
Nửa chừng Thu
Không hiểu tại sao đêm nay tôi lại không ngủ được, ý nghĩ cứ miên man, hết chuyện này đến chuyện khác, liên tu bất tận. Chắc chắn không phải là cuộc tranh luận cuối cùng của hai ứng cử viên Tổng Thống Mỹ 2008, vì cho tới bây giờ tôi cũng chẳng thích ông nào, để phút cuối hãy quyết định bầu ai cũng được. Chuyện công việc sở làm mỗi ngày một nhiều, vì cơ quan không tuyển dụng nhân viên mới để thay thế những người nghỉ hưu, khoảng trên 10%, vì kinh tế trong nước và cả thế giới đi xuống, tỉ lệ thất nghiệp đã tăng lên đến 7%, không còn thời gian thoải mái như lúc trước muốn làm gì thì làm: làm siêng thì thời gian qua mau, làm lười thì lại len lén viết văn, nhưng cũng chẳng đem lại niềm hứng khởi nào vì lúc nào cũng ngại xếp ngó thấy.
Chuyến đi Việt Nam lần thứ 3 này cũng không đem lại hào hứng như chuyến đầu tiên, mà chỉ làm những nghĩa vụ từ Bắc vô Nam, điều vui nhất vẫn là việc gom tụ những nhân viên hồi trước đi một chuyến du lịch Cần Giờ quan sát Đảo Khỉ cùng nhau hát karaoke thâu đêm suốt sáng. Hát karaoke mới cảm nhận là mình thực sự già, cao độ thì có thể đạt được nhưng về trường độ của nốt nhạc mình không có đủ hơi sức để theo nổi những cung bậc; qua khỏi nửa đêm đành phải rút lui về đi ngủ, bỏ lại mọi người kéo dài đến 3 giờ sáng; đa số nhân viên tuổi từ 40 đến 60 tuổi, đều đã có con cái đến tuổi trưởng thành, có đứa học Đại Học hoặc du học nước ngoài, họ đã có được cuộc sống tương đối an lành và sửa soạn cho tuổi già sắp đến. Kỳ̉ niệm ngày xưa khơi dậy làm tôi xao xuyến, có những việc hầu như đã đi vào lãng quên, 18 năm trong cuộc sống mới tại Mỹ đã làm những địa danh quê hương ngày xưa khi tôi còn đi khai thác lâm sản nhòa dần trong sương khói thời gian. Mọi người có nhắc nhở những kỷ niệm tại rừng của Công Trường Khai Thác Lâm Sản Lòng Hồ ngày xưa và chuyện anh Trương Đại Lộc vừa mới ra đi; ngày trước ngoài việc làm chung Sở Bồi Dưỡng và Bảo Vệ Lâm Phần, tôi còn mời anh Trương Đại Lộc Khóa 5 Thủy Lâm, lên Lòng Hồ Tây Ninh để cùng làm việc; bây giờ về Việt Nam tôi chỉ còn tới nhà anh đúng vào ngày thứ 49, chị Mai mắt còn ngấn lệ kể cho tôi nghe những giây phút cuối đời của anh. Anh thích đọc báo nên ngày nào trên bàn thờ chị Mai cũng để một tờ báo mới cho anh Lộc đọc, nhớ lại câu chuyện Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng viết về Mai và Lộc ngày xưa, đã làm tôi nghẹn ngào khi tôi nhìn hình ảnh bạn tôi qua hương khói nghi ngút.
Ngày Chúa Nhật đầu tháng 10 gặp lại khoảng 100 anh em Nông lâm Súc khoảng 20 khóa từ Khóa 1 đến khóa 16 và những khóa sau 75 họp hàng tháng tại số 6 đường Huyền Trân Công Chúa, một truyền thống đoàn kết còn sót lại tại Việt Nam, chúng tôi hỏi thăm tin tức và sức khoẻ của những người vắng mặt, còn những người hiện diện thì chỉ nhìn ánh mắt nụ cười là có thể đo được sức khoẻ và hạnh phúc của người đối diện.
Kiểm điểm lại khóa 3 Thủy Lâm chúng tôi chỉ có 4 người, Võ Hoàn đã biến mất khi vượt biển Đông, còn lại 3 đứa 3 phương trời cách biệt: Nguyễn Hòa ở Đức, Âu Châu, tôi ở San Jose, Bắc California, chỉ còn Hoàng Tăng Thọ ở lại Sài Gòn Việt Nam, vì anh ít sinh hoạt cộng đồng nên không hiện diện tại buổi họp mặt hàng tháng, nên tôi có đến nhà anh gần trường đua Phú Thọ, anh chị Thọ vui vẻ đón tiếp kể chuyện ngày xưa, ngày nay, chuyện con cái, rồi tự nhiên lại anh Thọ lại khen tôi là "người sung sướng nhất trên đời", tôi không phủ nhận vì những nhận xét của các ông già trên 70 tuổi như đinh đóng vào cột, biết đâu lời khen của bạn già lại có giá trị hơn tất cả bằng khen tại Việt Nam và tại Mỹ cộng lại.
