Tháng tám vừa qua, có được một khoảng thời gian trống và bớt việc, tôi đã thu xếp để làm một chuyến về thăm Huế. Quê tôi, nơi sinh ra và lớn lên. Thời gian cứ trôi mãi thoáng đây đã gần 10 năm rồi mới có dịp. Lòng tôi háo hức mong đợi một ngày trở về. Để tranh thủ thời gian cũng như để hợp với hầu bao eo hẹp, tôi đón chuyến xe lửa thuộc loại “du lịch”. Sau hơn hai mươi bốn giờ xình xịch và lướt qua cả ngàn cây số, con tầu đã đưa tôi về đến Huế. Huế đây rồi! Huế miền đất quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của tôi.
Xuống ga xe lửa, trong lòng thật nôn nao, mình đã thật sự trở về miền đất trong mong đợi và kỷ niệm. Tôi vội ngoắc ngay cái xe ôm không kịp trả giá và đưa cho bác xe lôi cái địa chỉ ở đường Thanh Tịnh, phường Vĩ Dạ. Đây cũng là con đường cùng về xã Phú Thanh, làng Qui Lai. Đó là quê nội của tôi, cùng quê với thầy Phạm Phước Bách dạy môn toán trên trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc ngày xưa.
Chuyến đi Huế kỳ này, ngoài vài ngày ở bên Nội để thu xếp một số chuyện cho gia đình. Hôm nay tôi muốn đành một thời gian để đến thăm Thầy. Từ ngày nghe tin Thầy ngã bệnh và sức khoẻ suy yếu cũng như gia đình lâm cảnh túng thiếu vì thầy vốn là cột trụ chính của gia đình. Tôi vẫn mong có một ngày về Huế để thăm thầy Trương văn Hy, vị thầy mà tôi vẫn hằng quý mến và dạy dỗ tôi của những năm tháng trên trường NLS Bảo Lộc. Mặc dù đã đôi lần điện thoại thăm hỏi sức khoẻ cũng như gia cảnh của thầy, nhưng lần này tôi sẽ được tận mặt gặp thầy và nghe giọng nói thầy. Trong lòng tôi thật bồn chồn và cảm thấy xúc động vì mình sắp được gặp lại thầy.
Sau gần nửa giờ loanh quanh trong khu phường Vĩ Dạ với những đường ngang lối dọc, tôi đã tìm đến địa chỉ nhà thầy. Một căn nhà nhỏ cấp bốn, mái lợp tôn fibro không có trần. Bề ngang 4 mét dài khoảng 8 mét. Đứng trước cửa nhà nhìn thoáng vào trong tôi gặp một cô gái trẻ. Tôi gõ cửa lên tiếng hỏi thăm cô gái về thầy để biết chắc đúng đây là nhà thầy. Cô gái nhìn tôi rồi hướng vào bên trong nhà và lên tiếng: ''Ba ơi! có người cần gặp''.
Khoảng dăm phút sau từ trong nhà có tiếng ghế khua và một dáng người mà nói đúng hơn là một hình nhân dáng gầy gò ốm yếu vịn dần theo tường bước ra.
Ôi! thầy tôi đây sao? Đang miên man trong ý nghĩ, chợt nghe Thầy tôi lên tiếng: “Chú tên chi? Chú kiếm tôi có chuyện gì? Tôi bước lại gần, vội thưa: ''Thưa Thầy! em là Dương Xuân Triều, ban Thủy Lâm đây thầy”. Thầy ngước nhìn tôi thật lâu như để nhớ lại một cái tên nghe quen đã nằm quá lâu trong ký ức của ông và sau đó thầy mời tôi ngồi ghế và sai cô gái trẻ, đó là cô Phương, con gái thầy, đi rót nước.
Những giây phút đầu mới gặp lòng tôi đầy xúc động. Nhớ lại ngày nào, vị thầy trẻ này đã dậy tôi, những bài học về Thủy Lậm. Thế mà bây giờ thầy tôi đã tiều tụy đi nhiều quá ngoài trí tưởng của tôi. Có lẽ xã hội, cuộc sống khó khăn mổi ngày đã lấy dần đi những sức lực của con người theo năm tháng. Học trò của thầy, cậu bé ngày xưa nay cũng đang đi dần theo bước chân của thầy. Đúng là thời gian chả vị nể một ai trong chúng ta.
