{jcomments on}Ngày tôi lên trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc là một khúc rẽ mới trong cuộc đời thiếu niên, 15 tuổi đời khăn gói quả mướp xa nhà để đi học, đến một nơi mà mình chưa biết nó sẽ như thế nào, ở đâu? Trong gia đình không ai biết gì về ngôi trường này, ngoại trừ tôi, vì tôi nghe bạn bè kể chuyện, rồi đi tìm, nộp đơn thi vào, trúng tuyển, được bố mẹ chấp thuận cho đi xa học. Một mình một chợ! một thay đổi mới trong cuộc đời của mình, sở dĩ tôi nói vậy bởi vì nếu ngày đó tôi không được lên Bảo Lộc thì chắc lúc đó tôi vẫn phải ngồi ở ngôi trường “gần nhà” nhất trong cuộc đời, nơi tôi chỉ băng con đường hẻm là tới cổng trường, hoặc biết đâu tôi học hành ấm ớ thì lại quẹo lên Thủ Đức hay Quang Trung gì đó! Nhưng có lẽ duyên trời đã được chọn, Blao, nơi có núi Đaị Bình đã là long mạch và trường NLSBL là đắc địa.
Bao nhiêu người đã đến nơi này, ngôi trường đứng hàng nhất nhì Đông Nam Á thời đó, và họ đã làm vẻ vang cho trường.
Ngày tôi lên trường, mọi thứ đều mới lạ, một khung cảnh mới, một cuộc sống mới, tôi cảm thấy mạnh dạn hơn, dấn thân và trưởng thành hơn, nhưng bên cạnh vẫn luôn có những âu lo và sợ sệt, mang tâm trạng của một cậu thanh niên trẻ lần đầu tiên xa nhà, sẽ phải tự mình quyết định, sắp xếp cuộc sống, tự lo học hành lấy chứ không như hồi ở nhà, bố mẹ, anh chị phải nhắc học hành từng ngày, cơm nước thì bố mẹ lo sẵn, đi học về là có cơm ăn, khuya thì được nhắc đi ngủ, sáng sớm được đánh thức dậy. Những ngày đầu nhập học, tôi ở nhà một người Chú, bên toà tỉnh, do bố tôi gửi gấm, một cuộc sống mới, đầy đủ, đôi lúc hơn cả ở nhà, có lẽ “cô chú” muốn ông cụ tôi hài lòng và vui lây. Nhưng rồi, có lẽ cuộc đời mình được sinh ra để tự túc, mưu sinh, với lại trời Blao mưa nhiều quá, nếu làm cậu ấm thì được xe đưa rước mỗi ngày, hay làm thường dân thì đi bộ dưới mưa lũ mỗi ngày, cuối cùng tôi đã chọn giải pháp đẹp nhất, đó là xin dọn vào ở nội trú. Ngày tôi vào nội trú, cô chú tôi cũng buồn lắm, vì sợ ông cụ tôi không vui và dặn dò tôi cần gì cho cô chú biết, cuối tuần phải ghé chơi. Có lẽ tôi là người dọn vào lưu xá sớm nhất, tôi được chọn ở chung phòng với “Tứ Quỷ”: Hồ Công Danh, Nguyễn Việt Thắng, Trần Thanh Nghị và Vương Đình Cảnh (trong cuộc chiến năm 1975, hai bạn Cảnh và Nghị đã bỏ bạn bè ra đi). Sau một tuần, tôi được biết đây là tư dinh “đặc biệt” nhất của lưu xá B, phòng của bốn anh hùng hảo hán đã từng chiếm lĩnh cột cờ; theo tài liệu của một số Sử Gia ghi lại, sau khi “Minh Dự Kế” phải lưu vong vì học hết lớp! thật bất ngờ một ngày đẹp trời, Tứ Quỷ đã đảo chánh lật đổ chính phủ Dương Bá Kim và chiếm cột cờ và trình làng “Board of Directors” của hội “Chới Với”, chuyên biệt về mọi thứ. Chuyện tôi dọn vào lưu xá cũng đặc biệt chẳng thua mọi người, cậu ấm có xe ôtô chở dọn phòng, khiêng theo cả cái giường gỗ mà cô chú đã dành cho tôi. Cả lưu xá thời đó ai cũng nằm giường sắt, chồng lên nhau, riêng cái giường gỗ của tôi thì đâu có thể chồng cái gì lên được và nằm nghêng ngang giữa phòng. Chắc lúc đó các “directors” cùng phòng với tôi cũng khá bực mình vì cái giường của tôi, không giống ai, trông có vẻ “chơi