![]() |
Thầy Cô Phan Bá Sáu |
Sinh ra và lớn lên ở vùng núi rừng Đà Lạt, và đã sống nhiều năm ở vùng nông thôn, nên dù chưa hề đến Bảo Lộc lần nào, tôi cũng mường tượng được chốn ấy ra sao rồi. Nhưng có lẽ vì bản chất nhà quê, nên khi chọn nhiệm sở, tôi đã không ngại ngùng bỏ qua những thành phố lớn hơn như Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Phan Thiết..v..v. để dành cho bằng được thị xã Bảo Lộc làm nơi phát xuất nghề mô phạm của mình. Thoạt tiên, tôi xin về trường phổ thông Bảo Lộc, nhưng được vị Thầy cũ khuyên nên chọn trường NLS Bảo Lộc. Qua lời giảng giải của Thầy, tôi nhận thấy NLS Bảo Lộc có nhiều ưu thế hơn trường phổ thông và tôi đã nghe lời Thầy tôi. Với ý định lưu lạc giang hồ vài ba năm cho vui rồi sẽ xin về Saigòn, vì phần lớn anh em trong gia đình tôi hiện đang sống ở Saigòn. Quả thật "ai biết được sẽ ra sao ngày sau". Tôi và vợ con tôi đã gắn chặt với ngôi trường, và cũng đã được hưởng cả ngọt bùi lẫn chua cay! Âu cũng là định mệnh!
Cầm trong tay sự vụ lệnh của Bộ Giáo Dục, tôi đáp máy bay vào Sàigòn và ở lại trong đó gần một tháng vui thú với bà con bạn bè, rồi mới đáp xe đi lên Bảo Lộc để nhận nhiệm sở.
Trong chuyến xe từ Saigon lên Bảo Lộc, duyên may tôi lai được ngồi kế bên một em học sinh NLS, anh Phan Trần Lộc. Chúng tôi chuyện trò với nhau suốt cuộc hành trình. Qua câu chuyện với anh Lộc, tôi đã biết rõ thêm về ngôi trường. Anh Lộc có vẻ am hiểu nhiều về ngôi trường, do đó tôi có thể h́ình dung được sơ bộ việc học hành ăn ở của các anh chị học viên, cũng như đời sống của các thầy cô giáo và nhân viên nhà trường. Tôi cảm thấy yên tâm hơn, và có phần nôn nóng muốn được nhìn qua ngôi Trường. Như "cố tình" bắt sự chờ đợi kéo dài để kích thích đầu óc tưởng tượng của tôi, bác tài xế đã dừng xe nhiều chặng, và cứ mỗi chặng năm phút, mười phút đón khách, thành ra với đọan đường chưa đầy 200 cây số, mà mất hơn 6 giờ đồng hồ! Nhưng rồi cảnh núi đồi trùng trùng điệp điệp đã bắt đầu xuất hiện và tiếp tục bị đẩy lùi về phía sau. Anh Lộc cho tôi biết cũng gần đến rồi. Các địa danh như đèo Chuối, miễu Ba Cô, chợ Tân Bùi, tiệm Trà Đỗ Hữu đã lần lượt bị bỏ lại đằng sau và xe chúng tôi đã dừng lại trước cổng trường. Anh Lộc chào chia tay tôi và bước vội xuống xe, một vài anh em khác cũng xuống với anh Lộc, nhưng tôi không biết có phải là học sinh của Trường hay không? Vẫn ngồi trên xe, tôi đưa mắt nhìn vào khu trường học bên kia đường. Trước mắt tôi hiện ra một bức tranh hết sức nên thơ. Bãi cỏ xanh thẵm, được cắt xén khéo léo ôm quanh bởi con đường cong cong trải nhựa. Hai bên đường rải rác những lùm cây hoa vàng hoa tím. Xa hơn một chút, các dẫy nhà học xinh xắn, nối với nhau bởi các lối đi quanh co, cặp dài hai bên bởi những hàng cây kiểng màu đỏ tím hết sức thơ mộng. Phóng mắt về bên trái, những ngôi nhà nho nhỏ, kiến trúc thật dễ thương, ẩn mình sau những hàng cây, tạo nên một cảnh trí an bình, mộng mơ. Xe lại lăn bánh, tôi cố ngoái lại để nhìn Trường thêm chút nữa. Phút chốc, xe vượt qua khu Cầu Trắng, chạy thêm một chặng đường ngắn, chậm lại dần và rồi dừng hẳn trước một ngôi nhà lụp xụp mà nay tôi không còn nhớ số. Chú lơ xe vui vẻ báo cho tôi biết đây là "Phẹt", và nhà tôi muốn kiếm chỉ cách chỗ xe đậu khoảng 15 mét. Tôi xuống xe cùng với hành lý, và tìm được nhà người quen ngay. Tôi tạm tá túc ở đây vì không nghĩ nhà Trường có thể giúp mình chỗ ở tạm trong những ngày đầu mới đến nhận việc.
