Đầu tháng 5 năm 1975, chấp hành lệnh đâu về trình diện đấy, tôi cùng gia đình từ Sài Gòn trở lại Trường trong tâm trạng của kẻ bại trận, và cảm nhận được thân phận của con cá nằm trên thớt. Hơn nữa, vì đời sống của vợ con và sự an nguy của thân nhân trong lao lý, tôi đã cố làm tất cả những gì những người chủ mới muốn.
Nhưng sự suy nghĩ của tôi hoàn toàn sai, tôi cố gắng làm tốt bao nhiêu, người ta lại càng gây khó khăn cho tôi bấy nhiêu. Nhiều đêm suy nghĩ, tôi không biết họ muốn cái gì? Tai sao với một anh giáo quèn của chế độ cũ, lại phải dùng tới những thủ-đoạn quá phiền-phức.
Tôi hết sức ngạc nhiên cho sự đánh giá của họ về tôi vì quả thật tôi chỉ là một anh giáo quèn dạy Tóan-Lý-Hóa ở một tỉnh lẻ, không có một tham vọng nào khác ngòai việc muốn sống yên ổn với vợ con. Rất nhiều người cũ và mới đã nhìn tôi với con mắt ái ngại và thông cảm. Nhưng trong hoàn cảnh nầy cũng không giúp tôi được gì!
Dưới bầu không khí hết sức nặng nề, nhưng đời sống hằng ngày của vợ con cũng phải lo.Vì vậy, hằng ngày, ngoài những việc người ta sai bảo, tôi chỉ chú ý đến việc cuốc đất trồng khoai, nuôi heo, chăn bò. Cái may mắn là Trời còn thương, nên những tai bay vạ gió cũng qua đi. Bò, heo tôi nuôi đều mang lại kết quả tốt đẹp, bò thì thu hoạch được một bê con, còn heo lứa nào cũng đẻ từ 10-12 con, và đặc biệt là hai con trai của tôi đã qua được một trận đau nguy kịch. Khó-khăn về vật chất rồi cũng quen dần, nhưng đời sống tinh thần của những anh chị em giáo chức cũ càng ngày càng ngột ngạt. Mỗi người, tùy hoàn cảnh riêng của mình, đang tìm cách thoát khỏi nơi nầy!
Đầu năm 80 một cơ may đến với chúng tôi, những thầy cô giáo của Trường NLS Bảo Lộc cũ, một nhân vật lãnh đạo mới được Hà Nội cử vào để thanh trừng người lãnh đạo đương nhiệm, và sau đó ông ta ở lại làm hiệu trưởng. Ở một chừng mực nào đó, ông ta thông cảm được sư khổ tâm của những thầy cô giáo cũ! Đặc biệt đối với tôi, ông hứa sẽ phục hồi nhân phẩm cho tôi, và sẽ can-thiệp với Bộ Nông Nghiệp cho phép tôi chính thức trở lại nghề giáo. Phần nào tôi có áy náy về lòng tốt của ông ta, mặt khác tôi lại nghĩ đây là cơ hội bằng vàng để mình thoát ra khỏi nơi này. Ông đã mời tôi đến nhà, lập lại ý kiến của ông một lần nữa, tôi cám ơn sự giúp đỡ của ông, nhưng cũng thẳng thắn trình bày là tôi đã mất tất cả hứng thú của nghề giáo. Qua gần năm năm bị dày vò và hạ nhục, sự chán chường đã sâu đậm đến nỗi tôi không muốn bước vào lớp học nũa! Tôi chỉ xin ông cấp cho tôi cái giấy để về Saigon phụng dưỡng cha mẹ già. Ông tỏ ra suy nghĩ nhiều về lời yêu cầu của tôi, nhưng cuối cùng cũng đồng ý, và viết giấy trao cho tôi đưa tận tay người phụ trách phòng tổ chức. Khốn nỗi, họ chỉ làm cho tôi một cái giấy khơi khơi, nghĩa là “Anh được buông tha đó, nhưng anh đi đâu thi mặc xác anh!”. Lâu nay không dám bỏ Bảo Lộc vì không có cái giấy cho đi. Giờ được cái giấy kiểu nầy, thì cũng như không! Tôi trở lại gặp ông hiệu trưởng, giải thích với ông rằng với cái giấy như thế này tôi không thể về sống ở Sài Gòn được. Chắc ông dư sức biết là quí ngài ở phòng tổ chức đang muốn tiếp tục gây khó-khăn cho tôi, nên ông đã lặng lẽ đưa tôi đến phòng tổ chức và nói: "Xin các anh vui lòng làm giấy có nội dung theo ý nguyện của anh Sáu". Nhân được giấy chiều hôm trước, sáng hôm sau, tạm để vợ con ở lại Bảo Lộc, tôi đáp xe đò về ngay Sài Gòn. Đến tháng sáu năm đó, vợ con tôi cũng về. Chúng tôi tá túc với Bà ngoại các cháu ở góc đường Hồng Thập Tự-Trương Định.
Như nước vỡ bờ, các anh Quang Minh, Trường, Giang, Hữu Minh, Quang,Thiệp,và các cô Liên, Châu đều lần lượt cao chạy xa bay.
