|
Thầy Đồng Phú Hộ |
Ngày xưa, như một số bạn bè chúng tôi đã học 3 năm tại một ngôi trường. Tôi tưởng mọi sự sẽ phôi pha, bụi thời gian sẽ phủ lấp đi tất cả, nhưng không! Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc với biết bao thầy, cô ưu tú mang chung một hoàn cảnh, tâm tình của những kẻ xa gia đình đến một chốn lạ để rồi quen. Họ đã tận tâm dậy dỗ những thế hệ trẻ như chúng tôi... mãi không thể phai mờ trong tiềm thức tôi. Hôm nay tôi muốn mượn đôi dòng ghi lại một vài cảm nghĩ mà nó vẫn còn lưu luyến tôi về những vị thầy, cô và những người bạn mà họ vẫn đến với tôi trong suy tưởng.
Thầy Đồng Phúc Hộ dậy môn Khí tượng. Thầy có cung cách của một nhà giáo nhưng luôn cởi mở và dễ dàng thu hút cảm tình của học trò. Đặc điểm của thày là luôn khuyến khích học trò vừa học và phải hành. Thầy là một trong những vị thầy lớn tuổi nhất của trường mà đôi lúc chúng tôi vẫn gọi là “Ba Hộ”, và nhất là thầy được các học trò gái như chúng tôi thích mê và quý mến vì ba Hộ coi tướng và chỉ tay và nói về tương lai hậu vận và nhất là tình duyên gia đạo. Học chữ thì sau vài năm chúng tôi trả lại hết cho thầy, cô nhưng những gì ba Hộ nói là chúng tôi nhớ hoài nhất là tình duyên!
Thầy Nguyễn văn Nhuệ dậy môn Anh văn. Một vị thầy nghiêm nghị và từ tốn nhưng lại rất thân thương với học trò. Thầy luôn an ủi, khuyên nhủ chúng tôi và giúp đỡ bất cứ học trò nào gặp khó khăn. Trong lớp khi thầy giảng bài luôn thu hút được sự chú ý của học trò qua những thí dụ rất là dí dỏm.
Cô Công Tằng Tôn Nữ Phùng Thăng dậy Anh văn. Giọng Huế của cô thật nhẹ và dịu dàng như dáng dấp hoàng tộc của cô. Đặc điểm của cô là hay cười và chịu khó dành nhiều thời gian để giảng giải tận tụy những thắc mắc hay câu hỏi của những học trò chậm tiêu về môn ngoại ngữ này sau giờ học mà trong đó có tôi.
Thầy Nghiêm Xuân Thịnh, ngoài vai trò là một vị Hiệu Trưởng, thầy còn dậy chúng tôi môn Dục Chủng và Di Truyền. Thầy có nhiều biệt tài. Trong giờ lớp của thầy khó làm cho chúng tôi ngủ gật được vì lối giảng dậy và cách trả lời khá độc đáo. Tôi vẫn nghĩ đây là những gì thầy thu nhập qua những năm tháng du học ở nước ngoài và mang về giảng dậy cho chúng tôi. Sau bài giảng thầy thường kêu tên bất ngờ dăm học trò để kiểm bài để xem đầu óc chúng tôi có đi chơi đâu không, và dĩ nhiên trả lời ngon lành là lãnh 10 điểm dễ như chơi. Một nét đặc thù của thầy mà tôi khó tìm thấy ở vị thầy nào, ngoài vai trò giáo dục thầy còn là một nghệ sĩ với cây đàn. Một giọng hát trầm ấm đầy thu hút. Tôi không thể nào quên được bài “Khóc cho một người nằm xuống”, thầy đã hát 42 năm về trước trong một dịp tình cờ được nghe cùng với ba người bạn ở ngoại trú và sau đó đã cho chúng tôi nhiều ấn tượng tốt về thầy. Trong những năm này thầy Thịnh luôn ủng hộ cho các lớp về mặt văn nghệ như liên lạc các cấp địa phương xin tài trợ mua các nhạc cụ. Tiếng hát của thầy đã lưu luyến trong lòng nhiều học trò và còn được biết ngày nay giọng hát của thầy vẫn ấm như ngày xưa và không thiếu sót trong các kỳ Đại Hội Nông Lâm Súc ở hải ngoại. Được biết giờ đây người bạn gần gũi nhất của thầy vẫn là cây đàn guitar của thuở nào.
