![]() |
Thầy Lê Quang Minh |
Thầy Lê Quang Minh - Chút kỷ niệm xưa đậm tình
Nếu thời đi học bị thầy cô đánh đòn đau và nhớ đời thì có phần hao hao giống với trường hợp của tôi. Tôi bị Thầy Lê Quang Minh rầy mắng. Chính kỷ niệm của thời xa xưa ấy là duyên khởi bắt đầu cho thân tình thầy trò giữa Thầy và tôi.
Năm học đệ nhị (niên học 1966-1967), trong giờ Lý Hóa, Thầy Lê Quang Minh đang say sưa giảng bài, bỗng tiếng ngáp dài vang hơi lớn giữa không khí im vắng. Thầy và cả lớp nhìn về hướng tôi. Bị bắt gặp, miệng còn đang vo tròn vì cái ngáp. Mặt tôi sượng vì ngượng ngùng. Nghiêm sắc mặt, Thầy phán cho một câu – 42 năm đã trôi xuôi, tôi không nhớ từng lời nhưng đại để, “lớp học chứ đâu phải chuồng bò, tôi không thể nào dạy được.” Chưa hết giờ nhưng ông rời lớp.
Cả lớp nhìn tôi, nhất là mấy nường, cũng với những ánh mắt đó, lúc thường làm cho nhiều người chết ngộp nhưng lúc ấy tôi thấy đầy lửa củi. Chừng như chưa đủ cho cái ngáp vô lễ, trần tục, những cái lắc đầu, những lời xỉa xói, khó có thể tưởng tượng được thoát ra từ những đôi môi mộng, thắm hồng của các cô nường tiên nga giáng thế của lớp tôi.
Một bà chị có lẽ lớn tuổi nhất lớp, khoan hòa, hiền từ hơn, chị Ngô Thị Ngọc Trang – trong tình cảnh hỗn mang đời tôi ngay lúc ấy – chị khuyên tôi nên đến nhà Thầy xin lỗi. Xấu hổ, biết lỗi nhưng tôi cố gượng gạo, cố chống chế, cố phân trần, “tại mệt nên tôi ngáp, chứ có làm gì đâu. Sao mấy bà làm dữ quá dzậy?”
Không yên bề, nhất là mấy đứa bạn chơi thân với tôi vừa khuyên vừa dọa. Bùi tai nhưng vẫn chống chế cho có lệ, rồi tôi cũng lê đôi chân, lếch thếch đi cùng với mấy bà chị “hai” đến nhà Thầy, xin tha tội – Một khoảng gần vài trăm mét từ lớp đến nhà thầy (ngôi nhà số 10), tôi còn nhớ cảm giác lúc đó: đang leo dốc, vượt đoạn đường trường chinh.
Tiếp chúng tôi ở hàng hiên, người chị lớn tuổi em họ của Thầy, học đồng lớp nhưng khác ban, lắng nghe mấy nường bạn cùng lớp hài tội tình của tôi một cách tỉ mỉ như đọc một cáo trạng.
Nhìn vào ánh mắt và nụ cười thật hiền của chị, tôi ấp úng biết lỗi của mình, cũng như thú thật tôi không biết phải nói thế nào để xin lỗi. Chị mớm cho ít lời, sau đó chị vào thưa chuyện với Thầy. Không rõ chị đã nói gì, và khi được cho vào nhà, nhìn vào ánh mắt của Thầy Minh, tôi biết tội đã được tha dù chưa một lời thưa.
Tôi lẩm bẩm lập lại những lời được nhắc cho, nghe xong Thầy cười, nụ cười thật đặc biệt hiền hòa của người Miền Nam. Nghe âm vang dòn dã, tiếng cười hệch hạc của Thầy làm tôi an dạ. Dù trời chiều đang xuống nhưng tôi thấy nắng bừng của buổi mai trời đẹp.