cha” thiên hạ. Ban đầu, tôi cũng phát ngượng, vừa sợ, vừa quê với bạn bè về cái giường gỗ này lắm, nhưng lỡ rồi. Những ngày đầu nội trú, là một ma mới tôi cũng sợ bị ma cũ ăn hiếp, mà ma cũ lại chính là băng Tứ Quỷ cùng phòng với tôi, có lẽ luật thiên nhiên, cọp cùng hang thì không cắn nhau, chỉ gờm nhau thôi, vì vậy mà tôi thoát, không phải là nạn nhân của mấy trận đánh lộn như một số ma mới của lớp đệ Ngũ và đệ Tam, bị hỏi thăm sức khoẻ thường xuyên chỉ vì cái tội dám “sì tin” ma cũ. Trong lòng tôi lúc nào cũng lo, và nhiều lúc đâm ra vừa sợ vừa ghét mấy ông bạn này lắm, mà không dọn đi đâu được, vì mọi phòng đã đủ người rồi.
Từ ngày ở trong nội trú, mọi thứ tôi phải tự lo, cuộc sống cuả tôi chạy theo bạn bè vì đây là cuộc sống tập thể, ăn có giờ, ngủ có giấc, tắm có giờ, chơi có giờ.
Tuổi học trò ngoài chuyện học hành, phá làng phá xóm, thì còn thêm một cái tật nữa, đó là thích làm anh hùng của không gian và thời gian, thích tạo tên tuổi. Không mấy chốc tôi đã hòa đồng ngay với cuộc sống nội trú, một phần tuổi trẻ mình không có nhiều về kinh nghiệm sống nên chưa có những thói quen cố hữu, thay vào đó là những cuộc chạy đua theo bạn bè, học cách cư xử mới. Tôi quen dần với mọi sinh hoạt của lưu xá và sống theo nó như bao bạn bè tôi. Trong lưu xá, mỗi phòng đều có một sinh hoạt khác nhau, quy củ cũng có, bừa bải cũng có, có những phòng với lối sống no đủ và huy hoàng, cũng có những phòng bị ảnh hưởng nạn đói triền miên! những điều này có thể nhận biết ngay khi bước vào mỗi phòng. Mỗi sáng thứ Hai, chúng tôi được bác Bội, giám thị lưu xá, đi từng phòng gỏ cửa đánh thức dậy để đi chào cờ. Ở nội trú có hai cái giới hạn mà khiến ai nấy đều phải tranh thủ để tránh thiệt thòi, đó là điện và nước. Trường có một nhà máy phát điện và một bồn chứa nước, nước chảy có giờ vào những sáng sớm, trưa, chiều khi học trò tan lớp về. Còn điện, tôi không nhớ rõ bắt đầu có từ mấy giờ, thường sau cơm chiều cho tới khoảng 9 giờ tối là tắt để học trò đi ngủ và luôn có báo hiệu trước như ánh đèn chuẩn bị lu dần, thế là mọi người chuẩn bị đèn dầu, món bửu bối mà mỗi học trò ai cũng có một cây, còn dân siêng học có 2 cây đèn dầu, để đủ sáng mà thức khuya học bài.
Buổi sáng chúng tôi thức giấc là tranh nhau lo việc vệ sinh, tắm rửa, thay quần áo, rồi chuẩn bị lên lớp học. Đa số mọi người ăn cơm nhà bàn, gồm ba phần cho ba bữa, mỗi người đóng tiền ăn thì có được một cái thẻ nhà bàn. Sáng sớm trong phòng cử một người đi lãnh bánh mì chung cho phòng. Có nhiều anh em chê bánh mì kinh tế, vì trong phòng còn cả kho thực phẩm loại ngon, thế là các bạn chới với đứng ra thầu hết, đi lãnh và chất đầy phòng, cũng cứu đói được dăm bữa. Có một số phòng có chế độ ăn cao, nghiã là tiền bạc dồi dào, hay ngán ngẩm cơm nhà bàn rồi, thì chuyển qua ăn cơm tháng ở ngoài, có thể ra ngoài ăn hay có người mang đến tận phòng. Băng “chới với” thì tôi ít thấy khi nào ăn cơm tháng ở ngoài hay lên nhà bàn ăn cơm chính thức, mà thay vào đó đầu tháng ăn cơm tiệm Ngọc Lan, bún bò chị Tráng, rồi sau đó không ăn gì hết, hay lên nhà bàn nhanh nhẹn “lấy” cơm trắng và nước mắm, còn gọi là nước muối! đem về lưu xá!