Cô Dương Tuấn Ngọc dậy môn Súc khoa. Tôi được học với cô suốt 3 năm. Tôi thích tên của cô và yêu thích những giờ lớp của cô. Cô có nụ cười thật hiền hoà và thân thiện. Tôi vẫn còn nhớ ngày đầu tiên cô vào lớp học, cô mặc chiếc áo dài mầu cam. Dáng cô thật thanh nhã, trẻ trung và thật duyên dáng. Ngoài chức năng là một cô giáo thật thân thiện, cô còn đi sát để hiểu rõ những tâm tình, những lo âu của những cô học trò nhỏ sớm phải xa gia đình ở nội trú và ngoại trú như chúng tôi. Năm đệ Nhất nếu không nhờ cô kèm sát, kêu trả bài thường xuyên và những bài giảng môn bệnh lý rất sâu sắc, có lẽ tôi đã không vượt qua được cái cửa Tú tài NLS.
Thầy Phan Bá Sáu dậy môn Lý Hoá. Thầy là người xứ Huế, khuôn mặt điển trai. Lối giảng bài của thầy thật dễ hiểu cùng tánh tận tụy của thầy khiến những học trò yếu kém như tôi đều đón nhận được. Thầy là một vị thầy hiền hoà và luôn trìu mến với tất cả học trò trong lớp.
Cô Võ Thị Vân dậy môn Vạn Vật. Cô thật nghiêm nghị nhưng cô lại là một nhà giáo mà tôi luôn nghĩ đến. Cô có khuôn mặt giống phụ nữ Nhật Bản qua mái tóc ngắn của cô. Tôi vẫn nhớ bài cơ thể học về trái tim. Cô vẽ trái tim bổ dọc rất đẹp trên bảng với đầy đủ chi tiết và cô đã thuộc lòng vai trò và chức năng của nó. Đặc điểm của cô là ít cười, trông nghiêm nghị khiến những đứa học trò phá và lười như chúng tôi đều ớn. Cô thường vui và tươi hẳn sau khi điểm danh và biết cả lớp đông đủ không ai vắng mặt. Tôi thầm cám ơn nhờ cung cách dậy và nghiêm túc của cô mà tôi khá về môn Vạn vật.
Thầy Châu Kim Lang dậy môn Sử Địa. Thầy đạo mạo và điềm đạm. Thầy giảng bài mạch lạc và chi tiết. Thầy có thể vẽ bản đồ mà không nhìn sách. Tôi còn nhớ khi thầy dậy về nước Hoa Kỳ, thầy nói về tiểu bang California là một vùng đất được nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Có thể nói thầy là một vị thầy có kiến thức rộng và tinh thần mô phạm cao.
Cô Võ Thị Thúy Lan dậy môn Canh Nông. Một cánh hoa mỏng manh, cô xinh đẹp, dịu hiền và thật bé bỏng. Tôi nghĩ cả lớp Mục Súc chúng tôi ai cũng thích giờ học của cô. Mái tóc dài phủ quanh khuôn mặt trái xoan của cô trông cô thật xinh xắn và dễ thương. Đặc điểm của cô là giảng bài rất kỹ và kêu trả bài cũng rất kỹ nhưng bù lại cô cho điểm rộng rãi và cô luôn thân thiện gần gũi với học trò. Ngày xưa chúng tôi vẫn thích được đi bên cạnh cô nhất là trên đường từ lớp về căn nhà cô ở. Chúng tôi hãnh diện vì được đi bên cạnh cô và cảm tưởng như mình lớn hẳn.
