Chiếc xe đò chạy qua ổ gà làm mọi người ngồi trên xe nẩy lên, Quân nhao người về phía trước, theo phản xạ anh quơ tay chụp vào thành ghế, đưa mắt ngó giáo dác. Xe bắt đầu leo đèo Bảo Lộc. Ông già ngồi cạnh Quân lắc đầu ngao ngán. Chiếc xe tiếp tục lao đi, mọi người trên xe lại ngả người vào thành ghế ngủ tiếp. Quân cũng nhắm mắt lại để tìm giấc ngủ vật vờ dở dang, nhưng không tài nào chợp mắt được. Anh bồn chồn nghĩ về nơi mình sắp tới, quá khứ hiện về…
Cách đây khoảng sáu năm, trong ngày họp mặt bạn bè cũ của trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc ở Saigon, sau nhiều lần thất hẹn, dịp này anh cố sắp xếp công việc để đến với bạn bè. Nhất là Quân được biết có một số anh em ở Bảo Lộc cũng xuống trong ngày họp mặt này nữa. Gặp mặt bạn bè cũng là niềm vui của Quân, nhưng anh còn một việc riêng khác nên rất muốn có mặt trong ngày này.
Mặc dù còn cả nửa tiếng nữa mới đến giờ khai mạc mà mọi người đã đến khá đông ngồi ở khoảnh sân vườn uống cà phê. Một chút ngỡ ngàng lúng túng, Quân đưa mắt nhìn quanh quất. Có bóng người đứng lên ở phía góc quán vẫy gọi:
- Ê! Hoàng!…
Chưa nhận ra ai, Quân theo Hoàng tiến về phía nhóm bạn. Như phát hiện ra đối tượng, Hoàng đưa tay phát mạnh vào vai Quân:
- À…bọn thằng Thắng lớp mình ở Bảo Lộc xuống, nó chưa nhận ra ông.
Sau vài câu đoán đố…bạn bè nhận ra nhau, thăm hỏi tíu tít, cứ như hồi còn học lớp đệ tứ, đệ tam. Quân được Thắng khen:
- Ông đúng là gã nông dân chính cống… Có vẻ khỏe à nghen…
Cuộc đời có ai đoán định được cho mình. Đang theo học trong trường NLS Bảo Lộc, năm 1972 theo lệnh tổng động viên, lớp tuổi của Quân vào Sĩ quan Thủ Đức… ra trường, Quân nhận sự vụ lệnh xuống tận Cà Mau. Dự vài trận, trên ve áo đơm một bông mai. Loanh quanh sao đó quen và yêu một em nữ sinh ở vùng này. Sau 1975 Quân đi học tập cải tạo tại đây, em nữ sinh là người “chị nuôi” hàng tháng ghé thăm và tiếp tế cho Quân. Và đây cũng là người giúp Quân đi tìm Cha Mẹ và hai đứa em ở Pleiku khi Quân còn trong trại cải tạo. Theo địa chỉ Quân ghi, cô bạn gái tìm về được nơi xóm nhà Quân ở. Được người hàng xóm cho biết: những ngày giữa tháng 3 năm 1975, gia đình Quân chạy loạn theo dòng người về Chư Sê, và rẽ vào đường số 7 - nay là đường 25 – dẫn qua Phú Bổn – chiến sự ác liệt đã diễn ra tại đây – người hàng xóm nói từ đó đến sau này không thấy gia đình Quân trở về nơi sống cũ, có lẽ họ đã chết. Mãi đến bây giờ cũng không có ai liên lạc với Quân, anh nghĩ: người hàng xóm đã nói đúng. Việc này cũng làm Quân buồn chán, thất vọng. Nên khi ra trại, phần vì tình yêu đối với người con gái đã hy sinh cho mình, phần vì bỗng chốc trở thành mồ côi, cô độc không chốn nương thân. Quân lấy Nguyệt - cô nữ sinh ngày nào – hai vợ chồng được bố mẹ vợ chu cấp cho đôi chút để đi kiếm đất hoang phá vỡ… kiếm kế sinh nhai.
