

Luc Phan
Gurnee October 21, 2010

Cùng Tác Giả / Đề Tài