Là một trường kỹ thuật, nên chương trình học gồm 2 phần phổ thông và chuyên môn, chúng tôi học ngày hai buổi, tan học trưa về lưu xá nghỉ ngơi một chốc rồi chuẩn bị lên nhà bàn ăn cơm trưa, rồi về phòng đánh một giấc trưa, giặt dũ quần áo hay làm việc linh tinh. Sau đó trở lên lớp cho buổi học chiều hoặc ra vườn rau, chuồng gà, rừng thủy lâm cho giờ thực hành nông trại, cũng đôi lúc chúng tôi không có lớp hay trốn học, ở nhà chờ nước để tắm rửa, giặt quần áo, chơi bóng chuyền, đá banh, hoặc không còn gì làm thì kéo nhau ra cột cờ ngồi gẫu hay đánh nhịp mỗi khi có chị nuôi hay em gái đi qua, ngồi chờ tới buổi cơm chiều.
Dần dần tôi đã quen được cuộc sống nội trú, tập thể bắt đầu tạo cho mình một thói quen là nhanh nhẹn và có giờ giấc. Tôi dần dần học hỏi thêm, biết thêm được những nơi mình có thể đến để giết thì giờ và tiêu pha thêm thay vì chỉ cố hữu vào ba bữa ăn giờ giấc của nhà bàn. Cũng từ đó tôi cảm thấy số tiền bố mẹ gửi lên hàng tháng mỗi ngày một thiếu thốn và nhu cầu tiêu xài bắt đầu gia tăng. Tôi biết được ngoài khuôn viên trường có những chỗ ăn chơi như quán ăn cà phê Ngọc Lan, Nam Huê, tiệm bida Mỹ Khanh hoặc những quán ăn ngoài chợ Bảo Lộc. Trong khuôn viên trường, có quán bà Tề, quán bún bò chị Tráng. Nơi đây học trò chúng tôi thường ghé mua nhửng thứ lặt vặt như dầu đốt đèn, bánh, kẹo, cà phê, thuốc lá, hay ăn trưa, ăn chiều và ăn đêm.
Quán bà Tề, tôi vẫn nhớ đến những buổi sáng thứ Bẩy hay Chủ Nhật, ghé ăn bánh mì trứng gà, uống cà phê, mua vài điếu thuốc, hay những xế chiều, tối ghé quán bà Tề mua ít dầu hôi để thắp đèn lên lớp hay để đốt “lò xô” nấu ăn trong phòng. Thời đó, tôi không khoái quán bà Tề lắm, có lẽ tôi không nhìn thấy được nét trìu mến nơi bà, bà hay nhằn lắm, la lối với chồng con, những ai đến ăn chịu quán bà hay lãnh manda mà chưa chịu trả; nhưng rồi cái khó tánh của bà Tề vẫn không thể nào hơn cái đói triền miên hay những nhu cầu cần thiết của học trò nên chúng tôi và bà Tề vẫn phải “mắc nợ” với nhau.
Nhưng có lẽ kỷ niệm nhiều vẫn là quán bún bò chị Tráng, anh chị Tráng người Huế, nên chị nấu bún bò ngon chăng! Cho tới giờ này sau gần 40 năm, tôi vẫn giữ cái suy nghĩ tô bún bò quán chị Tráng là tuyệt vời nhất dù rằng tôi đã ăn cả ngàn tô bún bò ở khắp mọi nơi tôi đi qua ngay cả ở hải ngoại.