Một lần có việc phải lên Saigon mua sắm nông cụ, Quân ghé nhà Hoàng. Sau một đêm chén thù chén tạc, anh em nối liên lạc lại với nhau. Viết thư gửi cho Quân, thư đi rất chậm, nhiều khi thất lạc. Chắc ăn là gọi qua điện thoại, nhưng điện thoại gọi cho Quân phải nhờ qua hàng xóm, mà phải gọi làm hai lần: lần thứ nhất báo tin có người cần gặp, khoảng 15 phút sau gọi tiếp là Quân mới có mặt để nghe… Nhưng cũng nhờ chiếc điện thoại đó mà Quân biết có buổi họp mặt này.
Tiếng hát hò, tiếng thăm hỏi, tiếng vỗ tay, chen lẫn tiếng hô “dô dô”… tạo một thứ âm thanh hỗn tạp. Nếu bình thường chắc Quân không dễ gì chấp nhận, nhưng trong cái không gian này Quân thấy thương lắm, yêu lắm, đôi lúc anh phải cúi mặt giấu những giọt nước mắt cứ tràn ra.
Quân khều Thắng ra phía ngoài sân, ngồi trên chiếc ghế đá nhìn ra mấy cội mai còn sót lại, những cánh hoa của những ngày xuân vừa qua:
- Ở Bảo Lộc ông có nhớ nhà bác Bảy ở gần cổng trường, ngày xưa tui ở trọ học không?
- Nhớ chớ, nhà có cô con gái xinh xinh học ở trường Lê Lợi chớ gì?...
Quân mừng rỡ:
- Đúng rồi! Sao bác ấy khỏe không? Cô gái ấy ra sao rồi?... Gia đình bác Bảy bây giờ làm gì?...
Thắng đưa tay ra hiệu ngăn Quân lại:
- Ông hỏi thế làm sao tui trả lời được…tôi lu bu cũng không để ý…Hình như sau này bác ấy bán nhà rồi vào trong khu 6, làm ăn trong đó.
- Khu 6 là ở chỗ nào…
- Ông nhớ cái sân bay phía sau bệnh viện Bảo Lộc không…ở khu đó…
- Tôi nhờ ông việc này, về dành thời gian tìm nhà bác Bảy, cho tôi gởi lời hỏi thăm. Có gì điện thoại cho tôi biết nhé?
- Hồi xưa ông yêu con gái bác Bảy hả?
Quân lắc đầu:
- Yêu thương gì đâu, hồi đó còn nhỏ nhít mà… có điều hai năm trọ học ở đó có nhiều kỷ niệm. Thúy sống rất tốt với tôi…
- Tên Thúy à…thế đấy… khi về lại Bảo Lộc tôi sẽ tìm hỏi thăm rồi báo cho ông ngay…
Giữ lời hứa, vài ba tuần sau, Thắng điện thoại cho Quân:
- Đúng là gia đình bác Bảy mua đất dựng nhà ở khu 6. Tôi đến nhà không gặp Thúy. Tôi kể chuyện gặp ông, bác ấy chỉ hỏi thăm qua quýt và nói qua chuyện khác… bác ấy có vẻ hơi lẫn thẫn… Hỏi thăm về Thúy, bác Bảy trả lời qua loa…Thúy vẫn sống độc thân, cũng vẫn ở với mẹ… Thấy có vẻ bác ấy không muốn tiếp chuyện với mình nên tui chào bác ra về…
À này… nghe hàng xóm nói: có một điều lạ là cô Thúy bạn ông rất ít khi ra khỏi nhà… và chẳng trò chuyện với ai trong xóm bao giờ…
Những lời của Thắng nói qua điện thoại, Quân ráng căng tai để nghe từng câu. Anh buồn bã gác điện thoại quên cả trả tiền, lững thững bước ra khỏi cửa. Thằng cu cháu nội ông chủ nói với theo:
- Ông Quân ơi… tiền điện thoại…
Sau ngày nhận được tin đó, Quân buồn lắm. Thấy dáng bần thần của Quân, Nguyệt hỏi, Quân cứ lắc đầu nói không có gì… Nhưng nghe vợ hỏi riết Quân cũng ngồi thủ thỉ:
- Tui mới được tin bác Bảy ở Bảo Lộc, nơi ngày xưa bác cho tui ở trọ học…
Vợ Quân nhanh nhảu:
- Bác Bảy sống với một cô con gái tên Thúy - học sau anh một năm ở một trường khác. Bác Bảy trai mất khi Thúy còn nhỏ. Bác sống bằng nghề mua trà tươi về chế biến ra trà khô bỏ mối cho một vài cửa hiệu ở Bảo Lộc. Bác dành cho anh một căn phòng nhỏ trên căn gác gỗ… đúng không?