Tiễn tôi ra về, bà chị em của Thầy, nhỏ nhẹ bảo, “hôm nào mang chiếc quần rách gối lại, chị vá cho.”
Vâng, trong cái rủi ro, tai nạn ấy là ơn phước cho tôi thêm tình thân giữa tôi và chị. Mối thâm giao đã kéo dài từ ngày ấy cho đến nay. Chiếc quần rách gối đã được chị vá cho không lâu sau đó. Thật khéo, không phải một mà là hai. Cả hai chiếc quần ăn nói đó đã giúp tôi khá nhiều trong nhiều năm tháng sau, ngay cả những ngày được may mắn được đứng trên bục giảng.
Giờ đây ngồi gõ những dòng nầy mới trực nhận, tôi vẫn còn thiếu các "chị hai" cùng lớp món nợ ngày cũ đã giúp tôi thoát ra thế kẹt ngày ấy. Nhân đây, xin được tỏ lòng biết ơn, dù khá trễ tràng, sau 42 năm. Tôi được dịp gặp lại vài trong các bà "chị hai", đôi mắt của họ nhìn tôi với chút lửa củi trong thời cảnh khi xưa mất tiêu rùi, thay vào đó nét hiền từ của những người có cháu nội, cháu ngoại.
oOo
Do “cái ngáp” tai hại cũng là duyên khởi đã làm Thầy Minh biết tên tôi. Hơn nữa, tôi gặp Thầy thường vì tôi hay tới lui với người bạn thân cùng lớp ở phía sau nhà Thầy. Tôi đến vì hắn hay vì mấy nàng tiên nga giáng thế, Cái Hảo, Phú Ngọc Quang, Võ Thị Lộc ở trọ cùng dãy phía sau nhà Thầy? Có lẽ cả hai? Trời và tôi biết thật rõ, rất rõ.
Những ngày đói meo, việc theo eo ẻo mượn tiền mấy nàng tiên nữ của hai thằng tôi, nhất là sau vụ thằng bạn tôi năn nỉ, ỉ ôi xin cô em của Thầy chỉ chỗ con gà chết toi vừa được chôn, có lẽ đến tai Thầy nên hai đứa tụi tôi lâu lâu được Thầy rủ ăn cơm. Mới đầu còn rụt rè dù đói rã ruột, sau dạn dĩ dần nên những buổi ăn chực cứ nhặt dần theo. Có lẽ thầy biết khoa tướng số, nhìn mặt bắt hình dong nên lúc nào được ông rủ ăn cơm, đúng y chang lúc tụi tôi đang đói “xanh xương”.
Danh đói nghèo của hai thằng tôi lan rộng hơn. Thân mẫu của Thầy từ Sàigòn thường lên thăm đứa con trai cưng duy nhất của bà với ê hề bánh trái, như một bà mẹ từ quê ra thành. Hai thằng tôi cũng được hưởng phần. Nhiều lần sau chuyến thăm, khi chuẩn bị về lại Sài gòn, bà kêu hai đứa tôi lại cho mỗi đứa một ít tiền. Sợ tụi tôi xài hết một lần với tiền giấy lớn nên Bà đã cẩn thận đổi ra tiền lẻ, giấy năm, mười đồng để chúng tôi xài được lâu. Không an tâm, bà còn dặn dò xài nhin nhín. Đói kém lâu ngày, tụi tôi gom lại nhiều tờ giấy tiền lẻ do bà cho, nộp cho chị Tráng cùng một lúc. Chừng mươi ngày sau, đâu cũng vào đó một cách lộn xộn. Lá rũ hoàn lá khô.