Thầy Hồ Phước Hải dậy môn Công Dân Giáo Dục. Thầy cao lớn và có khuôn mặt thông minh nhất là giọng nói của thầy thật âm vang cùng phong cách của một nhà hùng biện. Ngồi nghe thầy giảng bài và kể chuyện là chúng tôi mê tít. Cả lớp chúng tôi ai cũng mong đến giờ lớp của thầy vì chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng, bớt căng thẳng sau các giờ của môn Toán, Lý Hoá. Tánh thầy vui vẻ, hoạt bát và luôn làm cho lớp học vang tiếng cười.
Thầy Lê Quang Minh dậy Toán Lý Hóa năm tôi học đệ Nhất. Thầy có nét đặc thù của người miền Nam. Trong giờ của thầy, ngủ gật là điều thầy ghét nhất và rất nghiêm khắc. Cô bạn “Hương Bé” của lớp tôi đã bị thầy kêu trả bài nguyên năm vì cái tội ngủ gật trong lớp. Tôi vẫn thầm cám ơn thầy Minh vì sự tận tụy của thầy mà tôi có được một số vốn liếng để tiếp tục học hành sau này. Đặc điểm của thầy là giảng bài thật dễ hiểu và là một vị thầy thông minh đúng như tên của thầy.
Thầy Phan Quang Định dậy môn Triết. Một khuôn mặt trẻ trung và nhìn chả có tí gì triết gia cả. Thế mà thầy dậy Triết hay cực kỳ. Tôi mê môn Triết học và dù hôm nào có ốm bịnh hay làm biếng cũng ráng lên lớp để nghe thầy giảng Triết. Tôi còn nhớ một buổi học về đề tài tự do, cả lớp có yêu cầu thầy Định giảng về Tình Yêu. Đây là một lãnh vực mà tuổi trẻ chúng tôi ai cũng thích nghe và thích biết và nhất là tình yêu được nói qua khiá cạnh của Triết học. Thầy giảng cho cả lớp về “tình yêu nhân loại” và “tình yêu tuổi trẻ”. Cả lớp chúng tôi đều mê mẩn về hai đề tài này. Đặc tính của thầy là hay mắc cở và đỏ mặt thế mà đề tài về tình yêu thì vô cùng hấp dẫn và sôi nổi nhưng thầy lướt qua ngon lành và chúng tôi cảm nhận hai giờ Triết của thầy sao thật ngắn ngủi và không thoả mãn hết với những thắc mắc tinh quái và ngây thơ của tuổi trẻ chúng tôi thời đó. Thầy viết rất hay. Thầy là một vị thầy bén nhậy và đầy thân thiện với học trò.
Cô Nguyễn Thị Kim dậy môn Pháp Văn. Một cô giáo đầy cởi mở, vui nhộn và phong cách rất là “Parisien”. Ai đến lớp của cô mà trễ thì giản dị lắm, cô bắt nói tiếng Tây suốt giờ học của cô. Bởi vậy thỉnh thoảng tôi phải nghỉ học luôn hôm đó thay vì đi trễ. Môn Pháp văn là môn sở trường dốt “đặc biệt” của tôi và tôi cứ phải vận dụng cái sở trường “cọp dê” bài của các chị cùng lớp mới qua nổi cái ải này. Cô dậy rất kỹ và đặc biệt nói tiếng Pháp nghe mê và rất thân thiện với học trò nhất là qua những buổi sinh hoạt trong trường.
Thầy Nguyễn Văn Khuy dậy môn Canh Nông thực hành tại vườn nông trại. Thầy có dáng dấp nho nhã của một người miền Bắc. Tôi còn nhớ năm đệ Tam thầy dẫn lớp Mục Súc chúng tôi đi nông trại vì đây là một môn phụ nên một số chúng tôi chễnh mãng và tà tà. Vẫn nụ cười hiền hoà và thầy nói một câu thật giản dị “Nông Nghiệp và Chăn Nuôi đều quan trọng và có nhiều điểm tương quan với nhau”. Một người thầy giản dị, nhẹ nhàng và không có một ranh giới cách biệt lắm giữa thầy và trò, thật gần gũi.
