![]() |
Chúng tôi tất cả gồm bốn chị em gái.
Phần đầu của câu chuyện là do tôi được nghe kể, phần vì không biết, phần vì không nhớ.
Mẹ tôi là một người mẹ đảm đang như hầu hết những bà mẹ Việt Nam vào thế kỷ trước. Có lẽ đúng với câu tục ngữ: “Thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”. Mẹ người tầm thước, được nước da trắng và cặp mắt đen tuyền rất sắc sảo lại có một giọng nói ngọt ngào dễ nghe. Bố tôi có lần lấy điểm với Mẹ đã kể chính vì cặp mắt đen tuyền và làn da trắng trinh nguyên đã hớp hồn ông. Ông nhất định đòi ông bà nội phải cưới cho được Mẹ, cho dù lúc ấy ông bà nội không bằng lòng lắm vì gia đình Mẹ thuộc loại nghèo trong làng và Mẹ lại là con gái trưởng. Ấy! có lẽ vì sinh trong gia đình nghèo nên Mẹ chịu thương chịu khó và tính tình chắt chiu, đảm đang từ đó mà nẩy sinh ra chăng?
Sau ngày cưới chưa được một năm thì chị cả tôi ra đời. Bà nội không dễ chịu với Mẹ vì thành kiến mẹ chồng nàng dâu nhưng lại rất yêu cô cháu gái đầu lòng, giản dị vì ai cũng nói chị tôi giống hệt bà. Bà nâng niu cháu từ khi mới sinh. Có lẽ vì yêu cô cháu gái bà nội đã dễ dãi cấp vốn cho Mẹ mở một cửa hàng bán vải nhỏ mà ngày ấy được gọi là hàng tấm.
Hơn một năm sau bà chị thứ hai có mặt. Nghe kể, khi biết là cháu gái, bà nội đã chẳng vào thăm lại còn nguýt dài: “Lại cái hĩm”. Chắc tại bà nội mong có cháu đích tôn chăng? Ở cữ vừa tròn một tháng, Mẹ phải vừa đèo con trên lưng vừa đi bán hàng, vì thế mà Mẹ thương chị Ba tôi nhất? Không nói ra nhưng ai cũng nhỏ to cái tướng Mẹ là sẽ sinh năm một, trước sau gì ông bà nội cũng có cháu trai…
Ngược với những lời tiên đoán, Mẹ không hề mang thai suốt gần bẩy năm trời. Bà nội lại ra nói vào nói, nhăm nhe muốn cưới nàng hầu cho bố. Thời gian ấy Mẹ lai buôn bán khấm khá, Mẹ mải mê với những sấp vải mua rẻ bán đắt, chỉ trong vòng mấy năm mà cả mấy làng bên cũng biết tiếng. Ai muốn mua vải gì Mẹ cũng tìm cho được, ai không có tiền trả Mẹ cho nợ và nghe nói Mẹ có một trí nhớ rất tốt, chẳng cần sổ sách Mẹ cũng nhớ ai mua thiếu, ai trả đủ. Mẹ khéo ăn ở, người mua hàng tin tưởng, chẳng mấy lúc Mẹ thay vì chỉ có gánh hàng vải mà thay vào là một gian hàng nổi tiếng, Mẹ đã thuê thêm vợ chồng người em họ để phụ giúp.
Trong lúc sự trông ngóng cậu cháu đích tôn của bà nội bắt đầu phôi phai thì tin Mẹ cấn thai làm cả nhà vui. Lần này sự hy vọng của cả nhà vươn cao thấy rõ. Bà nội chính tay sắc thuốc bổ cho Mẹ mỗi ngày và bắt uống trước mặt. Bố loay hoay tìm Thầy coi số, rồi suốt ngày xem sách để tìm tên cho đứa con. Có thể vì uống thuốc bổ nhiều quá hoặc phần vui mừng và hy vọng sẽ có con trai, hoặc do những lo sợ nếu không phải là con trai… nên bầu của Mẹ kỳ này nặng nề, tháng thứ sáu đã bắt đầu khó khăn trong việc di chuyển. Khi Mẹ mang bầu được gần bẩy tháng, bà nội muốn cho chắc đã tìm cô mụ nổi tiếng về khám thai, cô mụ quả quyết là thai trai. Nỗi vui mừng làm Mẹ ngộp thở chăng nên tháng thứ Bẩy Mẹ đã có lần xuất huyết. Lo sợ cho thai nhi bà nội nhất định không cho Mẹ ra cửa hàng.
