Lên trang nhà dot net thấy lá thư ngỏ của ban báo chí kêu gọi thầy, cô và các anh chị gửi bài cho cuốn đặc san 2010 qua chủ đề "xưa và nay". Qua đó chợt nhớ lại chuyện làm báo ngày xưa khi còn học tại trường trung học Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
 
Nếu nhớ không lầm thì khoảng năm 1970 và 1971 lúc đó trên trường các anh chị trong Ban Đại Diện Học Viên đứng đầu là anh Trần Tấn Phước, có biệt danh là Phước nọng. Hôm mồng 6 tết vừa qua có gặp anh tại nhà anh Lê Minh Tươi, anh bạn cùng khóa CN68-71. Mấy chục năm mới gặp lại ai nấy đầu muốn bạc trắng. Thời đó ban báo chí còn có anh Đỗ Hữu Ngôn, CN68-71, cùng chị Phạm Kiều Loan, CN68-71. Hai người bạn này cũng đã bỏ bạn bè đi trước. Lúc đó ban báo chí đã đi đến từng lớp học của ba khu nhà học A - B - C để kêu gọi anh chị em góp sức vào để hoàn thành đặc san của trường.
 
Hồi đó mình có tham gia bằng một bài thơ tình và đây cũng là bài thơ đầu tiên được đưa lên mặt báo trong cuộc đời dù rằng lời thơ văn chẳng mượt mà chi cho lắm.
 
Tờ báo trường thời đó được làm bằng cách đánh máy lên stencil, rồi dùng cái máy Remington của Mỹ không có dấu và được quay tay bằng máy quay Roneo. Tổng hành dinh in ấn và phát hành báo đóng đô tại Lưu Xá D và cũng là văn phòng của Ban Đại Diện Học Viên.
 
Một kỷ niệm mà giờ đây tôi vẫn còn nhớ, đó là bài thơ của mình có ba chữ cuối thay vì là "còn chờ đợi" và vì thiếu bỏ dấu nên được đọc trẹo trở thành "con chó đói ''. Sau đó đi đâu bạn bè trong lớp cứ nói nhạo tôi: "mày làm thơ kiểu gì mà lại có con chó đói trong đó!".
    
Trước ngày tờ báo ra mắt thì có một buổi họp mặt và dùng cơm tối tại nhà Thầy Nguyễn Văn  Khuy, lúc đó thầy ở căn nhà đối diện với căn Bạch Cung nơi các thầy hiệu trưởng Nghiêm Xuân Thịnh và Nguyễn Phúc Chân cư ngụ. Trong buổi họp mặt gồm có thầy Châu Kim Lang, Giám Học, thầy Mai Bách Huyền, phụ tá Giám Học, anh Trần Tấn Phước, các anh chị trong ban báo chí và có thêm các chị Hồ Thị Kim Trâm, Hồ Thị Kim Phượng, Phạm Kiều Loan, và Hoàng Ngọc Anh, CN70-73.
        
Hôm đó các chị kêu mình hát một bài giúp vui nhưng vì khớp lại run nữa nên hát một bài do Duy Khánh sáng tác. Tôi vẫn nhớ tiếng hát của mình lúc đó sao không giống con giáp nào cả khiến một số chị nhăn mặt và mình chỉ muốn độn thổ luôn.
 
Thêm một kỷ niệm về một bài viết của Thầy Nguyễn Văn Khuy có tựa đề như sau:
"Ngộ độc khoai mì và cách chữa trị". Trong bài Thầy giảng giải phân biệt về các loại khoai mì, nguồn gốc những loại khoai mì nào ăn được và cách xử lý khi có một ca ngộ độc khoai mì. Tôi còn nhớ, đó là dùng "rễ cây rau muống tươi rửa sạch đâm nhỏ cho thêm nước và cho người ngộ độc uống để giải độc tại chỗ và sau đó mới dùng đến các biện pháp khác''.
 
Hồi đó làm thơ hay nhất có chị Phạm Kiều Loan. Khoảng thời  gian từ năm 1988 đến 2000 trong những lần đi họp bạn Nông Lâm Súc đầu năm, tôi có dịp gặp chị và được chị cho biết có gia đình và hai con. Ông xã chị là một họa sĩ, gia đình ở khu cư xá Thanh Đa và chị đi dạy tại trường Phổ Thông Cấp 1 Thanh Đa. Sau đó thì nghe tin chị mất vì bạo bệnh. Cuối năm lớp 12 Canh Nông trong cuốn "Lưu bút ngày xanh" của mình chị viết cho những dòng khuyên nhủ rất hay. Ngày xưa những khi gặp khó khăn trong đời mình thường đem ra đọc nó như là một liều thuốc an thần nhỏ giúp mình vơi bớt những nỗi buồn lo. Tiếc rằng sau bao biến loạn mình đã đánh mất nó.
 
Thấm thoát đã hơn 40 năm trôi qua, bây giờ kẻ còn người mất, lang bạt khắp nơi cùng bao đổi thay; giờ ngồi đây nhớ lại những hình ảnh vẫn còn nằm sâu đậm trong ký ức về những ngày xưa mà lòng buồn khôn tả.
 
Dương Xuân Triều
Cùng Tác Giả / Đề Tài