Vẫn nhớ những đêm trời lạnh, trang bị áo ấm đầy đủ tay cầm đen pin hay đèn dầu, thả những bước chân âm thầm ghé lên quán chị, gọi một tô bún bò, nó ngon làm sao! Khói nghi ngút, mùi bún bò toả ngát, vừa thổi vừa ăn, cay nồng, bên ngoài tiết trời Blao đổ lạnh, sương bắt đầu xuống, kèm theo cái tâm trạng của một kẻ xa gia đình, xa bố mẹ, anh em, trong nổi cô đơn nhớ nhà, nó có một chút gì ấm cúng và bình yên nơi một quán nhỏ về khuya, cảm nhận đây như một mái nhà gia đình thân thuộc. Chị Tráng có lẽ cũng hiểu được tâm trạng của những đứa em, trẻ tuổi này phải xa gia đình vì việc học và lúc nào cũng có cả ngàn lý do để nói lên sự thiếu thốn, chị có những cái dể dãi và thông cảm với chúng tôi nhiều lắm. Có những ngày đói, hết tiền, hay “manda” nhà chưa kịp gửi lên, chúng tôi ghé lên quán chị, bèo nhèo với bài “con cá sống vì nước”, chị vui vẻ cho chúng tôi ăn chịu, gọi là ăn ghi sổ, dần dần trở thành thói quen, chúng tôi gọi là ăn trong tháng trả đầu tháng! Nghĩ cũng vui! Khi chúng tôi đã tạo được “good credit” với chị rồi thì chúng tôi có cảm giác như mình là con nhà đại gia đi ăn chơi, ăn xong đứng dậy đi ra, chị Tráng cứ việc ghi sổ, nhiêu thì nhiêu, rồi lại có thêm những suy nghĩ rằng đằng nào cũng nợ rồi, vậy thì cứ ăn no và ăn ngon, một lần ăn chịu thì phải ăn cho đủ lễ, có nghiã là sau tô bún bò thì phải kèm theo cà phê thuốc lá phì phèo, chỉ cần một phút huy hoàng rồi sau đó chèo queo! Có những lần đói quá mà túi thì thủng, chúng tôi cũng ghé quán của chị, tay xách theo vài lon guigo nén đầy cơm trắng chôm của nhà bàn hay bạn bè lấy dùm ban trưa, hay ít bánh mì khô của lò bánh mì trước cổng trường đêm trước, chúng tôi chỉ dám mua nước bún bò thôi, thế là anh em ngồi xuống cũng có được một bữa ăn ngon miệng. Những lúc như vậy, tôi cảm nhận chị Tráng nhìn chúng tôi bằng đôi mắt tội nghiệp và thương chúng tôi nhưng chị chả có cách nào khác hơn ngoài cách chị múc nước bún bò vào cái tô to hơn để được nhiều nước hơn hoặc trong cái múc của chị có cố tình sơ xót vài miếng thịt trong đó.
Nhắc đến bà Tề, chị Tráng rồi thì không thể nào quên nhắc đến một nơi mà thiếu nó thì đói không biết đi đâu hay ăn no rồi cũng không biết làm gì.
Tôi vẩn tự hỏi, ngày đó, không biết kiến trúc sư nào đã vẽ đồ án và thiết kế cho ngôi trường chúng ta, sao mà tuyệt vời thế! nói theo phong thủy, ai đã từng ở đây dù chỉ chơi thôi, không học gì hết củng đã phát đến ba đời, huống gì nếu ráng học dăm ba chữ, thì bảo đảm đi chăn trâu là không bao giờ xẩy ra. Trường với một khuôn viên trang nhã, hoành tráng, thơ mộng, không biết diễn tả sao cho hết. Tôi muốn nói đến một nơi, đó là Cột Cờ, linh hồn của trường, là một học viên của trường không thể nào không sống với nó và không có kỷ niệm với nó. Từ mọi hướng, dù đi thế nào, chúng ta cũng phải nhìn thấy và đi ngang nó, được coi như là tâm điểm của ngôi trường, bạn đi lên văn phòng lo giấy tờ, lãnh mandat, lên lớp học, về lưu xá, đi nhà thầy cô, xuống vườn cà phê, vườn thủy lâm, vườn nông trại, chuồng gà, thỏ, ra phố, từ phố đi về trường, tất cả