Huế, quê hương của anh, niềm nhớ, nỗi đau khi rời nơi ấy. Dù đang sống ở quê nhà nhưng anh luôn  nhơ nhung về  nơi anh  được sinh thành và nơi chôn dấu tuổi thanh xuân - ngôi trường thân yêu Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
     Năm 1970, vào thời chiến tranh đang bao phủ cả miền Nam. Anh rời thành phố SàiGòn để lên Blao, một thị trấn nhỏ trên vùng cao nguyên Muông Mạ của tỉnh Lâm Đồng, để theo đuổi việc học hành. Giờ đây, gần 40 năm trôi qua nhưng những cảm giác se lạnh của miền cao nguyên anh vẫn nhớ. Khi chuyến xe đò chở anh qua khu vực đèo Chuối để vào ranh giới của tỉnh Lâm Đồng. Trên cao độ anh cảm thấy tỉnh táo và sảng khoái, một bầu không khí thật dễ chịu khác hẳn sự oi bức lúc nào của đẩm ướt mồ hôi của thành phố đô thị, dân số mãi tăng dần.  
      Anh tâm sự, ngày đầu tiên bước chân vào khuôn viên trường anh cảm nhận như mình bước vào một thế giới phủ đầy thiên nhiên, khác hẳn thành phố nơi anh sống và lớn lên. Ngôi trường rộng lớn nằm chung quanh là đủ loại cây rừng bao quanh rồi với những con đường chạy ngang, dọc trong phạm vi khuôn viên trường. Những con đường được mang những tên mộng mị của những loài hoa như Hoàng Hoa Lộ, Đỗ Mai Lộ, Phượng Vĩ Lộ, vườn Cà Phê Arabica và nhiều chốn nữa để lưu luyến kỷ niệm trong anh.
     Anh cùng một số ít bạn bè đã phải rời trường sớm hơn và bỏ lại đằng sau bạn bè khi tình hình chiến sự giao động mạnh qua lệnh tổng động viên ''Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972. Đến năm 1974, một dịp tình cờ anh trở lại trường xưa, cảnh cũ vẫn còn đó mà không tìm thấy người xưa đâu để rồi mang theo những tiếc nuối khôn cùng. Hình ảnh ngôi trường và bao kỷ niệm vẫn vương vấn lòng anh dù thời gian vẫn không ngừng trôi. Mãi đến năm 1995, một cái duyên để anh trở lại thăm trường. Ngôi trường cũng đã đổi tên. Cảnh quan và những dấu ấn kỷ niệm của những kiến trúc ban đầu nay đã thay hình đổi dạng. Ngôi trường đã khác xưa thật nhiều và được thu hẹp lại. Những cảm xúc xót xa khôn cùng. Cảm giác nầy không chỉ ở riêng anh mà còn bao bạn bè khác khi có dịp trở về thăm trường. Thời gian không ngừng trôi chả trách cảnh vật không ngừng thay đổi.
     Từ những cảm xúc về trường, nhớ về kỷ niệm xưa, về mối tình đầu đời được anh gửi gấm vào những bài thơ của anh. Trang nhà xin hân hạnh được giới thiệu một tập thơ “Huế - Hoài Niệm Cố Hương” mà anh muốn trao gửi đến các bạn bè cùng lớp của các niên khoá 70-73 và những ai với một ít lưu luyến Huế, quê hương của anh. (Trang Nhà-NTL)
 
Huế - Hoài Niệm Cố Hương
 
Ai đã từng đi qua dải đất khô cằn sỏi đá miền Trung. Những cơn nắng cháy da vào mùa hạ, những cơn gió lạnh cắt da vào mùa đông, những cơn mưa phùn kéo dài lê thê cả tháng trời, nhất là những ngày gần tết Nguyên đán. Một nơi đươc cho là điểm trung tâm của dải đất đẹp mà buồn này, đó là xứ Huế, quê hương tôi. Viết dăm bài thơ với chủ đề “Huế - Hoài Niệm Cố Hương”, trước là tấm lòng nho nhỏ gởi về quê nhà của một thời đã đi qua, sau là thân tặng anh chị em và các con cháu đồng hương Huế sống nơi đất khách quê người trong đại gia đình Nông Lâm Súc.
 