Nhưng người tính không qua được Trời: Mẹ chuyển bụng sanh sớm, kỳ này Mẹ đau đẻ cả tuần, rồi bố tôi lại nhất định mời cho được bác sĩ trên tỉnh về đỡ đẻ. Đúng là đứa cháu trai đích tôn nhưng đứa cháu này lại nằm ngược trong bụng Mẹ, chân tay đập liên hồi tạo những cơn đau không nguôi cho Mẹ cả tuần. Bác sĩ hầu như cũng bó tay và rồi bắt bố phải làm quyết định hoặc giữ con hoặc giữ vợ… Mẹ đã phải trải qua một cuộc giải phẩu thập tử nhất sinh. Và cậu cháu đích tôn ấy đã không hề mở mắt chào bà nội, ra đi khi chưa cất tiếng khóc lần đầu… Mẹ phần đau đớn thể xác, phần phiền não mất đứa con trai mà Mẹ đã đặt hết hy vọng, Mẹ ẻo lả trong đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Không nói ai cũng biết không khí trong gia đình lúc ấy là như thế nào…
Bố tôi là một người biết bao bọc và thương yêu vợ con. Suốt trong mấy tháng Mẹ nằm liệt giường, chính Bố đã làm đúng bổn phận phu thê: Ông tận tình an ủi, khuyên giải. Chính ông đã bỏ hết mọi việc để lo cho Mẹ. Lo từng miếng ăn, nước uống đến cả vấn đề vệ sinh. Theo Mẹ kể thì những ngày tháng ấy Mẹ rất hạnh phúc thấm thía tình vợ chồng ngọt bùi, vì thế sau này bố có lăng nhăng Mẹ cũng chấp nhận mà không oán trách. Một khoảng thời gian hạnh phúc ngọt ngào tuy ngắn ngủi nhưng cũng đã làm Mẹ mãn nguyện. Rồi chỉ nửa năm sau Mẹ lại cấn thai, niềm hy vọng lại nở rộ. Bà nội năng đi nhà Thờ, làm việc công quả nhiều hơn; Nghĩ mà thương cho bà nội, sống vì con vì cháu tuy cách hành xử có đôi lúc khắc nghiệt nhưng tâm bà nội thật đầy.
Biến cố lịch sử lại xẩy ra đúng lúc ấy. Như bao gia đình khác, gia đình tôi theo làn sóng người di cư vào miền Nam. Mẹ vừa qua khỏi cơn đau thập tử nay lại phần mang bầu, phần phải di chuyển nhiều nên cơ thể rất yếu ớt mong manh.
Mẹ cưu mang đúng chin tháng, và tôi ra đời trong sự mong ngóng một đứa cháu trai khác của gia đình. Khi biết đứa cháu là gái, bà nội đã lẳng lặng không nói một lời, không giận nhưng nỗi buồn lộ rõ...
Bố chạy ngược chạy xuôi tìm kế sinh nhai. Đây có lẽ là giai đoạn bố tôi phải làm việc thực sự, phải lo lắng đến miếng cơm manh áo cho gia đình nhất, đây là lúc chứng tỏ ông là cột trụ của gia đình. Có lẽ trách nhiệm mà ông chưa bao giờ có, lại chưa quen nên ông lo lắng và hay gắt gỏng, trông ông phờ phạc và già trước tuổi, rồi rất tự nhiên những con vi trùng lao bắt đầu len lỏi vào buồng phổi… Mẹ lại một phen gói ghém đứa con mới sinh trao gửi bà nội để phụ Bố tìm một lối sống cho gia đình trong vùng đất mới, người lạ. Bà nội chưa thể hội nhập với hoàn cảnh và lối sống mới nên đành ôm cháu cho con dâu dấn thân ra ngoài tìm kiếm một kế sinh nhai.
Trời không phụ Mẹ. Một người đàn bà dung dị nhưng can đảm có thừa. Cái tính đảm đang, khôn ngoan lanh lợi của Mẹ đã hoàn toàn được xử dụng, nhờ số vốn mang từ quê nhà Mẹ đã loay hoay tìm được gian hàng nhỏ trong khu chợ xép đầu xóm, công việc nhà giao hết cho bà nội và người chị Cả. Chị Cả tôi tuổi mới vừa trên mười tuổi nhung đã biết nấu cơm, chăm sóc em.
Với thời gian trôi, đời sống nơi vùng đất mới bắt đầu ổn định. Gia đình đã có những bữa cơm ngon hơn và bố đã có những chén thuốc tuy đắng nhưng có lẽ đã đánh bại đám vi trùng bắt chúng nằm im. Mẹ lại cấn thai!
Mẹ đã khóc vì lần cấn thai này. Những giọt nước mắt của Mẹ vì lo cho sự sống còn của gia đình, vì tương lai của cả nhà còn rất mịt mờ mông lung…
Cả bà nội và bố không ai trông mong gì, không ai còn để tâm nghĩ đến thai trong bụng Mẹ là trai hay gái nữa, thì cậu cháu đích tôn lại oe oe khóc!
Nỗi vui không mong này đã làm bà nội khoẻ ra. Suốt ngày bà cười, nhìn cậu cháu và mắng yêu liên hồi. Khỏi nói, bà nội bỏ hết những công việc hàng ngày mà chỉ quấn lấy cậu cháu.
Em trai tôi khóc nhiều hơn ngủ. Sữa mẹ không đủ, sữa hộp cũng không xong. Nuôi em, bà nội đã hoàn toàn quên sức khoẻ của mình. Bà thức khuya dậy sớm, trời còn tối mờ bà đã loay hoay nấu cháo, lấy nước cháo quấy với sữa đút từng muỗng cho em. Em khó ăn khó ngủ bao nhiêu thì ngược lại, phần cháo dư phần sữa em không uống tôi đều vui vẻ hưởng thụ. Bà nội thấy tôi ăn được, ngủ được đã gọi tôi là cái Lu. Nghe kể tôi ít khóc, cười nhiều và dễ ăn. Cái tính ấy theo tôi có lẽ cả đời.
