Chiếc xe đò Mai Linh từ từ lăn bánh rời bến xe miền đông, để lại sau lưng thành phố SàiGon ồn ào náo nhiệt. Con đường quốc lộ bụi mịt mù luôn tấp nập xe cộ đi về. Hai bên đường nhà cửa hàng xóm, san sát, người đi bộ và xe hai bánh lấn chiếm cả lòng đường làm cản trở giao thông, thêm lệnh cấm xe chạy quá tốc độ cho phép nên chiếc xe đò đời mới tiện nghi với ghế nệm trắng tinh, máy lạnh mát rượi mà phải chạy rề rề. Tuy nhiên chúng tôi không quan tâm đến xe chạy nhanh hay chậm, ngồi bên nhau trên chiếc xe đò tốc hành SaiGon – Bảo Lộc chúng tôi cũng không quan tâm đến những hành khách khác. Cón nhớ ngày xưa có câu thành ngữ truyền khu trong giới Nông Lâm Súc là “chỗ nào có ba đứa con gái thêm một con vịt nữa là thành chợ Tân Bùi”. Bây giờ ở đây chúng tôi có bốn người Nga và Nguyệt nói cười râm ran, Năm có vẻ trầm tư hơn, bạn chăm chú nhìn cảnh vật hai bên đường. Đã lâu lắm có đến gần 20 năm bạn mới trở lại con đường này. Thỉnh thoảng nghe bạn kêu lên khe khẽ: Tới Dầu Giây rồi, … tới Định Quán rồi.
         Nhìn thấy 2 hòn đá chồng cheo leo, Nguyệt bảo tôi kể lại cho Năm nghe chuyện cái bảng treo cấm leo trên hòn đá. Tôi bật cười nhớ lại lần đầu tiên Nguyễn minh Tâm kể câu chuyện này đã khng định chính mắt nhìn thấy bảng cấm ấy. Đến lúc xe qua khỏi thị trấn Phương Lâm, Tôi hỏi đố Năm biết ở đây trồng nhiều loại cây gì không lá, không hoa, không trái. Năm còn đang ngập ngừng thì Nguyệt nhanh tay chỉ mấy cây anten, Năm cười, nụ cười của bạn thật hiền. Dù năm tháng có làm tuổi đời chồng chất, dù bệnh tật có làm bạn mệt mỏi nhưng nụ cười của bạn vẫn hồn nhiên. Nhất là Nguyệt có một giọng cười thật sảng khoái. Khi xe lên đến Đèo chuối tôi nhắc lại chuyện những nàng tiên nữ đến đây tắm suối ngồi chéo đùi khép nép thì Nga và Nguyệt cũng bật cười. Giọng cười của Nguyệt làm bạn Năm đang buồn cũng phải vui lây. Dù cuộc sống gia đình Nguyệt còn nhiều lo toan vất vả nhưng bạn không bỏ sót một sinh hoạt Nông Lâm Súc nào, tôi rất khâm phục nhiệt tình của bạn. Nga thì tương đối thoải mái hơn. Bây giờ bạn đã là bà ngoại, kinh tế gia đình ổn định, thời gian gần đây Nga nhận trách nhiệm tổ chức các buổi họp mặt của khóa thật chu đáo. Chuyến đi này cũng do Nga chủ xướng.
        Thật ra chuyến đi này là tâm nguyện của Võ Thị Năm. Từ sau khi cơ quan văn phòng đại diện Bộ Nông nghiệp của Năm giải thể. Năm rời khỏi khu nhà tập th ở chung cư hồ Con Rùa là chúng tôi bặt tin. Mãi đến cuối năm 2006 tình cờ trong lễ tang ba Trần công Điền tôi mới nghe tin về Năm. Ngày xưa bạn sống khép kín, không giao du rộng rãi với bạn bè, dù lúc còn ở nội trú tôi và Nga ở chung phòng với Năm. Sau về Saigon cùng học chung lớp Kiểm sự nhưng cũng không nghe Năm tâm sự điều gì. Chỉ biết bạn từng có một mối tình lớn ở trên trường nhưng tốt nghiệp xong thì chuyện không thành và bạn vẫn sống độc thân cho đến bây giờ. Mỗi tháng bạn về Saigon môt lần để tái khám bệnh và mua thuốc, bây giờ thì quỹ thời gian của bạn không còn nhiều nữa. Bạn mới hối hả tìm lại bạn bè, bạn ghé thăm nhà của những bạn thân. Bạn tham dự các buổi họp mặt Nông Lâm Súc. Bạn nói còn một tâm nguyện là ao ước được đi một chuyến lên Bảo Lộc để thăm lại trường xưa. Bạn không thể đi một mình. Bạn muốn đi cùng chúng tôi, và chúng tôi lên đường.
         
        Xe chạy mãi rồi cũng đến Bão Lộc. Qua khỏi mấy chục Kilômet đường quanh co. Cảnh vật nơi đây không thay đổi. Vẫn núi rừng, vẫn hố sâu đèo cao. Mùa này vách đá bên đường đã mọc lác đác vài khóm hoa thạch thảo, loài hoa gợi lại cho tôi bao kỷ niệm. Xe đến Đại Lào, Tân Hà, Thánh Tâm. Vừa thoáng nghe mùi hương trà thơm thơm trong gió thì đã thấy ngôi Đại Thính Đường của trường sừng sửng. Ngày xưa khuôn viên của trường rộng hơn bây giờ nhiều, cảnh quang cũng thông thoáng hơn. Chúng ta có thể trông thấy trường từ xa. Bắt đầu từ tiệm trà Đỗ Hửu là địa phận của trường rồi.