Không rõ Thầy có trông mẹ đến thăm? Riêng hai thằng tôi nhớ bà da diết, có thể cả trong mộng mị nữa. Đoán chừng, có lẽ lúc ấy bà trẻ hơn chúng tôi hiện giờ. Tất cả ân cần, tử tế của bà cụ đều đậm sâu, đều ghi khắc. (Xin mở ngoặc ghi đôi dòng về cụ. Sau nầy, một số lần đến Nước Úc để thăm gia đình Thầy và cụ bà, nhiều đêm tôi nằm kế bên bà. Trong đêm thâu nghe bà kể lại cuộc đời của bà, cuộc đời của Thầy tôi. Tưởng chừng như nghe cuộc đời của những nhân vật trong tiểu thuyết. Vả chăng, đời người, dòng sống đủ dài thì ai cũng là nhân vật tiểu thuyết cả. Lỡ làng thay! Cuộc đời được kể, đáng kể, đáng lắng nghe đều phủ đầy với những nhiêu khê, bất trắc với những nhiễu nhương, ngang trái, với những bẽ bàng, uẩn khúc. Tôi đã lắng lòng nghe lời tâm tình của một bà cụ già ở tuổi gần chín mươi…)
Chẳng bao lâu sau "cái ngáp", được thương hơn, Thầy đưa tôi về nhà Thầy ở Sàigòn, tôi nhận được sự ân cần của tất cả những người trong gia đình, từ bà cụ, người chị cả của Thầy đến mấy cô em cách tôi vài tuổi. Lại thêm một nhà nữa, chén bát của họ mòn đi do những lần ghé lại của tôi.
Sau khi rời trường về Sàigòn học, tôi vẫn thường ghé lại. Bà bác vẫn hay cho tiền, cho giấy xem ciné vì bà có phần hùn trong mấy rạp hát Moderne, Văn Hoa và Capitol, cũng như tin tưởng bảo tôi dắt mấy cô công nương em của Thầy cùng đi. Chị của Thầy cho trọ học trong một ngôi nhà ở Sài Gòn, do chị mua để dành. Những lúc tôi ghé lại gặp Thầy thì được dắt đi đó đây với những bữa ăn thật ngon. Khi thì lưỡi bò, thỏ hầm rượu chát… tại nhà hàng Tây Chez Albert ở Đakao, lúc thì cháo cá Chợ Cũ, cơm gà, mì vịt Chợ lớn… Những lần nợ miệng nầy bao giờ tôi có thể trả được đây?
Một ân cần khác, mỗi lần nhớ đến đều làm tôi xúc động. Lúc sắp ra trường sư phạm, tôi ghé lại nhà gặp lúc ông trên trường Bảo Lộc về. Không nói, không rằng, ông dẫn tôi đến nhà may Chánh ở Đakao, may cho tôi vài bộ đồ và dặn tôi nên ăn mặc tươm tất hơn khi đi dạy.
Với học trò, Thầy tận tụy dạy và tử tế giúp đỡ nhất là những người yếu kém và trong tuổi lính tráng. Mỗi lần có dịp tiếp xúc với một số anh em cùng thời hay những khóa khác, những món nợ ân tình với ông vẫn được nhắc nhớ. Hai người bạn thân của tôi trong số ba người đã kể lại với lòng tạc dạ biết ơn. Lẽ ra họ không được học lại sau khi hỏng tú tài II vào mùa thi năm Mậu Thân nhưng nhờ ông đã tận tình vận động cho họ và được các đồng nhiệp khác cùng tán đồng nên cả ba được thuận cho học lại để xong bậc trung học. Nhờ đó họ có cơ may thăng tiến sau nầy. Nếu không được sự giúp đỡ ấy, biết đâu vài đám cỏ ở cánh đồng hoang nào đó được bón xanh hơn. Tôi cũng được anh Ngô Hữu Thành kể món nợ ân tình với Thầy. Còn rất nhiều trường hợp khác nữa, tôi được nghe chính người trong cuộc kể lại, chuyện nào cũng đều thấm đậm nghĩa tình của Thầy đối với họ...