Chị Cả và chị Ba đã bắt đầu đi học lại. Đúng ra chị Cả đã được đi học ngay từ lúc năm tuổi. Chị rất thông minh và chăm chỉ, nhưng vì hoàn cảnh đất nước những bài học vỡ lòng chị hầu như đã quên hết. Bố lại là người quá kỹ lưỡng nên bắt chị học lại từ lớp nhỏ, ngang với chị Ba. Chị hiền, bố bảo sao thì nghe vậy nên cả hai cô con gái cùng học một lớp.
Gia đình bắt đầu đi vào quy củ, nếp sống mới đã được hội nhập nhanh chóng. Mẹ mở thêm tiệm vải ở khu chợ lớn hơn, rồi chẳng mấy chốc lại sang hẳn một khu phố chuyên bán các loại vải nhập cảng, những súc vải lạ, đẹp, tốt từ ngoại quốc đã bắt đầu chất đống. Nhìn lại chỉ mới mấy năm mà Mẹ từ một xập vải lèo tèo với mấy khúc vải thô ở một khu chợ nhỏ, nay đã chễm chệ một gian hàng lớn nhất nhì trong khu chợ thương mại giữa thủ đô. Ai có thể dự đoán tương lai? Đúng là Mẹ đã gặp được đất lành.
Lần mang thai này của Mẹ được coi như sự bình thường, đã nói cái tướng Mẹ là mắn con mà! Bà nội tay bồng cháu đích tôn, miệng lại lâm râm cầu nguyện…
Em gái tôi ra đời trong sự bình thản và yên ổn của gia đình. Bà nội đã nửa đùa nửa thật bảo Mẹ: “Thôi! đã thế mợ ráng thêm một đứa gái nữa cho đúng là ngũ long công chúa đi”.
Vì công việc buôn bán của Mẹ chiếm hết thời gian ban ngày, tối về Mẹ chỉ đủ giờ ôm em trai tôi đôi phút, còn đám con gái Mẹ chỉ xoa đầu, ôm ấp trong chốc lát. Chúng tôi mau ăn chóng lớn, người gần gũi nhất vẫn là bà nội, bố thì ngày ngày ăn mặc bảnh bao nói là thay Mẹ đi giao tiếp.
Cuộc sống bình thản trôi. Chẳng mấy lúc hai bà chị tôi đã sửa soạn vào trung học.
Khoảng thời gian này Mẹ tôi có thêm một em trai nữa, cậu này thật khác với ông anh, cậu mau ăn chóng lớn, ai cũng bảo tôi và cậu giống nhau từ hình dáng đến tính tình… Bà nội yên tâm vì đã thấy đàn cháu nhỏ trai gái đầy đủ.
Càng lớn chị Cả càng giống bà về hình dáng. Chị hiền lành ít nói, sau những giờ học chị luôn luôn bên cạnh bà. Chị được bà tin cẩn nhất, hay giao cho việc bồng bế cậu em khó nuôi. Chị kiên nhẫn với những tính nết khó khăn của em, chị chẳng nề làm ngựa cho cậu em cưỡi, tuy đôi lúc bị cậu níu tóc hay đấm đá chị cũng khóc. Chị sống đơn thuần ít bạn, ít giao thiệp. Chị thích theo bà vú đi chợ, lại thích ăn vặt, lúc nào miệng chị cũng nhóp nhép vì những phần quà hoặc do bà vú hoặc do bà nội cho riêng. Về dáng dấp chị thì tôi không nhớ rõ có nét nào đặc sắc, trừ đôi môi hồng tươi, hàm răng trắng và rất đều, đặc biệt nhất có lẽ là giọng nói. Chị có giọng nói nhẹ và mềm như tơ… Sau khi chị thi đỗ trung học đệ nhất cấp, bà nội đã bảo Mẹ cho chị theo ra cửa hàng để học ăn học làm. Chị là người thụ động nên tôi chẳng thấy gì là lạ, bà nội bảo chị theo Mẹ ra tiệm thì chị ra. Sau này chị có kể cho tôi nghe ra tiệm thích lắm, có lẽ chị là người thích hợp nhất trong việc học buôn học bán, bà nội đã chẳng nghĩ sai chút nào khi bà làm quyết định đưa cô cháu yêu rời trường học chữ để học lấy một nghề ấm thân, lại đỡ đần được cho Mẹ. Bà tôi rất hài lòng về quyết định của mình.
Chị Ba lớn nhanh và trội hẳn lên. Cái nhanh nhẹn, nhí nhảnh của chị làm hình ảnh chị Cả lu mờ. Chị bắt đầu biết chép những vần thơ tình vào quyển sổ thật đẹp mà chị cất rất kỹ. Chị đã biết làm dáng, đứng trước gương vuốt ve mái tóc hoặc ngắm mình trong những chiếc áo mới. Chị hay ra lệnh và bắt nạt đám em. Tôi nghe bà vú kể lại là chị có bổn phận phải bế bồng tôi nhưng chị đã rất ít khi thi hành nhiệm vụ, chị bỏ tôi bò lê bò càng một mình và vô tình một lần tôi bị ngã chảy máu đầu. Chị sợ run khi thấy máu, Mẹ phải bỏ hai ngày làm ở nhà đưa tôi đi bác sĩ và ôm đứa con gái nhỏ. Vết thương đã làm tôi có một vết sẹo nhỏ ngay trên trán, may mà sau này tôi hay phủ tóc che ngang nên chẳng ai thấy.
