Thị xã Bảo Lộc nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng, trên cao nguyên Di linh - Bảo Lộc, ở độ cao 800 mét so với mặt biển, gắn với trục quốc lộ 20 nối liền thành phố Sàigon và Bảo Lộc.

Bảo Lộc có khí hậu quanh năm mát mẻ, không quá lạnh, cũng không quá nóng. nhiệt độ trung bình 22º-24ºC.  Bảo lộc có lượng mưa khá lớn (2.762 mm), không có tháng nào không có mưa. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm khá lớn, trung bình là 10º-30ºC. Sương mù xuất hiện ở Bảo Lộc nhiều do độ ẩm cao, trung bình mỗi năm có 85 ngày có sương mù tập trung vào những tháng cuối mùa mưa.

Năm 1930 Nha Khảo cứu Đông Dương thành lập tại Công Hinh (B'lao), một Trung tâm thực nghiệm Nông học rộng khoảng 1.000 Ha, đó là cơ sở đầu tiên, sau đó đã trở thành Trường Quốc Gia Nông Lâm Mục vào năm 1955. Diện tích trường nếu kể cả các khu ngũ cốc , vườn cỏ, các thí điểm vườn ương, cây ãn trái, vườn cam, có thể nói rộng lên tới 200 mẫu tây tức khoảng gần 500 acres mẫu hoa Kỳ. Trường nằm bên trái trên đường vào thị xã Bảo Lộc, dọc trên quốc lộ 20, đường đi Di Linh/Đa Lat, ngay tại mốc cây số 187 km tính từ Saigòn. Du khách đi Dà Lạt, khi đi tới hồ Đỗ Hữu, là có thể nhìn thấy các dẫy biệt thự xinh xắn, đó là các dẫy nhà cũa các thầy cô. Có thể nói đây là một ngôi trường trung học về văn hoá và chuyên môn lớn nhất nước vào thời đó.

Trường được thành lập năm 1955 và đặt tên là trường Quốc Gia Nông Lâm Mục và đào tạo hai cấp bậc cao đẳng và trung đẳng từ năm 1955-1963. Theo thầy Đặng Quan Điện, nguyên Giám Đốc Nha Học Vụ Nông Lâm Súc, thầy là người đã khai sinh ra ngành giáo dục trung học kỹ thuật Nông Lâm Súc kể từ năm 1963, từ năm đó trường đã được đổi tên là trường Trung Hoc Nông Lâm Súc Bảo Lộc, và trực thuộc Nha Học Vụ Nông Lâm Súc, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, qua một số nghị  định sau:

  • Nghị định số 136-BCTNT/NĐ/HC/2 ngày 26-3-62 của Bộ Cải Tiến Nông Thôn chuyển giao nhiệm vụ và cơ sở kỹ thuật Canh Nông và các học đường đặt thuộc quyền Bộ Quốc Gia Giáo Dục.
  • Nghị định số 1377-GD/PC/NĐ ngày 30-9-63 của Bộ QGGD tổ chức Nha Học vụ Nông Lâm Súc.
  • Nghị định số 1185-GD/PC/NĐ ngày 24-8-63 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục cải tổ trường Quốc Gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc thành trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.

Chương trình học gồm hai phần, phổ thông và chuyên môn.Học sinh tốt nghiệp với văn bằng Tú Tài II NLS, sau đó tùy theo điều kiện và khả năng, học sinh có thể tiếp tục theo đuổi chương trình Kỹ Sư 4 năm hay Kiểm Sự một năm hoặc chuyển qua một ngành nghề mới tại bất cứ một trường Đại Học nào.  Học sinh gia nhập trường NLS-BL phải qua một kỳ thi tuyển. Những năm đầu trường tổ chức thi tuyển vào ba hệ đệ Ngũ, đệ Tứ và đệ Tam, sau đó trường chỉ  còn 2 hệ, hệ đệ Ngũ học 5 năm và hệ Đệ Tam học 3 năm. Ở cấp trung học đệ nhị cấp, mỗi lớp gồm có 3 ngành: Thủy Lâm, Canh Nông và Mục Súc, và đến niên khoá 70-71 trường có thêm ngành Công-Thôn . Trường quy tụ các học sinh từ Sai gon cho đến các tỉnh miền Trung, Cao Nguyên, Đồng Bằng Sông Cửu Long, và điạ phương Lâm Đồng.

Có thể nói vào thời gian đó, trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc là một trường có tầm vóc to lớn, cơ sở đầy đủ và đẹp nhất cuả vùng Đông Nam Á Trường có hệ thống nhà ở cho hiệu trưởng và các thầy cô, và các nhân viên công chức làm việc cho trường.  Trường còn có hệ thống nội trú cho học sinh, được sắp xếp theo lớp từ Đệ Ngũ tới Đệ Nhất, gồm có 4 lưu xá cho nam sinh, A, B, C, D và một lưu xá E cho nữ sinh. Trường có Ban Đai Diện Truờng và ban Kinh Tế do hoc sinh bầu ra để đại diện cho học sinh và lo vấn đề cơm nước.

Trường có đầy đủ sinh hoạt về mọi lãnh vực như:

  • Thể thao gồm có các sân Đá Banh, Bóng Rổ, Chạy bộ, Quần Vợt, Volley, Võ đường
  • Văn Nghệ với một Đại Thính Đường với sức chứa khoảng 1000 người.
  • Giáo Dục với các phòng thí nghiệm sinh học, côn trùng, thú y, thực vật, lâm học; các trại chăn nuôi gà, thỏ, heo, ngựa và trâu bò, xưởng Nông Cơ.  Để gíup hoc sinh làm quen với thiên nhiên, trường còn có một hệ thống vườn rau cải, vườn cam, vườn café, và vườn trồng cây rừng giống, chưa kể bao chung quanh trường là hàng trăm hecta rừng thiên nhiên với đủ loại cây rừng và cây kỹ nghệ như trà và cà phê. 

Sau khi tốt nghiệp trung học, một số đông học sinh theo đuổi tiếp chương trình Kiểm Sự hay Sư Phạm Nông Lâm Súc; và sau đó trở về phục vụ tại Bộ Canh Nông, các Ty Nông Nghiệp/ Hạt Thủy Lâm, hoặc về các trường trung học Nông Lâm Súc trên toàn quốc từ các tỉnh vùng cao nguyên xuống tới vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sau biến cố 1975, một số thầy cô và anh chị đã định cư tại Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới; một số còn lại ở Việt Nam, tiếp tục hoạt động trong lãnh vực Nông Nghiệp, hoặc chuyển qua các ngành nghề tư nhân khác.

Hiện nay Trường đã được đổi tên là trường Trung Học Kỹ Thuật và Dạy Nghề của tỉnh Lâm Đồng.

Ban Điều Hành

Cùng Tác Giả / Đề Tài