         Còn bây giờ người ta chia cắt, nguyên dãy nhà giáo sư của các thầy Châu Kim Lang, Phan Bá Sáu, Phan Quang Định, Cô Ngọc, Cô Lan đã bị tách ra khỏi trường. Một bức tường rào được xây sát vách Đại Thính Đường. Người ta xây thêm một dãy lầu để làm văn phòng chắn ngang phía trước. Từ ngoài nhìn vào nếu không còn ngôi Đại Thính Đường với lối kiến trúc đặt biệt thân quen thì khó mà nhận ra trường chúng ta với cái tên xa lạ: Trường trung học Kỹ thuật và Dạy nghề. Xa xa phía trong, 3 dãy lớp học A,B,C đang được sơn sửa lại với màu vôi lòe loẹt chói mắt. Con đường Cô Độc Lộ dẫn qua các lớp học không còn bóng dáng cây Tai Tượng nào. Văn phòng nơi ngày xưa chúng ta hăm hở mỗi đầu tháng được bác Nhật gọi lên nhận Măng-đa hay nhận thư của gia đình bây giờ được đổi tên là nhà truyền thống với tượng đài Lý Tự Trọng đứng trên cái hồ không có nước. Con đường Đỗ Mai từ cổng vào còn sót lại vài gốc Đỗ Mai cằn cổi bị cưa cụt ngọn. Sau lưng thư viện được cho thuê đất trồng trà. Nhìn lại con đường Hoàng Hoa mới buồn bả làm sau. Ngày xưa rợp bóng hoa Muồng vàng mà giờ đây phát hoang như con đường làng trống trải. Đứng ở cột cờ mà bây giờ là cây cột đèn lạc lõng. Nhìn về phía bên nầy các lưu xá A,B,C được xây sửa, rào chắn khác lạ. Nhìn phía bên kia lưu xá D, E cũng không còn vẻ thân quen. Duy chỉ có ngôi nhà Thầy Hiệu Trưởng là còn nguyên dáng vẻ cũ, được sơn phết lại không biết dùng để làm gì. Có một thời nơi đây là nhà khách. Không còn thấy chút vết tích nào của các khu chuồng trại, thực hành Nông trại ngày xưa. Tất cả đã được phân lô chia đất cho cán bộ giáo viên xây cất nhà riêng. Ngậm ngùi trước cảnh vật đổi sao dời, tôi và Nga nhắc lại một kỷ niệm vui vui. Hôm đó Thầy Kim giao cho chúng tôi thực tập bài học Phối giống Heo. Con heo nái đã được cho vào chuồng ép chờ sẵn. Con heo nọc được dẫn vào, sơ sẩy làm sau bị sút dây, con heo nọc thoát ra ngoài chạy quanh chuồng rượt chúng tôi. Trong tình cảnh hiểm nghèo như vậy Nga vẫn bình tỉnh khôi hài : “Ê con kia chờ mày chứ đâu phải tụi tao “Bây giờ nhớ lại, thật tiếc cái tuổi hồn nhiên. Chúng tôi đi lần về lưu xá E, con đường bằng lăng ngày xưa đi từ cổng sau lưu xá xuống Câu lạc Bộ ngày xưa rậm rạp hoa Quỳ, nay cũng không còn. Nhìn lên căn phòng mà ngày xưa tôi, Nga và Năm cùng ở.
        Nhớ mùa Giáng Sinh năm 1968 tôi đã dùng màu nước vẽ lên lên khung cửa kính hình ông già Noel đội cái mủ chóp đỏ và hàm râu trắng xoá như bông tuyết. Bây giờ cửa kính đã được thay bằng cửa gổ và đóng im lìm. Nga cũng nhắc chuyện cái chai Kynkyna La Rode của Năm và bạn cười thật buồn không ngờ chúng tôi nhớ dai đến vậy. Nguyệt có vẻ mỏi chân, bệnh đau khớp khiến bạn đi khập khễnh nên chúng tôi không muốn đi xa thêm nữa. Buổi chiều cao nguyên xuống rất nhanh. Tôi vội vã chụp vài tấm hình trước khi những tia nắng cuối ngày mất hút sau đỉnh núi Đại Bình. Nhìn đỉnh núi Đại Bình tôi chợt nhớ chị Cao Xuân Liễu, chị có cửa tiệm Number One Hair and Nail ở California. Có lần tôi được dịp đến nhờ chị chăm sóc dáng vẻ của mình. Tiệm của chị Liễu nằm trên ngọn đồi Laguana Hill, phong cảnh rất đẹp, ở đó cũng có một ngọn núi. Chị Liễu nói với tôi: “Chiều chiều chị nhìn lên đỉnh núi xa xa phủ sương mù trông như núi Đại Bình ở Bão Lộc và chị nhớ trường nhớ bạn quá”. Và chị cũng ao ước một lần về thăm. Tôi nghe các bạn dự tính năm 2010 sẽ rủ nhau về trường tổ chức Đại Hội Nông Lâm Súc hoành tráng. Tôi cầu chúc các bạn thành công. Vì tôi đã thất bại một lần. Năm 2005 tôi không xin được giấy phép tổ chức họp mặt kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Đó cũng là tâm niệm của tôi đã không thực hiện được.
         Buổi tối chúng tôi thuê khách sạn ở đối diện cổng trường, ngồi ngoài balcon khách sạn nhìn qua bên kia đường là khuôn viên trường. Chúng tôi tưởng chừng như đang ngồi trên balcon lưu xá E, rất tiếc đêm không có sương mù, không gian chỉ hơi lành lạnh nhưng cũng đủ gợi lại cho chúng tôi bốn mái đầu điễm bạc những hồi ức 40 năm về trước và như vậy tôi đã hoàn thành tâm nguyện của bạn tôi.
         Viết xong ngày 20- 4-2008
         Bùi Thị Lợi
Cùng Tác Giả / Đề Tài