Tôi sợ chị Ba nhất nhà. Chị hay ký đầu tôi lúc chị phải bế tôi vì bị bắt buộc, đôi khi bực mình chuyện gì chị cũng đã nhéo tôi đau điếng. Tóm lại tôi bị chị ăn hiếp mà vì thấp cổ bé miệng tôi chẳng làm được gì.
Ấy! thế mà không hiểu sao lúc nào tôi cũng bám sát chị. Chị luôn luôn tỏ uy quyền với tôi, cô em kém chị khá nhiều tuổi. Nhưng những giận hờn ấy tôi quên rất nhanh, bởi lẽ những quần áo đẹp của chị nhưng đã cũ hoặc ngắn chị hay thay mặt Mẹ mà cho tôi, bù lại tôi hay phải làm những việc vặt cho chị. Mỗi khi được chị cho một cái áo cũ mà chị luôn làm tôi có cảm tưởng đó là cái áo đẹp nhất, là món quà quý mà chị vì thương tôi nhất nên đã cho; cho cái áo cũ nào chị cũng vẽ rồng thêm rắn, nức nở khen và tôi lại tít mắt cười, sung sướng mặc tấm áo cũ của chị trong hạnh phúc đơn sơ.
Chị biết được Mẹ yêu nhất nên hay làm nũng Mẹ.
Những khúc vải đầu hay khúc cuối Mẹ hay dành may áo cho các con gái, dĩ nhiên ưu tiên số một vẫn là chị Ba, và chị cho mình được hưởng những quyền lợi ấy là lẽ đương nhiên không mảy may nghĩ ngợi. Đương nhiên chị Cả thì chẳng màng tới, nhưng khi bắt đầu lớn hơn một chút, tôi bắt đầu có những ganh tị và so sánh với chị, để rồi lại ấm ức một mình hoặc kể lể với bà vú, rồi được bà vuốt tóc nịnh mấy câu là tôi lại quên ngay. Đã nói tôi vẫn là đứa hay quên và dễ giận, ruột để ngoài da cơ mà!.
Chị Cả đi lấy chồng khi chị mới mười chín. Người chồng chị không biết mặt đừng nói chi đến quen và có cảm tình. Ngày dạm ngõ chị mới nhìn được mặt người chồng tương lai của mình. Tôi không rõ lúc ấy chị nghĩ gì? Vui hay buồn? Vì có khi nào chị lại tâm sự với một cô em chưa đầy mười tuổi? Sau ngày cưới, Mẹ bỏ vốn gây dựng cho chị một sạp vải nhỏ, nguyên tắc vẫn là của Mẹ nhưng để chị trông coi để học kinh nghiệm. Chị đúng là một mẫu người con hiếu đễ, luôn luôn vâng lời cha mẹ, chuyện gì cũng do cha mẹ định đoạt, bảo sao nghe vậy.
Chị Ba đã vào đại học, chị thích văn thơ lại là người lanh lợi, nghe nói chị đã chọn ngành truyền thông. Mẹ rất mực hãnh diện vì cô con cưng này. Khi chị học năm thứ ba thì bố mẹ nhất định muốn chị lấy chồng. Theo Mẹ thì con gái học như thế đủ rồi, hơn nữa người trai trẻ này có tất cả ưu điểm mà một người làm mẹ khi kén rể không muốn gì hơn, này nhé: Anh là con một, đã từng du học ở Pháp, gia đình giàu có danh giá, người cha lại giữ địa vị quan trọng trong chính quyền…
Đám cưới chị rất lớn, nghe đâu đãi khách tới hai ba ngày. Phía nhà gái Mẹ đã may sắm trang sức cho chị ê hề, chị ngộp thở vì những quà cáp Mẹ cho. Số quần áo chị thay liên tiếp trong hai ngày đại tiệc đã lên tới con số mà cả tủ áo của tôi cũng chưa chắc được một phần nửa. Sau này tôi có lần vui tôi hỏi chị đã thay bao nhiêu bộ quần áo trong ngày cưới ấy, chị vẫn ký đầu tôi và cười trong ánh mắt long lanh ngấn lệ, lúc ấy tôi chẳng biết tại sao chị lại khóc.
Hình dáng tôi bắt đầu thay đổi nhiều nhất có lẽ năm tôi mười bốn; tôi bỗng trở thành một thiếu nữ hồi nào mà cả nhà đã chẳng nhìn ra, đến khi tôi thố lộ với bà vú và than quần áo chật, nhất là quần nào cũng ngắn trông thấy Mẹ mới có dịp nhìn ngắm tôi khi bà vú già đã nhỏ to với Mẹ. Mẹ cười và bà nội bảo:
“Con này tướng tá giống hệt bố nó, chẳng có dáng dấp thiếu nữ gì cả, chỉ có chiều cao là không ai bằng”.
