Cô Võ Thị Thúy Lan - Người Cô thật hiền

 Cô Võ Thị Thúy Lan sanh ra và lớn lên ở Saigòn. Khi xong bậc trung học, trúng tuyển  khoá hai Cao Đẳng Nông Nghiệp, cô rời đời sống phố thị để đến một thị trấn nhỏ Bảo Lộc tiếp tục việc học. Rất tiếc, sau mấy tháng cô phải bỏ ngang trở về Saigòn vì thời tiết không hợp; dù khung cảnh nên thơ của miền đất cao nguyên nầy và nhất là của trường đã đậm tình cuốn hút cô. Những tưởng duyên với NLS chỉ chừng ấy, nhưng không ngờ, chẳng bao lâu sau trường Cao Đẳng Nông Nghiệp được chuyển về Sài Gòn. Cô nhập học khóa 3, tốt nghiệp Kỹ Sư Canh Nông năm 1964, cùng khóa, cùng năm với cô Dương thị Tuấn Ngọc và cô Võ thị Vân. Do sự kiện trên, khuyên cô tiếp tục học ngành Nông nghiệp, Mẹ cô đã nói, "Duyên đã giao, con rời xa trường, và trường đi theo con."

Duyên với trường NLS Bảo Lộc kết càng chặt hơn nên khi vừa tốt nghiệp, một duyên khởi khác để cô trở lại trường. Sau khi cô Dương Thị Tuấn Ngọc tốt nghiệp và đến nhận nhiệm sở, được thầy Đặng Quan Điện cho biết hiện Nha Học Vụ NLS đang cần một kỹ sư Canh Nông để phụ trách dạy các lớp ban Canh Nông và hướng dẫn nông trại. Cô Ngọc đã mời cô Lan cùng lên Blao, và cô đã nhận lời.

Cô nhận nhiệm sở đầu tiên là trường trung học NLS Bảo Lộc, phụ trách dậy các lớp về Canh Nông, cho các lớp đệ Ngũ, đệ Tứ, đệ Tam về thực hành Nông Trại.

Trong suốt thời gian trên trường Bảo Lộc, cả hai cô cùng cư ngụ chung tại căn nhà số 9, nơi đây hai cô sống chung hơn bốn năm đã để lại cho Cô rất nhiều kỷ niệm với học trò, trường  và cuộc sống riêng của cô.

Đến năm 1969, cô rời trường để về Nha Học Vụ NLS, phụ trách các lớp Cao Đẳng Sư Phạm NLS tại Sàigòn.

Sau 1975, cô thuyên chuyển về viện đại học Kỹ Thuật Thủ Đức, và tại đây cô phụ trách một số bộ môn về ban Canh Nông, như môn Côn Trùng Học.

Đến năm 1985, cô xin nghỉ dậy để lo chuyện trong gia đình và sức khoẻ.

Năm 1990, cô đi định cư tại Hoa Kỳ trong chuơng trình đoàn tụ và hiện nay đang cư ngụ tại tiểu bang Colorado.

Cô đã tâm sự:

Hơn 4 năm tại trường NLS-BL, đã cho cô rất nhiều kỷ niệm, và giờ đây cô vẫn còn nhớ nhiều mẫu chuyện tâm tình kỷ niệm của cô với trường với các bạn bè đồng nghiệp và nhất là với học trò, những cô cậu còn quá nhỏ đã phải xa gia đình sớm, những học trò mà cô đã hướng dẫn của ban Canh Nông và các em đã chung sống với cô tại căn nhà số 9.

 

Cô vẫn nhớ đến những đêm, các thầy Nguyễn Thanh Vân, Thầy Nghiêm Xuân Thịnh; sau bữa cơm tối, cùng một số học trò thường tụ họp tại căn nhà số 9, để cùng đàn ca hát, những buổi sinh hoạt thật ấm cúng mặc dù bên ngoài sương đêm đã phủ trắng. Tiếng đàn của thầy Thịnh hoà lẫn với tiếng cười, tiếng nói, tiếng cười rổn rang của thầy cô và học trò, cảm nhận như một đại gia đình đang xum họp.

Cô vẫn nhớ đến các cô cậu học trò nhỏ ở chung nhà, ở các lưu xá, vẫn ghé thăm sau những buổi học hay cuối tuần nghỉ, và cô cảm nhận như có một tình cảm thiêng liêng của tình thầy trò, tình chị em với các học trò mà ngoài bổn phận lẫn chức năng dậy dỗ, để mang lại những kiến thức cho các em, cô còn nhận thêm trọng trách bảo bọc và che chở; cô cũng đã được nghe những lời tâm sự vui buồn, những tâm sự của các em tuổi mới lớn mặc dù cô vẫn biết cô có một dáng người rất nhỏ, nhiều khi còn nhỏ hơn cả các em học trò nữ của cô.