Ngồi hàn huyên tâm sự với thầy qua mọi câu chuyện vì đã gần 25 năm rồi mới gặp lại Thầy. Được biết sau cơn bệnh nặng vừa qua, sức khoẻ của thầy đã suy yếu đi nhiều. Thầy đã mất hẵn đi sức lao động và nay phải trông cậy hoàn toàn vào Cô và những người con. Sau một buổi nói chuyện và thăm hỏi dài tôi đứng lên xin phép thầy về và hẹn với thầy tuần sau trước khi về lại Sài Gòn sẽ trở lại thăm.
Như đã hẹn một tuần sau tôi trở lại nhà thầy trong cái oi bức nóng nực cũa tiết trời xứ Huế. Gặp lại tôi, hình như thầy đã quên hẳn tôi và rồi phải dăm phút sau thầy mới định thần và nói: À! em Triều phải không?
Để bước ra được phòng ngoài, Thầy được Cô dìu một bên và thầy mới bước đi được những bước chân thật chậm, từng bước một.  Hỏi thăm thêm về cuộc sống hằng ngày, Cô cho biết Thầy ăn cũng kém hẳn đi so với lúc trước. Mỗi bữa chỉ ăn đựợc hơn chén cơm. Nhìn vợ thầy mà tôi thấy xót xa khi cảm nhận nhan sắc của bà cũng đã tàn so với tuỗi tác, thêm vào đó với những lo toan bề bộn của cuộc đời hàng ngày và nhất là những thời gian sau khi thầy bệnh và suy yếu. Lần ghé thăm này, tôi gửi biếu thầy một tập thơ của Bùi Giáng, một ít quà mua từ Sài Gòn ra và thêm vài món mua vội ở chợ Đông Ba, Huế.
Tập thơ thì thầy nhận còn quà biếu ban đầu thầy từ chối không chịu nhận vì thầy biết học trò của thầy cũng chả dư dã gì. Thầy nói: ''Em cho tôi nhiều thứ quá, và tôi phải mang ơn em nữa!''. Tôi nói: ''Thầy không nhận cái phần quà vật chất nho nhỏ thì em buồn lắm đó và em không dám nói chuyện với thầy nữa đâu! Thầy nghe tôi nói vậy thầy vội nói ''nếu Triều nói như vậy thì tôi xin nhận''.
Ngồi hàn huyên tâm sự với Thầy một lúc lâu nữa, sau đó tôi xin phép tạm biệt ra về. Thầy vịn tay vào tường và bước chậm rãi và tiễn tôi ra tới cửa.
Tôi bịn rịn trong lòng vì phải chia tay thầy hôm nay và không biết một dịp nào còn trở lại gặp thầy hay mãi mãi … Tôi xin phép Thầy cho tôi được ôm thầy. Một cái ôm từ biệt và cảm nhận được một ít gì trống vắng và hụt hẵng trong đó. Thầy ơi! em phải về.  Thầy cố gắng giữ gìn sức khoẻ và em cầu chúc Thầy và gia đình vượt qua được những khó khăn và thử thách của cuộc đời cho những chuỗi ngày còn lại.
Giờ đây ngồi viết lại đôi dòng cảm nghĩ của mình. Cái cảm giác được ôm thầy trong vòng tay trước giờ chia tay vẫn còn quanh quẩn nơi tôi. Xin được ghi lại qua vài hàng thơ gửi đến tất cả bạn bè Nông Lâm Súc:
               “Ôm Thầy trong một vòng tay
                Ngày xưa khoẻ mạnh, ngày này bộ xương
                Trải đau thương, lắm đoạn trường
                Mình e sợ quá, mà thương vô cùng”
 

Dương Xuân Triều, TL70-73

Cùng Tác Giả / Đề Tài