Ấy thế mà tôi nhớ lại chị Ba đã có lần bảo tôi:
“Sau này mày không cần đi guốc cao gót, giá mày chia bớt cho tao hai ba phân thì chị em mình sẽ đẹp hơn nhiều…”
Bố tôi hay xoa đầu và mắng yêu:
“Gái của bố mà là con trai thì bố sẽ dẫn mày đi chơi…”
Quên, vào khoảng thời gian này hình như Bố hay vắng nhà, có khi một hai ngày có khi gần cả tuần. Mẹ đôi mắt có u sầu, đôi khi tôi thấy Mẹ hay chép miệng và trở về nhà những lúc tiệm còn đang mở cửa. Bà nội thỉnh thoảng có gọi bố vào phòng đóng cửa nhỏ to… Tôi được chị giúp việc mách nhỏ: “Ông chủ hình như có bà hai...”.
Những bữa cơm đã bớt vui. Cậu cháu đích tôn ít nói, hay đóng cửa phòng và sống rất riêng tư. Ở nhà chỉ còn tiếng cãi nhau của hai đứa em nhỏ. Sau ngày chị Ba đi lấy chồng nhà bắt đầu thấy vắng vẻ, nhất là từ lúc cậu cháu đích tôn được gửi đi du học tự túc.
Quân, tên em trai tôi, cậu ấm cả của gia đình đã rời quê hương khi tuổi mới mười lăm. Em được gửi sang Pháp ở chung với cậu mợ tôi. Cậu mợ không có con nên thương yêu Quân hơn ai hết. Quân được gói chặt, cuộn tròn trong tình yêu gia đình không biết bao nhiêu vòng!!! Từ tình yêu đặc biệt của bà nội, bố mẹ nay lại thêm cậu mợ, một bố mẹ thứ hai của em. Bà nội phải chấp nhận để cậu cháu đích tôn đi học với ước vọng cho cháu có một tương lai rực rỡ, làm rạng rỡ gia tông. Ngày tiễn em ra phi trường, bà nội tháo sợi giây đeo cổ (sợi giây kỷ niệm duy nhất Ông đã tặng Bà ngày cưới) đeo cho em mà nước mắt vòng quanh. Những níu kéo, bịn rịn của cả người đi lẫn người tiễn đã làm em suýt lỡ chuyến bay…
Trong lúc không ai ngờ thì quê hương lại một lần nữa chìm trong loạn ly. Vào khoảng không gian kinh hoàng thời gian hãi hùng lòng người rối loạn này gia đình tôi vội vã theo chân người cậu xuống tàu ra khơi như bao gia đình khác mà cặp mắt vẫn còn ngơ ngác không hiểu, không nghĩ và không biết gì về một tương lai mịt mùng trước mặt.
Không gian đong đưa, thời gian đính đong với biết bao thử thách trùng trùng giáng xuống gia đình tôi cũng như muôn ngàn gia đình khác, nhưng riêng với gia đình tôi hình như còn có chút ngậm ngùi và uất nghẹn của Mẹ và người con gái Mẹ cưng chiều nhất: Chị Ba tôi.
Định cư ở một vùng đất lạ, khí hậu lạnh lẽo đã làm sức khoẻ bà nội suy nhược thấy rõ. Ngay Mẹ tôi, một người đàn bà tháo vát đảm đang cũng đành bó tay. Mẹ thờ ơ với cuộc sống mới, không than van nhưng ánh mắt xa xăm. Mẹ thu gọn lại suốt ngày chỉ ở trong nhà lấy cớ ngôn ngữ bất đồng, kỳ này bà để mặc cho con tạo xoay vần và kệ cho bố tôi xoay sở… Tôi mong manh hiểu phần nào nỗi niềm đau kín của Mẹ nhưng không biết mở lời thế nào…
“Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, câu ca dao này sao hay và đúng thế! Quỹ đạo vẫn xoay chuyển đều, những khó khăn vất vả ban đầu cũng từ từ thu nhỏ lại. Ba chị em tụi tôi tự khôn lớn trong sự chuyển vận tuyệt vời ấy: Tôi và cô em gái vào trung học gần nhà, cậu Út thì còn ở trung học đệ nhất cấp.
Chị Cả theo gia đình chồng và đã định cư bình an ở vùng nắng ấm. Nào ai hay, người chị hiền lành của tôi đã tích lũy số máu tháo vát, đảm đang của Mẹ nay chị mới đem sử dụng. Tuy ngôn ngữ khó khăn nhưng hai vợ chồng chị lăn xả vào cuộc sống mới; Anh chị làm việc bất kể ngày đêm, việc gì cũng đã nhúng tay vào, từ việc đi bỏ báo đến thầu lau chùi nhà trường, các cao ốc… Rồi hơn mười năm sau anh chị đã là những người Việt tạm coi như thành công, là những chủ nhân ông tương đối khá giả và có tiếng tăm trong cộng đồng. Phúc phần của chị là ở đó.
Cậu ấm đích tôn chuyển về gần bố mẹ và đang theo học ở một đại học gần nhà. Cậu vẫn ít nói nhưng đặc biệt lại để tâm và chăm sóc bà nội một cách hết sức tỉ mỉ. Bà nội được an ủi nhiều, hạnh phúc đong đầy lên ánh mắt mỗi khi được cậu cháu ôm vai dẫn đi nhà thờ, hoặc đưa tận tay bà chén nước trà mà cậu đã có ý thử độ nóng trước khi trao.
