Tôi không nhớ rõ lần đầu Hậu gọi cho tôi là mấy giờ, nhưng chỉ nhớ vào một buổi chiều mùa thu, nắng còn rất vàng. Nghe chuông điện thoại reo, nhưng tôi không kip nhấc máy vì đang dở tay, chuông lại reo, lần này tôi không trả lời và chờ xem ai gọi và xem có để lời nhắn không? nhưng khi chuông reo lần thứ ba, tôi đành miễn cưõng nhấc máy.
“Hello, xin cho nói chuyện với cô Khanh”, giọng một người đàn ông bên kia máy
“Dạ, tôi Khanh đây".
”Cô Khanh hả? Biết ai đây không?”
Tôi chau mày, “Dạ, tôi xin lỗi, nhưng thú thực nghe tiếng thấy hơi lạ, nên tôi không nhận ra ông là ai?"
”Đúng rồi, làm sao cô nhận ra được, đã hơn bốn mươi năm rồi còn gì”.Tôi lúng túng, chưa biết nói gì, thì giọng người đàn ông có vẻ vội vàng hơn:
”Xin lỗi cô Khanh nha, đã làm cô phải suy nghĩ, tôi, Hậu đây, có còn nhớ Hậu hàng xóm hồi còn bé không? đúng ra tôi không nên để cô phải suy nghĩ, nên xưng tên trước mới phải phép
”“Dạ, không sao,”
“Cô còn đang suy nghĩ xem Hậu là ai phải không?"
Tôi cười: “Sao Ông đoán đúng thế? Thú thực với ông tôi đang cho đầu óc làm việc, nhưng vì hơi lớn tuổi nên óc suy nghĩ hơi chậm một chút.
”Tiếng cười bên đầu máy nghe rất nhẹ nhàng:
“Cô Khanh không cần để đầu óc làm việc đâu, tôi xin nói thêm, Hậu ở nhờ nhà bác Thi, bên cạnh nhà cô hồi còn ở Gia Định đó, trong con hẻm nhỏ, đầu hẻm là nhà bác Sáu gìa, người Nam, có cô con gái tên Lành, ca vọng cổ rất mùi và cũng rất đẹp đó, cô nhớ ra chưa?”
“A! tôi nhớ rồi, Hậu là cháu bác Thi, ở Bình Tuy, xuống để đi học “
“Đúng! xin cảm ơn cô đã nhớ ra”
“Dạ”
“Sao cô dạ liên hồi vậy? ngày xưa cô có bao giờ dạ đâu” tiếng cười nhã nhặn của Hậu lại vang lên, Tôi thấy hơi hơi khó chịu nên giữ im lặng.
Hình như Hậu biết ý, nên vội nói: “Thôi thế là mình nhận ra nhau rồi, tôi rất vui vì cô Khanh đã nhớ ra người hàng xóm bất đắc dĩ này”, tiếng nói nhẹ và mang âm hưởng của một nụ cười trên môi,
“À! mà cô đừng gọi tôi là Ông nữa, cứ gọi Hậu như ngày xưa đi, để cho dễ nói chuyện”
Tôi cười nhẹ,
Hậu vội nói:” Xưng hô chỉ là cách để nói chuyện cho dễ thôi, cô đừng ngại nha!”
“Dạ” Hậu lại cười, tiếng cười rất nhẹ,
Tôi hơi bực mình, nên nói với:
“Hậu điện thoại bất ngờ quá, vả lại tôi hay dùng chữ Dạ để trả lời, không ngoan đâu, không vì Hậu mà tôi dạ đâu”
Lại giọng cười nhẹ nhàng, có vẻ thoải mái hơn:
“À! bây giờ thì là đúng giọng cô Khanh rồi, nói ngay, nói thẳng, cô vẫn thế”
“Cám ơn Hậu, À! mà Hậu gọi tôi từ đâu thế? “.
