Muốn tổ chức vượt biên bằng đường biển, trước hết phải có con tàu. Trên thực tế, chúng tôi không đủ tiền để sắm một con tàu nhỏ!

Nhớ lại 30 năm về trước, để tìm cách đưa gia đình đào thoát khỏi “thiên đường cộng sản”, đêm đêm với con tàu gỗ, Giang, Trường và tôi đóng vai ngư phủ cùng nhau đánh bắt tôm trong vịnh Bà-Rịa.

Giữa năm 1981, cùng cảnh ngộ như nhiều gia đình khác, chúng tôi đã cạn kiệt tiền bạc do những lần vượt biên bất thành. Tôi và vài người bạn cũ bàn nhau tự tổ chức phương tiện ra đi cho gia đình mình.

Muốn tổ chức vượt biên bằng đường biển, trước hết phải có con tàu. Trên thực tế, chúng tôi không đủ tiền để sắm một con tàu nhỏ!

Đành phải làm từ từ vậy. Nhờ bà con hổ trợ và giúp đỡ của bạn bè, chúng tôi tạm đủ tiền để đóng một vỏ ghe tại Long Sơn, rồi kéo về neo ở Bến Súc.

Có vỏ tàu, chúng tôi đi mời anh em thân cận cùng sở nguyện góp tiền mua máy tàu và trang thiết bị cho một ghe đánh bắt tôm cá trong vịnh.

Một thời gian không lâu, chúng tôi tạm hoàn tất được một ngư thuyền dài 9 thước rộng 2.4 thước với đầy đủ trang thiết bị.

Chúng tôi bắt đầu hành nghề chài lưới. Với sự hướng dẩn của bạn bè tuần đầu, và sau đó đêm đêm chúng tôi tự điều khiển lấy.

Hành nghề chài là phụ, nghiên cứu đường đi nước bước là chính. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng làm việc giống như những dân chuyên nghiệp, để tránh bớt sự chú ý của công an.

Mỗi ngày, cứ khoảng 4 giờ chiều chúng tôi lại xuống ghe xem lại máy móc dầu nhớt, và không quên mua đem theo một gói thuốc lá, một trăm gram cà-phê, chút ít dầu ăn, và một xị đế. Đó là tất cả hành trang cho một đêm hành nghề.

Thường chúng tôi chờ đợi những người chuyên nghiệp rời bến trước, và chúng tôi khởi động máy tầu, vì theo con nước mà họ rời bến giờ giấc khác nhau.

Vịnh Bà-Rịa chằng chịt, mỗi tàu đánh bắt một vùng không ai tranh giành ại. Thường khi đến vùng đánh bắt, chúng tôi chỉ đánh ít mẻ, để kiếm ít tôm cá cho bữa ăn chiều, rồi neo tàu lại nghỉ ngơi và chuẩn bị cơm nước. Khoảng từ 7 giờ chiều cho đến 3 giờ sáng mới thực thụ là thời gian hành nghề!

Vịnh Bà Rịa- Vũng Tàu

Biển trời mênh mông, sông rạch chằng chịt, nhưng muốn thoát ra cửa Vũng Tàu không phải dễ! Mùa nào trời êm bể lặng, ngày nào tối trời thì công an và du kích lùng sục trên bờ dưới nước ráo riết.

Cứ y như rằng ngày nào trời bể êm ả, là sáng hôm sau ghe vượt biên bị kéo về lủ khủ. Trông người mà nghĩ đến ta!

Niềm hy vọng của bao nhiêu gia đình là con tàu nhỏ mong manh này đây! Bạn bè tin cậy chúng tôi, và chính cả gia đình chúng tôi nữa, nên chúng tôi vừa phải liều nhưng hết sức thận trọng để bảo vệ con tàu.

Đàn bà con nít quá đông, tiền bạc quá eo hẹp gây cho chúng tôi nhiều khó khăn.

Chuyển người từ Sài Gòn xuống lúc nào, ém ở đâu; đường chuyển dầu, đường chuyển lương thực; theo dõi sát vị trí đổ người; cảnh giới tuyến đường từ vị trí bốc người ra đến cửa Vũng Tàu. Bất cứ một sơ sẩy hoặc không may nào trong bấy nhiêu việc, dễ dàng làm cho chuyến đi bất thành, hay tệ hại hơn là bị bắt.

Đã vài lần thất bại, may mắn chúng tôi vẫn giữ được con tàu!

Mỗi lần thất bại chúng tôi lại càng khó khăn thêm về tiền bạc, nhưng lại học hỏi được thêm một số kinh nghiệm. Chúng tôi lại điều chỉnh cách thực hiện.