Nhưng sức người có hạn, bà nội đã bỏ chúng tôi sau khi dự lễ ra trường của cậu cháu cưng. Bà đã mãn nguyện khi nhìn đàn con cháu đông đủ, với vòng tay ôm chặt của cậu cháu đích tôn.
Người tôi phải nói đến theo tuần tự là chị Ba. Chị ở lại quê hương với trăm ngàn cay đắng. Những ngày mới đến Mỹ, Mẹ đã hết khóc lại thở dài vì tin tức của chị vẫn mịt mờ… Đến khi biết chắc chị còn kẹt lại ở quê nhà, Mẹ hết khóc nhưng lại luôn luôn nhắc nhở chúng tôi, rồi những thùng quà thi nhau chuyển về cùng những lá thư thương yêu Mẹ viết cho chị, những lá thư ấy cũng nặng tình nghĩa chẳng kém những thùng quà! Nhưng thư trả lời của chị đều giống nhau, chị viết rất ít rất ngắn ngoài lời cảm ơn và báo tin đã nhận quà, không hơn không kém. Mẹ xếp những lá thư ấy theo tháng ngày nhận, sau khi đã đọc biết bao lần, sau khi đã lau thẳng chúng bằng những giọt nước mắt đầy vơi nhớ thương.
Trong ba đứa con còn lại của Mẹ, cô gái út là một kỳ tích. Em thông minh hơn người là chuyện thường, em còn xuất sắc hơn vạn vạn người bản xứ. Em học lẹ, hiểu nhanh và óc sáng tạo của em thì vượt bực. Lúc mới sang tôi học trên em, khó khăn vất vả mãi mới học xong cử nhân, trong khi đó em đốt thời gian, số tín chỉ (credit) em học nhiều gấp hai gấp ba tôi, vì thế khi tôi vừa xong cử nhân em đã nghiễm nhiên xong bằng cao học. Em được một đại học danh tiếng cấp toàn học bổng.
Với một dáng dấp nhỏ bé chân lại có tì vết, nhưng em chẳng nề hà. Tôi nhớ lại lúc xưa khi người anh rể chồng chị Ba đã có lần nhìn em với cặp mắt phân nửa và buông một lời khá độc:
“Cô này thì chỉ suốt đời ăn bám bố mẹ”.
Tôi không biết em có nghe lời nói ấy không và nếu có nghe em đã nghĩ gì? Có thể nào đó là một lý do nho nhỏ thúc đẩy em trở thành một người không cần dựa vào ai mà để cho tất cả phải nương nhờ vào mình?
Tôi đôi khi tự hỏi nếu ông anh rể mà sau này cậu Út đặt tên là “anh Ba hếch”, biết được hai đứa con anh đã từng ăn bám cô của mình một thời gian dài thì anh có nỡ nói lời độc địa kia không?
Cậu Út lanh lợi chẳng thua chị Ba, em lại vui tính dễ dãi. Em lấy bạn bè làm gia đình. Em sống vì bạn, bạn nào cần gì là em sẵn sàng giúp chẳng phải vì tiền thì cũng vì tình. Tính tình em được Bố gật gù khen:
“Út của Bố là nhất, học giỏi đẹp trai và đào hoa hơn bố”.
Những lúc ấy gia đình thật đầm ấm và hạnh phúc. Mẹ cũng nguôi ngoai phần nào vì những nỗi buồn Mẹ giấu trong tim.
Đúng như lời Bố nói, em út tôi đào hoa thật. Tuổi vừa hai mươi, cậu đã mang về một cô gái tóc vàng mắt xanh, nhất định đòi cưới làm vợ. Mẹ nhìn cô con dâu tương lai mà ngẩn ngơ chẳng biết nói gì, còn cô thì lúc nào cũng chỉ nói được một câu với phát âm ngọng nghịu: “ Choà mẹ, chòa bố”
Bố mẹ tôi có cậu cháu nội đầu tiên khi cậu Út mới hơn hai mươi, cậu lý luận:
“Bố đã bảo em giống bố mà.”
Em gái tôi bao che hết mọi thứ cho cậu Út, chuyện gì cậu cũng được bà chị gật đầu không cần biết đúng sai, không cần lý do, cậu chỉ cần chu miệng hôn bà chị và nịnh một câu:
“Út gái của em là nhất trên đời, kim cương cũng thua”
Em gái tôi tên gọi Cát Uyển, nhưng bây giờ ai cũng gọi em là Cát. Em giỏi bên ngoài nhưng lại chịu thua cậu em vì tình cảm.
Mẹ lại là người ôm cậu cháu nội nhiều nhất. Cậu cháu mắt xanh da trắng nhưng bi bô mấy câu tiếng Việt do Mẹ dạy nên cả nhà đã nhờ cháu mà có bao nhiêu tiếng cười vui.
Khi cậu đích tôn và cô em út tuyên bố rời gia đình về vùng nắng ấm để bố mẹ gần chị Cả, cho Mẹ vừa có dịp gần gủi với đám cháu ngoại vừa có dịp nói tiếng Việt nhiều hơn, cả nhà chẵng ai phản đối. Khỏi nói, chị Cả tôi vui mừng đến thế nào.