Nghe Nguyệt nói một lèo, Quân ngượng nghịu, vì chuyện này đôi lần đã kể cho Nguyệt nghe:
- Ừa… Nhớ hồi đó, tui trọ và ăn cơm tháng ở đó, bác Bảy rất thương tui, nhà ăn gì là tui được ăn đó… Những khi tui đau ốm, bác Bảy bắt Thúy đạp xe ra chỗ ông thầy Cường ngoài chợ cũ mua thuốc…Ồ mà tui kể… em biết gì mấy chuyện đó mà nghe chi cho mệt…
Nguyệt - lo lắng hỏi:
- Rồi bây giờ anh nghe bạn nói Bác ấy và Thúy sống ra sao?
Quân thẩn thờ:
- Anh linh cảm có nhiều điều không hay…
Nguyệt ân cần:
- Anh sắp xếp công việc, lúc nào lên đó ghé thăm bác xem sao, dù sao mình cũng còn mang ơn bác và chị Thúy mà…
Quân nhìn vợ đầy thương mến. Sau ngày ấy, thỉnh thoảng vợ vẫn nhắc Quân lên Bảo Lộc để thăm bác Bảy…công việc đồng áng cứ níu chân Quân… Rồi hai đứa nhỏ, đứa đầu mới vào cấp hai, hai vợ chồng hàng ngày thay nhau chèo chiếc xuồng ba lá đưa con ra đầu xóm để từ đó nó quá giang xe đạp cùng các bạn đến trường.
Vụ lúa vừa rồi được giá, gia đình Quân có dư chút đỉnh. Đứa con thứ hai giờ cũng lên học cấp hai, thằng anh cũng tự chèo xuồng chở em đi học. Quân quyết tâm đón xe đò lên Bảo Lộc.
- Nè ông ơi… tới trường Nông nghiệp rồi nè…
Quân giật mình, nhìn ra cửa xe… khung cảnh lạ hoắc. Anh kéo chiếc ba lô bỏ dưới gầm xe và bước xuống. Một cơn gió thổi nhẹ làm Quân thấy dễ chịu. Anh nhìn về phía cổng trường xưa, một chút định thần hồi tưởng, dần dần nét xưa thấp thoáng hiện về trong anh. Những hình ảnh nhập nhòa, vỡ vụn, cứ chắp nối lại trong phút chốc lại tan ra, trôi biến vào một quãng xa xăm nào đó. Gần bốn mươi năm rồi chứ ít ỏi gì đâu. Đời sống vất vả làm đầu óc con người cứ mụ đi. Quân tính ghé vào thăm trường, nhưng nhìn thấy cái barie chặn ngang cổng nên ái ngại lại thôi. Để gặp Thắng nhờ hắn đưa đi thăm cũng chẳng muộn.
Quân nhìn qua dãy nhà bên kia đường, nơi đâu đó ngày xưa có căn nhà bác Bảy với cây Trứng Cá trồng trước sân và dưới gốc cây đó có chiếc ghế xích đu màu trắng. Nhưng thất vọng, những dãy nhà xây hai ba tầng nằm liền kề đã thay thế cho những căn gác gỗ. Quân ghé quán nước mía mé cổng trường, kéo ghế ngồi nhìn sang phía bên kia đường, cố tìm một chút gì còn sót lại của căn nhà xưa cũ, nơi đã hai năm cưu mang mình ăn học. Nơi đó có một người đàn bà có thể gọi là mẹ với nếp sống thật chan hòa, tốt bụng. Có Thúy với ánh mắt to đen, dáng người nhanh nhẹn. Nơi đó có dáng em mỗi sáng đi học khoác chiếc áo len màu tím hoa cà. Nơi đó, vào năm thứ hai ở trọ, có nhiều lần vào mỗi đêm khi Quân học thi, Thúy thường đặt ở đầu cầu thang lên gác: khi thì một lon đậu phụng rang, khi thì cái bánh bao nóng hổi và lúc nào cũng kèm một ly cà phê đen còn bốc khói. Quân đón nhận những hạnh phúc đó với một chút xao xuyến trong lòng.