Cuối tháng 8 năm 1982, chuyến đi phải đình hoãn vào phút cuối, do nghi ngờ bị lộ. Đầu tháng 11 năm đó, biển bắt đầu động nhẹ, sự canh phòng có thưa bớt, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến đi.

Thực tế chúng tôi không còn đủ tiền để kéo dài thời gian chờ đợi, hơn nữa lại sợ các trại tỵ nạn sẽ đóng cửa!

Có một vài trục trặc nhỏ ban đầu như cháu Mẫn của vợ chồng anh Minh bị lạc, và khi tàu vừa khởi động rời chỗ bốc người thì cả hai “bù-lon” nối chân vịt với trục máy bị bứt lìa. Cuối cùng cũng đón được cháu Mẫn lên tàu, và chỉ mất hai phút để thay các bù-lon con tán, chuyến đi được khởi sự hoàn hảo.

Một ngày một đêm vật lộn với sóng gió, sáu ngày sáu đêm lênh đênh trên biển cả, nhưng được trời thương mọi thành viên của các gia đình đã đến được bến bờ tự do.

Chúng tôi sống với nhau trên đảo Bi-đông được khoảng 3 tháng. Chỉ riêng gia đình tôi xin định cư ở Mỹ, các gia đình khác đều định cư tại Úc. Các gia đình bạn đã có list rời trại chuyển về Kuala Lampur, và vài tuần sau được đưa về Úc.

Tuy rằng mỗi gia đình có ý hướng sắp xếp riêng, nên kẻ đi Úc người đi Mỹ, chúng tôi vẫn thấy buồn buồn. Chúng tôi đã cùng khổ ở Việt-nam, chúng tôi cùng chia hoạn nạn trên biển cả, chúng tôi lại chia sẻ sự khó khăn mấy tháng vừa rồi ở quê người. Đùng cái, mỗi người mỗi nơi, buồn chứ!

Tôi nói với Giang: “Không biết ngày nào anh em mình mới gặp lại nhau, trông thế nhưng không phải dễ đâu!” .

Quả là không phải dễ, đã 27 năm rồi đó! Bây giờ mọi người đã già và tôi chỉ được gặp lại Từ Văn Trường cách đây 10 năm! Các người bạn khác như vợ chồng anh Minh, cô Liên, vợ chồng chú Giang, vợ chú Trường, các bạn trẻ Sơn, Tuấn, Hằng, Cường (Lý Quỳ), và Vũ chưa có cơ hội gặp lại.

Nhiều lần vợ chồng tôi thu xếp đi Úc thăm bạn bè, đồng thời có cơ hội ngắm nhìn cảnh đẹp Úc châu. Không nhớ rõ vì sao mỗi lần định đi thì có cái gì đó làm cho mình phải đình hoãn.

Hội Ngộ với Cô Vương Thị Ngọc Liên

Đúng là bạn bè cách trở, gặp được nhau là cái duyên.

Cái duyên hội ngộ đã đến với chúng tôi. Bất ngờ nghe anh Đức ở Canada cho biết cô Vương Thị Ngọc Liên sẽ qua thăm gia đình anh, và vợ chồng anh sẽ đưa cô Liên đi dự Họp Mặt Nông Lâm Súc vào đầu tháng 7.

PB 738 Vương Thị Ngọc Liên & Ái Liên

 Thật may, nhờ hủy bỏ chuyến đi Việt nam vào cuối tháng sáu mà chúng tôi có cơ hội hội ngộ với cô Vương Ngọc Liên. Sự hủy bỏ chuyến đi Việt nam cũng thật hy hữu. Đúng là cái duyên!

Ngọc Liên- Xuân Mai- Ái Liên

Được đón tiếp vợ chồng Đức và cô Liên tại nhà hai hôm thật là điều mong ước. Chúng tôi nhắc lại những vui buồn khi còn ở Việt Nam dưới chế độ mới.

Những cảm tưởng hãi hùng trên biển cả. Những ngày chờ đợi trong trại tỵ nan, và cuộc sống mới ở Úc. Cô cũng nhắc lại việc cháu Mẫn, con anh Minh bị lạc, và may mắn đón được cháu kịp lúc. 

Xuân Mai, vợ Đức và Cô Vương Thị Ngọc Liên

Qua cô Liên, chúng tôi được biết toàn bộ gia đình anh Lê Quang Minh có đời sống rất tốt, từ sức khỏe, học hành, công ăn việc làm, và gia đạo. Tôi hết sức mừng cho bạn mình.