Cô kể về một kỷ niệm khá vui về trường, đó là sau khi lên trường được dăm tháng, lúc đó đang có những cuộc biểu tình ở ngoài tỉnh, và sau đó phong trào biểu tình đã lan rộng vào trường NLS, họ kêu gọi bãi khóa, kệu gọi học sinh bỏ lớp ra về. Hôm đó cô dạy trong lớp, thì nghe tin đoàn biểu tình muốn kéo vào trường để xách động. Cô tâm sự, tự nhiên lúc đó cô có ý nghĩ rằng mình phải có bổn phận bảo bọc và che chở cho các em học trò nhỏ bé này của mình, và cô đã có ý nghĩ trong đầu, nếu đoàn biểu tình tiến đến dẫy lớp học cô đang phụ trách, cô sẽ sẵn sàng bước ra dang hai tay, ngăn chận và nói chuyện với đoàn biểu tình, như là một cử chỉ của cô không muốn ai được đụng đến các học trò của cô. Rất may sau đó, không chuyện gì xẩy ra, và mọi việc yên ổn. Đêm đó, nghĩ lại, cô buồn cười nhưng nghe vui, vì với thân hình thật nhỏ bé của cô, nếu bước ra ngăn cản đoàn biểu tình, không biết mình đã làm được gì hay là cả đám học trò phải đồng loạt bước ra để bảo vệ cô chứ không phải cô bảo vệ học trò!

Về những kỷ niệm với học trò, cô tâm sự thêm, lớp của cô vẫn luôn có những em siêng học và những em lười ham chơi không chịu học bài. Mỗi lần tới giờ phụ trách, cô luôn kêu học trò lên trả bài, và cô có một kỷ luật, em nào mà không thuộc bài, thì bị điểm xấu và kỳ sau sẽ phải trả lại bài cũ mặc dù các bạn bè đã học qua các bài mới lâu rồi. Có một em, mà cô không còn nhớ tên, cứ phải trả bài cũ liên tục, chắc em này thuộc loại đóng đô trường kỳ ở quán chị Tráng hay bà Tề đây! em đã đến gặp cô và năn nỉ xin cô cho hai trái "hột dzịt", em nói thà bị zero còn hơn cứ phải trả bài cũ mỗi tuần là một cực hình. Và cô cũng tâm sự học trò rất sợ cách kêu tên lên trả bài, vì cô vẫn có thói quen, kêu trả bài tuần này, và sẽ có nhiều cơ hội được kêu trở lại vào buổi học sau, học trò rất là chới với qua cách này, vì nghĩ đơn giản, mới bị kêu trả bài thì sẽ không bị cô kêu nữa, thế là khỏi phải học bài! Nhưng cái lười này không thoát khỏi lớp do cô phụ trách! thực sự cô chỉ muốn học trò hiểu tận tường những gì cô giảng dậy và mong các em sẽ là những người hiểu biết và hữu dụng mai sau.

Một tâm sự khác, cô kể, một lần có một em học trò gốc người Chàm, đến gặp cô và tâm sự rằng hôm nay là buổi học cuối và xin chào cô để về quê. Cô hỏi tại sao? thì em cho biết, em được vợ cưới về, theo phong tuc Chàm, vợ cưới chồng về đặt đâu ngồi đó. Em đó cho biết, khi được nhà gái cưới về em phải ở nhà làm rẫy nên không đi học được nữa.

Sau khi cô rời trường Bảo Lộc về Nha Học Vụ NLS, một hôm có một học trò tên Lê Thắng, ghé Nha thăm cô và tâm sự về những kỷ niệm khi còn trên trường, Lê Thắng nói ngày xưa em và các bạn bè hay phá phách thầy cô, nhưng đến khi gặp cô, em thấy cô nhỏ bé và hiền quá, nên tinh thần chọc phá biến đâu hết, anh Thắng con khoe rằng cỡ cô mà em chọc phá là cô chỉ còn nước ngồi khóc!

Ngày cô rời Việt Nam qua Mỹ định cư, cô mang rất nhiều hoài bảo và giấc mơ. Cô mơ ước sau khi đến Mỹ, cô sẽ cố đi làm kiếm được nhiều tiền, cô sẽ dành tất cả những số tiền này vào những công việc giúp đỡ những bạn bè, học trò hay nhũng ai cần sự giúp đỡ. Cô luôn mang những ý nghĩ tốt đến mọi người và muốn được chia sẻ những khó khăn đến những người cô quen biết hay ít nhất những ai cùng giòng máu dân tộc với mình. Nhưng ngặt ngã thay, những giấc mơ trong tầm tay này cô đã không bao giờ thực hiện được. Cô vẫn dáng người nhỏ và sức khoẻ yếu ngay những ngày còn đi học ở Blao, cô kể đã một lần cô phải bỏ trường Blao về Saìgon vì thời tiết không hợp, nhưng may sau đó trường Cao Đẳng dọn về Saigon, và cô đã trở lại trường tiếp tục việc học cho đến khi tốt nghiệp.

