
Anh học trên tôi một lớp. Nhìn nét chữ và tựa bài thơ, những hình ảnh kỷ niệm xưa, xưa lắm rồi, một quá khứ thật chiều sâu. Những bài thơ của anh Phạm Công Thành, bạn bè vẫn gọi anh là Thành YORKSHIRE, anh học Mục Súc 69-72, ghi trên tờ giấy học trò. Cầm tấm giấy ghi những bài thơ ngắn của anh trong tay lòng tôi bỗng chùng xuống và một thoáng xúc động. Tôi đọc và hồi tưởng lại một kỷ niệm ngày xưa đang về với tôi.
Còn nhớ năm đó, 1971, anh Thành đưa tôi mấy bài thơ này và nhờ tôi chuyển cho anh Hoàng Ngọc Châu, một nhà thơ trẻ của những năm tháng thời đó, đọc và cho biết ý kiến vì anh biết tôi quen thân với anh Ngọc Châu. Tôi chỉ còn nhớ, sau khi anh Châu đọc xong có đưa lại cho tôi và nhờ chuyển lại cho anh Thành. Mãi ham chơi và tôi cũng quên lững đi không nhớ phải gửi lại những bài thơ cho anh Thành. Đến hai năm sau, một lần tình cờ chúng tôi gặp nhau ở Thủ Đức và cũng không nghe anh nhắc lại chuyện lá thơ. Thời gian trôi đi như cuộc đời vẫn đang trôi … mọi thứ đi vào quên lãng.
Hôm nay duyên tình cờ tìm và đọc lại những dòng thơ của anh. Ngồi đọc mà lòng nặng một nỗi buồn. Tác giả của bài thơ không còn nữa, kỷ vật vẫn còn đây. Anh Phạm Công Thành không còn ở và gặp bạn bè nữa, những người bạn của một thời niên thiếu với anh, họ đã cùng anh vui buồn với bao kỷ niệm. Mới đây tôi có gặp anh Nguyễn văn Định, CN69-72, nghe anh kể tin anh Thành đã mất ở Kontum vào khoảng năm 1975. Rồi gần đây trong cuộc nói chuyện với anh Nguyễn Toàn, MS69-72, em của Cô Nguyễn thị Thành, dậy Anh Văn, thì được tin chính xác hơn. Anh Thành đã mất vào năm 2000 tại Đà Lạt, nơi quê anh. Anh không còn nữa! Giờ đây cầm những bài thơ của anh Thành trong tay, nghĩ mình thật có lỗi, chả biết lúc sinh thời có lúc nào anh chợt nghĩ về một kỷ niệm, những bài thơ này chăng!
Hôm nay ngồi viết những dòng chữ này như một lời tạ lỗi và thân kính gửi đến hương hồn anh và mong một ngày nào đó đến mộ anh để thắp nén nhang cho bạn để cởi lòng mình với bạn xưa.
Cũng xin được ghi lại ba bài thơ ngắn của anh Phạm Công Thành thân gửi đến bạn bè Nông Lâm Súc
Ngây Thơ
Em về bỏ lại vườn không
Trong anh trời đất tơ hồng bay bay
Cuộc đời còn chút thơ ngây
Anh nghiêng bóng đổ cho đầy lòng em
Em về tuổi đã chợt mềm
Niềm đau anh chết trên triền hư không
Nay em đi thẵm giếng hồng
Một trời thương hận anh đong thật đầy.
Đã già chưa em!
Ngày qua tháng lại chóng chầy
Tóc còn xanh sợi, râu mày lưa thưa
Bởi em tình mãi đẩy đưa
Nên nay lá tuổi rụng thừa vườn anh
Ngây Ngô
Em biết gì chăng, hỡi nguyệt vàng
Một vầng trăng sáng, hận mênh mang
Mai kia trái đất tan thành rượu
Chưa đủ tiêu sầu một kiếp hoang
Thành Yorshire, MS69-72, năm 1971
Khi con người lớn tuổi thì thường hay trở về tiềm thức để kiếm lại những hình ảnh xưa, những kỷ niệm vui buồn, nhất là những kỷ niệm của tuổi đầu đời. Trưa hôm qua chợt nghe lại bản “Chủ Nhật Buồn” từ một máy phát thanh bên nhà hàng xóm. Một bản nhạc có lẽ đã đậm ghi trong lòng của nhiều người, nhất là những người bạn của tôi của gần 40 năm xa xưa đó. Lời của bản nhạc khiến tôi chợt nhớ về một đêm văn nghệ tổ chức trên Đại Thính Đường ... một kỷ niệm đã trở về trong tôi...
Tôi đang đứng ở bên ngoài thính đường bất chợt ... một giọng nữ cao và réo rắc như đang đẩy mình vào một thế giới nào đó với những buồn đau nức nở, một trách móc giận hờn chợt đến. Từ khúc dạo đầu của bản nhạc “ ... chủ nhật buồn đi lê thê, cầm một vòng hoa đê mê ...” Tôi bước vội vào trong, nhìn lên sân khấu, người bạn đồng khoá ban Canh Nông đang ngân cao tiếng hát. Đó là bạn Hoàng Ngọc Ánh. Tôi vẫn còn nhớ lại cái nhận xét ngay lúc đó, bạn mình hát nghe được và hơi run thì phải nhưng có một điều mà tới giờ này tôi vẫn phải nhìn nhận, Hoàng ngọc Ánh đã hát với cả tâm hồn mình trong đó.
Được biết bạn Hoàng Ngọc Ánh, em gái của chị Hoàng Ngọc Thư, CN67-70, nay đang định cư tại thành phố Canberra, Úc Đại Lợi. Mong rằng bạn Ánh đọc được bài viết này và cũng xin được gửi đến bạn Ánh vài vần thơ ngắn cho một kỷ niệm.
Chờ Mong
Đêm văn nghệ, mình nghe Ánh hát
“Chủ Nhật Buồn” ray rức tim ai
Bao nhiêu năm mong chỉ một ngày
Được nghe bạn hát bài này “One More”
Merci Cái Đùng!
Ánh ơi! bạn còn nhớ câu “Merci Cái Đùng” không? Một kỷ niệm xưa! Lúc còn trên trường, nhớ một lần Ánh đã nói câu này khi bạn nhờ mình làm chút việc và sau đó trong một mảnh giấy nhỏ bạn đã viết đôi dòng và cuối thư là câu, “Merci! Cái Đùng!”
Dương Xuân Triều