Gặp cô Liên, tôi lại nhớ lại lúc đi mua máy tàu. Tiền mua máy tàu là của gia đình anh Minh. Tôi bảo: “đã tìm được máy rồi, anh chuẩn bị tiền để trả cho người ta”. Không biết thiệt hay chơi, anh trả lời tôi: “Liên nó chôn đâu đó, đang đi đào”. Sau đó vài hôm thì anh đưa tiền để lấy máy tàu.

Gặp cô Liên, tôi hỏi đùa: “Vàng chôn ở Việt nam, đào hết chưa?”.

Sau những ngày họp mặt đông vui, cô và vợ chồng Vương Thế Đức sau khi ngao du sơn thủy cả tháng trời và về lại Toronto. Chúng tôi trở lại Chicago. Chúng tôi lại mời cô qua Chicago chơi. Đã dự định đi, nhưng có lẽ thấy đường xa nên Đức ngại lái và hẹn khi khác. Khi khác là khi nào đây, 27 năm nữa hay sao! Nếu thế, lúc ấy tôi đúng 100 tuổi!

Thôi gặp lại nhau trong chốc lát đã là duyên may. Được ăn uống, nói chuyện với nhau vài ba ngày đã là điều vui lớn rồi. Nếu trời thương, sẽ có lúc tái ngộ.

Hội ngộ cô chú Giang-Yến

Quả thật, sự việc đôi khi có mà không và không mà có!

 Bà Ngọc- Bà Liên- Bà Yến- Giang- Anh Khen-Lục(đứng)

Khoảng vài tháng trước, chú Giang thông báo sẽ ghé qua California trên đường đi qua Đức (Germany) cưới vợ cho cháu Khang. Phần chú cũng như phần tôi, cố thu xếp để có thể gặp nhau. Tôi dự tính hoặc là mời cô chú lên trên này, hoặc vợ chồng tôi xuống dưới đó chơi với cô chú ít hôm. Sẽ tùy cô chú định liệu.

Nghĩ đến ngày gặp lại vơ chồng Giang, tôi thấy nao nao làm sao.

Nhớ lại những buổi sáng đi đánh tôm về, với chiếc xe gắn máy cà tàng, Giang ngồi trước cầm lái với giỏ tôm trước bụng, tôi ngồi sau tay choàng qua hông Giang giữ giỏ tôm. Chúng tôi đèo nhau ra chợ cá Bà-Rịa để bán tôm. Chúng tôi đi từ Bến Súc lúc 4, 5 giờ sáng, đến chợ trời còn tối.

 

Trần Thanh Giang & Phan Bá Sáu

Đổ tôm xuống sàn xi-măng, mỗi chủ mỗi đống riêng.

Người lái buôn ( trung gian) cho một cây đuốc cắm lên đống tôm của mình. Và cứ thế ngồi chờ, trong khi lái buôn phân loại tôm của mình (loại 1,2,3,…) và mặc cả giá chung cho cả chợ. Khi giá cả đã ngã ngũ, người ta sẽ cân phần tôm của mỗi chủ và trả tiền. Có hôm bán rất nhanh, có hôm ngồi chờ cả hơn hai tiếng đồng hồ! Ngồi trên ghe cả đêm, bụng đói meo, ngồi bên đống tôm thêm vài giờ nữa chắc là không mấy thú vị!

Những lần tôi và Giang đi Vũng Tàu mua đồ phụ tùng cho máy tàu thật nguy hiểm. Đầu tiên hết là tôi chẳng có giấy phép đi lại. Nếu bị chận lại ở ven biển, chắc là có nhiều rắc rối. Hai anh em, nhiều khi phải đèo nhau đi 8, 9 giờ tối từ Vũng tàu về Bà Rịa.

Những lần đi gặp người để thăm dò và thương lượng về cách thức và giá cả những công việc họ sẽ giúp mình. Mỗi lần tiếp xúc là nguy hiểm càng tăng, nhưng không làm không được.

Đôi khi chúng tôi cho tàu nghỉ đánh bắt vài ngày để tu bổ ghe tàu, hoặc phó thác cho bọn trẻ ít ngày để nghỉ ngơi. Những lúc như vậy, chúng tôi ẩn náu trong ngôi nhà không tới 30 mét vuông, nhưng có trên vài trăm vết đạn, có năm mười vết lớn hơn mũ đội đầu. Chúng tôi chia nhau nằm lăn lộn dưới nền xi măng.