Cuộc điện đàm kéo dài gần nửa tiếng, toàn những chuyện vu vơ, khách sáo, hỏi thăm tin tức của lẫn nhau, tôi chỉ ngưng khi ngửi mùi cháy khét của món cá chiên. Buổi tối hôm đó tôi nằm suy nghĩ vẩn vơ về người bạn trai thuở thiếu thời. Tôi nhớ lần đầu gặp Hậu khi sang nhà bác Thi chơi với Châu, cô bạn hàng xóm, cùng tuổi, cùng lớp, đang cười nói vui vẻ với Châu, tôi bất gặp một ánh mắt nhìn của một cậu bé vừa đen vừa gầy, tôi quay ra chưa kip hỏi thì Châu đã liên thoáng nói:
“A! đó là Hậu, em họ tao, mới ở quê lên, sẽ ở nhà tao để đi học”.
Những ngày sau đó, thỉnh thoảng tôi có gặp Hậu, bao giờ Hậu cũng gật đầu chào tôi, còn tôi thì lúc nào cũng lờ đi, coi như không thấy cậu bé nhà quê, vừa đen vừa gầy đó, bởi tôi nghĩ, nó là em bạn mình, tức nó là em mình rồi, không cần phải để ý hay chào lại, và với cái tuổi còn đếm trên đầu ngón tay, hình như con gái rất ghét con trai, nên sự hiện hữu của Hậu hình như không có, cho đến một hôm!
Phải, đến một hôm, mẹ tôi bị cảm không đi bán hàng được, bà sai tôi vào bếp đun nước nấu bình trà, tôi loay hoay với than củi, với những tàn giấy đã nhóm, mà mãi sao than không bắt lửa, khói um lên, bay vào phòng mẹ tôi đang nằm, tiếng bà ho sù sụ làm tôi phát hoảng, bà gọi tôi và bảo sang nhờ chị vú nhà bác Thi giúp, tôi vội vàng chạy sang ngay, người mở cửa là Hậu, Hậu nhìn tôi hơi sửng sốt, Hậu hỏi sao mặt mày tôi dính nhọ than tùm lum thế, tôi đang bực mình, và lo lắng nên gắt nhẹ với Hậu, và hỏi chị vú đâu, Hậu cho biết chị vú không có nhà, rồi có lẽ nhìn mặt tôi lúc đó hốt hoảng và tôi đã bắt đầu rưng rưng nước mắt, nên Hậu hỏi có giúp gì tôi được không? Tôi hỏi Hậu có biết nhóm than nấu nước không?
“Chuyện dễ như ăn xôi!”
Hậu trả lời, tôi mừng quá nên quên ghét cậu em họ nhà quê. Bình trà và cả nồi cháo hôm đó đã làm tôi bớt ác cảm với Hậu. Những ngày sau đó Hậu hay sang giúp tôi vài việc trong bếp, tôi dễ dãi hơn, vì nhớ những lời khen của mẹ, “con gái mẹ đã bắt đầu biết vô bếp…”.
Hậu từ từ chiếm cảm tình của tôi bằng những câu chuyện nhà quê, những chỉ dẫn nho nhỏ, rồi sau đó còn chỉ cho tôi thêm về những bài toán đố trong lớp, ánh mắt nhìn Hậu mỗi ngày mỗi gần gũi hơn, Hậu kể cho tôi nghe về chuyện gia đình, Hậu hơn tôi một tuổi, tôi cảm thấy Hậu không còn là một cậu bé nhà quê, Hậu chững chạc hơn, tôi bắt đầu tin tưởng và có đôi phần thán phục, vì những gì tôi hỏi, Hậu đều có câu trả lời rất chính xác.
Tôi không nhớ đến một lúc nào tôi hay sang nhà bác Thi không phải để tìm Châu, cô bạn gái, mà để tìm Hậu, không hỏi bài vở, thì hỏi những chuyện trời trăng, Hậu cho tôi mượn và hướng dẫn tôi đọc những chuyện như Chim Hót Trong Lồng, và một số chuyện ngắn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như: Đôi Bạn, Anh Phải Sống, Dọc Đường Gió Bụi… ngoài ra, chính Hậu là người đã kể và làm tôi say mê những nhân vật anh hùng trong các chuyện kiếm hiệp, Hậu cho tôi mượn những chuyện như Thủy Hử, Tam Quốc Chí Diễn Nghiã ,… và tôi đã mê đọc những chuyên kiếm hiệp với những anh hùng hảo hớn này.