                QUÊ NHÀ
         Ai về núi Ngự sông Hương,
   Cho ta nhắn gởi tình thương quê nhà
         Gió đưa cành trúc la đà
   Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương *

          * Ca dao tục ngữ
                              
                HOÀI CỔ
        Tạo hóa gây chi cuộc hí trường *
   Hoàng thành xưa HUẾ còn vương nỗi sầu
        NgườiI xưa cảnh cũ nay đâu
   Còn trong ký ức nỗi sầu hưng vong

         * Thơ Bà Huyện Thanh Quan

                ĐIỆU HÒ QUÊ HƯƠNG
         Hò ơi ! Mái Đẫy, Mái Nhì
     Tiếng hò xưa cũ khắc ghi vào lòng
        Nay dù cách biệt ngàn sông
     Điệu hò xưa cũ, vẫn trong tâm hồn
 
                CHIỀU QUÊ
          Chim bay về núi xa mờ,
     Trời trong tĩnh lặng, nước lờ lững trôi
          Chiều quê nắng tắt trên đồi
     Có bầy trẻ nhỏ cùng tôi đốt đồng *

        * Sau mùa gặt lúa người ta đốt đồng. Trẻ con nướng khoai lang đốt gốc rạ làm phân xanh cho mùa sau
   
                 NHỚ CON
           Mẹ ngồi múc chén chè kê *
     Mùng ''NĂM '' con ở xa quê mất rồi
           Mẹ ngồi nước mắt mẹ rơi
     Mùng ''NĂM'' con ở quê người xa xăm

       * Ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5, người Huế thường nấu chè đậu xanh đánh và hột kê khi ăn dùng bánh tráng mè nướng xúc vào mà ăn.
   
                 ĐẶC SẢN HUẾ
          Vả rừng bóp gỏi tôm tươi
    Chai bia ướp lạnh, xin mời cùng ăn
          Ai về xứ Huế mà thăm
    Mua cho chén ruốc, ớt dằm thật cay
   
          Tháng năm nắng nóng gió Lào
    Bầu chần, nuốt trắng, thứ nào ngon hơn
          Suốt ngày tắm lội dưới sông
    Sông Hương nước chảy nước ròng vẫn trong

   *
Nuốt trắng là một loại sứa biển ăn được, to khoảng 1-5cm mầu trắng trong. Vào mùa Hè khoảng tháng 3, dân Huế ở vùng thôn quê thường có bữa cơm ăn với trái bầu, dân điạ phương gọi là trái Bù, cắt nhỏ trần qua nước sôi chứ không luộc, chấm vào nước mắm hay nuớc mắm ruốc pha tỏi, chanh pha loãng kèm theo một con nuốt trắng và trái ớt chìa vôi tươi, thì tuyệt!
 
               ĐÊM BIỄN THUẬN AN

         Thuận An dưới ánh trăng vàng
    Mờ xa sóng vỗ nước tràn rừng dương *
         Người đi cách biệt ngàn phương,
    Nỗi lòng cố quận còn vương ý sầu
     
Nước non ngàn dặm ra đi.
Cái tình chi ..... Nợ Ô Ly
 
*Bài ca xưa nói lên nỗi lòng của Huyền Trân Công Chúa, mang thân đi cống nạp cho vua Chiêm Thành ngày xưa để đem về cho Đại Việt hai châu, đó là Châu Ô và Châu Lý (một phần của Thừa Thiên-Huế ngày hôm nay. Một nàng công chúa, một thân phận, một người đàn bà Việt Nam xưa. Một hành động bi tráng và những nỗi đau đời.
Một lần về thăm quê, với ba nén nhang thơm đến viếng đền thờ Bà và một bài thơ của kẻ hậu sinh kính dâng lên Bà...
         
VIẾNG ĐỀN THỜ HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA
  
Châu Ô, châu Rí, hai châu
Mang thân cống nạp, nỗi sầu cố nhân 
Thăng Long quê quán xa ngần
Nén nhang kính viếng, tấm lòng hậu sinh
 
Dương Xuân Triều
Cùng Tác Giả / Đề Tài