  Liên & Yến

Để giúp chúng tôi bớt căng thẳng, cô Yến thường cho chúng tôi một ít mồi để nhậu lai rai. Thường là một nồi canh cá và ít xị rượu đế. Chúng tôi không bàn chuyện cứu nước mà chỉ bàn cách làm sao bỏ nước chạy cho an toàn!

Biết bao là kỷ niệm, nói sao cho hết. Vì vậy, sắp gặp vợ chồng Giang cho tôi nhiều cảm giác mạnh.

Lại được phone của Giang từ Úc cho biết ngày giờ đáp xuống Los Angeles không rõ ràng. Tôi bảo cho tôi biết ngày giờ càng sớm càng tốt, để tôi có thể sắp xếp thời gian và nơi gặp nhau.

Thật buồn, chú ấy cho biết sẽ đến Los chiều hôm trước, hôm sau đã đi Texas. Khi trở lại Los hôm trước, hôm sau lại đi Âu châu. Ngày giờ lại quá lung bung. Thôi thế là tưởng có mà hóa ra không!

Thế là tôi lấy vé đi Cali. Để dự họp mặt, thường chúng tôi đi một tuần. Hơn nữa chúng tôi vừa ở Cali về cuối tháng 5. Họp mặt 3 ngày 2, 3, và 4 tháng 7, như vậy, chúng tôi có thể xuống Cali ngày June 30 và về lại Chicago July 7. Để cầu may, chúng tôi kéo dài thời gian ở Cali đến ngày Aug 4. Chỉ cầu may thôi, không hy vọng gì gặp được Giang, vì ngày giờ cậu ta báo thật lung tung.

Khoảng gần giữa tháng 7, Giang lại báo cho tôi biết sẽ đến Los Angeles ngày Aug 3, và sẽ ở lại cho đến Aug 8. Vợ chồng sẽ ở lại khách sạn gần Phi trường.

Tôi nói, yên chí, tôi sẽ đón và đưa về nhà tôi. Muốn đi đâu, thăm ai tôi sẽ đưa đi. Tôi sẽ đóng vai tài xế, không sao cả.

Thế là tôi đổi vé máy bay, dời ngày trở lại Chicago là 11 tháng 8, để có thì giờ tiếp đón vợ chồng chú Giang. Tưởng không mà thành có!

Dù không được như sắp xếp, vì vợ chồng Giang còn một số bà con cần thăm viếng. Giang và tôi đã có cơ hội mặt, đối mặt nhắc lại chuyện vui buồn ngày xưa.

Giang Yến đến thăm chúng tôi ngày mồng 4, vợ chồng dùng với chúng tôi bữa cơm trưa. Khoảng 3 giờ chiều, cô Yến được người anh ruột đưa về để đi thăm người thân. Giang ở lại với chúng tôi. Chúng tôi đưa Giang đi thăm thủ đô tỵ nan, và dùng bữa tối tại đó. Chúng tôi đưa Giang đi thăm một người học trò cũ, là em ruột của bà xã tôi. Giang nghỉ một đêm tại nhà tôi. Sáng hôm sau, tôi đưa Giang về lại Little Saigon uống café, và khoảng 1 giờ trưa trả Giang cho vợ ở phía tây Los Angeles. Chấm dứt một cuộc hội ngộ ngắn, nhưng thú vị.

Chớp mắt gần ba mươi năm trôi qua. Mọi người đều ở tuổi nghỉ hưu hay như tôi quá tuổi hưu đã lâu lắm rồi, tức là mọi người đã già, nhưng những vui buồn cùng nhau của những ngày xa xưa vẫn còn nhớ y nguyên. Đối với tôi, đó là những hành trang quí giá nhất luôn mang theo mình cho đến ngày trở về với cát bụi.

Chúng tôi lại hẹn gặp nhau đây. Mong rằng chúng tôi sẽ thực hiện được. Có lúc tôi có ý nghĩ rất lãng mạn là một lần nào đó ba anh em chúng tôi lại cùng ngồi trên chiếc ghe gỗ bên xị đế, trong đêm khuya ở vịnh Bà Rịa, với tiếng máy “tành, tành” của động cơ một bloc!. Nghĩ thế thôi, chắc trong thực tế không thể nào có lại cái cảm giác của những ngày xa xưa ấy. Hoàn cảnh đã hoàn toàn đổi thay.

Hy vọng một ngày không xa, ba anh em chúng tôi lại ngôi với nhau, trên vùng đất quê hương càng tốt, nhắp ly rượu đế nhắc chuyện ngày xưa, những ngày sống chết bên nhau.

Gurnee Aug16 2010
Lục Phan

Nguồn: www.lucphanfamily.com