Năm tôi lên đệ ngũ, thì Hậu đã đậu xong trung hoc, ngày Hậu sang báo tin thi đậu cũng là ngày Hậu nói câu từ giã, Hậu phải về quê với gia đình một thời gian, nhưng hy vọng sẽ trở lại nhà bác Thi để học tiếp vào niên học tới.Cũng vào mùa hè năm đó Mẹ con tôi rời khỏi con hẻm nhỏ, bà mới sang được một sập vải trong khu chợ Tân Định, tôi từ giã Châu mà không dám hỏi bao giờ Hậu trở lại thì cho tôi biết, có lẽ tôi sợ Châu cười chế nhạo? Hay vì tính cả thẹn của con gái mới lớn? Thời gian đong đưa, ngày tháng rủ nhau ra đi đã làm tôi quên đi người bạn trai đầu tiên, quên cả cô bạn hàng xóm của hơn năm năm trời!
Ngày tôi gặp lại Hậu là ngày tôi về đưa đám tang bác Thi, mẹ cô bạn gái thuở nhỏ. Hậu cũng có mặt, tôi ngờ ngợ, khi gặp ánh mắt Hậu nhìn, cũng cùng một ánh mắt Hậu nhìn tôi lần đầu năm nào! Lúc đó tôi đã là một thiếu nữ, sinh viên năm thứ hai đại học, Hậu thì trong quân đội, tôi thấy xa lạ và dửng dưng, Hậu hỏi có thể đến thăm tôi những khi nghỉ phép? Tôi lơ là trả lời Hậu có thể đến, nhưng tiếp hay không lại là chuyện khác, và Hậu giữ lời Hậu đến nhà tôi mấy lần, nhưng lần nào tôi cũng có lý do để không tiếp Hậu.
Mới đó mà đã gần bốn mươi năm! quả là thời gian đi quá nhanh.Tôi loay hoay dọn dẹp nhà cửa, ngắm lại dung nhan mình trước khi Hậu đến thăm, tôi muốn gì nhi? Muốn cho Hậu có một ấn tượng tốt là tôi vẫn đài các, vẫn kiêu sa như ngày nào? để làm gì? Có trời biết! Hậu đến thăm tôi hai ngày sau cuộc điện đàm. Hậu giờ là một người đàn ông tóc đã bạc phơ, tướng đi chững chạc và mập ra gấp hai so với ngày tôi gặp lần cuối ở trong nước. Tôi hơi ngỡ ngàng, nhìn Hậu tôi không thể hình dung ra người đàn ông này là Hậu, trông Hậu có tướng một người làm ăn buôn bán gì đó.
Hậu bảo tôi không khác xưa mấy, vẫn còn giữ được nụ cười và đôi bàn tay vẫn còn thon thả! Khi nghe thế, tôi hơi ngượng, dù biết Hậu không muốn nói đến dáng dấp đã đổi thay của tôi. Ánh mắt Hậu nhìn tôi vẫn thế, nhẹ nhàng và đằm thắm, Hậu biết cách nói chuyện, biết cách đua đẩy để câu chuyện không đi đến chỗ nhàm chán, Hậu đưa tôi thoát khỏi những ngượng ngập lúc đầu, Hậu lại làm cho tôi tin tưởng!
Chúng tôi giữ liên lạc, Hậu nói:
” lần này thì không để mất địa chỉ của cô Khanh nữa,”
Hậu rất ý tứ, gây được tình cảm với gia đình tôi, nói chuyện thời cuộc với ông xã tôi như một người bạn thân lâu năm, nói chuyện thể thao với các con tôi như tuổi thanh niên. Thú thực, đôi khi tôi hay có những suy tư vu vơ, và tôi hơi cảm thấy có đôi chút bất ổn trong tình cảm, tôi sợ sự dịu dàng, nhẹ nhàng của Hậu. Một thời gian ngắn sau khi gặp lại Hậu, tôi bình thản hơn, thân thiện và không ngần ngại tâm sự với Hậu như một người bạn thân, và tôi lại từ từ nhận được những chỉ dẫn, những chuyện nên làm, những ý kiến, những khuyên răn giống như thuở nào!