Ngày hôm sau tôi trở lại Trường, hình như là ngày Chủ Nhật, nên tôi chưa thể vào văn phòng trình diện, mà chỉ đi loanh quanh bên ngoài chụp ít tấm hình (rất tiếc những tấm hình quý giá này đã cùng với bao hình kỷ niệm của gia đình tôi, đã thất lạc trong biến cố 75). Ngày hôm sau nữa, tôi mới thực sự đi nhận việc. Hiệu Trưởng là Anh Nghiêm Xuân Thịnh và Tổng Giám Canh là Anh Nguyễn Văn Khuy. Anh Thịnh đi vắng, anh Khuy nói chuyện với tôi ít phút rồi đưa tôi qua phòng Hành Chánh gặp thầy Phạm Trinh Hiễn và thầy Phạm văn Nhung để hoàn tất thủ tục. Sau đó tôi được gặp và nói chuyện với thầy Mai Bách Huyên để bàn về những lớp tôi sẽ phụ trách. Tôi được nghỉ một tuần để thầy Mai Bách Huyên có đủ thời gian điều chỉnh lại thời khoá biểu. Cảm giác đầu tiên của tôi là ở đây, mọi người đối xử với nhau rất thân tình và lịch sự. Các thầy ở văn phòng cũng cho tôi biết, khoảng một tháng trước, đã có ba anh đến nhận việc, là các anh Nguyễn Viết Huyền, Phan Quang Định, và Phạm Phước Bách. Như vậy cùng với những người đến từ những năm trước như anh Châu Kim Lang, Lê Quang Minh, Nguyễn Mạnh Cường, Hồ Phước Hải, hai cô Yến, và cô Kim, hình như có cả Bà Tôn Nữ Phùng Thăng nữa thì phải, nhóm giáo sư phổ thông chúng tôi xem ra cũng khá bề thế đối với một trường chuyên nghiệp.
Các thầy ở văn phòng khuyên tôi nên nhanh chóng dọn vào ở trong trường, vì vấn đề an ninh. Vài hôm sau tôi dời vào trường, ở chung với thầy Phạm Phước Bách, và việc giảng dạy cũng được bắt đầu. Tôi được giao phụ trách môn Lý-Hóa các lớp 10 và 11 và thầy Lê Quang Minh phụ trách lớp 12.
Khí hậu mát mẻ, phòng ốc khang trang, học sinh chăm chỉ và kỹ luật, người thầy giáo còn mong gì hơn! Khi còn là một học sinh trung học cho đến những năm ở đại học, tôi đã dùng nghề dạy học làm kế sinh nhai, nhưng bây giờ mới thật thụ vào nghề.
Chỉ sau vài tháng, tôi nhận ra rằng học sinh ở đây thật đa dạng. Rất nhiều học sinh vừa thông minh vừa chăm chỉ. Nhiều người còn có biệt tài,mình không đủ tài để giúp các tài năng non trẻ đó phát triển! Thầy và tṛò sống gần gủi nhau, nên hiểu nhau nhiều hơn, làm cho công việc của mình có phần dễ dàng và thích thú hơn.