Thầy Nguyễn Văn Vũ dậy môn Việt Văn. Bao nhiêu điều hay, ý đẹp về thầy thì anh Vương Thế Đức đã nói hết trơn rồi. Riêng tôi chỉ biết một điều thật rõ ràng về thầy, đó là thầy Vũ dậy môn Văn tuyệt vời, đến nỗi một trong bốn đứa “quỷ” ngoại trú chúng tôi đêm ngủ nằm mơ đến “thầy Việt Văn”. Thầy giảng bộ môn này thật dễ hiểu, sâu sắc và mang nhiều ý nghiã. Thầy có nét thật hiền hậu, hay cười và luôn khen ngợi tất cả các bài tập của học trò làm.
Đó là những gì ở các vị thầy cô mà tôi không thể quên được đến bây giờ dù đã ngoài 40 năm rồi. Lớp Mục Súc 67-70 của chúng tôi tương đối hiền lành, không phá phách lắm. Nhưng không nhớ tại sao phải mãi đến năm đệ Nhị tôi mới nhận ra trong lớp tôi có nhiều người đẹp như chị Hương lớn, chị Lục Hoàng Nghiêm, chị Lâm Vân Hồng, chị Lê thị Nhài. Còn các chị dễ thương và duyên dáng khác như chị Trần Kim Anh, chị Vương Ngọc Nhân, chị Nguyên, chị của anh Nguyễn Việt Thắng, chị Thương. Tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm với hai chị Nguyên và chị Thương, đã cứu bồ tôi mỗi khi tôi bị lâm nguy về môn Toán và Pháp Văn. Tôi chơi thân với các chị Hồng, Thứ, và Huệ bên ban Canh Nông. Về các chị của lớp trên tôi có chị Lê thị Bình ban Mục Súc, chị thật dễ thương, hát hay và chơi thể thao giỏi nữa. Ban Canh Nông phải nhắc đến các chị của nhóm “Bát Cẩu”, gồm có 8 chị. Ai cũng giỏi và đặc biệt phải nhắc tới chị Cao Xuân Liễu, rất hiền hậu và là một tay đánh cầu lông rất giỏi của trường. Năm 1968, chị Liễu đã thắng giải vô địch cầu lông vùng II chiến thuật.
Bây giờ xin điểm qua các anh Thủy Lâm 67-70, nói chung dân Thủy Lâm cũng hiền lành và giỏi về mặt phá phách thôi.
Có thể vì lớp không có con gái, nên các anh cũng chả đỏm dáng với ai được nên không biết làm gì hơn là đi phá phách và chọc ghẹo chúng tôi. Hoặc những lúc rảnh rỗi thì lại vào rừng đuổi hoa bắt vắt, thỉnh thoảng tìm được vài nhánh lan rừng thì đem về tặng các chị hay các em ở lưu xá E. Nguyễn Triệu Lương là dân “Cậu”, dáng vẻ thư sinh, siêng học. Dương Thái Phương có cung cách đàn anh ta đây và thường giao du với các bạn ngoại trú. Nghịch phá thì phải đọc tên Hồ Công Danh, cặp bài trùng là anh Vương Đình Cảnh, rồi Trần Thanh Nghị, hai người bạn này đã bỏ chúng ta đi vào thời kỳ đỏ lửa. Còn Nguyễn Việt Thắng, tôi vẫn gọi là “Cậu ấm” vì anh được bà chị Nguyên chăm chút rất kỹ. Những khuôn mặt Thủy Lâm này tôi vẫn nhớ và giờ đây tôi đã gặp lại. Ngồi nhắc lại bao kỷ niệm xưa chúng tôi cười vui, thật là quý và đẹp biết bao.