Tôi yên ổn trong tình bạn này và tôi cũng thật hạnh phúc trong tình bạn Hậu dành cho tôi ! Khi tôi nói với Hậu tôi mới trải qua một cơn bệnh nan y, thản nhiên như không, Hậu bảo tôi Hậu đã biết chuyện tôi bị bệnh, và với ánh mắt đằm thắm, Hậu bảo tôi, trong suốt mấy mươi năm, Hậu lúc nào cũng biết những gì xẩy ra trong cuộc sống của tôi, từ ngày tôi đi ngoại quốc, lập gia đình và con cái thế nào, tôi hỏi sao Hậu không liên lạc tôi từ lâu! Hậu chỉ cười, vẫn nụ cười nhẹ nhàng và không tiếng như ngày nào.
Có lần Hậu hỏi tôi: bây giờ tôi muốn gì? tôi cười, bảo tôi còn muốn rất nhiều thứ, vẫn muốn nhà lầu xe hơi, kim cương và tuổi trẻ, tôi tưởng chỉ là cách nói đùa cho vui, thế nhưng sinh nhật năm đó tôi nhận được một món quà từ Hậu, một chiếc nhẫn kim cương mà tôi chỉ dám mơ khi nhìn thấy trong các tạp chí quảng cáo.
Tôi đã từ chối, nhưng Hậu nói:
“Cô Khanh không cần đeo, hãy giữ như một kỷ niệm”
vì Hậu vẫn ao ước tặng tôi một chiếc nhẫn từ ngày nào? Hậu tặng tôi rất nhiều quà quý giá, số quà cáp đã choáng ngộp tôi, tôi đã không dám nói thích gì mỗi khi Hậu hỏi nữa, tôi ngượng! để cho ông xã tôi không thấy phiền, Hậu đã chứng minh những món quà đó đối với Hậu chỉ là vật nho nhỏ, Hậu đã là một ông chủ lớn! và để tránh cho tôi những khó xử, Hậu ít đến thăm tôi như thời gian mới gặp lại, nhưng quà cáp thì thấy mặt, đều chi hơn, đến nỗi sau này mỗi khi nhận quà của Hậu, tôi không buồn gọi điện thoại cảm ơn hoặc đòi trả lại, dửng dung mà nhận, coi như chuyện bình thường, cũng đôi lần Hậu hỏi tôi nếu vô tình trở thành triệu phú, với một số tiền rất lớn, tôi sẽ làm gì? Tôi cười lớn, tính nhẩm những phần chia chác, và tôi cũng nói sẽ dành it nhất một nửa số tiền trời cho vào những công tác từ thiện, nhất là với những trẻ em nghèo khổ, cô nhi và sẽ xây trường học ở quê nhà, Hậu nhìn tôi đằm thắm hơn, nhưng cũng đã nhạo tôi:
”Cô Khanh bây giờ cũng đã biết nghĩ đến người khác? Cô Khanh đã biết yêu loài người, cô Khanh đã biết giá trị cuộc đời…”
tôi đã tỏ ra khó chịu và đáp lại:
“Dưới mắt của Hậu thì tôi luôn luôn là một người đàn bà xấu và ích kỷ phải không?”,
nhưng Hậu đã rất nghiêm chỉnh và nói với tôi:
“Hậu biết, cá tính của cô Khanh là một người rất thương người”, rồi không để cho tôi có đủ thì giờ trả lời,
Hậu nói luôn:“Đây cũng là nhờ Hậu hướng dẫn hồi còn bé đấy nha”.