Nói đến Quân, tôi thấy mình thật thiển cận, tính cậu đích tôn rất kín đáo nhưng tình cảm thì lại quá bao la. Lúc nhỏ cậu sống khép kín, lại ít nói nên tôi đã chẳng nhìn ra cái tâm dấu kín bên trong khuôn mặt lạnh lùng của cậu, khi nhìn cậu khóc bà nội tôi mới thấy được đôi phần về tình cảm diệu vợi của Quân.
Cô em Út đã làm bố mẹ hãnh diện. Tuổi đời chưa đầy ba mươi cô đã làm chủ một công ty với hàng trăm nhân viên. Cô bé người nhưng trí óc và tài năng cô chẳng bé tí nào. Cô là niềm hãnh diện không chỉ cho gia đình mà ngay cả với cộng đồng. Khi nào cần tuyên bố hay đọc diễn văn trong bất cứ ở đâu, em cũng bắt đầu bằng câu:
“Tôi là Cát, một người Việt Nam tị nạn…”
Mẹ hồi hộp mong chờ ngày chị Ba đoàn tụ.
Chuyện đi đoàn tụ của chị Ba kể ra thì không biết bao nhiêu điều, nhưng tóm tắt là Quân, cậu ấm trưởng đã phải về Việt Nam hai lần với mục đích duy nhất là thuyết phục ông anh rể! Cả nhà hồ hởi đi đón chị, Mẹ muốn thế và cho dù bận cách mấy tụi tôi cũng phải chờ ở phi trường cả mấy tiếng…
Nhìn chị Ba tôi rơi nước mắt nhưng không dám để Mẹ thấy. Chị Ba tôi đây ư? Một thiếu phụ gầy gò đen đủi, với mái tóc khô sần tay lếch thếch xách một bọc nylong, đi bên cạnh là hai đứa trẻ mà tôi đoán không lầm là con của chị.
Mẹ ôm chặt chị. Dòng nước mắt hạnh phúc hay dòng nước mắt thương cảm khi Mẹ nhìn cô gái cưng, cô con gái mà ngày cưới Mẹ đã phủ kín bằng nhung lụa, ngọc ngà… Tôi ôm hai đứa cháu mà ánh mắt ngỡ ngàng….
Mẹ vui nên sức khoẻ khả quan hơn, suốt ngày Mẹ căm cụi nấu nướng những món ăn mà Mẹ đoán chị Ba thích khi xưa, cộng thêm những gì Mẹ nghĩ để tẩm bổ cho chị; nhưng thật khổ, khác xa với sự tháo vát của Mẹ, những món ăn Mẹ nấu ít khi vừa miệng mọi người… nhưng chẳng ai nỡ nói để Mẹ khỏi buồn, Bố ăn thì ít mà khen phủ đầu thì nhiều. Bố tôi là một người rất biết nịnh vợ!
Đến đây tôi phải mở dấu ngoặc nói riêng về bố mẹ đôi chút: Nỗi buồn dấu kín trong tâm của Mẹ đã được phơi ra giấy trắng mực đen khi bà nội hấp hối. Bà đã cầm tay Mẹ xin lỗi giùm Bố vì sự hoang đàng của ông con. Mẹ nước mắt giọt ngắn giọt dài gật đầu….Vì thế sau khi chị Ba đoàn tụ đâu chừng gần một năm thì gia đình chúng tôi tiếp nhận thêm hai người em cùng cha này.
Nghĩ lại, lúc đầu không khí trong gia đình cũng có đôi chút căng thẳng, nhưng Mẹ phần vì bận rộn chăm sóc chị Ba, phần vì tính tình dễ dãi, bao dung và hiền hoà nên chẳng mấy khi có giờ để làm khó hai cô con riêng của chồng!
Ngược với thói đời, hai cô em này rất mực hiền hoà và lễ phép, ngày mới sang hai em khép nép khoanh tay cúi đầu gọi tiếng:
“Con chào Mẹ lớn”.
Chị em chúng tôi hòa đồng cũng rất nhanh, cậu út được lên chức anh, và Mẹ nghiễm nhiên có thêm hai cô con gái hết sức hiếu thảo, ngoan ngoãn.
Cả gia đình vui trong hạnh phúc đầm ấm, an lành. Những bữa cơm cuối tuần thật vui, bố mẹ đã có cháu nội ngoại.
Ngày tôi đi lấy chồng, Mẹ tháo chiếc vòng đeo trên tay đã hơn nửa đời người nhất định bắt tôi đeo. Mẹ cười nhưng nước mắt ấp đầy đôi mắt:
“Con không được từ chối, Mẹ chẳng còn gì để cho con như khi xưa đã cho chị Ba…”
Mẹ con tôi phải nhờ người đeo giúp vì vòng tay tôi to hơn Mẹ, và vết bầm tím trên tay tôi phải cả tuần mới tan…
Gia đình sống bình an, vui vẻ được hơn năm năm thì người anh rể, tức anh Ba hếch thấy cuộc sống ở đây vô bổ quá, anh nhất định đòi về Việt Nam!!!