Ở tỉnh lẻ, chẳng có gì giải trí sau những ngày làm việc trong tuần, chúng tôi đã nhanh chóng tụ họp với nhau thành một nhóm, và diễu cợt với nhau gọi là nhóm "Lương Sơn Bạc", gồm các anh Huyền, Định, Hải, Cường, anh Sơn Lao động (vì anh là Trưởng Ty Lao Động) và tôi. Tôi tự bầu cho tôi làm thủ lãnh của nhóm, vì tôi già hơn các anh ấy đến 5, 6 tuổi! Tuổi trẻ bồng bột và đầy bầu nhiệt huyết, nên nói đến "Trọng Nghĩa Khinh Tài" thì khoái lắm! chúng tôi khi thì tụ tập ở nhà tôi, khi nhà anh Cường, có lúc thì nhà anh Hải..v..v.. chúng tôi đấu láo với nhau những chuyện trên trời dưới đất, không đâu vào đâu, để rồi cười hả hê với nhau! Nhưng rồi với nhiều lý do khác nhau, các "hảo hán" của "Lương Sơn Bạc" lần lượt rời "Tụ Nghĩa Đường" để 'hành hiệp" ở những phương trời khác! Cuối cùng chỉ còn lại thủ lãnh Tống Giang cô đơn cố thủ trại để đón hào kiệt mới!
Khi còn đông đủ các anh bạn trẻ, chúng tôi sống với nhau thật là vui. Ngoài việc dạy, tôi còn tham gia một số sinh hoạt vui chơi của Trường, thường là vai trò cố vấn, như cắm trại ở Tân Phát, văn nghệ của đoàn Phật Tử Vạn Hạnh giúp các nạn nhân bão lụt, chọn lựa các bài viết cho Báo Tường, hoạt động thể thao ..v..v...Nói đến Văn Nghệ và Thể thao, trường NLS-Bảo Lộc là một cây ! Ngoài những giọng ca đơn, nam cũng như nữ, đầy "ấn tượng", những ban Kích Động Nhạc của các lớp luôn luôn tranh nhau trổ tài hết sức hấp dẫn trong những kỳ đại hội văn nghệ trên Đại Thính Đường! đội bóng tròn của nhà Trường thì khỏi chê! Trường có nhiều cẩu thủ xuất sắc. Thông thường thì các cầu thủ bên ngoài thị xã gom lại thành một đội để đá giao hữu với đội học sinh cửa Trường. Các thầy giáo cũng có đội bóng tròn riêng, tháng nào cũng có đá giao hữu với đội của trường trung học phổ thông, hay đội Lão Tướng của tỉnh. Nói là đội Trường Trung học Bảo Lộc, chứ thực ra luôn luôn được tăng cường bởi các danh thủ của các Trường Tiểu học quanh Thị Xã, nhưng ít khi có cơ hội thắng đội giáo sư NLS (vì luôn được tăng viện một thủ môn là HS.) Hình ảnh một cầu thủ ốm teo, luôn mặc chiếc quần Thủy Quân Lục Chiến được cắt ngắn khi ra sân, vì danh dự của đội nhà đá chết bỏ, chắc nhiều người còn nhớ! Đội bóng chuyền của HS Trường cũng khá mạnh, có vài tay đập bóng đẹp, nhất là giai đoạn được Kỹ Sư Tãng hướng dẫn. Anh Tăng là cựu tuyển thủ quốc gia. Các môn thể thao khác như Bóng Bàn, Vũ Cầu đều có người chơi xuất sắc. Môn Bóng Rổ cũng được thành lập sau này. Tôi và anh cố vấn người Phi "Ted Dili", có đưa đội ra ngoài tỉnh để đấu giao hữu vài lần. Chỉ với khoảng 800 học sinh và với một chương trình học hết sức nặng nề, thế mà những sinh hoạt ngoài giờ học như Văn Nghệ, Thể Thao và Xã Hội như vừa kể, quả là hiếm hoi đối với một trường trung học ở Việt Nam thời bấy giờ! Có lẽ nhờ vào một chương trình giáo dục như thế, mà các anh chi cựu học sinh của trường, đã có một khả năng thích nghi và xoay trở rất cao. Sự thành công của các anh chị trong cũng như ngoài nước hiện nay là điều không có gì ngạc nhiên.