Tự ái của tôi lại được ve vãn, và tôi lại vui vẻ, lại trò chuyện với Hậu những chuyện không đầu không đuôi, lại kể cho Hậu nghe những mơ ước, những dự tính cho tương lai khi về hưu. Một điều đặc biệt tôi cũng không hiểu là tại sao tôi không bao giờ tôi hỏi Hậu làm gì, vì tôi nghĩ nếu có hỏi, tôi chắc cũng chỉ nhận được một ánh mắt và một nụ cười nhẹ. Tôi bình yên trong tình cảm bạn bè có lời này, Hậu rất ít tâm sự về cá nhân và gia đình, chỉ cho tôi biết những gì Hậu muốn mà thôi, tôi biết Hậu có hai người con như tôi, cả hai đều sống và làm việc ở NewYork.
Vui miệng có một lần tôi hỏi Hậu bây giờ Hậu ao ước gì? Chắc không phải tiền bạc, danh vọng? Hậu nhìn tôi rất lâu, và trả lời:
“Chỉ muốn quay đầu trở lại những ngày xa xưa giúp cô Khanh nhóm bếp nấu nước”,
rồi Hậu cười tiếp:
“Hậu còn nhớ y nguyên khuôn mặt dính nhọ than và mái tóc rối của cô Khanh đấy nha! ”
Tôi đã nghiêm mặt ngồi yên, và Hậu đã khóc, lần đầu và cũng là lần cuối tôi thấy Hậu khóc, rồi xin lỗi tôi, vì đã lỡ nói những gì Hậu dấu kín’ trong tâm khảm bấy lâu nay. Tôi nhớ lại, Hậu chưa bao giờ tỏ tình, dù là những lời bóng gió, hoặc bằng những hành vi gián tiếp, vì thế tôi đâm ngại ngùng, tôi xin Hậu hãy giữ một tình cảm bạn bè tri kỷ, nếu thực tâm Hậu quý mến tôi, tôi giải thích cho Hậu hiểu, tình yêu có thể tan, và lại còn có thể trở thành kẻ thù cuả nhau, nhưng tình bạn tri kỷ thì muôn đời, tôi chỉ mong ước thế, Hậu đồng ý và đã hứa.
Thú thực, những ngày sau đó, đôi khi tôi đã thả hồn về quá khứ, để bắt gặp lại một tình cảm mới chớm dành cho Hậu, một tình cảm vu vơ, một tình cảm nhẹ như làn khói lam chiều, một tình cảm chưa thành thì đã tan! tôi vừa hạnh phúc vừa run sợ. Tôi ngỡ ngàng và áy náy, tại sao suốt một cuộc đời giữa tôi và Hậu, chỉ có bước bắt đầu mà không có đoạn kết, những gì sắp sửa bước tới thì lại tan biến? Tại sao nhỉ?
Nếu tôi nhớ không lầm thì lần cuối Hậu đến thăm tôi mà không báo trước như mọi lần, Tôi ngỡ ngàng, và đã trách Hậu, Hậu chỉ cười và nói:
“nếu cô Khanh không có nhà thì Hậu sẽ ra xe ngồi chờ”
“nếu tôi đi chơi xa, không có nhà cả tháng thì sao?”
“ thì Hậu sẽ ra hotel ở và chờ”
“ Làm gì mà phải phiền thế? Chỉ cần gọi điện thoại là đã tránh được bao nhiêu phiền toái cho cả hai”
“Nhưng Hậu chẳng thấy một chút nào là phiền cả”,
“Hậu lúc nào cũng gàn và bướng!”
Nói xong tôi mới nhìn Hậu, chợt thấy đâu đó có điều gì không ổn, trông Hậu xanh sao và mệt mỏi, đôi mắt sâu hơn, tôi hỏi:
“Hậu này, hình như dạo này Hậu gầy đi nhiều? có vấn đề gì không?”
Hậu im lặng, tôi nhìn vào mắt Hậu, cặp mắt thiếu đi phần linh hoạt, giọng nói hình như khó khăn hơn:
“Cám ơn cô Khanh đã để ý, Hậu không sao, chỉ là vì công việc thôi”
Tôi yên lòng hơn, nhưng cũng đã vừa cười vừa nói vớt:
“ Với tuổi đời đã ngã mầu bạc như tôi và Hậu, Hậu nên để ý đến sức khỏe, nên đi khám tổng quát, nhớ nghe lời tôi một lần nha.”