đều phải đi qua nó. mỗi sáng thứ Hai, tất cả mọi lớp tề tụ đông đủ tại đó, nghiêm chỉnh chào quốc kỳ, hát quốc ca, NLM hành khúc, rồi nghe thầy hiệu trưởng nói chuyện. Vui và nhộn nhịp nhất vẫn là sau những bữa ăn, nhất là bữa cơm chiều, anh em kéo nhau ra đó, kẻ đứng, người ngồi, ca hát, nói chuyện dỡn hớt, ngồi canh me chọc phá các chị nuôi, em gái đi tản bộ hay đi phố về, để to nhỏ ít chuyện hay vay muợn tí tiềm còm; còn những ai mơ mộng, lỡ thầm yêu thầm trộm nhớ cũng ra đó để được thấy được nhìn, rồi thì thầm vài câu yêu thương với gió, nhờ gió cuộn theo về. Nhớ lại những năm đầu của phong trào du ca với những tình khúc nức nở của Trịnh Công Sơn, biết bao nhiêu kẻ đã từng ôm đàn, quấn chăn ấm âm thầm ngồi bên cột cờ trong đêm khuya sương lạnh để hát những tình ca hay thầm thì trong đêm để chỉ mong một ai đó còn đang thức ở gần đó (E) hiểu được lòng mình đang nhớ đang thương. Cũng vì những điểm chiến lược đó mà băng Tứ Quỷ đã phải làm cuộc đảo chánh để chiếm ngự nó vì chiếm được nó là chiếm được tất cả, còn mất nó là mất tất cả, cơm cũng không có mà ăn! chỉ còn nước chới với muôn năm! Không ai trong chúng ta không có ít nhiều kỷ niệm vui buồn với nó, hay ít nhất cũng đã một lần đi qua hay ngồi ở đó, phải không các bạn?
Giờ đây qua mấy chục năm, mỗi lần anh em NLSBL họp mặt với nhau, những câu chuyện quanh Cột Cờ, chuyện bà Tề, chị Tráng vẫn được nhắc đến. Tất cả chỉ còn là dư âm, “cột cờ” người ta đã vất bỏ đi và thay vào đó bằng “cột đèn”, hằng đêm vẫn chỉ đem lại một ít ánh sáng hiu hắt cho một ngôi trường vĩ đại của một thời nào; tuy không còn đó nhưng giờ đây cột cờ đã ở mãi mãi trong lòng của mỗi học sinh NLS Bảo Lộc.
Bà Tề không biết đã còn hay dọn về nơi đâu, chúng tôi vẫn nhắc và nhớ đến bà, không biết cuốn sổ ghi nợ, chắc con cháu còn giữ không?
Chị Tráng ơi! mọi người vẫn nhắc đến chị và vẫn nghĩ chắc chị Tráng có nợ với tụi em kiếp trước chăng! gia đình với một lũ con nheo nhóc, chị còn phải cáng đáng thêm cho những “thằng em” từ muôn phương trời đến, và phải cưu mang một phần cho cái no cái đói của chúng! Gần đây, một số anh chị về Việt Nam, ghé thăm trường và tìm đến thăm gia đình anh chị Tráng, được biết chị vẫn còn giữ một quán ăn nhỏ ở ngoài bờ hồ Bảo Lộc, chị nay đã lớn tuổi rồi. Tôi vẫn mong một ngày nào về lại Bảo Lộc, ghé thăm gia đình chị, nhắc lại những kỷ niệm xưa và một lời cám ơn nồng nàn đến chị, một người chị với một tấm lòng bao dung, rộng lượng và thông cảm cho hoàn cảnh những đứa em xa nhà.
Tổng Sấn
Tustin, Hè Thu 2008
Trích ĐS2008
Ghi chú: Như đã thưa trước đây, Trang Nhà có ý định dần đăng lại những bài trên các Đặc San để quý Thầy Cô hay các anh chị có thể đọc dù không có trong tay quyển Đặc san. Tuy nhiên mất các phiên bản "text" vì "hard drive" bị hư nên việc đăng lại đòi hỏi nhiều nhân lực gõ lại từ các bản in. Hưởng ứng lời lời kêu gọi, lâu lâu nhận được sự góp sức gõ lại, tác giả còn giữ bản chính gởi đến, hay Trang nhà tìm được bài nào đăng bài nấy không theo thứ từ nào cả. Thành thật cám ơn cho sự góp sức của các bạn.