Hình như tạo hoá luôn luôn mang đến cho con người những thử thách liên hồi! Anh muốn về Việt Nam và muốn chị tôi đi theo! Cả nhà lại bị cuốn vào một cơn lốc mới.
Chị Ba tôi! Ôi người chị đáng thương của tôi. Biết nói gì đây???
Trước ngày chị về lại quê hương, chị gặp riêng tôi, nhẹ ký vào đầu tôi với ánh mắt mông lung:
“Em cho chị gửi hai cháu, coi chúng như con, hãy nuôi chúng giùm chị”
Nước mắt chị em lại vòng quanh, tôi chỉ biết gật đầu nắm chặt bàn tay khô cằn của chị, nín lặng trong tiếng nấc đồng điệu với chị…
Chị quỳ trước mặt bố mẹ, lạy mẹ ba lạy mà nước mắt lã chã…
Hai con chị Ba ở với vợ chồng tôi. Chúng nhất định không chịu đưa tiễn bố mẹ về lại Việt Nam. Cháu gái sau này còn đòi đổi họ và tên, cháu cũng tự đặt cho mình một tên: Lấy chữ Cát (Catherine) như dì Út của chúng.
Chị Ba theo chồng về lại Việt Nam chưa được bao lâu thì tin tức do người bà con xa báo cho chúng tôi biết: Chị bỏ mặc và hững hờ với tất cả, từ gia đình đến sức khoẻ, rồi từ từ chị tịch khẩu. Suốt ngày chị chỉ ngồi yên một chỗ ánh mắt xa xăm, diệu vợi… Chúng tôi không dám nói cho Mẹ biết, nhưng rồi chuyện đã xẩy đến trong lúc chúng tôi đang cố gắng tìm một lối thoát êm ấm cho chị.
Tin chị mất làm cả nhà bàng hoàng, ngẩn ngơ! Cậu ấm Quân, bố tôi và con trai chị vội vã trở về quê. Nghe nói Quân đã không dằn được cơn đau nên đã đánh người anh rể ngã quỵ… Quân bị giam mất mấy ngày… cả một nỗi buồn lan rộng, mêng mông…
Rất may, chính nhờ vào lá thư chị viết cho gia đình gửi người em họ giữ giùm mà bố đã mang được ít tro tàn của chị về Mỹ… Lá thư chị viết gửi cho cả nhà, có phần riêng cho Mẹ, cho chị Cả và từng đứa em; Riêng tôi chị còn gửi cuốn nhật ký viết tay của chị. Thư chị và những gì chị viết trong cuốn nhật ký đã làm rúng động tâm tư tôi đến tận một cõi mịt mờ xa xăm…
Mẹ ngã quỵ khi nhìn hộp đựng nắm xương cốt của chị. Mẹ đi vào hôn mê và nửa thân người không cử động được… Màu xám buồn phiền bao trùm chúng tôi lại. Tất cả đều cố tránh không dám đá động đến vết thương còn đang rỉ máu đào…
Nhưng! Lại chính giây phút này một đóa hoa tươi đẹp, một chuyện thần tiên đã xảy ra… Em gái cùng cha đã tận tụy săn sóc Mẹ. Ngoài giờ đi học, em “út Một” suốt ngày bên Mẹ, kể cho Mẹ nghe những hạnh phúc nho nhỏ của đám con đám cháu Mẹ. Em khéo thêm thắt, em khéo vẽ một bức tranh gia đình êm ấm gợi lại cho Mẹ những kỷ niệm đẹp. Chính tay em đã cầm chiếc đủa thần tình thương gõ nhẹ từ từ vào tâm tư chìm đắm phiền muộn của Mẹ… Rồi ngày tháng qua nhanh như gió thổi…
Khi em báo cho tôi biết: Mẹ đã giơ tay vuốt mặt em và bập bẹ đôi lời. Giây phút hạnh phúc ấy ôi sao tuyệt diệu. Quân quỳ xuống bên Mẹ, ôm “út Một” trong ánh mắt nhạt nhòa hoen lệ, những giọt lệ nóng buốt tình yêu huynh đệ. Ôi! Những giọt lệ lóng lánh kim cương, màu của hạnh phúc!
Thế là đúng như lời nói đùa của bà nội ngày nào, hai em gái cùng cha đã thay thế cho chị Ba. Mẹ đã có lời, lời gấp đôi. Đám con gái của Mẹ hiện nay đúng là ngũ long công chúa!
Ngày lễ Tạ Ơn Mẹ, Đàn con đã được Mẹ tặng một món quà bất ngờ: Mẹ tự vịn tay “út Một” đi những bước chầm chậm từ phòng ngủ đến phòng ăn.
Nhìn mẹ già run rẩy nhưng khuôn mặt rạng rỡ với ánh mắt bình an, chúng tôi, những đứa con của Mẹ lặng yên với niềm tin yêu và hạnh phúc lan rộng trong tim… Mẹ chúng tôi, một người đàn bà giản dị nhưng có tấm lòng bao dung và thương yêu đã dậy cho đàn con thấm nhập được đâu là tình thương, đâu là hạnh phúc đích thực. Tình mẫu tử đã cuộn tròn anh chị em chúng tôi lại trong một hạnh phúc ngọt ngào, vô giá.
Tình Mẹ quả thật bao la như biển Thái Bình.