Hậu im lặng, rồi tránh sang nói những chuyện khác, đặc biệt hỏi thăm về con cái tôi, một đề tài mà tôi luôn luôn muốn tâm sự, một đề tài mà tôi luôn luôn hãnh diện khi nói tới, Hậu biết thế! Tôi náo nức kể, náo nức khoe khoang! Hậu nhìn tôi, nghe tôi nói với một nụ cười trong ánh mắt.Không hiểu sao hôm đó tôi lại nói nhiều thế, còn hứng lên mời Hậu ở lại ăn cơm với gia đình tôi,
Hậu cười:“Chờ mãi mới được cô Khanh mời, mà nếu không được mời thì Hậu cũng muốn xin ăn chực một lần nữa!”
Trong bữa cơm Hậu ăn rất ít, chỉ uống rượu, tôi thầm nghĩ: “có lẽ tại tôi nấu ăn không vừa miệng, nhưng vì tế nhị Hậu đã không nói chăng?”
Sau bữa ăn, hình như Hậu có vẻ mệt, ít nói chỉ ngồi yên, tôi lại trách Hậu:
“Hình như Hậu uống hơi nhiều nên thấy mệt phải không?”
Hậu không trả lời, chỉ mĩm cười, và mắt có vẻ muốn nhắm lại, tôi đưa cho Hậu tấm chăn đơn và nói:
“Hậu hãy nằm nghỉ, khi nào tỉnh rượu hãy về!”
“Nếu như Hậu không tỉnh rượu, và không muốn về thì sao?”
“Thì Hậu ngủ lại đây, bao giờ khoẻ, hãy về”.
Im lặng sau câu nói này của tôi, hình như Hậu có điều gì muốn nói, tôi nói với chồng tôi về ý nghĩ của mình, chồng tôi gạt đi và nói em chỉ hay suy nghĩ vớ vẩn! Hậu ở lại nhà tôi rất khuya đêm đó, tôi mệt nên đi ngủ trước, chỉ để chồng tôi ngồi tiếp chuyện với Hậu. Hôm sau chồng tôi chỉ nói: “anh thấy sức khoẻ của Hậu có vấn đề đó”
Bẳng đi một thời gian sau khi Hậu đã nói những gì mà trước kia Hậu không bao giờ nói và dù tôi có biết, nhưng vì tự ái, tự kiêu tôi cũng để thời gian xóa nhòa. Tháng ngày lại rủ nhau trốn chạy, cho đến khi tôi chợt nhận ra là những lần đến thăm của Hậu ít đi, điện thoại cũng ít gọi, tôi đâm ra nghĩ ngợi, và giận lây, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn cố ý mong, và tôi tự nhũ thầm: nếu Hậu điện thoại, thì câu nói đầu tiên của tôi sẽ là trách Hậu.
Nhưng! thời gian cứ trôi, mà điện thoại và quà cáp cũng không có, tôi lại tự nhũ thầm: “thôi, nếu Hậu có gọi điện thoại, tôi sẽ hỏi thăm ngọt ngào, và không trách”. Chồng tôi hỏi tại sao cả gần năm trời Hậu lại không liên lạc với tôi? Chồng tôi nghĩ là tại tính tôi khó chịu, hay la lối và không nể nang Hậu, hoặc đã làm điều gì khiến Hậu bất mãn? Chính tôi cũng tự hỏi như thế. Khi tôi nhận được thư mời của một văn phòng luật sư tại New York, tôi đã ngần ngại biết bao, vì tôi biết chắc có dính dáng đến Hậu, tôi từ chối không đi New York, viện ra rất nhiều lý do.
Cho đến một hôm, tôi nhận điện thoại của người con trai Hậu:
“Xin bác vì nể tình Bố cháu mà đến New York một lần, đó là yêu cầu duy nhất của gia đình chúng cháu.”