Bên cánh giáo sư chuyên nghiệp, lúc bấy giờ ngoài thầy Thịnh và thầy Khuy, còn có các cô kỹ sư Dương Tuấn Ngọc, Hồ thị Vân, Võ Thị Thúy Lan, thầy Lê Thiệp, thầy Trần Đăng Thảo, thầy Xuân và một số kỹ sư ở các Ty Sở bên ngoài vào tăng cường. Đến năm 1969, lớp sư phạm NLS khoá I được bổ nhiệm về Trường, gồm các anh Nguyễn Hoàng Lang, Đỗ Văn Quang, Nguyễn Hữu Minh, Từ Văn Trường, và Trần Thanh Giang (Canh Mục Sắc Tộc). Lúc này Trường tương đối có đầy đủ thầy giáo cho cả phần lý thuyết và hướng dẫn nông trại. Nói chung nhà Trường hoạt động tốt nhờ sự đóng góp của nhiều người có kinh nghiệm và thương yêu trường. Phòng Hành Chánh Kế Toán, gồm các thầy Phạm Văn Nhung, Phạm Trình Hiển và Phạm Văn Đạt làm việc rất giỏi và luôn vui tươi với mọi người trong trường. Thầy Nhất ở phòng học vụ có một biệt tài, đó là thầy nhớ mặt và tên của tất cả học viên. Thầy Trần Đăng Thảo, mà học viên cũng như các thầy giáo trẻ thường gọi là “Bố Thảo”, giữ chức vụ Quản Đốc Ký Túc Xá. Thầy thương yêu học sinh như con của Thầy. Thầy luôn luôn cố tránh biện pháp kỷ luật đối với học sinh, mà thường dùng tình cảm để khuyên bảo các em. Thầy cũng là người trông coi các bữa ăn của các học viên ở Câu Lạc Bộ. Bên lưu xá nữ, được Bà Vũ thị Thế chăm sóc. Bà rất nghiêm, nhưng cũng hết lòng hết dạ với các học sinh của bà.
Năm sau, năm 1968, tôi thành lập gia đình. Vợ tôi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sàigòn và sau đó cũng được chuyển về trường trung học Bảo Lộc. Cuối năm 1969, chúng tôi có con trai đầu lòng, được đặt tên là Phan Hồng Nguyên để kỷ niệm vùng cao nguyên đất đỏ. Nhiều anh chị chắc còn nhớ đến cháu, vì có đôi lúc tôi đưa cháu (trong xe đẩy) đến trước lớp học. Trong giờ ra chơi, có nhiều anh chị vui đùa đem dấu cháu đi. Bây giờ cháu Nguyên (xin được xem như một đứa con chung của NLS-Baoloc) đã là một bác sĩ chuyên sâu về khoa tim (Electro Physiology), hiện đang hành nghề ở tiểu bang Wisconsin. Các con của tôi đã sống nhiều năm trong trường, chúng đã có nhiều kỷ niệm ở đó. Từ vườn cam, vườn trà, vườn cafe, cây Sa-po-che, cây vũ sữa, cây ổi, cây mận, cây bơ, cho đến bãi đất trống (làm sân bóng), những con đường mòn, đều gợi lại cho các cháu những ngày của tuổi thơ êm đềm trong ngôi trường thân yêu này. Cháu Nguyên, cách đây 13 năm, khi vừa mới tốt nghiệp bác sĩ Y-Khoa, có về thăm Việt Nam, đã trở lại Bảo Lộc một ngày, đã xin vào thăm Trường để tìm lại những dấu vết kỷ niệm xưa. Nhìn lại cảnh cũ, cháu cũng cảm thấy bùi ngùi trong lòng.Tôi cũng đã về Việt Nam và ghé thăm trường vài lần. Mỗi lần thăm là mỗi lần cảm thấy bức rức trong lòng, mặc dầu vẫn biết rằng sự đời thay đổi là định luật chung của tạo hóa! Nhìn cảnh buồn chán điêu tàn ở một nơi đã gắn liền với cuộc đời của mình, chỉ có con người với trái tim bằng đá thì mới tránh khỏi sự xúc động!
Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc của chúng ta không còn nữa, nhưng tinh thần và tình cảm NLS Bảo Lộc vẫn còn. Xin tiếp tục dành cho nhau những tâm tình tốt đẹp nhất, được un đúc từ mái trường thân yêu này.
Luc Phan.
Gurnee, Feb. 2008