Sau năm 1970 rời trường cho đến nay tôi chưa một lần về thăm trường cũ. Dù thế nhưng trong tôi vẫn thổn thức nhớ về những ngày tháng của 40 năm về trước. Dù chỉ vỏn vẹn 3 năm sống với ngôi trường này nhưng nó lại là một phần đời đáng yêu đáng nhớ của tôi. Rồi bất chợt một ngày cách đây không xa trong tình cờ tôi gặp lại anh Dương Thái Phương. Thật là vui mừng, tôi hỏi thăm từng người và được biết dân Nông Lâm Súc Bảo Lộc định cư rất đông ở vùng Nam Cali, cùng nơi với tôi. Thật là duyên hội ngộ.
Kế tiếp nhân ngày kỷ niệm 2 năm Trang Nhà của Hội, tôi đã gặp lại một số Thầy, Cô và bao bạn bè lớp trên lớp dưới. Lần đầu tiên sau hơn 40 năm được dịp gặp lại Thầy Cô và các anh chị. Thật là một niềm vui và hạnh phúc đến với tôi. Bao nhiêu kỷ niệm về ngôi trường, về lớp học, về cuộc sống lại trở về với chúng tôi. Trong một dịp sinh hoạt khác tôi được nói chuyện và nghe những tâm tình của chị Châu Thị Nga, chị Lê thị Thoại và chị Cao Xuân Liễu. Các chị là những bà mẹ Việt Nam chân chính. Qua bài “Giòng đời” của chị Châu Thị Nga viết cho đặc san số 2 của khoá 20 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam. Tôi nhớ chị đã viết: “Đời cũng dậy cho tôi là bất cứ trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh, những vui buồn đột biến xẩy ra, ta phải tìm cách để đối phó với thăng trầm đó... Bằng bất cứ mọi giá, mọi hoàn cảnh tôi cũng cố tạo cho con tôi có được một cuộc sống tạm đủ về vật chất và phải đến trường... Quá khứ là những thương tâm... Tôi đã và đang cố gắng làm hoà với quá khứ... Hàng tuần tôi tham gia giảng dậy cho một trung tâm Việt ngữ....”. Chị Nga là một goá phụ trẻ từ 1975 với hai đứa con còn quá nhỏ. Chị đã vượt qua được mọi thăng trầm, vấn nạn của một đoạn đời khắc nghiệt khá dài. Vì có lòng tin, sức sống, thêm sự nhẫn nại, chị đã thành công với những gì của riêng chị. Ngày nay gặp lại chi, chị vui vẻ sống động, trẻ trung và yêu đời. Chị lại có nhiều biệt tài như ca hát vũ múa, sân khấu là một phần cuộc vui của chị, đặc biệt hơn chị còn cho mọi người chung quanh chị được cười vui thoải mái với những mẫu chuyện đơn giản và dí dỏm.
Chị Lê Thị Thoại cũng sống một mình nuôi con từ 20 năm nay. Chị hiền dịu vui vẻ. Hiện chị đã nghỉ hưu và sống đời tâm đạo.
Chị Cao Xuân Liễu có một mái ấm gia đình thật hạnh phúc. Chị vui vẻ và luôn thương nhớ về trường xưa, bạn cũ. Chị có nhiều năng khiếu và đã thành công.
Con gái Nông Lâm Súc vẫn luôn làm rạng danh ở bất cứ nơi đâu không phải chỉ ở vật chất mà còn giữ vững hai bản ngã, một bản ngã của chính mình và một bản ngã cho người khác.
Nay nơi xứ người, tôi đã được về lại trường xưa qua những tấm lòng chân thật của các Thầy, Cô, và tất cả các anh chị Nông Lâm Súc. Các bạn đã bỏ công sức, thời gian và tiền bạc để tạo điều kiện cho chúng ta có dịp gặp lại nhau trong tình thầy trò, tình bạn bè hầu tìm lại những kỷ niệm vô cùng quý giá của một phần đời đã đi qua.
Nguyễn Thị Thường
MS 67-70