Con trai Hậu đón tôi ở phi trường, cháu ít nói và cũng có đôi mắt đằm thắm như Bố. Tôi cũng đôi phần ngại ngần, nên không hỏi thêm vì cứ ngỡ cháu sẽ đưa tôi về nhà, và tôi sẽ có dịp biết thêm về đời sống của Hậu. Nhưng tôi đã lầm! Xe đưa thẳng tôi vào bệnh viện, tôi ngỡ ngàng, và cháu chỉ nói vắn tắt:“Bố cháu chỉ muốn gặp bác một lần cuối!”
Nhìn Hậu nằm trên giừơng bệnh, người dúm lại như một đứa trẻ thơ, tôi gần muốn xỉu, Hậu đã gần như đi vào giấc ngủ triền miên, tôi đến bên giường, ngắm nhìn người bạn tri kỷ của mình! Tôi nắm lấy bàn tay gầy guộc, lạnh lẽo của Hậu, có lẽ là lần đầu và cũng là lần cuối! Ánh mắt của Hậu đã như nhìn vào một không gian vô tận nào đó…tôi chưa kịp hỏi thì cháu đã nói:
“Khi bố cháu còn tỉnh, đã bảo với cháu với bất cứ giá nào cũng phải để cho Bố được gặp Bác một lần, các bác sĩ đã tuyên bố rằng bố cháu chỉ còn sống nhờ máy móc mà thôi, bố đã “coma” hơn sáu tháng, sau khi gặp bác, gia đình sẽ quyết định rút máy móc…như lời Bố cháu dặn “.
Hình như tôi đã khóc! hình như tôi đã quỵ! hình như tôi cũng đã tan biến! …Tôi đã nắm bàn tay Hậu, hình như tay Hậu có chút di dộng? Tôi tưởng tượng chăng? Tôi thì thầm bên tai Hậu: “Thôi, vĩnh biệt Hậu, người bạn tri kỷ mà tôi quý mến nhất trên đời, Hậu hãy yên nghỉ, hãy bay về một miền hạnh phúc vĩnh cửu. Hãy lãng du như một cơn gió nhẹ bay khắp vũ trụ như lời mơ ước ngày nào nhé!” tôi nghẹn lời! Hình như có giọt nước mắt nơi khoé mắt Hậu, và hình ảnh Hậu nhòa đi vì mắt tôi đã phủ đầy bởi chính nước mắt mình! Trong suốt cuộc đời này tôi đã làm gì được cho Hậu? Ngoại trừ những giọt nước mắt luyến thương này, những giọt nước mắt mà khi Hậu còn sống đã không bao giờ nhỏ xuống!
Đám tang của Hậu thật lớn, tôi đã đi như một cái bóng bên cạnh những người thân của Hậu. Cháu xin tôi ở lại thêm vài ngày để được mở chúc thư của Hậu.Tôi thấy mình thật chới với, lạc lõng, cô độc và mất mát. Một nửa tài sản của Hậu được chuyển sang cho tôi!! Tôi có nằm mơ không? Khi tiễn tôi ra phi trường, cháu có trao cho tôi một bức thư cuả Hậu, và cháu chỉ nói gọn:“Chúng cháu kính trọng bác, chúng cháu tin là Bố cháu cũng sẽ rất hài lòng khi bác nhận bức thư này” Tôi đã để yên bức thư của Hậu trong ví tay cùng với những đau khổ, tiếc nuối, hụt hẵng, với những cơn khóc thầm, tôi không đủ can đảm để mở bức thư ra ngay sau đám tang của Hậu.
Đúng một trăm ngày sau khi Hậu mất, tôi đã bình tĩnh lại và đã đủ can đảm mở bức thư. Hậu viết:
”Vi Khanh, cô hàng xóm óng ả của tôi!
Hãy cho Hậu được một lần gọi tên Khanh mà không có chữ Cô đứng trước!
Hãy cho Hậu nhìn thấy nụ cười của Khanh mãi mãi
Hãy cho Hậu được cầm bàn tay của Khanh mãi mãi
Hãy cho Hậu nhóm dùm bếp lửa cho Khanh mãi mãi, và mãi mãi!
Hãy là người bạn đời của Hậu ở ngàn ngàn kiếp sau!”