Năm 1972 – Mùa hè đỏ lửa – Tuổi của Quân phải từ giã học đường vào quân ngũ. Quân báo cho Thúy biết điều này, Thúy đã đứng khóc ngon lành dưới cây Trứng Cá. Quân bối rối chẳng biết phải làm sao đành leo lên gác ngồi hút thuốc. Chuyện gì đến cũng phải đến, sau khi quay về Pleiku chào bố mẹ, Quân ghé lại nhà bác Bảy trước khi vào quân trường. Anh mang theo một chiếc vòng bằng đồng của người Thượng ở Pleiku để tặng Thúy. Anh cẩn thận khắc hai chữ nhỏ xíu trên thân chiếc vòng đó: “Nhớ Thúy” (Điều này Quân chưa hề kể với vợ).
Buổi tối chia tay, Quân và Thúy ngồi ở chiếc xích đu kê đưới tàn cây Trứng Cá trước sân. Ánh trăng non thượng tuần không đủ nhìn rõ mặt nhau. Quân thu hết cam đảm quay sang Thúy và cầm tay em lên, vội vàng đeo chiếc vòng vào cổ tay người bạn gái, bàn tay Thúy mềm và ấm. Quân chẳng nói được lời nào trong buổi chia tay ấy, còn Thúy thì chỉ biết sụt sùi với những giọt nước mắt long lanh. Hai người cứ ngồi bên nhau như thế đến khi trời hửng sáng, khi chiếc xe đò ghé ngang nhà bóp còi, đón Quân về Saigon.
Vào quân ngũ, thỉnh thoảng có những lá thư đi về giữa Quân và Thúy. Chiến sự ngày càng gia tăng, ngày trở về của Quân xa vời. Mặc dù chưa hứa hẹn điều gì với nhau, nhưng không muốn người bạn gái hiền hậu của mình phải nuôi niềm hy vọng mong manh. Ra trường, Quân nhận công tác tận Cà Mâu xa xôi. Thư từ thưa dần và mất hẳn. Quân mong Thúy có người bạn trai ở đâu đó gần gũi và giúp tâm hồn Thúy bình an hơn…
Ly nước mía Quân chưa uống miếng nào, giờ đã tan hết đá, màu nước nhạt nhách. Móc tiền ra trả dưới con mắt ngạc nhiên của bà chủ, bà liếc nhìn Quân tò mò dò hỏi. Quân khoác ba lô bước đi vẫn nghe tiếng của bà bán nước mía lẩm bẩm, dù rất nhỏ: “Người ở đâu mà lạ…”.
Quân ghé một điểm điện thoại công cộng để gọi cho Thắng. Ít phút sau Thắng rà chiếc xe Honda hai bánh vào mép đường:
- Lên khi nào mà lang thang ở đây?
- Cũng cả tiếng rồi… nhìn cảnh cũ mà buồn quá…
Hiểu bạn, Thắng chẳng hỏi thêm gì, kêu Quân ngồi lên xe chở vào khu 6.
Quân hỏi:
- Lâu nay ông có ghé nhà bác Bảy không?
- Chỉ có mỗi lần đó thôi… lu bu công việc chẳng có dịp ghé… cũng mấy năm rồi không biết giờ bác Bảy và Thúy sống ra sao…
Xe chạy qua một ngã tư có đèn xanh, đèn đỏ. Rẽ trái, chiếc xe tăng ga lao vùn vụt, Quân chẳng nhận ra phương hướng. Khu nhà dân thưa dần, Thắng bẻ cua chạy vào một con ngõ hai bên trồng những cây dâu và dừng trước căn nhà gỗ đơn sơ bên cây Trứng Cá tán xòe che mát một góc sân, và chiếc ghế xích đu ngày xưa vẫn được kê dưới gốc cây quen thuộc ấy. Có điều chiếc xích đu nay đã ngả màu vàng ố, nhiều chỗ rỉ sét, gẫy sụp. Khu nhà vắng hoe, Thắng dẫn Quân đi vòng ra phía sau nhà.