Khi trở lại California, đi làm việc trở lại, đang uể oải, chán nản với thời tiết thay đổi sang mùa mưa lạnh, thì tuần này lại có 2 người bạn Nông Lâm Súc lần lượt ra đi: anh Trần Đình Tương cùng học chung Khóa 3 như tôi, nhưng anh học về khoa Canh Nông, từ hồi ra trường đến giờ rất ít khi gặp nhau. Chỉ có khoảng thời gian trước khi đi Mỹ, cùng đi chơi chung với anh Hoàng Ngọc Lân tôi có gặp anh Tương được 2 lần, nhưng lần nào anh cũng ở trạng thái nửa tỉnh nửa say, cái loại bia lên men ở Việt Nam hồi đó đã ảnh hưởng đến sức khoẻ anh trong khúc thời gian cuối của cuộc đời. Trong kỳ Đại Hội 5 Nông Lâm Súc Bảo Lộc vừa rồi tại Quận Cam, tự nhiên tôi chợt nhớ đến anh Tương tôi có nhờ anh Phùng Hữu Tần liên lạc với anh nhưng không gặp được vì anh đang đi bác sĩ; tiệm phở Nguyễn Huệ chúng tôi ăn bên này chỉ cách phòng mạch anh đang khám bệnh một con đường Bolsa đông đúc xe cộ, nhưng anh quá mệt nên hẹn lại lần sau hãy gặp. Bây giờ anh đã ra đi, không còn lần gặp sau nữa. Tuy trong đời ít khi gặp nhau, cùng khóa nhưng khác ngành nghề, tình cảm bạn bè thân thiết ít gắn bó, nhưng trong tôi vẫn còn hình ảnh nụ cười từ tốn của anh, rất tự nhiên, rất trong sáng mà suốt cuộc đời này rất khó bắt gặp.
Đang làm việc tại Sở vừa suy nghĩ về những người quen biết đã bỏ ra đi về cõi vĩnh hằng, tôi đang cố mường tượng từng nụ cười một của các anh Hoàng Ngọc Lân, Hoàng Vũ, Trương Đại Lộc và Trần Đình Tương thì điện thoại của anh Phạm Khánh Hồng báo tin cho tôi biết anh Nguyễn Mạnh Lộc Thủy lâm Khóa 5 ở Arizona vừa mới ra đi. Tôi choáng váng vì quá bất ngờ, tôi đã có dự trù kỳ Noel 2008 trốn lạnh tôi sẽ qua xứ xương rồng thăm anh. Năm vừa rồi sau kỳ Đại Hội Nông Nghiệp tại San Jose, vợ chồng Đặng Tấn Lung, vợ chồng Nguyễn Mạnh Lộc và tôi có đi chơi Lake Tahoe và Reno để chào mừng Đại Hội thành công, anh vẫn còn đầy đủ sức khoẻ lái xe đương trương trên 1000 miles; chuyến đi quá vui đầy tiếng cười át đi cả tiếng leng keng ở sòng bài. Khi trở lại San Jose anh còn đãi bạn bè trước khi về Arizona, khi trả tiền anh còn tuyên bố đây là lần đầu tiên anh trả tiền trước mặt xếp cũ của anh là anh Phạm Minh Châu.
Bây giờ tất cả mọi chuyện đang tan biến đi từng mảng vào hư vô, từng kỷ niệm từng ánh mắt và những tiếng cười dòn tan trong cuộc đời đang chìm sâu vào hương khói, mờ mờ nhân ảnh, tôi chẳng còn muốn làm gì và chẳng cần biết tôi đang làm gì nữa. Những cuộc điện thoại liên tục cho nhau của các bạn bè Nông lâm Súc trong ngày thứ bảy và chủ nhật tiếp theo chỉ khơi lại trong tôi những kỷ niệm xưa, những ngày cùng chung dưới một mái trường nông nghiệp.
Thôi còn nước còn tát, tôi phải cố gắng làm việc liên tục để quên đi những câu chuyện buồn hôm nay, cố gắng để dành tiền và ngày phép cho những chuyến đi tới như tại Denver, Colorado và nhất là tham dự Đại Hội Hoa Đào 2009 tại Washington, DC để tìm lại những nụ cười và khuôn mặt bạn bè ở tuổi 70, 80 này còn lại.
Khuê Ly
San Jose, 2 - Tháng Mười Một - 2008