 Những năm tháng ở Hoa Kỳ, cô đã phải chịu đựng qua chứng bệnh suyễn kinh niên, đây là lý đo đã khiến những giấc mơ của của cô đã không bao giờ thực hiện được. Cô rất buồn và xuống tinh thần và cô đã có ý nghĩ thu gọn và tìm về một cõi vắng. Cô đã thay đổi chỗ ở nhiều nơi và tránh gặp tất cả những ai có liên hệ. Với sức khoẻ mỗi ngày mỗi kém đi, sau cùng cô đã chọn quyết định dọn về một nhà Dưỡng Lão như để gửi những gì còn lại của cuộc đời sau cùng ở chốn này. Từ đó mọi người đã mất hẳn tin tức của cô...

Trước ngày Đại Hội 3 một thời gian, tình cờ một hôm anh Đoàn Thế Đạt, MS67-70, trong buổi gặp mặt bạn bè và nói chuyện với thầy Nguyến Tuấn, bác sĩ Thú Y, có một thời gian cùng dậy học với cô Lan trên Thủ Đức. Anh Đạt tâm sự ở Colorado, buồn lắm, không có bạn bè và quen biết ai hết. Thầy Tuấn cho biết ở Colorado có cô Võ thị thúy Lan, ngày xưa dậy trên Bảo Lộc và hiện đang sống trong Nursing Home. Ngay tối hôm đó, vợ chồng anh Đạt  điện thọai và muốn đến thăm cô, và cô đã nhận lời.  Hôm sau, vợ chồng anh Đạt đến thăm cô, Cô xúc động không ngờ người học trò ngày xưa đã còn nhớ đến cô. Cô đã được anh Đat kể về những sinh hoạt của các anh chị NLS-BL tại hải ngoại và mời cô qua tham dự ĐH3, nhưng sức khoẻ đã không cho phép cô đi và ĐH3 năm đó qua đường dây điện thoại, Cô đã gửi lời chào đến tất cả thầy cô và học trò và chúc ĐH thành công.

Cuộc sống trong Nursing Home, cô đã quen dần, cô cho biết những sinh hoạt trong đó đã giúp cô phục hồi dần sức khoẻ và kể cả tinh thần. Cô cảm thấy cuộc sống ở đây rất thích hơp và cô luôn bận rộn. Theo cô kể, thường ngày, có chuyên viên Therapy đến tập cho cô. Sau các buổi ăn, cô dành thì giờ để tiêu khiển như xem TV, phim, nghe nhạc, đọc sách, chơi Bingo. Cuối tuần, thỉnh thoảng tùy theo thời tiết, trung tâm tổ chức các buổi picnic ngoài trời hay đi mua sắm. Đôi lúc, có những phái đoàn từ thiện bên ngoài đến để sinh hoạt tôn giáo, ca hát, kể chuyện, đọc sách. Cô cho biết mọi sinh hoạt ở đây cô rất thích, và hiện tại cô đang dành một số thì giờ cho bộ môn "Pottery", tạm gọi là môn thủ công đồ gốm, có các vị thầy đến chỉ dẫn làm những món quà nho nhỏ, xinh xắn như cánh hoa hồng, giỏ xách, trái tim, con thú bằng đất sét, sau khi khô, cô sẽ vẽ và tô mầu, cô kể cô rất say mê môn này và giúp đầu óc được thanh thản. Ngoài ra, cô còn nhận làm "volunteer", chăm sóc một khu nhỏ các cây kiểng tại phòng ăn của trung tâm, cô  tưới nước, cắt xén, để khu vườn bé bỏng này thêm sắc thái xanh tươi tốt và đâm hoa.

Một cuộc điện đàm khá lâu với cô vào một ngày cuối tuần. Được biết Cô rất vui mỗi khi có ai điện thoại hay điện thư đến thăm cô và nhất là học trò NLS-BảoLộc. Cô cũng được biết ĐH kỳ 5 sắp đến. Một lần nữa, cô rất tiếc sức khoẻ chưa cho phép cô đi được, và cô gửi lời thăm đến các thầy cô, bạn bè cũ, và tất cả học trò ngoan của cô ngày nào, và chúc mọi người sẽ có một ngày ĐH thật vui và thành công.

Viết vội, đêm 11 tháng 8 năm 2008

Nguyễn Triệu Lương

Trích từ ĐS NLS 2008

Địa chỉ liên lạc của Cô: Villa Manor life Care Centers
C/o Lan Thúy Thi Võ, "L" Wing Room # 97
7950 West Mississippi Ave.Lakewood, CO. 80226
ĐT: 303 217-1433 (c), email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

 

Cùng Tác Giả / Đề Tài