- Nè hai chú ơi, hai chú tìm bà Bảy hả?
Thắng và Quân ngó giáo dác, chợt thấy bên hàng rào có cô bé chừng 16, 17 tuổi.
- Ờ…hai chú ghé thăm bác Bảy…
Cô bé chui qua hàng rào, vẻ rành rọt:
- Bà Bảy bệnh yếu lắm rồi… bà nằm trong nhà ấy. Hàng ngày cháu qua nấu cháo và chăm sóc bà, tối đến mẹ cháu qua ngủ với bà…
- Vậy cô Thúy con bác Bảy đâu mà không chăm sóc?
Cô bé trố mắt ngạc nhiên:
- Trời ơi hai cái chú này hỏi chi lạ… cô Thúy mất cả ba năm nay rồi giờ còn hỏi… Bộ hai chú ở nơi xa về hả?...mà có bà con gì với bà Bảy không?
Thắng quay nhìn Quân, Quân trợn mắt ngỡ ngàng rồi cúi đầu lặng lẽ nén tiếng thở dài.
- Làm sao mà ra hoàn cảnh thảm thương này…
Như để giải đáp những thắc mắc của hai người khách, cô bé kể:
- Cháu nghe má cháu nói hồi trước nhà bà Bảy ở ngoài thị trấn, làm ăm cũng được lắm. Rồi bỗng dưng cô Thúy sau một cơn sốt, tay chân cứ bị teo lại sao đó, bà Bảy tốn rất nhiều tiền để lo thuốc thang cho cô. Thế mà căn bệnh ngày càng nặng thêm. Bà Bảy phải bán căn nhà ngoài thị trấn để lấy tiền chữa trị cho cô Thúy. Bà và cô Thúy dọn vô đây ở, khí đó cháu còn bé xíu… Cô ấy chẳng bao giờ ra khỏi nhà… sau này cô ấy suốt ngày phải ngồi trên chiếc xe lăn.
Quân ngỏ ý muốn vào thăm bà Bảy, cô bé cho biết có vào thăm thì thăm chứ bà Bảy không biết gì đâu. Năm nay bà cũng trên 70 tuổi rồi. Ngày Thúy còn sống bà Bảy và Thúy đã ký giấy tặng đất và nhà cho khu phố, để sau này dùng làm nơi sinh hoạt cho những người neo đơn.
Cô bé đẩy cánh cửa, ánh sáng ùa vào căn nhà. Căn nhà gọn gàng sạch sẽ, hàng ngày chắc có bàn tay cô bé hàng xóm tốt bụng chăm sóc. Góc nhà là chiếc gường với cửa màn được vén lên. Quân nhìn bà cụ già tiều tụy, lạ lẫm, anh không nhìn ra được một dáng vẻ quen thuộc ngày nào của bác Bảy. Nước mắt Quân tràn ra, anh bước tới rồi quỳ bên bà Bảy, anh cầm tay bà, bàn tay gầy guộc vô cảm.
Cô bé để mặc hai người khách ở bên giường với người bệnh, cô lại bên bàn thờ thắp cây nhang. Quân chợt quay lại, anh vội đứng lên bước lại trước bàn thờ. Tấm ảnh trắng đen lốm đốm những vết mốc loang lổ, nhưng Quân vẫn nhận ra Thúy với ánh mắt to đen đang nhìn anh. Quân hơi cúi cuối tránh né ánh mắt ấy, anh chợt giật mình khi thấy đặt bên cạnh tấm ảnh một chiếc vòng bằng đồng đã nổi những vết mốc xanh. Quân đưa tay cầm chiếc vòng lên, hai chữ: “Nhớ Thúy” vẫn còn in rõ nhưng bên cạnh đó còn có thêm ba chữ khắc nối tiếp: “… không Quân ơi?”.
Nguyễn Thành Trung