Từ một nhà giáo, chớp mắt biến thành chú nông dân cuốc đất trồng khoai, nuôi heo chăn bò. Bây giờ lại tiếp tục đổi đời nữa đây! Saigon làm gì có đất để làm nông, đành phải đổi nghề vậy. Nghề đầu tiên là đứng đường. Nói cho ra vẻ gồ ghề, chứ thực tế là nghề chợ trời. Mượn được vài chỉ vàng của bà con, ngày ngày ra ngồi ở đường Lê Thánh Tôn buôn bán thuốc tây. Bình thường gọi là học buôn học bán, nhưng ở thời thế này là học mánh-mung! Gia đình gồm năm người, hai vợ chồng và ba đứa con, mỗi bữa cơm chỉ vỏn vẹn hai quả trứng vịt và một bó rau muống nhỏ. Hai quả trứng được xẻ làm bốn, ba đứa con ba nửa quả, một nửa còn lại dầm với nước măm để chan vào cơm cho con. Bữa cơm nào cũng như thế, nhưng nghề mánh-mung thì học mãi vẫn không thành tài! Nghề Pharmacy coi bộ không khá bèn quay qua mở Restaurant. Nói là Restaurant cho sang, chứ sự thực vợ tôi và bà xã anh Trường cùng nhau mở một sạp nhỏ bán bánh cuốn gần cầu Trương Minh Giảng, đối diện với Đại học Vạn Hạnh. Quán cũng có khá khách ra vào, nhưng tiền lời chẳng được bao nhiêu. Hóa ra vì muốn dĩa bánh cho tươm tất một chút, nhưng giá tiền thì vẫn khiêm tốn, nên sự buôn bán của mình không phải lấy công làm lời, mà chỉ lấy công làm lịch sự, “một lòng vì nhân dân mà phục vụ!”.
Tuy đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống, nhưng trong cảnh bế tắc hiện tại cũng gây nên nhiều bức xúc. Trong khi đó việc cư trú ở Saigon không hộ khẩu rất phiền phức. Nhân viên an-ninh Phường xóm thăm hỏi dài dài, phải luôn tìm cách làm cho lời nói của mình trơn tru nghe được! Đi đâu cũng phải xin phép, muốn làm đơn xin phép phải có hộ khẩu, không hộ khẩu thì không đi đâu cả. Đôi lúc cần thiết đi đâu, tôi phải đành cấp giấy phép cho tôi vậy! Một hôm sự bức xúc đã lên đến cao độ, lại chẳng còn đồng bạc dính túi, vợ chồng tôi và vợ chồng Trường đã tháo bốn chiếc nhẫn cưới (bằng vàng 18 ) trên tay của hai cặp vợ chồng đem đi bán. Có lẽ đó là những kỷ vật cuối cùng mà chúng tôi đành để ra đi! Không biết bây giờ hai vợ chồng Trường thì sao, chứ hai vợ chồng tôi thì vẫn để ngón tay trần, mặc dầu bây giờ tôi có thể mua cả ngàn chiếc! Cũng nhờ ngón tay trần ấy mà vợ chồng tôi đã có đủ sức vượt qua đươc nhiều khó-khăn.
Pharmacy thất bại, restaurant cũng không sống được, bây giờ chuyển qua kỹ nghệ hóa chất. Nghe cái tên có vẻ hấp dẩn và trí thức. Thầy giáo Lý-Hóa làm kỹ nghệ hóa chất thấy cũng tạm ổn. Quả thực là làm xà-phòng dổm, chứ chẳng kỹ nghệ hóa chất khỉ khô gì cả! Bây giờ tôi cũng học được chút ít mánh lới nhà nghề rồi, không còn hoàn toàn khờ khạo của anh nhà giáo nữa.
Tôi nấu xà-phòng, mài qua sàng lưới thành bột, phơi khô,và cho vào bao nylon. Hằng ngày vợ tôi đạp xe đạp bỏ mối các chợ khắp Sài Gòn. Bao bì có nhãn hiệu in sẳn, mua từ chợ An Đông. Điều lý thú là chỉ có một loại xà-phòng, nhưng lại được cho vào bốn loại bao bì nhãn hiệu khác nhau. Khách hàng khi dùng lại cho nhãn hiệu này tốt hơn nhãn hiệu kia. Vì vậy, khách hàng thích hiệu nào thì tôi cho vào bao bì ấy, chứ quả thật chỉ có một loại xà-phòng! Ngày nào đi bán về vợ tôi cũng cười về chuyện loại này tốt hơn loại kia! Tương đối nghề này có vẻ tạm sống được. Do đó, cho tới khi chúng tôi đang lênh đênh trên biển cả, thì một số người dân Sài Gòn đang dùng sản phẩm của chúng tôi, và một số sạp hàng đang bày bán xà phòng của bà giáo Liên. Không biết có ai thắc mắc,vì sao không thấy bà giáo ghé lại lấy tiền và bỏ hàng mới.
Năm 2000, vợ chồng tôi trở về Viêt Nam thăm bạn bè. Trong số anh em đón chúng tôi có một người học trò cũ, tôi rất cảm động khi nghe anh nói: “ bây giờ mới nghe được tiếng cười của thầy". Cám ơn anh rất nhiều.
Gurnee-Mar. 2008