Những năm kế tiếp, dòng sống bận rộn hơn nhưng tôi vẫn gặp Thầy và vẫn thường ghé thăm bà Bác.
oOo
Đến khi biến cố 75, những người anh em trong rừng ra, rừng trống và sợ khỉ buồn nên cùng với hàng trăm ngàn người khác, tôi được lùa vào rừng làm vui cho khỉ. Ba năm sau, đạt “chỉ tiêu” hao hao giống khỉ, tôi được cho về thành. Khi hay tin ấy, dù thời ấy rất khó khăn trong việc di chuyển, những người lặn lội tìm thăm tôi có Thầy, bà cụ Mẹ Thầy và bà chị, em của Thầy.
Suốt gần một năm trong thời quản chế, những ngày ba đào tiếp nối của đời tôi, rất nhiều lần, mất hơn nửa ngày tôi gò lưng đạp xe từ một tỉnh lẻ miền đông xuống nhà Thầy. Đến nơi, cũng chẳng có chuyện gì để nói, tôi nằm phệt ra nghỉ mệt trên chiếc phản gỗ, nhìn mọi người, nhìn cảnh hoang sơ, rêu phong của ngôi nhà qua nhiều lần kiểm kê, đổi tiền và ai cũng hồi hợp chực chờ bị xua vào rừng cho những tội tình, nghe qua trời cũng phải lắc đầu, ngó lơ. Chừng một chập sau, chân bớt mỏi nhưng lòng trĩu nặng hơn, tôi lại nương theo trời chiều, mắt trợn ngược gò lưng đạp xe qua mấy con dốc lần về tỉnh lẻ, 60 km đường dài xuôi ngược.
Những chuyến đi thăm người thân được gọi là trái phép đó đã lập lại bao lần? Chỉ có trời nhớ hộ cho tôi. Lần nào gặp Thầy từ Bảo Lộc về ông cũng dặn: “trước sau gì nhà cũng tìm cách đi, chú lu bu với gia đình để cùng đi.”
Hy vọng là tài sản cuối cùng còn lại của tôi, làm dầy đi ý nghĩa của cuộc sống khá mong manh mà thế lực đương thời lúc ấy đang cố ra sức bào mòn. Tôi bám víu vào những lời nói ân tình đó như bám vào một cái phao của người đang ở giữa sông trong mùa nước lũ.
Nhưng những bi ai, khổ ải kéo dài, dường như quá đủ, quá ngợp thở, buông chiếc phao hy vọng qua lời ân cần của Thầy, tôi nương mùa biển động năm 1979 ra khơi, mặc cho gió dập, sóng vồ. Nhờ cá mập chê không đáng công táp và Thần Chết làm lơ, tôi trôi đến bến bờ lạ hoắc nầy. Nơi đây, tôi vịn vào tình người của những người lạ huơ, thở bầu không khí tự do và không bị sự kỳ thị, đọa đày bởi chính những người tự xưng giải phóng tôi và dân chúng Miền Nam. Cuộc đời cứ thế mà trôi xuôi. Nhận được một bức thư của Thầy lúc còn kẹt lại VN, dù gần hơn 30 năm trước nhưng tôi vẫn còn giữ, có đoạn, “Biết tin chú đến nơi bình an, tôi thật mừng, như chính tôi được sự bình an đó…”
oOo
Không chỉ tôi nhận được sự tử tế từ Thầy và gia đình. Khi thân thiết và thường lui tới với gia đình lớn của Thầy hơn, tôi khám phá thêm một nhân vật khác vốn bạn học của Thầy từ thời tiểu học, mồ côi và được đưa về nhà, và được xem như đứa con của gia đình. Sau nầy thành danh làm Chánh Sở Học Chánh ở một tỉnh lớn thuộc vùng bốn.
Sau 75, ông anh ấy cũng đồng cảnh với tôi và hàng trăm ngàn người khác, được đưa vô rừng một thời gian, hóa khỉ không xong và thả về thành. Thầy Minh đã dàn xếp lo cho ông anh ấy ra khơi nhưng oan khiên chưa trả đủ, anh vào hộp để vượn hóa tiếp. Thầy và Bà cụ lại ròng rã khăn gói quả mướp đi thăm. Khi ra được, anh ấy tiếp tục thực hiện ước nguyện của những cột đèn, (2) – ra khơi và được Mỹ liếm. Chưa đủ, ông anh mò qua Úc được Thầy may mối và Bà Bác đứng ra cưới cho cô vợ vừa trẻ trung, vừa xinh xắn mang về trời nắng ấm Cali để vui hưởng phần đời còn lại – Chợt đó mà đời đã vội ngã bóng.
Những ngày nhen nhúm cho chuyến ra khơi do "người quen của người quen" dẫn mối, tôi vẫn ghé lại gặp Thầy. Trong tâm cảnh thời ấy, mỗi lần gặp là lần gặp cuối, lời chào từ giã sau mỗi chuyến thăm cũng có thể là lời vĩnh biệt. Biết bao người giã từ để rồi chỉ có thể gặp lại ở đời sau (nếu có). Vì không thể kéo theo cùng chuyến đi, một chú em đã dính liền với tôi trong suốt chuỗi dài ba năm khỉ-hóa, thương chú và biết lòng tử tế của Thầy nên tôi đã không ngại dẫn chú ấy đến gặp với lời gởi gắm, “thương tôi, hãy thương chú”. Và chú em đó đã được thương quí vô điều kiện. Đầu năm 1982, Thầy đã sắp xếp cho chú ấy cùng chuyến với đứa em gái và người bạn vong niên của Thầy (đã nhắc đoạn trên). Chẳng may chuyến đi bất thành, mọi người đều nằm ấp.
Cuối năm 1982, chuyến đi của Thầy do các bạn đồng nghiệp NLSBL tổ chức sắp ra khơi, dù không rõ mệnh số sẽ đẩy đưa ra sao nhưng Thầy không quên chú em bạn của tôi lúc ấy đang nằm ấp, ông đã gởi lại một ít vàng nhờ người khác trao lại khi chú ấy được ra. Sau hai mươi năm bỏ chốn cũ, tôi lần về quê nhà gặp lại chú em và được chú ấy cho biết nhờ số vàng đó đã giúp chú mưu sinh tồn tại. Lại thêm món nợ ân tình chất chồng trên vai tôi qua việc làm nghĩa hiệp, giàu lòng thương người của Thầy đối với bạn tôi.
oOo
Năm 1999, hai mươi năm sau, hơn hai mươi giờ bay, Thầy cùng gia đình từ nam bán cầu lặn lội tìm thăm tôi. Gặp lại, nỗi vui mừng nào hơn, cũng là dịp nhắc nhớ nhiều điều về những ngày tháng qua. Xin nhắc một điều khá vui vui.Thầy hỏi tại sao hai thằng tôi (tôi và thằng bạn moi gà chết toi) không đứa nào cà rà mấy cô xinh đẹp ở sau nhà Thầy? Có sao nói dzậy, tôi thú thật, "cà rà theo mượn tiền mấy nàng tiên đó thì có. Đói mắc dịch, cơm còn không có ăn, thì sức đâu để mà thương với yêu." Hỏi cho có hỏi thôi chứ Thầy biết rất rõ, đón nhận câu trả lời với nụ cười của năm xưa. Vẫn vậy, vẫn âm vang tiếng cười dòn dã, hiền hoà, dễ chịu của ngày nào.
Đáp lễ, tôi đến đất Úc đôi lần thăm Thầy. Tôi tận mặt biết được cuộc sống êm đềm, dung dị, giản đơn, thu gọn nhưng không khép kín, ông vẫn giao tiếp thân thiết với một số bạn vong niên, với những cô cậu học trò NLS cũ, thương quí ông và được ông thương quí. Trong số đó có chị Phạm Thị Bích Hoà, anh Từ Văn Trường, Trần Thanh Giang, chị Trần Thị Nữ, Tăng Ngọc Hiệp, Phước Mọi, Thắng, Quang, Lộc, tôi… thân tình kéo dài mấy mươi năm. Phải chăng tình thân ấy đã được tất cả giữ gìn và nuôi dưỡng từ sự ân cần và lòng chân thành thù tiếp từ nghĩa thầy trò.
Thầy và tôi theo dòng sống trải xuôi mấy mươi năm trong quan hệ gần gũi, thật thân thiết do đó tôi mới có những dữ kiện và xin lược ghi những điều về Thầy:
Thầy Lê Quang Minh được sinh ra ở Cầu Kè, Cần Thơ vào năm 1938. Mồ côi cha lúc 3 tuổi. Thân mẫu Thầy trong cảnh góa bụa, cùng bà mẹ rời quê quán với quang gánh, một đầu với hai đứa con, Thầy và chị của ông, đầu khác là tất cả tài sản của gia đình, đến Phú Nhuận, Sàigòn tìm kế mưu sinh.
Một bi hài được nghe kể, ngày nhỏ vì không được chăm sóc, cưng chiều hay đau yếu nên Thầy hay khóc nhè, người mẹ góa đầu hôm sớm mai tần tảo tìm cái sống, có lúc tưởng không chịu đựng nỗi nên đã bồng Thầy đi cho. Nhưng bà bị đuổi về, và được cho biết là bà đã đến nhầm chỗ, nhà dưỡng lão. Nếu nơi bà ẫm Thầy đến là viện mồ côi, thì sao nhỉ? Trời gần xin được hỏi đôi ba câu?
Với gia cảnh khó khăn, việc học hành của con cái được tạm quên đến khi cuộc sống an ổn hơn, Thầy bắt đầu đến trường học i, tờ, lúc 11 tuổi. Tư chất thông minh, Thầy liên tục học nhảy lớp để bắt kịp những người đồng tuổi. Sau dần, gia cảnh khá hơn, Thầy được gởi đến trường dành cho con nhà khá giả, học giỏi là trường Tabert Sàigòn.
Với tuổi mà người xưa thường nói “thất thập cổ lai hi”, yếu hơn xưa nhưng rất năng động, Thầy bận rộn với trường lớp của ông. Số học trò nay có phần đông hơn, đó là ba cháu ngoại và hai cháu nội. Không dạy Toán Lý hóa, Ông dạy chúng đi những bước chập chững đầu đời, dạy chúng nói những lời bập bẹ trẻ thơ và ngân nga dạy chúng những câu hát ê a.
Viết tới đây tôi chợt nghĩ, chắc rằng nét mặt ông sẽ không se lại rồi rời lớp khi mấy cô chú học trò nhỏ của ông ngáp dài, biết đâu chính ông và các cháu cùng ngáp theo lời ru, tiếng "ầu ơ" của chính mình, do nhớ được từ vang vọng đưa về của một thời ông đã được nghe, được ru ở miền quê hương bỏ lại.
Xứ Úc, một “Lạc Phố”, chốn lạ và dần quen, cách quê nhà một khoảng trời mù khơi, nghiệp dĩ, thiên chức của nhà giáo vẫn không rời, vẫn bám chặt lấy ông. Dạy học trò, dạy con, giờ đây ông ru dạy cháu. Dòng thời gian cứ thế hững hờ trải xuôi, trôi mãi...
Như đã thưa ở lời nói đầu, nếu quan niệm sanh ra là bước lên chuyến xe đời, được ngồi gần, được quen biết, thương quý và được thương quý, thì riêng tôi, ai chê tôi ngu thì tôi chịu. Nếu có kiếp sau và được chọn, khi bước lên xe đời tôi sẽ chọn cùng toa với quí Thầy Cô, và các bạn bè cũ và tôi sẽ lựa giờ Lý Hóa của Thầy Lê Quang Minh, và tôi sẽ ngáp, nhiều cái ngáp dài…
Ghi Chú: